Maria, mẫu gương của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến
MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC MẾN
I. MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA NIỀM TIN
Bạn cứ tưởng tượng nến bạn là một thiếu nữ Do Thái, sinh trưởng trong một ngôi làng không mấy quan trọng trong một quốc gia nhỏ bé. Một ngày kia, có một sứ thần hiện đến và đề nghị bạn làm Mẹ Thiên Chúa. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Thế mà điều này thực sự đã xảy ra như vậy đối với Đức Maria. Và rồi người đã thốt lên rằng: mọi lời tiên tri đã được viên mãn! Ắt hẳn lúc ấy Đức Maria đã tự nhủ:
- Không biết mình có mơ không? Làm sao Thiên Chúa lại có thể chọn mình để giao cho một trọng trách cao cả nhất mà Ngài đã từng hứa với nhân loại?
Chắc hẳn Maria đã phải phó mặc để cho niềm tin hành động khi thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc. 1,38).
Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy ta rằng: “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì ngài đã dạy… bởi vì Thiên Chúa là chân lý” (GLCG. 1814). Maria đã tin vào lời sứ thần Gabriel bởi vì sự thực này đã được chính Thiên Chúa bảo đảm. Chúng ta không lạ gì khi sách Giáo lý (GLCG. 148) gọi Đức Maria là hiện thân hoàn hảo của niềm tin! Người không thể thấy trước tương lai nhưng chỉ đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Ngay sau khi sinh hạ Đức Giêsu, niềm tin của Đức Maria đã phải đối đầu với đêm đen thử thách: Hài Nhi Giêsu bị tìm giết, gia đình lâm cảnh lưu đầy, bước đường hồi hương xây dựng lại tổ ấm mới. Trong khi dạy Hài Nhi Giêsu tập ăn, tập nói, tập đi, tập đọc và ngày ngày nhìn con lớn lên, chơi đùa, làm việc… ắt hẳn niềm tin nơi Đức Maria phải thật to tát khi nhìn nhận vai trò Con Thiên Chúa trong con người nhỏ bé ấy.
Và khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai, Đức Maria đã nghe về những công việc đầy quyền năng của Ngài và cả những lời phê phán và chống đối. Người đón nhận tất cả với một lòng vững tin, ngay cả khi đứng dưới chân Thập giá đau thương. “Chính vì thế, Giáo hội đã tôn kính Mẹ là người đã thể hiện đức tin tinh tuyền nhất” (GLCG. 149).
Đức Maria củng cố niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa qua những biến cố trọng đại cũng như tầm thường, qua những vinh quang lẫn bi kịch của cuộc đời. Những sướng vui cũng như những đau đớn Người đều đã kinh qua. Với đức tin, Người đã chiến thắng. Người đã vạch sẵn một lối đi đến với Thiên Chúa, chúng ta chỉ cần theo dấu chân Người. Khi gặp nghi ngờ và dao động, chúng ta có thể trở lại với Người để lấy lại can đảm và sức mạnh cần thiết, rồi tiếp tục tin tưởng và tín thác.
II. MARIA, MẸ CỦA ĐỨC CẬY
“Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLCG. 1817).
Kinh Thánh mô tả Đức Maria như một mẫu gương của lòng trông cậy. Người có thể nói, muôn thế hệ sẽ khen Người diễm phúc vì Người đã đặt niềm hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng Người không dựa vào sức mình, chỉ dựa vào “Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” (Lc. 1,47). Người trở thành Mẹ Đức Giêsu nhờ ân sủng Thánh Thần, và như là Mẹ của chi thể mầu nhiệm Đức Kitô, Người đã cầu xin Thánh Thần Thiên Chúa đến với Giáo Hội (Cv. 1,14).
Mỗi tình huống trong đời Đức Maria đều đòi hỏi phải có niềm tin cũng như lòng trông cậy. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng” (Dt. 11,1). Đức Maria phải hy vọng vào lời hứa của sứ thần sẽ được thực hiện nơi Người. Người phải hy vọng cả gia đình Người sẽ trở về bình an từ chốn lưu đầy Ai Cập. Người phải hy vọng khi suy nghĩ những lời khó hiểu của Đức Giêsu trong đền thờ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc. 2,49). Mẹ phải hy vọng Thiên Chúa sẽ dùng mọi cách giúp Mẹ hiểu câu nói đó. Mẹ phải hy vọng sự sống sẽ chiến thắng cái chết khi đứng dưới chân Thập giá.
Niềm cậy trông của Mẹ Maria đã thành hiện thực. Dấu chỉ lớn lao nhất của những hy vọng trên là khi đến hồi viên mãn, Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Việc Người được vinh hiển trên Thiên quốc đoan quyết với chúng ta rằng Đức Kitô sẽ ban sự sống đời đời cho những ai đặt niềm trông cậy nơi Ngài. Với dòng dõi của người tin, Đức Maria là Mẹ của lòng cậy trông. Hôm nay đây, Người khuyến khích ta hãy đặt trọn niềm tin cậy của chúng ta vào lời Thiên Chúa hứa, đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giesu đã thực hiện vì chúng ta và dựa vào nguồn phù trợ của Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vượt qua cõi đời này để đón nhận ngày Đức Kitô quang lâm trong giờ lâm tử của mỗi người chúng ta.
III. MARIA, MẸ CỦA LÒNG MẾN
Thật không có thể lấy hình ảnh nào để gợi cho ta về tình yêu của Chúa hơn hình ảnh của Mẹ Maria và Hài đồng Giêsu. “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình (GLCG. 1822).
Đức Maria không bao giờ để tội lỗi phân cách Người với tình yêu Thiên Chúa. Mẹ đã mở toang cõi lòng cho Thánh Thần đến và đón nhận Đức Giêsu qua quyền năng Thánh Thần. Thánh Tử Giêsu yêu Mẹ hết đỗi vì tình yêu của Ngài thì vô hạn! Còn Mẹ thì yêu con hẳn vô bờ vô bến và chắc chắn đó là mối tình mẫu tử vĩ đại nhất. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định, tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa - Ba Ngôi - lớn hơn tình yêu của bất cứ vị thánh nào. Mẹ đã dạy chúng ta biết phải yêu Thiên Chúa như thế nào.
Bởi vì Mẹ đã được Thiên Chúa yêu quá đỗi, nên Mẹ đã hết lòng đáp trả tình yêu của Ngài và Mẹ cũng hết mực yêu thương chúng ta vì chúng ta là con cái Chúa. Mẹ đã biểu lộ tình yêu ấy ngay khi thụ thai Đức Giêsu. Và khi hay tin sứ thần Gabriel báo cho biết người chị em có tin vui, Mẹ đã vội lên đường thăm viếng. Tình yêu Mẹ Maria dành cho Elizabeth được phản ảnh qua nỗi hân hoan của bà khi Mẹ vừa đến. Mẹ đã ở lại đỡ đần cho Elizabeth ba tháng trước khi bà sanh. Đây quả là một hành vi yêu thương đầy thực tế và rất ý nghĩa. Đức Maria đã dạy chúng ta yêu tha nhân như thế nào.
Bằng chứng rõ rệt nhất của tình yêu tha nhân nơi Đức Maria được thể hiện trên đồi Can-vê. Đức Giêsu rất yêu thương các môn đệ, Ngài lo lắng quan tâm tới các ông, đến độ trước khi chết trên Thập giá, Ngài tin tưởng trao phó các môn đệ yêu dấu cho tình yêu bao la của Mẹ, vì biết rằng Mẹ sẽ yêu họ như yêu Ngài.
Như Chúa Giêsu và Elizabeth, chúng ta cũng được sưởi ấm trong tình yêu của Mẹ. Chúng ta sẽ học được nơi Người cách yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính bản thân. Không có món quà nào tốt đẹp hơn để dâng lên Đức Giêsu bằng một tình yêu theo kiểu mẫu của Đức Maria, Đấng trọn đời đồng trinh…
(Model of Faith, Hope, and Love”, Liguori 1998. Tác giả: Lm. Oscar Lukefahr, CM.)
Jos. Nguyễn Hùng Cường chuyển dịch