Mặc cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Kitô đoái nhìn chúng ta trước tiên

Mặc cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Kitô đoái nhìn chúng ta trước tiên

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngài biết những nỗ lực và hy sinh "của Giáo Hội ở Cuba để mang Lời Chúa Kitô hiện diện khắp mọi nơi, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất".

Đức Thánh Cha cử hành Lễ kính Thánh Matthêu tại Plaza de la Revolución "Calixto García Iñiguez", nằm ở phía đông thành phố Holguín.

Sáng 21/09/2015, Đức Thánh Cha đã rời Havana và đến sân bay quốc tế Frank Pais. Sau đó ngài đi trên chiếc xe Giáo hoàng chào hàng ngàn người vẫy cờ vàng trắng của Tòa Thánh.


Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại việc Thánh Matthêu được biến đổi, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với Đức Thánh Cha. Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha là "Miserando Atque Eligendo" (Được thương xót và được chọn) được trích từ bài giảng của Thánh Bede Đáng kính về lời kêu gọi Thánh Matthêu của Chúa Giêsu.

Bài giảng của Thánh Bede, vốn được đọc trong Lễ Thánh Matthêu, là sự kính trọng lòng thương xót của Thiên Chúa, và có ý nghĩa với Đức Thánh Cha trong hành trình thiêng liêng của ngài.

Ở tuổi 17, người thanh niên trẻ Jorge Mario Bergoglio trải nghiệm trong một cách đặc biệt sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống của mình sau khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Khi được bổ nhiệm Giám Mục, Đức Cha Bergoglio đã chọn khẩu hiệu này để tưởng nhớ sự kiện này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm về cái nhìn của Chúa Giêsu đối với Matthêu khi Chúa gọi ông lần đầu tiên.

Đức Thánh Cha giải thích: "Tình yêu trong cái ánh nhìn của Chúa Giêsu có sức mạnh biết bao, nó biến đổi Matthêu thực hiện những gì ông đã làm! Quyền năng có được trong đôi mắt Ngài làm cho Matthêu bật dậy từ bàn của ông ta!"

Mặc dù là một người thu thuế, bị người  ta xem thường như là kẻ phản bội, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu đã đoái nhìn ông với đôi mắt của lòng thương xót. Đức Thánh Cha nói thêm rằng ánh nhìn này cũng được Đức Kitô ban cho chúng ta.

Ngài nói: "Ngay cả nếu chúng ta không dám ngước mắt trông lên Chúa, Ngài cũng đoái nhìn chúng ta trước tiên. Đây là câu chuyện của chúng ta, và nó cũng giống như câu chuyện của rất nhiều người khác. Mỗi người trong chúng ta có thể nói: "Tôi cũng là kẻ có tội, được Chúa Giêsu đoái nhìn".

Chúa Kitô "đến chính là để tìm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, bất xứng với tha nhân. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu đoái nhìn chúng ta. Chúng ta hãy để ánh nhìn của Ngài bao trùm trên đường lối của chúng ta. Chúng ta hãy để cái nhìn đó trở thành niềm vui của chúng ta, hy vọng của chúng ta".

Đức Thánh Cha nói thêm rằng cái nhìn của Chúa Kitô có thể biến đổi và vượt thắng những định kiến ​​và sự miễn cưỡng đi theo Ngài của chúng ta.

"[Chúa Giêsu] thách đố chúng ta hàng ngày với câu hỏi: "Các con có tin không? Các con có tin rằng một người thu thuế có thể trở thành một người đầy tớ không? Các con có tin rằng một kẻ phản bội có thể trở thành một người bạn không? Các con có tin là con trai của bác thợ mộc có thể là Con Thiên Chúa không?". Ánh nhìn của Ngài biến đổi cách chúng ta nhìn nhận sự việc, con tim của Ngài biến đổi con tim của chúng ta".

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu chiêm ngắm Chúa qua các Bí tích và qua tha nhân, nhất là những người cảm thấy bị loại trừ và bị bỏ rơi. Ngài cũng nhìn nhận những tranh đấu của Giáo Hội tại Cuba để rao giảng Tin Mừng: "Tôi biết những nỗ lực và những hy sinh mà Giáo Hội tại Cuba đã thực hiện để mang Lời Chúa Kitô hiện diện khắp mọi nơi, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất. Ở đây tôi đặc biệt đề cập đến "những ngôi nhà truyền giáo", đã dâng hiến cho sự thiếu hụt nhà thờ và linh mục, nhằm cung cấp cho nhiều người một nơi để cầu nguyện, để lắng nghe Lời Chúa, để dạy giáo lý và đời sống cộng đoàn".

Kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Bác Ái El Cobre, Đấng bảo trợ của Cuba "trông đến tất cả anh chị em, ngôi nhà của anh chị em, gia đình của anh chị em, và tất cả những người cảm thấy rằng họ không có chốn nương thân. Trong tình yêu của Mẹ, xin Mẹ bảo bọc tất cả chúng ta như Mẹ đã từng chăm sóc Chúa Giêsu ".

Tạ Ân Phúc