Làm mẹ lần đầu ở tuổi 25, 35 hay 45 ?

Làm mẹ lần đầu ở tuổi 25, 35 hay 45 ?

 

LÀM MẸ LẦN ĐẦU Ở TUỐI 25, 35 HAY 45 ?

Không chỉ phân tích lứa tuổi nào có thai là phù hợp, tạp chí Parents của Mỹ còn hướng dẫn cụ thể và thiết thực khả năng tài chính, cảm xúc, thể chất để khởi đầu một gia đình ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tuổi nào nên có con?

Lứa tuổi nào là tốt nhất để có một đứa con khỏe mạnh?

Câu trả lời hoàn toàn mang tính riêng tư cá nhân, song khi hỏi nhiều phụ nữ và đàn ông cũng như theo một điều tra gần đây về chủ đề này, bạn sẽ thấy rằng đây là vấn đề nóng bỏng rất được nhiều người quan tâm.

Khi nhà kinh tế học Sylvia Ann Hewlett xuất bản cuốn sách của bà Tạo dựng cuộc sống: Nghề nghiệp phụ nữ và vấn đề con cái ba năm trước, trong đó cảnh báo những phụ nữ trẻ rằng chọn cuộc sống độc thân để phấn đấu cho thành tích sự nghiệp có thể sẽ cướp đi mãi mãi cơ hội làm mẹ của họ, dư luận báo chí lúc ấy đã phản ứng gay gắt luận điểm của Hewlett.

Trong khi diễn ra cuộc tranh luận này, sự nhiệt tình có con của các bà mẹ trẻ đã không hề suy giảm.

Hơn 80% phụ nữ trẻ ở Mỹ lúc bấy giờ đang chuẩn bị làm mẹ, theo một chương trình nghiên cứu của Trường cao đẳng Luật Washington thuộc American University ở Washington DC. Song nhiều người phụ nữ khác vẫn chọn hướng phấn đấu cho nghề nghiệp trước khi có con cái.

Tuổi trung bình của những người mẹ trẻ ở Mỹ hiện là 24,9. Độ tuổi này cao hơn 3,5 tuổi vào khoảng năm 1970. Khoảng năm 1978-2000, độ tuổi sinh sản ở phụ nữ là 35-39 tuổi và ở độ tuổi 40-44 thì cao hơn gấp đôi, theo số liệu của National Center for Health Statistics ở Hyattsville, Mỹ. Các chuyên gia cho rằng việc quyết định làm mẹ ở lứa tuổi 20, 30 hoặc 40 là tùy thuộc vào sức khỏe của bạn, sức khỏe của con bạn, mối quan hệ hôn nhân và khả năng tài chính của bạn. Điều này do các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về trẻ em ở Mỹ khẳng định.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận ở mỗi chặng 10 năm trong độ tuổi có thể làm cha mẹ đều có những thuận lợi và trở ngại riêng. Tuy nhiên cũng có vài điều đáng ngạc nhiên được ghi nhận ở đây. 

Làm mẹ ở lứa tuổi 20

Phụ nữ độ tuổi từ 19-30 có 50% cơ hội thụ thai trong bất cứ vòng kinh nguyệt nào, khả năng mang thai ở lứa tuổi này cao nhất so với những độ tuổi cao hơn.

Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy khả năng mang thai cũng bắt đầu suy giảm vào cuối lứa tuổi 20, không phải ở độ tuổi sau 30 như chúng ta thường suy đoán trước đây.

Theo một nghiên cứu mới đây trên hơn 643.000 phụ nữ thực hiện bởi Danish Epidemiology Science Center ở Copenhagen, Đan Mạch, nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ trong độ tuổi 20-24 ở mức thấp: 9% trên một kỳ thai nghén.

Ở vào tuổi 25, khả năng mang thai trẻ bị hội chứng Down ở mức tương đối thấp: 1/1.250, theo số liệu của March of Dimes in White Plains, New York, Mỹ. Cũng theo nghiên cứu này, những bà mẹ ở độ tuổi 20 có nguy cơ đối mặt với một cuộc mổ đẻ thấp hơn những bà mẹ lớn tuổi hơn khoảng 14%. 

2/3 những bà mẹ trong độ tuổi 25-44 làm việc ít hơn 40 giờ/tuần ở Mỹ, theo một chương trình nghiên cứu của American University, những phụ nữ có con ở độ tuổi 20 có khả năng mất cơ hội kiếm tiền nhiều nhất ở quãng đời này.

"Khi bạn để vuột mất tiền lương, lợi nhuận và nhiều cơ hội thăng tiến khác trong nghề nghiệp, cái giá phải trả cho thiên chức làm mẹ của một phụ nữ Mỹ tốt nghiệp trường cao đẳng có thể lên đến hơn 1 triệu USD", nhà báo Ann Crittenden, Washington DC, tác giả cuốn sách Cái giá của thiên chức làm mẹ, khẳng định.

Phụ nữ ở độ tuổi 20 có nhiều cơ hội kiếm tiền và dành dụm nhiều nhất ở những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học ra đi làm, song lại không có nhiều cơ hội dành dụm khi họ có con ở độ tuổi này bởi tốn kém cho việc nuôi con, theo lập luận của Critenden.

Những ai lập gia đình lần đầu vào độ tuổi vừa qua 20 thường cũng sớm ly dị hơn so với những người đợi đến độ tuổi trưởng thành hơn mới lập gia đình. Song những người lập gia đình ở khoảng giữa độ tuổi 20 có thể có được cuộc hôn nhân mãn nguyện nhất.

Làm mẹ ở độ tuổi 30 

Khả năng sinh sản kém đi sau tuổi 35: có ít hơn 30% cơ hội có thai trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt nếu người phụ nữ có bạn tình cùng lứa tuổi, và kém hơn 20% nếu bạn tình của cô ở vào độ tuổi 40.

Mặc dù khả năng sinh sản của đàn ông ít bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, song khả năng này vẫn suy giảm đáng kể sau tuổi 30, theo các chuyên gia.

Phụ nữ trên 30 tuổi có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ tốt nhất, theo một nghiên cứu của Mỹ, và những đứa trẻ được nuôi bằng sữa của bà mẹ ở tuổi 30 thường có chỉ số IQ cao hơn và sức đề kháng bệnh tật cao hơn cũng như ít bị nhiễm trùng tai, tiểu đường và bệnh suyễn. 

Ở tuổi 30, một phụ nữ mang thai có khả năng sinh ra đứa trẻ bị mắc hội chứng Down với tỉ lệ là 1/1.000, vào tuổi 35 tỉ lệ này là 1/400. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường cao gấp đôi so với tuổi 20 trong suốt thai kỳ đầu tiên, theo nghiên cứu của March of Dimes, Mỹ. 


Cơ hội làm mẹ giảm dần rất nhanh theo độ tuổi ngày càng cao của phụ nữ
 
Theo một nghiên cứu mới thực hiện bởi Trường đại học Texax ở Austin, những bà mẹ sinh con ở độ tuổi 26 - 32 hiếm khi sinh ra đứa trẻ bị khuyết tật hoặc chết non. Những phụ nữ có con trong độ tuổi trên dưới 30 có chiều hướng sống lâu hơn và có những đứa trẻ khỏe mạnh hơn so với những phụ nữ có con sớm hơn.

Phụ nữ có con ở độ tuổi trên 35 sẽ có nguy cơ bị huyết áp cao gấp đôi so với phụ nữ có con ở độ tuổi 20 trong suốt thai kỳ đầu tiên. Các chuyên viên nghiên cứu ở trung tâm y tế Mount Sinai School ở New York đã tìm ra rằng những phụ nữ có thai lần đầu ở tuổi 30 hoặc trên 30 có thể có thai kỳ dài hơn và sinh nở khó khăn hơn, những cơn co thắt chuyển dạ kéo dài và đau đớn nhiều hơn so với thai phụ trẻ hơn. 

Song điều đáng ngạc nhiên là những đứa trẻ sinh đôi hoặc sinh ba bởi những bà mẹ lớn tuổi hơn lại khỏe mạnh hơn những trẻ sinh đôi, sinh ba từ những bà mẹ trẻ hơn, theo một nghiên cứu của Viện Phát triển con người và sức khỏe trẻ em ở Mỹ. Song những bà mẹ trên 35 tuổi có tỉ lệ đến 40% là sinh mổ, cao gấp ba lần so với những bà mẹ sinh lần đầu ở lứa tuổi 20.

Những ca sinh nở đa thai ở những phụ nữ thuộc lứa tuổi từ 35 - 39 gia tăng đến 81% trong những năm từ 1980-1999, theo một nghiên cứu ở Mỹ.

Số gia tăng này là do sử dụng những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên ngay cả những phụ nữ thụ thai tự nhiên, cơ hội song thai cao nhất rơi vào khoảng độ tuổi 35 - 39. Cơ hội song thai càng cao nếu bạn đã từng mang thai trước đó hoặc từng có một cặp em bé song sinh.

Với trường hợp đa thai, nguy cơ sinh nở khó sẽ gia tăng với những khả năng như chuyển dạ sớm, sót nhau thai, trẻ thiếu trọng lượng...

Những phụ nữ dời thời điểm có con lần đầu đến sau 30 tuổi thường có khả năng tài chính mạnh hơn những bà mẹ trẻ. 

"Bà mẹ ở độ tuổi trên 30 thường đã có sự nghiệp vững vàng, kiếm được nhiều tiền và bắt đầu có kế hoạch dành dụm cho quãng đời nghỉ hưu. Họ thường có một nền tảng tài chính vững chắc cho cuộc sống và việc nuôi con", Ruth L. Hayden, chuyên gia về tài chính, đúc kết.  

Những bà mẹ tuổi 40 

Sau tuổi 40, cánh cửa cơ hội mang thai mà không có sự trợ giúp y học đóng lại rất nhanh: cơ hội có thai chỉ còn 5 - 36% mỗi tháng. 

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ngày càng mang lại khả năng có con nhiều hơn cho những phụ nữ ở lứa tuổi 40 hoặc lớn tuổi hơn nữa. Vào giữa thập niên 1980, chỉ có vài trăm đứa trẻ ra đời mỗi năm bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Năm 1999, số trẻ ra đời bằng sự trợ giúp y học tăng vọt lên đến hơn 30.000 trẻ, theo số liệu của Tổ chức American Society for Reproductive Medicine, Mỹ.

Những phụ nữ làm mẹ lần đầu ở tuổi trên 40 có tỉ lệ 60% bị huyết áp cao và khả năng mắc bệnh tiểu đường cao gấp 4 lần trong suốt thai kỳ so với những bà mẹ làm mẹ lần đầu ở lứa tuổi 20. Một nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện những phụ nữ làm mẹ lần đầu ở lứa tuổi 40 đã tăng gấp 8 lần.

Họ cũng chỉ ra rằng nguy cơ sảy thai vào khoảng hơn 50% ở tuổi 42 và khoảng 75% sau tuổi 45. Tuy nhiên, nguy cơ sảy thai sẽ thấp hơn ở những phụ nữ mang thai ở lứa tuổi 40 hoặc cao tuổi hơn nữa với sự trợ giúp của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và trứng được hiến tặng từ những phụ nữ trẻ hơn: vào khoảng 13%, theo nghiên cứu dựa trên 62.000 thai phụ thụ thai nhân tạo thực hiện bởi Trung tâm Disease Control and Prevention ở Atlanta, Mỹ. 

Ở tuổi 40, một phụ nữ mang thai bằng trứng của chính người đó sẽ có nguy cơ 1/100 sinh ra đứa con mắc hội chứng Down. Vào tuổi 45, nguy cơ này sẽ là 1/30, theo một nghiên cứu ở Mỹ. Khả năng này sẽ giảm nhiều đối với những phụ nữ mang thai từ trứng hiến tặng.

Những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ ở lứa tuổi 40 cũng phải hứng chịu rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình chào đời, ví dụ như dễ bị ngạt thở, theo nghiên cứu của Đại học California, Mỹ. Trong suốt thai kỳ cuối sẽ xuất hiện khả năng gia tăng những vấn đề về sức khỏe và cả trong quá trình chuyển dạ, sinh nở cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp đối với những thai phụ tuổi 40. Không loại trừ khả năng sinh ra đứa trẻ bị biến đổi nhiễm sắc thể (quái thai).

Một nghiên cứu ở Đại học Victoria tại Canada trên 5.500 đàn ông và phụ nữ - những cặp vợ chồng lập gia đình lần đầu tiên hoặc lần thứ hai sau tuổi 40 - đã chỉ ra rằng những đứa con chưa đến tuổi đến trường sẽ giúp giảm nguy cơ ly dị của nhiều cặp vợ chồng ở lứa tuổi này.

"Những bà mẹ luống tuổi và những ông bố cùng độ tuổi biết cách thư giãn để giảm stress cao hơn những cặp ông bố bà mẹ trẻ. Họ đã đạt được ít nhiều sự ổn định trong nghề nghiệp và không lo ngại về khả năng vuột mất việc làm. Điều này có nghĩa những cặp cha mẹ lớn tuổi sẽ có nhiều thời gian dành cho con cái hơn những cặp cha mẹ trẻ", Armin Brott - chuyên gia tâm lý Mỹ - cho biết.

Mặt khác, những cặp cha mẹ lớn tuổi có thể có được sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống gia đình vì họ đã có nhiều kinh nghiệm trải qua năm tháng, và những người biết lo toan chăm sóc gia đình là những phụ nữ lớn tuổi.

Tất cả những điều được đề cập trên đây, bao gồm những lời khuyên từ các vị bác sĩ, chuyên gia sức khoẻ cũng như tâm lý, chỉ nên xem như ý kiến tham khảo đối với bạn đọc.

Hãy luôn tìm kiếm những lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ của bạn và liên hệ với những vấn đề sức khỏe của chính bạn cũng như người khác mà bạn biết.

KH.NGỌC (Theo Parents)
(TTO - 01/02/2010)