Kinh Lạy Cha biến đau khổ thành đối thoại
Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về Kinh Lạy Cha trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12/12/2018, gọi đó là một lời cầu nguyện mạnh dạn. Ngài cho hay: “Cha nói mạnh dạn là vì, nếu Chúa Kitô không gợi ý như vậy, có lẽ không ai trong chúng ta sẽ dám cầu nguyện với Thiên Chúa như thế”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng không có lời mở đầu trong Kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện trực tiếp với Chúa mà không có rào cản của sự lo lắng và sợ hãi. Chúa Giêsu không dạy phải thưa với Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài là “Đấng Toàn Năng”, “Đấng Tối Cao”, “Chúa ở rất xa chúng con”, nhưng chỉ đơn giản dùng từ Cha để thể hiện sự tin tưởng gần gũi và hiếu thảo.
Bảy lời cầu cho cuộc sống hằng ngày
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Kinh Lạy Cha được hình thành nên bởi bảy lời cầu, một con số diễn tả sự viên mãn trong Kinh thánh.
Ngài nói rằng mỗi lời nguyện xin trong bảy lời khẩn cầu đều bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế cụ thể của chúng ta về cuộc sống hàng ngày và các nhu cầu cơ bản của nó. Chúng ta cầu xin lương thực để nhắc nhở chúng ta rằng “lời cầu nguyện bắt đầu từ chính cuộc sống”.
Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy chúng ta không bắt đầu khi bụng đã no đầy, mà đúng hơn, nó xuất hiện ở bất kỳ người nào đang đói, đang than khóc, đang tranh đấu, đang đau khổ và đang tự hỏi “tại sao”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói lời cầu nguyện đầu tiên của chúng ta “là tiếng khóc kèm theo hơi thở đầu tiên của chúng ta như là một trẻ sơ sinh, nơi đó, số phận của cả cuộc đời chúng ta đã được công bố: cơn đói không ngừng, cơn khát liên miên và không ngừng kiếm tìm hạnh phúc.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu biến mọi nỗi đau, mọi lo lắng thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, thay vì dập tắt tính nhân văn hoặc gây mê cho sự đau khổ của chúng ta.
Đức tin là thói quen kêu xin. Đức Thánh Cha nêu ra ví dụ về anh mù Ba-ti-mê (Mc 10, 46-52), đã kêu xin Chúa Giêsu, bất chấp những lời trách mắng của những người xung quanh, và được chữa lành. Chúa Giêsu dường như giải thích rằng “nhân tố quyết định trong việc chữa lành cho anh ta là lời cầu nguyện, lời cầu xin đã được kêu lên bằng đức tin, mạnh mẽ hơn ‘ý tốt’ của rất nhiều người muốn anh ta im lặng”.
Một lời cầu nguyện đích thực
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại lý thuyết cho rằng lời cầu nguyện van xin - hoặc cầu xin điều gì đó cho mình - là một hình thức đức tin yếu đuối. Ngài nói rằng lời cầu nguyện là chân thật, là tự phát, là một hành động của đức tin vào Thiên Chúa là Cha. “Thiên Chúa là Cha có lòng thương xót vô hạn đối với chúng ta và muốn con cái mình thưa chuyện với Ngài mà không sợ hãi”
Dưới đây là toàn văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, xin chào!
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, mới được bắt đầu từ tuần trước. Chúa Giêsu đặt lên môi miệng các môn đệ của Ngài một lời cầu nguyện ngắn gọn, mạnh dạn gồm bảy lời cầu - một con số không phải là tình cờ trong Kinh Thánh, mà là con số diễn tả sự viên mãn. Cha nói mạnh dạn là vì, nếu Chúa Kitô không gợi ý như vậy, có lẽ không có ai trong chúng ta - không ai trong số những nhà thần học nổi tiếng nhất - sẽ dám cầu nguyện với Thiên Chúa như thế. Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài đến gần Thiên Chúa và đưa ra một số yêu cầu bằng sự tin tưởng: trước hết là liên quan đến Ngài và sau đó là liên quan đến chúng ta. Không có lời mở đầu trong Kinh Lạy Cha. Chúa Giêsu không dạy các công thức “lấy lòng” Chúa, thay vào đó, Ngài mời gọi cầu nguyện với Chúa bằng cách phá bỏ những rào cản của sự lo lắng và sợ hãi. Chúa Giêsu không dạy phải thưa với Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài là “Đấng Toàn Năng”, “Đấng Tối Cao”, “Chúa ở rất xa chúng con; con là kẻ đáng thương”. Không, Ngài không dạy nói điều này, nhưng chỉ đơn giản gọi là Cha, với tất cả sự đơn sơ, như những đứa trẻ quay về với cha mình. Và từ “Cha” này thể hiện sự tin tưởng và hiếu thảo thuộc đạo làm con.
Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ thực tế cụ thể của con người. Chẳng hạn, lời kinh gợi cho chúng ta cầu xin lương thực, lương thực hàng ngày của chúng ta, một lời cầu xin đơn giản nhưng thiết thực, để nói lên rằng đức tin không phải là một điềy gì đó để “trang trí”, tách rời cuộc sống, chỉ xảy ra khi tất cả các nhu cầu khác đã được đáp ứng. Thay vào đó, lời cầu nguyện bắt đầu bằng chính cuộc sống. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy chúng ta không bắt đầu khi bụng đã no đầy, mà đúng hơn, nó xuất hiện ở bất cứ nơi nào có con người, bất kỳ người nào đang đói, đang than khóc, đang tranh đấu, đang đau khổ và đang tự hỏi “tại sao”. Theo một ý nghĩa nhất định, lời cầu nguyện đầu tiên của chúng ta là tiếng khóc kèm theo hơi thở đầu tiên của chúng ta. Trong tiếng khóc của trẻ sơ sinh đó, số phận của cả cuộc đời chúng ta đã được công bố: cơn đói không ngừng, cơn khát liên miên của chúng ta và công cuộc tìm kiếm hạnh phúc không ngừng của chúng ta.
Chúa Giêsu không muốn dập tắt tính nhân văn trong lời cầu nguyện; Ngài không muốn gây mê nó. Ngài không muốn chúng ta nản lòng bỏ qua những câu hỏi và những cầu xin của mình, học cách chịu đựng tất cả. Thay vào đó, Ngài muốn mọi đau khổ, mọi lo lắng được kêu lên Thiên Chúa và trở thành một cuộc đối thoại.
Một người từng nói rằng có đức tin là thói quen kêu xin.
Tất cả chúng ta nên giống như Ba-ti-mê của sách Tin Mừng (x. Mc 10, 46-52) - chúng ta nhớ lại đoạn Tin Mừng đó, Ba-ti-mê, con trai ông Timê - anh mù ăn xin ở cửa thành Giê-ri-cô. Xung quanh anh có rất nhiều người mạnh khỏe ra lệnh cho anh ta im miệng. “Câm miệng! Chúa đang đi qua. Câm miệng. Đừng làm phiền. Thầy có rất nhiều việc phải làm; đừng làm phiền Ngài. Anh đang quấy rầy bằng tiếng kêu la của mình. Đừng làm phiền”. Tuy nhiên, anh mù đã không nghe lời khuyên đó: với sự kiên định thánh thiện, anh hy vọng rằng tình trạng khốn khổ của mình cuối cùng sẽ cho anh gặp được Chúa Giêsu. Và anh kêu lớn tiếng hơn! Và những người lịch sự nói rằng: “Nhưng không, Ngài là Thầy, chúng tôi xin anh! Anh làm cho mình trông thật tệ!” Và anh ta đã kêu lên vì muốn thấy, muốn được chữa lành.
“Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót con!” (câu 47), Chúa Giê-su chữa cho anh mù sáng mắt và nói với anh ta: “lòng tin của anh đã cứu anh” (câu 52), dường như Chúa giải thích rằng nhân tố quyết định trong việc chữa lành cho anh ta là lời cầu nguyện, lời cầu xin đã được kêu lên bằng đức tin, mạnh mẽ hơn “ý tốt” của rất nhiều người muốn anh ta im lặng. Lời cầu nguyện không chỉ đi trước ơn cứu độ mà còn chứa đựng ơn cứu độ theo cách nào đó, bởi vì nó giải thoát khỏi sự tuyệt vọng của một người không tin vào một lối thoát của rất nhiều tình huống không thể chịu đựng được.
Kế đến, các tín hữu chắc chắn cũng cảm thấy cần phải ngợi khen Chúa. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy cảm thán vui mừng phát ra từ trái tim Chúa Giêsu, tỏ lòng biết ơn đầy ngạc nhiên đối với Chúa Cha (x. Mt 11, 25-27). Các Kitô hữu tiên khởi thậm chí còn cảm thấy cần phải thêm lời ca ngợi vào bản văn Kinh Lạy Cha: “Vì uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời (Didache, 8, 2).
Tuy nhiên, không ai trong chúng ta được yêu cầu chấp nhận lý thuyết mà ai đó trong quá khứ cho rằng cầu nguyện là một hình thức đức tin yếu đuối, trong khi lời cầu nguyện chân thật nhất chính là lời khen ngợi thuần khiết, là tìm kiếm Thiên Chúa mà không phải mang nặng lời cầu xin. Không, đây không phải là sự thật. Lời cầu nguyện là chân thật, là tự phát, là một hành động của đức tin vào Thiên Chúa là Cha, là Đấng Tốt Lành, là Đấng Toàn Năng. Đó là một hành động của đức tin trong tôi, bé mọn, tội lỗi, túng thiếu. Và do đó, lời cầu để nguyện xin điều gì đó là rất cao quý. Thiên Chúa là Cha có lòng thương xót vô hạn đối với chúng ta và muốn con cái mình thưa chuyện với Ngài mà không sợ hãi, trực tiếp gọi Ngài là Cha, hoặc trong những khó khăn, nói với Ngài: “Nhưng Chúa ơi, Chúa làm gì cho con?”, chúng ta có thể nói với Ngài tất cả mọi thứ, cũng như những điều trong cuộc sống của chúng ta bị bóp méo và không thể hiểu được. Và Ngài hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ luôn ở cùng chúng ta, cho đến ngày cuối cùng chúng ta trên trái đất này. Chúng ta hãy cầu nguyện Kinh Lạy Cha, bắt đầu một cách đơn giản như vậy: Lạy Cha. Và Ngài hiểu chúng ta và yêu thương chúng ta biết bao nhiêu.
Tạ Ân Phúc dịch