Khen ngợi và khiển trách trẻ như thế nào?
KHEN NGỢI VÀ KHIỂN TRÁCH TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Để thay đổi hành vi của trẻ, cha mẹ thường thưởng cho các hành vi mà chúng ta muốn trẻ lặp lại nhiều lần, và đưa ra hình thức kỷ luật đối với hành vi không mong đợi của trẻ.
Khi bạn mắng trẻ mỗi khi trẻ giật tai mèo, điều đó có nghĩa là bạn không muốn trẻ làm như vậy nữa. Tuy nhiên, khi bạn mắng trẻ, đó lại là phần thưởng cho trẻ bởi vì bạn đã chú ý tới trẻ (cho dù đó là sự chú ý tiêu cực) của bạn, trẻ không quan tâm tới nội dung mắng mỏ của bạn.
Khi bạn nghĩ tới phần thưởng, bạn thường nghĩ tới kẹo, hoặc một đặc ân nào đó,… Khi bạn nghĩ tới hình thức kỷ luật, bạn thường nghĩ tới cách ly trẻ hoặc đánh trẻ. Nhưng những phần thưởng hoặc hình thức kỷ luật quan trọng nhất lại là sự khích lệ và khiển trách trẻ. Trẻ thường mong muốn làm cha mẹ hài lòng. Lời khích lệ chân thành là một phần thưởng hữu ích, và lời khiển trách nhẹ nhàng (không phải là đay nghiến trẻ) cũng là một hình thức kỷ luật có tác dụng.
Sự khích lệ hiệu quả
Lời khích lệ hiệu quả không chỉ đơn giản là khen gợi con “Con làm tốt lắm” hay “Bố/Mẹ yêu con”. Dưới đây là một số nguyên tắc để bạn có những lời khích lệ hiệu quả.
Khích lệ càng sớm càng tốt. Bạn nên khích lệ ngay khi bắt gặp hành vi mà bạn mong muốn ở trẻ thay vì lờ đi và khen vào lúc khác. Một số cha mẹ lo lắng rằng nếu khích lệ trẻ ngay lập tức sẽ khiến trẻ ngưng hành vi mà cha mẹ mong đợi. Tuy nhiên, cha mẹ có thể đưa ra một số lời khích lệ mà không quyấy rầy hoạt động đang diễn ra của trẻ, và những lời khích lệ đó sẽ có xu hướng giúp trẻ tiếp tục hành vi mà bạn mong đợi lâu hơn.
Khích lệ một hành vi cụ thể. Những lời khích lệ chung chung khiến trẻ không biết trẻ đang làm cha mẹ hài lòng vì điều gì. Trong trường hợp đứa con 14 tuổi của bạn ghi bàn trong một trận đá bóng ở trường, nếu bạn chỉ khích lệ chung chung “Bố/Mẹ tự hào về con”, trẻ sẽ không biết bạn tự hào về những cố gắng hay thành tích của trẻ. Thay vì vậy, bạn có thể nói “Bố/Mẹ tự hào bởi con đã luyện tập chăm chỉ và bố/mẹ rất vui vì con đã được đền đáp xứng dáng.” Những lời khích lệ chung chung như “Con là một cậu bé rất giỏi” sẽ không giúp trẻ duy trì những hành vi tích cực; và trên thực tế, những lời khích lệ chung chung lại có mặt tiêu cực nếu trẻ cảm thấy mình phải làm điều gì đó để thử nghiệm lời khích lệ của cha mẹ “Liệu mình có còn là cậu bé giỏi không nếu mình không làm bài tập về nhà nữa?”
Nói chuyện về những hành động của trẻ tác động đến cảm xúc của bạn. “Bố/Mẹ rất vui khi con giúp bố mẹ lau dọn nhà cửa” sẽ hiệu quả hơn là “Con làm việc tốt đấy”. “Khi con có tính thần trách nhiệm với phòng của con, bố/mẹ sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Bố/Mẹ cảm ơn con.”
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý đến những lời tưởng chừng như khích lệ “Ồ, con rửa bát đĩa sạch đấy. Tại sao con không làm công việc này mỗi tối nhỉ?”, nhưng thực chất đó là lời phàn nàn. Trẻ phải nghe những lời khích lệ kiểu như vậy thường cảm thấy rằng chúng luôn luôn bị khiển trách.
Những lời khiển trách hiệu quả
Khiển trách trẻ hiệu quả cũng có những nguyên tắc tương tự. Bạn nên khiển trách trẻ ngay lập tức, cụ thể và có thể hiện cảm xúc của cha mẹ. Bạn cũng nên để trẻ biết rằng hành vi của trẻ có tác động tiêu cực như thế nào: “Khi con quát to với mẹ, mẹ rất buồn” sẽ hiệu quả hơn ra lệnh “Con không được hét to với mẹ nữa!”.
Điều quan trọng khi khiển trách trẻ (quan trọng hơn cả khích lệ trẻ) là tập trung vào một hành động cụ thể. Những lời khiển trách chung chung kiểu như “Con không bao giờ dọn dẹp phòng” hoặc “Con thật là thô lỗ” sẽ khiến trẻ tỏ ra chống đối và sẵn sàng tiếp tục lặp lại vào lần sau. Những lời khiển trách chung chung khiến trẻ cảm thấy không tốt về bản thân và không có hy vọng để cải thiện những hành vi đó. Trẻ sẽ có lý do “Đằng nào thì mình cũng bừa bộn rồi, mình luôn luôn là người bừa bộn, nên mình không cần phải cố gắng nữa.” Ngược lại, lời khiển trách cụ thể sẽ giúp trẻ thấy rằng trẻ có cơ hội để thay đổi “Lần này mình làm sai, nhưng lần sau mình sẽ làm khác đi.”
Cân bằng giữa khích lệ và khiển trách
Bạn nên sử dụng khích lệ và khiển trách theo tỉ lệ 10:1, tức là nếu bạn khích lệ 10 hành động tốt của trẻ mỗi ngày thì chỉ có một hành động cần khiển trách. Lời khích lệ sẽ giúp trẻ biết trẻ cần làm gì. Trẻ càng cư xử theo cách đáng được khích lệ, bạn càng bớt phải khiển trách trẻ. Nếu suốt ngày trẻ phải nghe những lời tiêu cực, trẻ sẽ từ bỏ mọi cơ hội thay đổi.
Biên dịch: Ngô Thu Hiền
Nguồn: Drspock