Kể câu chuyện Chúa Giêsu bằng văn hóa Việt Nam
Chuyên đề chiều Thứ Bảy:
KỂ CÂU CHUYỆN CHÚA GIÊSU BẰNG VĂN HÓA VIỆT NAM
“Nhật Ký Truyền Giáo”, “Viết Cho Em” là những quyển sách đã quá quen thuộc đối với người Công Giáo trong nhiều năm và chắc hẳn, nếu ai đã từng đọc qua những quyển sách này thì không thể nào quên được tác giả quyển sách, cha Piô Ngô Phúc Hậu. Ngài còn là tác giả của tập sách “Nhật ký Đức Giêsu” và mới nhất là “Dấu Chân Thầy”. Phảng phất trong các tác phẩm của ngài luôn là những câu chuyện chân thực đặc trưng Nam Bộ với giọng văn dí dỏm, mộc mạc, gần gũi nhưng không thiếu phần thuyết phục bằng sáng kiến và kinh nghiệm truyền giáo trên bước đường lặn lội đến mọi ngõ ngách, đến những nơi nghèo khổ của miệt sông nước Cà Mau.
Nhân dịp Khánh Nhật Truyền Giáo, mừng Năm Thánh 2010, hôm thứ Bảy 23/10/2010, Ban Mục Vụ Gia Đình đã tổ chức buổi chia sẻ đề tài “Cả nhà thời @ cùng truyền giáo” do Cha Piô “Tám Hậu” thuyết trìnhvới dụng cụ là cục phấn vẽ minh họa và những câu chuyện bình dị của đời sống miền sông nước. Khởi đi từ Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, “Kể chuyện Chúa Giêsu” là chính, là ý lực xuyên suốt của buổi chia sẻ, và đây cũng là kim chỉ nam trên bước đường truyền giáo bằng đôi chân cuốc bộ hoặc trên những chiếc tắc ráng len lỏi vào những nhánh sông đến với lương dân.
Hôn nhân Công Giáo một vợ một chồng là một bản thiết kết có từ muôn thuở, sống được hạnh phúc một vợ một chồng trong gia đình đã là truyền giáo. Bàn tay Thiên Chúa an bài để cho công trình sáng tạo tồn tại và phát triển, bắt đầu từ loài thực vật, đến động vật và con người.
Bằng hình ảnh một bông hoa được vẽ từ đôi bàn tay khéo léo (vẽ cùng lúc hai tay) với những nét chấm phá đơn giản, Cha Piô minh họa loài thực vật bằng một bông hoa rất đẹp, có mùi hương, nhờ có mùi hương làm cho ong đến hút mật, trong quá trình hút mật ong đem hạt phấn đến noãn sào tạo nên quá trình thụ phấn và sau đó hoa phải rụng đi để trái non lớn lên và phát triển. Tùy theo loài mà trái này được rơi xuống đất và mọc lên cây mới, có những loài cho trái ngon để con người ăn và dùng hạt để gieo trồng cây mới. Nói chung loài thực vật tồn tại và phát triển mà không có tình yêu, không có tình dục mà chỉ có tình cờ.
Đối với loài động vật, chúng tìm đến nhau để sinh sôi nảy nở, tồn tại và phát triển, nhưng chỉ có tình dục, chúng chỉ có một chút tình yêu từ mẹ, ví dụ như gà mẹ, chó mẹ do loài động vật trực tiếp nuôi con sau khi sinh trong khoảng thời gian ngắn. Các con vật thường chỉ có mẹ mà không có bố.
Loài người có tình yêu giữa nam và nữ: con trai mê sắc, con gái mê tài, yêu nhau, cưới nhau, sinh con, nuôi con lớn. Người ta yêu nhau đến độ có thể chết vì nhau do không cưới được nhau. Tình yêu đến trước tình dục và chan hòa với nhau, qua đó sản sinh con cái để tồn tại và phát triển. Tình dục chỉ là phương tiện để Chúa thánh hóa đôi vợ chồng (video clip vẽ hình:http://www.youtube.com/watch?v=KqrG1xJqm88).
Ở loài thực vật chỉ có tình cờ, ở động vật chỉ có tình dục, sang đến con người vừa có tình dục, vừa có tình yêu. Tình yêu không chỉ nảy sinh giữa lứa đôi, giữa bố con, mẹ con, mà còn cả ông bà với con cháu, rồi anh em, chị em, cô chú bác rồi lan sang tình yêu xóm giềng, tình yêu đồng loại, đồng bào, đồng đạo. Bản chất của tình yêu vợ chồng, của hôn nhân từ muôn thuở là một vợ, một chồng, nếu có chia sẻ hay làm khác đi là do bản chất yếu đuối, bất toàn của con người. Ngày nay, vấn nạn ly dị là đi ngoài thiết kế của Thượng Đế, ly dị là thảm họa của xã hội vì hầu hết các thiếu nhi phạm phát là con của các cặp vợ chồng ly dị, hoàn cảnh bất hạnh.
Khi truyền giáo cho người lương, thường do không hiểu về đạo nên họ thường bảo rằng đạo Chúa gì mà kỳ cục vì ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu. Cần phải giải thích về bí tích Thánh Thể nhiệm mầu bằng hình ảnh gần gũi để hóa giải sự kỳ cục biến thành kỳ diệu.
Câu chuyện mẹ mang thai và nuôi con có thể hoá giải sự kỳ cục đó: khi người mẹ mang thai đứa con, mẹ nuôi con bằng nhau thai 278 ngày trong bụng để con phát triển từ 2 gram đến 3,6 kg bằng máu mẹ. Máu trong bụng mẹ được lọc rất tinh tuyền để đưa vào cơ thể con cho con lớn. Khi sinh con ra, mẹ nuôi con bằng sữa trong thời gian khoảng 365 ngày. Sữa mẹ cũng là máu thịt của người mẹ được Thiên Chúa bào chế dưới dạng sữa. Nói chung mẹ nuôi con bằng máu thịt của mình nhưng dưới một dạng khác nên không kỳ cục chút nào mà là sự kỳ diệu.
Người ta thường nói tình mẫu tử là tình đẹp nhất trên đời, trong đó 2 yếu tố mà người mẹ muốn dành cho con chính là muốn hai thành một và muốn mãi mãi bên nhau. Khi Chúa Giêsu yêu ta thì cũng muốn hai thành một và mãi mãi mãi bên ta. Chúa Giêsu đã bào chế để lúa mì thành thân thể Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài. Thịt máu Chúa nuôi ta qua Bí tích Thánh Thể thành râu ta, tóc ta, thành máu thịt trong cơ thể ta, Chúa ở mãi trong ta.
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54), “lời gì mà nghe chói tai quá”, những người theo Chúa Giêsu xưa kia đã bỏ Ngài mà đi vì họ không hiểu được sự kỳ diệu trong Bí tích. Bổn phận của người truyền giáo là phải làm cho lương dân hiểu rằng đó là bí tích kỳ diệu chứ không phải là sự kỳ cục. Y như công trình Chúa đã tạo ra nơi người mẹ nuôi con, Chúa đã thiết kế để biến máu, thịt người mẹ thành làn sữa ngọt thơm nuôi con thì lúa mì và rượu nho là thịt và máu Chúa để nuôi ta, công trình Chúa làm nơi người mẹ đối với người con kỳ diệu thế nào thì Chúa làm cho ta nơi Bí tích Thánh Thể càng kỳ diệu biết bao nhiêu. Đó là câu chuyện để giải thích Bí tích Thánh Thể nhiệm mầu cho người lương không hiểu lầm mà là hiểu đúng để từ đó họ xin gia nhập đạo.
Gia đình có nhiều cách truyền giáo, chẳng hạn khi con được Rước Lễ lần đầu hãy mời người ngoại đi lễ, rồi mở tiệc mừng để cho con mời thầy cô, bạn bè đến dự và nhân dị đó cha mẹ nói về chuyện đạo, về chuyện bí tích kỳ diệu.
Hãy mời người lương đi dự lễ khi có cơ hội! Vào một dịp 20 tháng Mười Một, ngày Hiến Chương Nhà Giáo, cha Piô đã mời các thầy cô giáo của các em thiếu nhi đang học giáo lý trong xứ tham dự Thánh Lễ để cám ơn các thầy cô với lời giải thích rằng chúng tôi chỉ có món quà cao quý nhất là Thánh Lễ, chúng tôi dâng Thánh Lễ để xin Chúa chúc lành cho các thầy cô, các cô đã khóc vì cảm nghiệm được ý nghĩa của Thánh Lễ. Tính trang nghiêm trong Thánh Lễ cũng chinh phục được lòng người vì nghi lễ phụng vụ có những lúc mọi người cùng đứng, cùng ngồi, cùng qùy và nhất là cùng thinh lặng.
Trong công tác truyền giáo, Cha Piô thường chỉ mời gọi rủ rê chứ chưa bao giờ mời bằng thiệp, trong chiều hướng hãy mời người lương đi dự lễ, năm 2002, ngài đã họp Hội đồng Mục vụ giáo xứ để dâng Thánh Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo trong đó mời gọi cứ một giáo dân thì mời một người lương đến tham dự Thánh Lễ. Mời theo ý nghĩa là rủ rê láng giềng chòm xóm, nhưng khi triển khai, Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ in thiệp mời hẳn hoi, nhà thờ dự trù được 400 chỗ, thì 200 giáo dân mời 200 người lương là kín chỗ, nhưng khi phát thiệp thì lại xảy ra tình trạng mời người này sao không mời người kia, thế là phải in thêm 200 thiệp nữa. Khi phát hết thiệp rồi, HĐMVGX báo cáo lên rằng những người chưa có thiệp, không được mời họ cũng muốn đi. Lo nhiều hơn mừng vì khi rủ rê người ngoại đến nhà thờ thì dễ, ít bị để ý, đằng này nhà thờ chỉ chứa được 400 chỗ mà đã hơn 400 lương dân đến dự, chưa tính số giáo dân của xứ, lại không xin phép chính quyền. Thế là bao nhiêu khó khăn, bác Tám Hậu đã dâng lên Đức Mẹ, xin mẹ là Tổng chỉ huy Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo vì bao nhiêu lo toan, bất trắc sợ rằng con người không gánh nổi. Lễ Truyền Giáo, lương dân giáo dân đến chật kín nhà thờ, có cả cán bộ xã, cán bộ huyện. Trong Thánh Lễ ngoài việc giới thiệu về đạo, về giáo lý, cha còn giới thiệu Đức Mẹ là người đã che chở để mọi việc êm xuôi, và để tỏ lòng thành, ngài xin các giáo dân thắp nén hương cảm tạ. Tuy là mời giáo dân nhưng hầu hết người lương đã xếp hàng nối đuôi nhau để thắp hương cho Mẹ, ngay cả ông chủ tịch xã cũng dâng hương. Đó là một Thánh Lễ Truyền Giáo thật đáng nhớ.
Tạo sao phải đi lễ, phải tham dự Thánh Lễ? Cần giải thích Thánh Lễ dựa trên văn hóa dân tộc và giải thích giáo lý bằng cách kể câu chuyện Chúa Giêsu và theo phương pháp của Chúa Giêsu.
Chuyện Gia đình: Gia đình với mái nhà là nơi sum họp, khi con cái đến tuổi trưởng thành thường đi làm xa, và ngày Tết thường là dịp để con cái quy tụ về mái nhà của mình để bày tỏ đạo hiếu với cha mẹ. Đã về thăm nhà dĩ nhiên phải có quà, vì thương cha mẹ nên tặng quà, cũng có thể tặng quà vì biết ơn, vì đền tội với mẹ cha hay làm ăn bết bát quá thì tặng ít để có cớ mà xin thêm cha mẹ.
Chuyện Nhà Chúa: Nhà thờ là nhà Chúa, nhà Cha, con Chúa khắp nơi về nhà thờ để tỏ lòng hiếu thảo, về nhà thờ cũng để tặng quà cho Chúa. Vậy quà tặng cho Chúa là gì? là hoa, là tiền bạc, hay là lòng thành kính? Đó chính là dâng “người con yêu dấu”, là dâng Chúa Giêsu lên Cha trên Trời.
Đi lễ là dâng Chúa Giêsu lên Cha, nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu. Dâng Lễ vì thương Chúa, biết ơn Chúa, đền tội và xin ơn, mọi tâm tình đều dâng lên Chúa. Văn hoá Việt Nam tôn trọng đạo hiếu, đi lễ là thể hiện đạo hiếu với Chúa. Thiên Chúa là Cha, ngày Chúa Nhật đi lễ là hiếu thảo với Cha trên Trời. “Cứ mời người lương đi dự lễ”, đó là lời mời gọi và là áp dụng thực tiễn truyền giáo. Khi mời gọi cần phải giải thích thế nào là đi lễ cho người lương hiểu để họ tham dự.
Hãy truyền giáo bằng những câu chuyện kể, những đứa con trong gia đình Công Giáo cũng có thể truyền giáo bằng cách kể chuyện cho chúng bạn nghe, hãy chỉ cách cho con mình kể chuyện. Khi truyền giáo hãy kể chuyện cho lương dân để họ biết rằng Ông Trời cho chúng ta nhiều lắm nhưng chúng ta không thấy, hãy chỉ cho họ biết để họ cám ơn Ông Trời. Có thể minh họa bằng câu chuyện về mặt trời. Mặt trời chiếu rọi ánh sáng 5.000 độ C xuống lá cây, tạo thành diệp lục tố, thải oxy cho chúng ta thở và hấp thụ trở lại CO2 do con người thải ra, từ đó nuôi sống con người. Cây cối còn sinh hoa thơm, trái ngọt để con người có của ăn. Tất cả đều do có mặt trời, có mặt trời là có nắng, nắng chiếu rọi xuống nước, nước bốc hơi lên thành mây và mây lại tạo ra mưa. Mặt trời là quà tặng cao qúy của ông Trời, là Thiên Chúa toàn năng. Vì vậy hãy cám ơn Ông Trời, và gọi Thiên Chúa là Cha. Con người ta có thể nhịn khát 8 ngày, nhịn đói 100 ngày nhưng chỉ có thể nhịn thở trong 5 phút. Đây là câu chuyện khoa học chứ không phải là mê tín dị đoan. Câu chuyện này được Cha Piô kể cho người ngoại nghe, họ đã hiểu và xin gia nhập đạo. Con nít cũng kể được câu chuyện này cho bạn bè nó nghe, để chỉ cách cho bạn nó cám ơn Ông Trời, để bạn nó tò mò, từ đó rủ đi lễ, gia nhập đạo.
Ngay trong gia đình có thiếu gì cách truyền giáo, hãy kể những câu chuyện lặt vặt, gần gũi với đời sống. Kể chuyện Chúa Giêsu là kinh nghiệm của một linh mục đã lặn lội suốt 30 năm truyền giáo nơi miền sông nước. Tuy nay tuổi đã cao, một mắt đã hư, một tai đã điếc, nhưng vẫn sang sảng với những câu chuyện đặc chất Nam Bộ đầy hóm hỉnh, luôn tạo được tiếng cười giòn giã, được minh họa bằng con tôm, con cá, bầy heo, bầy vịt, cái lợp, cái chum, chiếc tắc ráng… Kinh nghiệm Truyền Giáo đã có, những câu chuyện dễ nghe, dễ thuộc, dễ hiểu cũng đã có với những phương tiện truyền thông gần như có thể truyền tải đến mọi ngỏ ngách của thế gian, nhưng chúng ta có can đảm nói ra để hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp tứ phương thiên hạ?
Sài gòn, ngày 27/10/2010
Nguyễn Hoàng Thương