Hôn nhân, quyền người nam

 

HÔN NHÂN, QUYỀN NGƯỜI NAM

Trong nét đẹp truyền thống gia đình xưa, chưa đề cập đến những góc cạnh lợi dụng quyền trưởng nam, hay óc gia trưởng của người nam. Trong đề tài này sẽ đề cập đến những khía cạnh ấy.

Ngày hôm nay, nhìn lại những góc cạnh của gia đình xưa, một vấn đề luôn được xem như là đề cao vai trò của người nam trong việc: “đi tìm bạn đời để thừa ngã tôn sự”. Có một thực tế, khi nhấn mạnh vai trò người nam, người nữ lại luôn chịu sự xem thường và có khi lại bị lạm dụng như một hình thức nô lệ. Đâu là con đường Đức Tin hội nhập văn hóa để thăng tiến hôn nhân và phẩm giá người nữ được tôn trọng.

I. ĐẠO DỤ DƯỚI TRIỀU HỒNG ĐỨC ( 1460 – 1497 ):

Dưới triều Hồng Đức một đạo dụ được công bố ấn định tỉ mỉ các thể thức về việc hôn nhân. Ngoài lễ cheo còn có bốn lễ khác được nhắc tới.

-    Lễ nghi hôn: Đây là lễ thảo luận và quyết định về việc hôn nhân. Việc cưới gả con đặc biệt là do cha mẹ, việc này có tầm quan trọng trong việc nối dõi tông đường; họ tước quyền quyết định của con cái. Thảo luận là để xem xét những điều kiện tương hợp về gia cảnh và gia phong của hai họ, sau đó họ trao đổi cho nhau ngày giờ tháng năm sinh của hai trẻ. Việc cho nhau biết về ngày tháng năm sinh để cùng nhau bàn bạc với những người có tiếng là thông thạo hoặc là thầy bói để xem có hạp hay là khắc nhau, khi hạp nhau thì cử hành vào ngày nào giờ nào là tốt. Sự đồng thuận giữa hai gia đình chiếm vị thế quan trọng hơn sự đồng thuận của hai người dự định kết hôn với nhau. Việc hôn phối chịu sự chi phối của các thầy bói, nên cũng nhiều phiền toái và hơn nữa cũng chịu sự chi phối của làng xóm “người nói ra người nói vào”.

-    Lễ định thân: lễ định thân là lễ định quan hệ thông gia. Cha mẹ bên đàng trai kính cáo ông bà tổ tiên ở từ đường, xong đến nhà gái với của lễ “vấn danh” ( hỏi tên ). Gia trưởng đàng gái tiếp đón và mời gia đình đàng trai vào nhà cùng với của lễ đặt trên bàn thờ gia tiên để kính cáo ông bà bên đàng gái. Sau đó cùng vái hai lạy, nghi thức kết thúc. Trong lễ định thân không cần sự có mặt của người nam cũng được, nếu bên đàng gái nhận của lễ đặt trên bàn thờ gia tiên thì đó là việc bày tỏ sự ưng thuận, ngược lại là hôn nhân bị từ chối. Sau buổi tiệc bên đàng gái, đàng trai trở về từ đường của mình kính cáo lại việc vừa mới diễn ra tại đàng gái. Hình thức này cũng gọi là “lễ hỏi”. Sau khi đàng trai về bên đàng gái chia của lễ thành những phần nhỏ để gửi cho họ hàng và thông báo về việc hôn nhân của con gái họ.

-    Lễ nạp chưng: là một nghi lễ kính cáo tổ tiên của cả hai bên về mọi việc đã sắp xếp xong, ngày giờ tân nghinh đã được định.

-    Lễ tân nghinh: vào ngày đã định, người chủ trì hôn lễ bên nhà trai vào cáo yết từ đường, rồi cho chú rể uống một chén rượu và ban lệnh đi tìm vị hôn thê: “Con hãy đi tìm bạn đường của con để thừa ngã tôn sự, lo việc lớn cho ta; con hãy tuân thủ các nghĩa vụ theo luật định xưa nay”. Người con trai trả lời: “vâng, con chỉ sợ mình không đủ sức ( để chu toàn các nghĩa vụ ấy ); con sẽ không quên lời người dạy bảo”.

Tới nhà gái, chàng rể đứng một nơi danh dự, phòng ngoài. Gia chủ nhà gái trình báo gia tiên ở từ đường, rồi trao rược cho con gái, dặn dò. Đến lượt bà mẹ cũng khuyên bảo đôi điều, rồi dẫn con gái ra, thân phụ chú rể xin cùng gia chủ cô dâu xin được thắp hương kính bái tổ tiên. Khấn vái xong, chú rể lạy ba lạy trước bài vị tổ tiên cô dâu, cô dâu sau đó cũng vái lạy. Sau đó cả hai cùng vái lạy cha mẹ cô dâu, cùng lúc đó cha mẹ cô dâu tặng quà cho con. Nghi thức rước dâu, hai cụ già được xem như là song toàn đi trước đoàn rước với lư hương, hộp trầu. Việc đưa dâu được tiến hành đi về nhà trai. Khi đến nhà trai, cô dâu vào trước, chú rể theo sau, người ta mời trà, thân phụ chú rể kính báo gia tiên. Cả hai sau đó đến vái lạy gia tiên, song thân của chú rể, cô, chú bác. Tặng quà và tham dự tiệc cưới. Hôn lễ chấm dứt, đôi vợ chồng mãi mãi kết hợp.

-    Nộp cheo: vài hôm sau lễ cưới, người chồng phải nộp tiền cheo cho làng, có nơi chỉ nói miệng có nơi thì cho một tờ giấy nhận và có thể xem là giấy giá thú.

Quyền Của Người Nam

Hôn nhân đặt trọng vấn đề đối với người nam: “Con hãy đi tìm bạn đường của con để thừa ngã tôn sự, lo việc lớn cho ta; con hãy tuân thủ các nghĩa vụ theo luật định xưa nay”. Thừa ngã tôn sự, ở đây được hiểu là “hãy sinh cho dòng họ thật nhiều con trai”. Nếu không vì hiếu đạo thì đây là một hình thức xem thường người phụ nữ bậc nhất.

-    Văn bản pháp định năm 1495 có nêu bảy trường hợp được rẫy vợ: Không có con trai, là thiếu lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, bởi thế người ta có thể rẫy vợ vô sinh. Khi vợ bị bệnh phong, cản trở việc cúng cơm cho các vong linh... Một vấn đề ghi nhận là những văn bản pháp lý cho tục đa thê, những luật được rẫy vợ, là do những người đàn ông. Do đó, người phụ nữ trở thành nạn nhân của những luật lệ do đàn ông đưa ra, còn đàn ông thực sự là không ai được đụng đến. Với pháp định như vậy, xét theo vai trò của người nữ là có bổn phận phải sinh thật nhiều con trai. Người phụ nữ bị xem thường như một chiếc máy đẻ, để chồng có thể thao túng: “năm thê bảy thiếp” ? thật là khủng khiếp khi người ta lạm dụng hiếu đạo để thoả mãn sự đam mê tính dục của mình. Những người có năm thê bảy thiếp trong xã hội cũ lại là các bậc vua, quan, giàu có. Trong một bối cảnh quan niệm chung của dân: “quan chi phụ mẫu”, bậc vua quan như thế, ắt hẳn nhà tan cửa nát, bởi chính vì cái hậu cung của mình. Thành thật mà xét xem loạn từ đâu đến, từ trong chính cái gia đình của vua. Vào những năm của pháp định 1495 trước đó không lâu xảy ra vụ án là nỗi nhục muôn đời: “Vụ án Lệ Chi Viên, ngày 16.8.1442, triều đình cho lệnh giết chết quan Hành Khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba đời”.

Nguyên nhân là sự dâm dục vô độ của nhà vua, lúc 15, 16 tuổi nhà vua đã có một hậu cung gồm năm bà vợ chính thức: Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Thị Ngọc Dao, Lê Nhật Lệ, chưa kể đến hầu thiếp. Quyền bính hậu cung dường như nằm trong tay Nguyễn Thị Anh, các bà hoàng đều lần lượt bị bà Nguyễn Thị Anh hãm hại: Lê Sát là thân sinh của bà Lê Thị Ngọc Dao chịu án bức tử tại nhà, tài sản bị tịch thâu. Giết hại Nguyễn Trãi vì Nguyễn Trãi là người cưu mang bà Ngô thị Ngọc Giao. Sự kiện chưa dứt bởi có nghi vấn chính bà Nguyễn Thị Anh đầu độc vua Lê Thái Tông, đổ vấy tội cho bà Nguyễn thị Lộ, để đưa con là Bàng Cơ lên ngôi, ngày 4.8.1442 vua mất, ngày 12.8.1442, Bàng Cơ lên ngôi tức là vua Lê Nhân Tông. Ngày 3.10.1459, Lê nghi Dân là con của bà Dương Thị Bí, trước đây bị hạ bệ xuống hàng thứ dân, vào cung giết chết vua Lê Nhân Tông. Hôm sau, giết luôn bà Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh. Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến sự suy sụp của nhà Lê.

-    Từ tục đa thê đến việc mại dâm. Tục lệ đa thê là một trong những nguyên do dẫn đến việc mại dâm. Mại dâm là một hình thức giải quyết hưởng thụ dục tính của người nam ở nhiều tầng lớp khi không có điều kiện để hợp thức hóa sự mua bán dâm qua việc lấy nhiều thê thiếp. Xóa bỏ chế độ đa thê cũng là việc kêu gọi con người biết tôn trọng phẩm giá của con người, góp phần vào việc tẩy trừ nguyên nhân mại dâm trong xã hội.

-    Đã từng có những người vợ chỉ là một thứ nô dịch ở trong gia đình, điều này khởi đi từ việc “bán con gả ép”, dựa vào lễ nghi hôn để biến thành một sự mua bán, biến gia đình trở thành đơn vị cơ bản quyền lực cá nhân của người đàn ông. Không thể đem việc áp đặt người phụ nữ sống trong chế độ đa thê gắn với việc tôn trọng tập quán của một dân tộc, cũng không thể gắn việc áp bức người phụ nữ trong gia đình là vấn đề riêng tư của gia đình ấy. Quyền có nhiều vợ được pháp luật cho phép, nhìn dưới khía cạnh “gả ép bán con” là một hình thức nô lệ. Khi những người con gái được đem bán trong cuộc hôn nhân thông qua tập quán đòi của hồi môn hoặc thách cưới thì các cô được mua về sẽ trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình họ, như vậy, cái cuộc đời làm vợ sẽ mang tính chất trả nợ cho gia đình chồng.

-    Nguyên nhân đưa đến vấn đề gả ép này là do phần lớn người nữ không được gia đình chuyên chú cho họ được học, vấn đề nữa là trong môi trường “nam nữ thụ thụ bất thân”, người con gái chịu sự giam hãm ngay tại gia đình, không có nhiều tương quan để lựa chọn. Người con gái Việt trong hôn nhân thường nhắm mắt đưa liều, tuỳ ý cha mẹ xếp đặt. Có khi cay đắng: “Mẹ em tham thúng xôi dền. Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Mẹ em tham thúng bánh chưng. Tham con lợn để em lưng chịu đòn”.

-    Bạo lực trong gia đình. Thật là khủng khiếp đằng sau việc lạm dụng “đóng cửa nhà dạy nhau”. Một phương tiện để bảo vệ thanh danh cho gia đình nhưng đồng thời cũng là một phương tiện để người đàn ông thao túng quyền hành trong gia đình của mình. Việc đánh đập vợ một cách dã man trong cái gọi là “khuôn phép gia đình” là một hành vi xúc phạm phẩm giá người phụ nữ đáng ghê tởm. Người đàn ông có quyền và cái quyền ấy dùng để đánh vợ, phản ánh tình trạng chịu áp bức ngoài xã hội của người nam về nhà trút lên người vợ. Có khi người đàn ông đã được hấp thụ lúc còn nhỏ từ đời cha ông mình đã hành xử như thế với nhau. Có khi chẳng vì điều gì từ những ảnh hưởng trên, nhưng do tính chất căng thẳng trong gia đình bùng nổ. Có khi do sự rượu chè của người chồng.

Có những trường hợp tệ hại hơn nữa, người phụ nữ vừa chịu đánh đập xong, lại chịu sự hiếp dâm của chồng, như một hành vi cố gắng làm hoà của chồng bằng cách đê tiện. Trong hôn nhân chịu đựng xưa, người phụ nữ thường trở nên nhút nhát, lo sợ và lệ thuộc cho hôn nhân. Trong tài liệu nghiên cứu của Roy về những người bị chồng đánh “hơn 90% người vợ bị đánh đều nghĩ đến việc bỏ đi nếu họ có điều kiện sinh sống. Những lý do họ ở lại là: 1) Hy vọng có thể cải thiện, 2) không có chỗ nào để đi, 3) sợ bị bắt lại, 4) vì con cái, 5) vì lệ thuộc kinh tế, 6) sợ cô đơn, 7) sợ ly dị là một điều sỉ nhục”.

-    Trong thực tế, việc rẫy vợ có nhiều nguyên do, những nguyên do chính yếu đến từ sự thao túng quyền của người nam. Trong tâm thức của người nam vẫn nuôi một quan niệm “chồng chúa vợ tôi”. Tục lệ xưa, ly hôn có hai trường hợp: Nếu chưa có con với nhau thì “trai chê trai bỏ, gái chê gái đền”, nhiều khi nhà trai bắt đền tiền cheo, tiền cưới gấp nhiều lần số tiền nhà trai bỏ ra. Điều này dẫn đến việc người phụ nữ phải cắn răng chịu đựng sự vô liêm sỉ của chồng cho đến suốt đời. Hoặc có về nhà nhưng phải trốn biệt đi nơi xa, dư luận xã hội lại lên án người nữ là: “nửa trôi sông chẳng dập thì gẫy”.

Giả như cha mẹ đàng gái có nhận con mình về cũng bị xã hội lên án. Nếu đã có con mà bỏ nhau thì nhà gái không phải đền tiền nữa nhưng không có quyền được bắt con đi theo mẹ cũng không được mang cái gì về nhà mình, mọi thứ của cải đã làm ra đều là của nhà chồng, trừ ruộng “hoa nữ” ( là ruộng cha mẹ nhà gái cho con làm của hồi môn, tuy có khế ước cho nhà trai, nhưng không quy định quyền của bên nhà chồng thu tô ), quần áo đồ trang sức cha mẹ sắm cho.

Cả hai trường hợp ly hôn như trên, người phụ nữ đều là người thiệt thòi. Điều thiệt thòi của trường hợp thứ nhất, người nữ không thể hoàn trả lại cho đủ, trường hợp thứ hai, người phụ nữ chịu sự đánh trả ngay vào đặc tính làm mẹ của người phụ nữ. Cả hai trường hợp đều phản ảnh sự ác tâm vô liêm sỉ của người chồng. Người chồng có quyền, quyền ấy không dùng để chinh phục, nhưng dùng bạo lực áp chế, khi không áp chế bằng quyền được lại đánh ngay vào tình mẹ con của người nữ.

-    Người phụ nữ lại dễ bị mua chuộc hơn cả, bằng những món quà đắt tiền, bằng những lời ngon ngọt, người nam chiếm đoạt người con gái, có những thân phận phụ nữ bị lừa dối như thế. Sự lừa dối hào nhóang của người nam nhắm đạt được mục đích ích kỷ của mình. Ngày xưa hình phạt dành cho người nữ ngoại hôn “cạo đầu bôi vôi”, mà không thấy nói tới sự trừng phạt đối với người nam trong trách nhiệm ấy. Có lẽ có chục ông mới có một cô, xong việc người đàn ông quất ngựa truy phong, luật pháp không nói tới, hé răng ra người phụ nữ chết trước.

-    Đời vợ lẽ: Kiếp chồng chung xưa kia gây không biết bao nhiêu đau khổ cho những người vợ lẽ, nếu có được chồng thương hơn thì cũng chết với người vợ cả. Hôn nhân đa thê, người vợ cả là nội tướng trong nhà, bởi vì chính bà mua các vợ lẽ về cho chồng. Sở dĩ có một Hồ Xuân Hương là bởi vì cần có một con người phản ánh đời sống thực của những con người phụ nữ đang bị chà đạp phẩm giá bởi những người nam.

III. CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN HỘI NHẬP VÀO VĂN HÓA:

1. Vấn đề trọng nam khinh nữ trong xã hội người Do-thái, thời Đức Giê-su. Trọng nam khinh nữ là hình thái chung của nhiều xã hội.

-    Quyền trưởng nam: Luật bảo vệ quyền trưởng nam, dù trưởng nam ấy do vợ bị ruồng rẫy sinh ra: “Nó sẽ nhìn nhận con của vợ bị ruồng rẫy, là trưởng nam và ban phần gấp đôi trên tất cả những gì nó có, vì người con ấy là tinh hoa khí lực của nó: quyền trưởng nam thuộc về người con ấy” ( Tl 21, 17 ). Tuy nhiên trong sách Dân Số cũng đòi hỏi quyền thừa tự cho người nữ: “Làm sao tên tuổi cha ông chúng tôi lại bị mai một khỏi giữa thị tộc của người, vì người không có con trai ? Xin ban cho chúng tôi một địa sở giữa hàng anh em của cha chúng tôi” ( Ds 27, 4 ).

-    Việc hóa bánh ra nhiều theo trình thuật Tin Mừng Gio-an, sau khi hóa bánh ra nhiều, người ta ăn no nê, số đàn ông là năm ngàn, còn dư mười hai thúng đầy. ( x. Ga 6, 10 ). Người phụ nữ được liệt vào số con trẻ không được tính vào con số người ăn. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu thì nói, hơn bốn ngàn người đàn ông ăn, không kể đàn bà, con nít. ( x. Mt 15, 38 ). Giống như phong tục Việt Nam “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Ơ xứ Palestine thời Chúa Giê-su người nữ không có thế giá, thế giới của họ là gia đình và những việc nội trợ. Họ không được đi học cả việc đạo cũng như đời. Họ không được mời làm chứng tại toà án cũng như không được lên tiếng trong nghi thức phụng tự.

-    Tục đa thê trong Cựu Ước: Trước lạm dụng quá đáng của vua chúa quan quyền, Luật cấm “lấy nhiều vợ cho mình, kẻo lòng nó phải xiêu lạc” ( Tl 17, 17 ). Luật khoan thứ hơn với trường hợp hai vợ ( x Tl 21, 15 ). Truyền thống Do-thái cho rằng tục đa thê thuộc dòng họ Cain, đang khi dòng họ Set là một vợ một chồng. Việc đa thê là cũng có để bảo đảm việc “thừa ngã tôn sự”, ngoài ra người Do-thái còn lấy yếu tố đa thê làm biểu hiện sự giàu có và quyền thế; những cuộc tình mới do chiến phẩm ( x. Tph 5, 30 ) hoặc do dịch vụ giao thương đem lại ( x. 1V 10, 11 ). Lý tưởng hôn phối một vợ một chồng không vì thế mà mất ảnh hưởng, ví dụ gia đình Tô-bi-a là gương mẫu.

-    Việc rẫy vợ được ghi thành luật trong sách Đệ Nhị Luật 24, 1: “Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ một chứng thư ly dị”. Họ lập gia đình rất sớm khoảng 12 – 13 tuổi, người vợ có thể bị ly dị vì chẳng lý do gì chính đáng, luật cho phép ly dị khi chồng thấy vợ “không được vừa mắt nữa, vìthấy nơi nó có điều gì thô bỉ” ( Tl 24, 1-2 ). Cũng như trên đã nói Luật do đàn ông viết ra nên luật định không rõ ràng làm cho nam giới có nhiều cớ để ly dị, còn người đàn bà thì không được quyền xin ly dị.

-    Trường hợp ngoại tình, theo Lv 20, 10 và Đnl 22, 22, người nam và người nữ, cả hai đều bị chết. Trong thực tế, trình thuật Ga 8, 1 – 11 chỉ người phụ nữ ngoại tình bị ném đá, hoặc né tránh nói tới việc ném đá người đàn ông ngoại tình.

Con đường Hội Nhập Văn Hóa lý tưởng cho mọi thời đại, mọi nền văn hóa của Chúa Giê-su.

-    Hội Nhập Văn Hóa đúng nghĩa: là đón nhận những giá trị văn hóa và hoàn thiện văn hóa ấy, Chúa Giê-su đến “không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” ( Mt 5, 17 ). Chúa Giê-su đưa Luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa thật, ý nghĩa cánh chung của lề luật, đồng thới Chúa Giê-su thực hiện những lời loan báo của các tiên tri về cánh chung. Người hoàn thiện lề luật bằng luật của tình yêu thương.

-    Việc có một nhóm phụ nữ đi theo Đức Giê-su ( Lc 8, 2-3 ), việc Đức Giê-su nói chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp ( Ga 4, 1 - 27 ), việc Đức Giê-su tiếp xúc với nghững người phụ nữ tội lỗi vào thời đó là việc lạ thường. Chính các tông đồ cũng ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một người phụ nữ, khi Người để người phụ nữ lấy nước mắt của mình mà lau chân Đức Giê-su ( Lc 7, 35 ).

Đức Giê-su không đấu tranh bằng con đường bạo lực, nhưng bằng đối thoại và bằng tình yêu thương, Người đã chữa lành cho những người phụ nữ. Người mời gọi họ sống xứng đáng với phẩm giá mà họ đã được lãnh nhận. Việc xưa kia cấm nói chuyện với người phụ nữ, để bảo vệ người phụ nữ thì ít, nhưng để cô lập người phụ nữ thì nhiều. Sự cô lập đó làm mất đi tính năng chủ động, sự lựa chọn và quyền quyết định của người phụ nữ. Đức Giê-su đối thoại với người phụ nữ là đi ngược với phong tục nhưng lại mở ra cho người phụ nữ một chân trời mới, mời gọi những nỗ lực đóng góp của họ trong xã hội.

-    Tư cách làm Đầu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em vàai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” ( Mt 20, 26 – 28 ). Lấy tình yêu thương mà phục vụ, và phục vụ cho đến chết, đó mới chính là tư cách làm đầu mà Đức Giê-su dạy. Đó cũng chính là con đường cách mạng khi sử dụng quyền được trao phó.

Tình yêu không dừng lại ở ích kỷ cho mình, người nam và người nữ được mời gọi sống tình yêu cho nhau và vì nhau. Người chồng không lấy quyền gia trưởng của mình mà áp đặt người vợ, nhưng dùng quyền đó để yêu thương và phục vụ cho sự sống trong gia đình của mình. Không dùng quyền như cách thức của Đức Giê-su người ta dễ đi đến việc xem thường người phụ nữ, biến phụ nữ trở thành nô lệ tại gia đình.Tính chịu đựng, lòng bao dung của người nữ là phản ảnh lòng thương xót của Thiên Chúa. Những đức tính này, người nam thường lợi dụng nó để xí xóa cho những việc làm sai trái của mình.

-    Tính chịu đựng, lòng bao dung của người nữ là phản ảnh lòng thương xót của Thiên Chúa. Những đức tính này, người nam thường lợi dụng nó để xí xóa cho những việc làm sai trái của mình, mà chính bản thân các ông lại không thực hành tình yêu thương, để chịu đựng, để vị tha. Đức Giê-su trong dụ ngôn “người cha nhân từ” đưa ra một mẫu gương của người cha trong bổn phận của mình, là người chồng, người cha trong gia đình. Mời gọi người nam cũng nên có những tâm tình của người mẹ, để gia đình trở nên mái ấm cho người con lạc lối tìm về, cho người con ở trong nhà thấy được tình thương của cha.

-    Đức Giê-su hoàn thiện luật hôn nhân trong việc xác định hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt, như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” ( Mt 19, 5 – 6 ). Bằng luật đơn hôn này Đức Giê-su đã làm cuộc cách mạng về hôn nhân: Huỷ bỏ việc dâm bôn dưới nhiều hình thức: Đa thê, bán dâm...

Bảo vệ quyền bình đẳng của người nữ, “người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”, đây là một chỉ dẫn cho những người nam biết rằng đạo vợ chồng ưu tiên hơn hiếu đạo, đừng rẫy vợ mình, như đã thường xảy ra do sự xúi giục của cha mẹ hay anh chị em chồng. Bằng việc xác định hôn nhân bất khả phân ly, bảo đảm tính chất bền vững của hôn nhân. Đức Giê-su mời gọi người nam và người nữ bằng sự giao kết vĩnh viễn, người nam người nữ trong hôn nhân của mình đi vào huyền nhiệm đời nhau, mà nơi đó người nam và người nữ học biết: Đón nhận, chấp nhận, chịu đựng, hy sinh, yêu thương và tha tha thứ cho nhau. Thời gian và lòng yêu thương làm nên mối tình kỳ diệu như Đức Giê-su đã yêu thương.

-    Việc hôn phối đơn hôn và bất khả phân ly loại trừ những trường hợp hôn nhân đa thê và ly dị vì không có con trai thừa tự. Đây là một bước tiến mới trong hôn nhân, người phụ nữ không còn được quan niệm là chiếc máy đẻ cho gia đình chồng. Quyền làm mẹ và quyền con trẻ được tôn trọng, đòi hỏi người nam hơn về việc sinh con có trách nhiệm. Ngày xưa, việc đa thê của người nam làm cho họ ít ý thức trách nhiệm về tất cả những đứa con của mình, thông thường trách nhiệm ấy giao phó cho một mình bà mẹ. Người nam trong chế độ đa thê dễ bị rơi vào cạm bẫy của dục tính hơn là nhận ra người vợ là một xương một thịt với mình, hậu quả của việc đa thê là sự thao túng lạm quyền của người nam, sự hời hợt của người nam với trách nhiệm gia đình. Chắc chắn là khi Đức Giê-su đưa ra luật hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly này là không được nhiều người đang hưởng lợi từ tục đa thê chấp nhận.

-    Đức Giê-su lên án việc ngoại tình ( x. Mt 5, 27 – 30 ) nhưng đồng thời lại tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang vì tội ngoại tình ( Ga 8, 1 – 11 ). Người ta nại vào văn hóa để giết chết con người như đã từng làm trong lịch sử. Như xưa, hai lão già muốn phạm tội ngoại tình với bà Su-da-na, bà nhất quyết chống trả, không thông đồng với họ, liền bị họ bôi nhọ, vu cáo việc ngoại tình của bà với người thanh niên trong vườn. Những đam mê của dục tính làm cho con người trở nên nham hiểm, mưu mẹo, họ đánh vào lòng tự trọng, đe doạ đến thanh danh của người phụ nữ để người phụ nữ bán mình cho việc bỉ ổi của họ. Xưa kia và nay cũng vẫn còn nhiều những mưu thâm chước độc như vậy để dụ dỗ đánh gục những người phụ nữ đi vào con đường bán dâm.

Trong trường hợp này Thiên Chúa đứng về phía người yếu thế để lật những bộ mặt giả hình đạo đức của những con người tố cáo, bênh vực những người ngay thẳng, dám sống chết cho phẩm giá danh dự của mình. Người phụ nữ ngoại tình mà kinh sư và biệt phái bắt quả tang đang ngoại tình, cũng có nét tương tự như câu chuyện người phụ nữ ngoại tình. Họ lên án người phụ nữ, còn người đàn ông ngoại tình thì họ không tố cáo, có một âm mưu nào khác nữa chăng, ngoài việc gài bẫy tố cáo Đức Giê-su. Sự nham hiểm của những bậc cho mình là đạo đức này còn bẩn hơn việc ngoại tình. Vậy Đức Giê-su mới nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” ( Ga 8, 7 ). Tại sao lại chỉ gồm các ông tố cáo một người phụ nữ, phải chăng là biểu lộ việc lạm dụng quyền hành để ức hiếp những con người nhỏ bé, không có gì để tự vệ, như xưa nay họ đã từng lạm dụng.

Câu chuyện này phản ánh nạn bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ âm mưu kéo Đức Giê-su vào cuộc nhưng chính họ lại bị tố cáo: “Ai sạch tội...” Đức Giê-su không những chỉ giải thóat cho người phụ nữ nhưng còn giải thóat người nam ra khỏi sự u mê của tâm trí bị dục tình hoặc cái quyền làm điên đảo. Cảnh tỉnh giấc ngủ của lương tri để nhìn rõ hơn giá trị của văn hóa. Văn hóa là thành quả của việc làm cho con người sống xứng đáng là con người với nhau.

Đức Giê-su đã rửa tội cho nền văn hóa và xác định cho nên văn hóa một hướng đi: “Văn Hóa Tình Thương, nền Văn Minh Tình Yêu” như Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ nhị gọi tên. Đức Giê-su kêu gọi người phụ nữ sống đúng với phẩm giá của mình bằng việc nói với chị: “Từ nay đừng phạm tội nữa”, câu nói này cũng dành cho những người nam, đã lặng lẽ bỏ đi, trốn tránh khỏi trách nhiệm. Việc phạm tội là chống lại phẩm giá của con người, chống lại sự sống của con người và làm cho văn hóa trở nên chết chóc và nền văn minh đi đến sự chết.

Đừng phạm tội nữa, đó là một lời mời gọi cho quyền của người nam thực hiện trong hôn nhân của mình với bối cảnh văn hóa của ngày hôm nay. Hãy làm Đầu như Đức Giê-su làm Đầu để quyền trưởng nam được duy trì bền vững cho nòi giống thánh thiện, cho Đạo Hiếu của người Việt Nam được phát triển.

Lm. Giuse HOÀNG KIM TOAN, Tân Hoà ngày 2.7.2002.