HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA VIẾT NÊN ĐỜI TA

HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA VIẾT NÊN ĐỜI TA

                      
                           
HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA VIẾT NÊN ĐỜI TA

                               Bài Giảng Sáng Ngày 7 tháng 10, 2013

                                                                                                                        Anne Kurian

ROMA, 7 tháng mười 2013 (Zenit.org).

 Trong thánh lễ cử hành ngày 7 tháng Mười 2013 tại Nhà Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác mọi người đối với cám dỗ “chạy trốn Thiên Chúa”,  ngài mời gọi các tín hữu “hãy để cho Thiên Chúa viết nên đời mình”.

Trong bài giảng được đài Phát thanh Vatican truyền đi, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu hãy tự đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có để cho Thiên Chúa viết nên cuộc đời chúng ta, hay chúng ta muốn tự  mình viết lấy?”

Hãy để cho Chúa làm sự bất ngờ

Vấn đề là phải “ vâng theo Lời Chúa”,  nhưng trước đó cần phải  có “ khả năng lắng nghe và hiểu được Lời Chúa”: “Bạn có khả năng tìm thấy Lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày không hay chính những ý tưởng của bạn lại điều khiển bạn và bạn chẳng dành sự bất ngờ nào cho Chúa là Đấng vốn vẫn nói với bạn?”

Đức Thánh Cha đã minh họa câu chuyện của ngài bằng những nhân vật trong bài đọc I (Gn 1,1-16.2,1.11) và trong bài Tin Mừng (Lc 10, 25-37). Ngài phân biệt những người “chạy trốn” Thiên Chúa với những người lắng nghe Thiên Chúa.

“ Người ta có thể chạy trốn Thiên Chúa ngay cả khi người ta đang là Ki tô hữu, đang là người công giáo,  đang trong phong trào Công giáo tiến hành, đang là linh mục, giám mục, giáo hoàng…Đó là cơn cám dỗ thường ngày”.

Trong bài đọc I, Giôna mưu toan “trốn chạy Thiên Chúa” vì ông “đã có một lịch sử  viết sẵn của mình” và ông “ không muốn bị xáo trộn”.

Việc trốn chạy Thiên Chúa này, chính là  sự “ không lắng nghe Thiên Chúa, không lắng nghe tiếng Người, không nghe thấy lời đề nghị phát xuất từ  trái tim của Người, không nghe  được lời mời gọi của Người. Người ta có thể trốn chạy cách trực tiếp. Mà cũng có thể trốn chạy Thiên Chúa bằng nhiều cách khác, bài bản hơn một chút, màu mè hơn một chút”.

Nghe thấy tiếng Thiên Chúa

Chẳng hạn, trong Tin Mừng , đứng trước “ một người  bị vất bỏ giữa đường, sống dở  chết dở ”, “một thày tư tế trang nghiêm, y phục chỉnh tề”, đưa mắt nhìn xem và tự nhủ: “ Ta trễ buổi lễ mất thôi”…Thầy đã không nghe được tiếng Chúa”.

Rồi một thầy lê vi tiến đến, ông tự nhủ: “ Nếu ta đụng vào anh chàng này, hay nếu ta lại gần, và rồi anh ta chết, thì ngày mai ta sẽ lại phải gặp quan tòa và phải làm chứng…” và thầy lê vi đã đi qua, ông cũng trốn chạy “tiếng gọi của Chúa”.

“Người duy nhất có khả năng hiểu được tiếng Chúa lại chính là kẻ thường  trốn chạy tiếng Người”, đó là một người samaritanô: “ Đó là một người tội lỗi xa cách Thiên Chúa”, nhưng “ ông ta đã nghe tiếng Chúa và ông ta đã tiến lại gần”.

Người samaritanô này “ không quen với những thực hành tôn giáo, đời sống luân lý. Ông mắc sai lầm về thần học”, vì những người samaritanô “ tin rằng Thiên Chúa phải được tôn thờ ở nơi khác chứ không phải ở nơi Chúa mong muốn”.

Tuy nhiên, ông ta “hiểu rằng Thiên Chúa gọi ông ta và ông ta đã không trốn chạy Người”: “Ông ta tiến lại gần, đổ dầu và băng bó vết thương cho nạn nhân, vực nạn nhân lên lưng lừa, đem về quán trọ và chăm sóc nạn nhân”.

Chấp nhận những kế hoạch của mình bị xáo trộn

“Thày tư tế đã đến kịp buổi lễ. Thày lê vi có một ngày hôm sau yên ả, như thày đã dự kiến, vì thày không mắc vào chuyện rắc rối phải đi gặp quan tòa…”. Còn người samaritanô,“ông ta mất cả buổi chiều”, nhưng ông ta có một “trái tim rộng mở, ông ta có tình người. Và tình người kéo người ta lại gần nhau”.

“Tại sao Giôna trốn chạy Thiên Chúa? Tại sao thày tư tế trốn chạy Thiên Chúa? Tại sao thày lê vi trốn chạy Thiên Chúa?  Vì các ông có “ trái tim đóng kín, và khi người ta có trái tim đóng kín thì người  ta không nghe được tiếng Thiên Chúa.

“Giôna…, thày tư tế, thày lê vi… muốn tự viết lịch sử đời mình” Ngược lại, người tội lỗi đó  “ đã  để cho Thiên Chúa viết nên cuộc đời ông ta: buổi chiều đó, ông ta đã thay đổi hoàn toàn,  vì Chúa đã đặt trên đường ông ta đi  một con người  tội nghiệp, đầy thương tích và bị vứt bỏ trên đường”.

Đức Giáo Hoàng kết luận : “ Ước gì Chúa thương ban cho chúng ta nghe được tiếng của Người. Tiếng ấy nói với chúng ta: “ Con hãy đi và làm giống như vậy!”.

                                          

                                                                              Nguyễn Đức Lân chuyển ngữ