Hạnh Ngộ
HẠNH NGỘ
TÍ TEO ơi…
Cuối cùng thì chúng ta đã nhìn thấy mặt nhau. Mẹ dùng chữ cuối cùng để diễn tả với con sự chờ đợi căng thẳng, đầy kịch tính trong suốt chín tháng trời, từ lúc con còn bé tí teo cho đến khi con biết vùng vẫy chân tay, chòi đạp trong bụng mẹ, như thể muốn nhắc mẹ về sự hiện diện của con, như thể làm quen, làm nũng…
Đúng, mẹ đã chờ đợi từng ngày từng phút sự ra đời của con với một niềm vui vừa thiêng liêng vừa lãng mạn, háo hức như kẻ tò mò trước công trình kỳ vĩ mà mình được vinh hạnh tham gia cùng Tạo hóa. Nhưng - ở đây cần thành thật với con – niềm vui ấy sao vẫn rất mơ hồ, mỏng mảnh. Có lẽ do chúng ta hãy còn xa lạ với nhau; xa lạ đến mức mẹ phải dùng lý trí để quen dần với cảm nghĩ con là máu thịt, là sở hữu. Tệ hơn, đôi khi sự chờ đợi chỉ thuần túy là mong muốn được giải phóng khỏi tình trạng nặng nề, bức bối của người phụ nữ mang thai! Ngay cả phút giây đầu tiên khi nhìn thấy con, mẹ vẫn ngỡ ngàng trong trạng thái bồng bềnh cảm giác. Mẹ đã dè dặt cầm lấy tay con , khe khẽ vuốt lên đôi gò má; thử đặt môi mình lên đôi môi bé nhỏ… Con biết không, bằng tất cả những cử chỉ bẽn lẽn, luống cuống ban đầu ấy, mẹ đã đến với con như một đứa bé đứng trước món đồ chơi quý giá mà nó vừa được bất ngờ trao tặng.
Mãi bây giờ, khi con đã sắp ba tháng, đã biết nhìn thẳng vào mắt mẹ, biết mỉm cười chúm chím, biết mếu máo đòi ăn… thì trong mẹ mới thực sự bùng lên cái cảm xúc mà người ta vẫn gọi là tình mẫu tử. Mẹ đã ngồi thật lâu để nhìn con say đắm, đã lẩm bẩm những lời vô nghĩa, ngọng ngịu để trò chuyện cùng con. Nhiều lần ôm ấp con trong vòng tay với cảm giác yêu thương cực độ, mẹ đã thử đặt cho mình câu hỏi: Sẽ thế nào nếu tự dưng con biến mất? Chỉ với cái giả thiết điên rồ ấy thôi mẹ đã lập tức cuống cuồng hoảng hốt. Xiết chặt con trong vòng tay, mẹ bỗng rùng mình khi nhớ đến những bà mẹ khác, những bà mẹ bình thường mà vĩ đại đã từng mất con, có khi mất hết, trong cuộc chiến tranh đằng đẵng của đất nước mình. Không! Không có gì bù đắp được, cả danh hiệu anh hùng, cả nhà cao cửa rộng, bạc vàng châu báu… khi người mẹ mất con. Đó là nỗi đau cao hơn sự vĩ đại, lớn hơn sự hy sinh – một nỗi đau không thể so sánh, bù đắp. Vậy mà thật đau lòng, khi cho đến hôm nay vẫn còn không ít những bà mẹ ấy phải sống trong cô quạnh, đói nghèo. Người ta vẫn thường nghe giới thiệu: Bà A. có hai con liệt sĩ, bà B. có tất cả bảy con hy sinh ngoài mặt trận… Những lời xưng tụng đó đã quen thuộc gần như nhẹ nhõm. Mẹ đã từng bất nhẫn trước những cư xử vô tình, chạnh lòng trước những cảnh đời hiu quạnh; nhưng giờ có con trong tay, mẹ mới thấm thía hết cái đau của sự mất mát, nỗi tự hào cay đắng của những tấm huân chương, và sự lãng quên đầy bội bạc. Có con, tấm lòng vốn không độc ác của mẹ bỗng trở nên mềm dịu, bao dung. Có con, mẹ bỗng khao khát làm thêm bao điều thiện. Không phải là động cơ duy nhất, mà cũng không phải mọi lúc, nhưng rõ ràng, mẹ đã bắt đầu nghĩ đến hai chữ phúc đức mà ông bà ta thường nói. Có con, mẹ bỗng sợ vô tình hay cố ý phạm phải những điều thất đức. Vốn tin luật nhân quả, giờ mẹ càng tin hơn sự vay-trả ở đời.
Nhiều lúc bồng con trên tay, tơ tưởng đến ngày con khôn lớn, mẹ bỗng tự hỏi: Tại sao người ta vẫn làm điều ác khi họ có cả đàn con? Tham lam, gian dối, lọc lừa… họ không sợ luật đời vay trả? Họ đang giàu sang, con cái họ được phủ phê trong bạc vàng, bổng lộc. Họ thản nhiên, trâng tráo với sự rẻ khinh, nguyền rủa của người đời. Họ viên mãn và vô sự bởi hiện thực còn lắm điều nghịch lý, nhưng mẹ tin rằng cuộc đời sẽ không như vậy, không thể nào như vậy. Cái ác rồi sẽ phải trả giá. Như mọi người tự trọng và lương thiện, mẹ đã từng căm phẫn, khinh bỉ những con người ấy, nhưng giờ đây nghĩ về họ, mẹ lại càng kinh sợ: Họ không chỉ có tội với đồng bào, xã hội, họ còn gieo di họa cho con cháu của mình. Đó mới chính là sự ác tâm và vô lương lớn nhất.
TÍ TEO ơi… mẹ không biết rồi đây lớn lên con sẽ thế nào: sẽ thành nhân hay hư hỏng? Sẽ hiếu thảo hay bỏ bê, ruồng rẫy mẹ cha? Nhưng ngay bây giờ, sự có mặt của con đã mang đến cho mẹ biết bao là hạnh phúc. Mẹ bỗng muốn làm việc nhiều hơn – những công việc tốt đẹp và hữu ích. Mẹ bỗng khát khao vươn tới sự nghiệp và nhân cách, để có thể để lại cho con chút lòng kiêu hãnh kế thừa. TÍ TEO ơi, con không chỉ làm cuộc đời mẹ có thêm nhiều ý nghĩa, mà nhiều ý nghĩa của cuộc đời, từ lúc có con, đã được mẹ nhìn bằng một con mắt khác – con mắt dấn thân. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, sự có mặt của con đã là hạnh phúc lớn lao mẹ vừa có được trong đời…
ĐD. Việt Linh
(Phụ Nữ TP.HCM)