Giáo lý về Gia đình: Trẻ em là quà tặng tuyệt vời dành cho nhân loại

Giáo lý về Gia đình: Trẻ em là quà tặng tuyệt vời dành cho nhân loại

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 18/03/2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về gia đình trong đó nói về trẻ em, quà tặng tuyệt vời dành cho nhân loại: "Trẻ em tự bản thân chúng là sự phong phú cho nhân loại và cho Giáo Hội, vì chúng không ngừng nhắc nhớ chúng ta điều kiện cần thiết để vào Nước Thiên Chúa".

Dưới đây là toàn văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng tốt lành!

Sau khi đã xem xét các khuôn mặt khác nhau trong đời sống gia đình - người mẹ, người cha, con cái, anh chị em, và ông bà - tôi muốn kết thúc chương đầu tiên của loạt bài giáo lý về gia đình để nói về trẻ em. Tôi sẽ chia làm 2 phần: hôm nay tôi suy tư về trẻ em là quà tặng tuyệt vời dành cho nhân loại. Thật sự đúng như thế; cảm ơn anh chị em đã vỗ tay. Chúng chính là quà tặng tuyệt vời dành cho nhân loại, nhưng chúng cũng bị loại trừ rất nhiều. Và tuần sau, tôi sẽ suy tư về một số tổn thương không may đã gây ra cho trẻ em. Điều đó nhắc đến biết bao trẻ em tôi đã gặp trong chuyến tông du đến châu Á vừa qua: chúng đầy sức sống, đầy hăng say và mặt khác tôi thấy nhiều trẻ em sống trong thế giới với những điều kiện không xứng đáng. Thật vây, có thể đánh giá một xã hội dựa vào cách mà xã hội đó đối xử với trẻ em, không chỉ về mặt đạo đức, mà còn về mặt xã hội học: xem đó là một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ các lợi ích quốc tế.

Điều đầu tiên mà trẻ em nhắc chúng ta nhớ rằng những năm đầu đời của tất cả chúng ta đều hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc và lòng nhân từ của người khác. Và Con Thiên Chúa cũng không quản ngại đi qua giai đoạn này. Đó là mầu nhiệm hằng năm chúng ta chiêm ngắm vào dịp Giáng sinh. Hang Đá là biểu tượng thông truyền thực tại này cho chúng ta theo cách đơn sơ nhất và trực tiếp nhất. Nhưng thật lạ lùng. Thiên Chúa đã không gặp khó khăn trong việc làm cho trẻ em hiểu Ngài và trẻ em không có vấn đề trong việc hiểu biết Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà trong Tin Mừng có những từ rất đẹp và mãnh liệt mà Chúa Giêsu nói đến "những người bé mọn". Từ ngữ "bé mọn" này ám chỉ tất cả những người phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, nhất là trẻ em. Chẳng hạn, Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25). Và một lần nữa: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt 18,10). Vì vậy, trẻ em tự bản thân chúng là sự phong phú cho nhân loại và cho Giáo Hội, vì chúng không ngừng nhắc nhớ chúng ta điều kiện cần thiết để vào Nước Thiên Chúa: không xem tự bản thân mình là đủ, mà cần đến sự nâng đỡ, yêu thương và tha thứ. Và tất cả chúng ta đều cần đến sự nâng đỡ, yêu thương và tha thứ. Tất cả mọi người!

Trẻ em nhắc nhở chúng ta một điều tốt đẹp khác nữa: chúng nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta luôn là con cái: ngay khi người ta trở thành người lớn, người già, thậm chí nếu một người trở thành cha mẹ, một người có địa vị trách nhiệm, thì bên dưới tất cả những điều đó vẫn là căn tính của một người con. Tất cả chúng ta là con! Và điều này nhắc chúng ta một thực tế là chúng ta không ban sự sống cho chính mình, mà chúng ta lãnh nhận sự sống. Ơn lớn lao của sự sống, ơn đầu tiên chúng ta được lãnh nhận: sự sống! Đôi khi chúng ta sống mà quên đi điều này, như thể chúng ta là những chủ nhân sự sống của mình; ngược lại, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc. Trong thực tế, đó là lý do cho niềm vui lớn để biết rằng trong mọi lứa tuổi của đời sống, trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh xã hội, chúng ta là con và vẫn mãi là con. Đây là sứ điệp chính mà trẻ em mang đến cho chúng ta, với sự hiện diện của chúng. Sự hiện diện của chúng chỉ nhắc nhở chúng ta rằng mỗi chúng ta và tất cả chúng ta đều là con cái.

Nhưng có biết bao nhiêu là quà tặng, biết bao nhiêu là phong phú mà trẻ em mang đến cho nhân loại. Tôi sẽ nhắc lại vài điều. Chúng mang lại cách nhìn thực tại, với cái nhìn tin tưởng và trong sáng. Một đứa trẻ tự nảy sinh niềm tin vào cha mẹ: và nó tự nảy sinh niềm tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của trẻ em thì trong sạch, nó chưa bị nhiễm bởi ác tâm, bởi tráo trở, bởi "những lớp vỏ cứng" của cuộc sống làm cứng lòng.

Chúng ta biết rằng trẻ em cũng có nguyên tội, chúng có tính ích kỷ của chúng, nhưng chúng có sự trong trắng, sự đơn sơ nội tâm. Nhưng trẻ em không ngoại giao! Chúng nói những gì chúng cảm nhận. Chúng nói những gì chúng thấy trực tiếp! Và do đó, chúng thường khiến cha mẹ gặp khó khăn. Chúng nói trước mặt người khác: "Nhưng con không thích điều này vì nó xấu xí". Nhưng trẻ em nói những gì chúng nhìn thấy. Chúng không hai mặt, chúng chưa học cái khoa học hai mặt mà những người lớn chúng ta đã học được.

Hơn nữa, trong sự đơn sơ nội tâm của mình, trẻ em mang theo trong mình khả năng tiếp nhận và cho đi sự hiền dịu. Hiền dịu có nghĩa là phải có một con tim "bằng thịt" chứ không phải "bằng đá", như Kinh Thánh nói (x. Êdêkien 36,26). Hiền diệu cũng nên thơ: nó "cảm nhận" sự vật và sự kiện, không đối xử với chúng như những đối tượng đơn thuần, chỉ để sử dụng, bởi vì chúng hữu dụng... Trẻ em có khả năng cười và khóc: một số trẻ em cười khi tôi bồng lên để hôn chúng. Một số trẻ khác nhìn thấy tôi mặc đồ trắng, chúng nghĩ tôi là bác sĩ, sẽ chích ngừa cho chúng, và chúng khóc - nhưng một cách tự phát. Trẻ em là như thế, chúng cười và khóc: hai điều mà người lớn chúng ta thường "bị chặn lại", chúng ta không còn khả năng... và thường nụ cười của chúng ta trở thành một nụ bằng giấy cứng, không có sự sống, một nụ cười không hoạt bát - cũng là một nụ cười giả tạo, của một chú hề. Trẻ em cười một cách hồn nhiên và khóc một cách hồn nhiên... Nó luôn phụ thuộc vào con tim và con tim của chúng ta bị chặn lại và thường xuyên mất khả năng cười và khóc...

Và do đó trẻ em có thể dạy lại cho chúng ta biết cười và biết khóc. Tuy nhiên, chính chúng ta phải tự hỏi: Tôi có cười một cách hồn nhiên với sự tươi mát, với tình yêu hay nụ cười của tôi giả tạo? Tôi vẫn khóc hay tôi đã mất đi khả năng khóc? Nhưng đây là hai câu hỏi rất nhân bản mà trẻ em dạy cho chúng ta.

Vì tất cả lý do này mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ "trở nên giống như trẻ em" bởi vì "Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng" (x. Mt 18,3; Mc 10,14).

Anh chị em thân mến, trẻ em mang lại sự sống, niềm vui, niềm hy vọng, cũng như khó khăn, nhưng cuộc sống là như thế. Chắc chắn chúng cũng mang lo lắng và đôi khi là những vấn đề. Tuy nhiên, một xã hội với những lo lắng và những vấn đề vẫn tốt hơn một xã hội buồn rầu và ảm đạm vì không có trẻ em! Và khi chúng ta thấy rằng mức độ sinh khó đạt 1%, chúng ta có thể nói rằng xã hội này là xã hội ảm đạm vì nó không có trẻ em.

Tạ Ân Phúc