GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT

 

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT

Các xung đột

          Không thể tránh xung đột trong đời sống. Sự trưởng thành hệ tại ở việc biết chuyển hóa những xung đột ấy thành các cơ hội để lớn lên. Đã có xung đột xảy ra giữa ông bố của cậu con trai hoang đàng và người anh của cậu ấy. Người anh này thậm chí từ chối vào nhà. Ông bố đã đi ra và giải quyết sự xung đột. Có lẽ đó là lần đầu tiên người anh này nghe bố mình nói: “Này con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha là của con.” Anh ta hiểu rõ tâm tư của cha mình hơn bao giờ trước đó. Người cha cũng vậy, chưa bao giờ ông hiểu rõ tâm tư của con mình như hôm nay. Và đó là cách rất hay để giải quyết vấn đề. Nếu ông bố không lắng nghe con mình với sự thấu cảm thì chắc hẳn ông đã làm cho tình hình thêm tồi tệ hơn.

         Có hai loại xung đột. Loại thứ nhất là xung đột bên trong mỗi người. Tôi phải tự mình giải quyết nó. Tôi mập quá. Tôi phải quyết định ăn ít hơn, thậm chí bỏ một vài bữa ăn; nếu không thì tôi vẫn tiếp tục mập như cũ. Chiếc xe gắn máy nọ là dành riêng cho các Tu Sĩ đã khấn, chứ không dành cho anh tập sinh. Tập sinh không thể để cho điều này trở nên một xung đột bên trong mình. Nếu có sự xung đột ấy, anh ta phải tự giải quyết bằng cách chấp nhận rằng chiếc xe gắn máy ấy không dành cho mình, cho đến khi mình trở thành khấn sinh. Ở đây chúng ta không đang nói về loại xung đột này, loại xung đột mà chỉ một mình đương sự có thể giải quyết.

         Chúng ta đang nói về loại xung đột liên can tới hai người hay nhiều hơn. Đó có thể là xung đột giữa vị bề trên với một thành viên trong cộng đoàn hay với chính cộng đoàn. Cũng có thể là một xung đột giữa hai thành viên hay giữa hai nhóm trong cộng đoàn, hay giữa cộng đoàn với một người ngoài.

         Nhìn khái quát về xung đột

         Xét căn bản thì có bốn cách để người ta tiếp cận một xung đột. Cách thứ nhất gọi là phương pháp ‘thua-thua’. Nghĩa là tiếp cận theo lối này thì cả hai bên cùng thua. Ta giả sử có một xe gắn máy của cộng đoàn, và có hai người sử dụng nó. Cha Peter hơi vô tâm, sử dụng chiếc xe mà không nghĩ gì đến Cha Paul. Ông chẳng mấy khi để ý ghi vào sổ đăng ký báo trước về thời gian mình sẽ dùng xe. Dùng xong, ông cũng không trả chìa khóa xe về chỗ của nó. Paul nhắc nhở Peter mấy lần về điều này, nhưng chỉ như nước đổ lá môn. Cuối cùng, Paul quyết định thỉnh thoảng giấu cái xe đi để Peter không thể dùng được. Và dĩ nhiên cả Paul cũng không dùng được. Nghĩa là cả hai đều thua. Vì thế giải pháp này được gọi là phương pháp ‘thua-thua’.

       Sau vài tuần, Paul bắt đầu cảm thấy áy náy về cách mình làm. Paul cho phép Peter sử dụng chiếc xe tùy thích. Ở đây, Paul đang áp dụng phương pháp ‘thua-được’. Paul thua, còn Peter thì được.

         Nhưng rồi, cảm thấy khó chịu về tình trạng thiệt thòi của mình, Paul quyết định làm thêm một bộ chìa khóa xe nữa và bắt đầu sử dụng chiếc xe bất cứ khi nào mình muốn, nhất là cố ý “phỗng tay trên” những khi mà Paul đoán rằng Peter sắp cần dùng xe. Phương pháp mà Paul áp dụng ở đây là phương pháp ‘được-thua’. Paul được và Peter thua.

        Sau đó cha Paul tham dự một khóa tư vấn. Ở đó ông học phương pháp ‘được-được’, theo đó cả Peter và Paul đều có thể sử dụng chiếc xe gắn máy mà không làm phiền nhau.

        Có hai yếu tố ấn định phương pháp nào được dùng trong mỗi trường hợp, đó là sự can đảm và lòng quan tâm. Quan tâm nghĩa là biết nghĩ đến cảm nghĩ của người khác và biết trân trọng tình thân hữu. Còn can đảm nghĩa là sẵn sàng cho biết các quyền lợi chính đáng của mình và ngay cả yêu cầu người ta phải tôn trọng các quyền ấy.

        Trong phương pháp ‘thua-thua’, không có sự can đảm thực sự, cũng chẳng có lòng quan tâm. Phương pháp ‘thua-được’ thì có lòng quan tâm nhưng không có sự can đảm. Phương pháp ‘được-thua’, trái lại, xem ra có can đảm nhưng chẳng có quan tâm. Phương pháp ‘được-được’ thì có cả quan tâm và can đảm.

        Ở đây, can đảm có thể được gọi là cách tiếp cận nhắm đến mục tiêu, còn quan tâm có thể gọi là cách tiếp cận nhắm đến mối tương quan.

Ta có thể minh họa bằng biểu đồ sau:

 

 

Can đảm từ 0 đến 100


 

 

 

Quan tâm

 

từ 1

đến 100

 

 

Không can đảm, cũng không quan tâm.

Cả mục tiêu lẫn tương quan đều không được xem là quan trọng.

 

Thua – Thua

Bạn phớt lơ vấn đề.

Nhiều can đảm. Nhưng không quan tâm.

Xem mục tiêu rất quan trọng, nhưng không quan tâm đến cảm nghĩ của người khác.

 

Được – Thua

Bạn đạt được điều mình muốn, nhưng đánh mất một người bạn.

Không can đảm, nhưng có nhiều quan tâm.

Mục tiêu không quan trọng, mối tương quan hai bên mới quan trọng.

Chịu bỏ quyền của mình để giữ được mối tương quan.

 

Thua – Được

Có cả can đảm lẫn quan tâm.

Mục tiêu và mối tương quan đều quan trọng.

Cả hai bên đều giữ được quyền của mình mà vẫn ở trong mối tương quan tốt đẹp.

 

Được – Được

Những cách giải quyết không kiến hiệu

Trong cách tiếp cận ‘thua-thua’ ( hay bỏ cuộc ) hoàn toàn không có sự can đảm hay lòng quan tâm. Cả mục tiêu lẫn mối tương quan đều không được xem là quan trọng.

         Đem giấu cái xe gắn máy đi thì cả hai người đều không thể dùng được nó. Mặc dù người chủ động giấu cái xe cũng thua, nhưng ông ta cảm thấy thỏa mãn vì ‘trừng phạt’ được ông kia.

        Hai người hàng xóm cứ kiện cáo mãi để giành chủ quyền trên một rẻo đất từ năm này sang năm khác. Cả hai đi đến phá sản, và mối quan hệ hàng xóm càng trở nên tồi tệ hơn.

       Nữ tu bướng bỉnh nọ từ chối hợp tác và thậm chí từ chối nói chuyện với Bề Trên, vì chị cho rằng Bề Trên chống lại mình. Chị mất sự bình an trong tâm hồn; còn Bề Trên thì không nhận được sự hợp tác của chị. Nhưng người nữ tu bất hợp tác này, dù bản thân chị không được vui vẻ cho lắm, cũng thấy thích thú vì Bề Trên không nhận được sự hợp tác của mình. Tục ngữ Malayalam có câu: “Ông anh tôi chết cũng không sao, miễn là tôi được thấy bà chị dâu tôi phải khóc hu hu cho bõ ghét.”

        Anh chồng về nhà trong say khướt, chị vợ mắng anh. Anh bực mình bợp tai chị. Anh thấy mình có lý khi bợp tai vợ, và tiếp tục đi nhậu nữa. “Vợ là gì mà có quyền dạy chồng ?” Anh nghĩ thế. Hậu quả là chị vợ thì ăn bợp tai còn anh chồng thì phá hỏng hết tất cả – gia đình của mình, sức khỏe của mình, v.v... – qua việc tiếp tục uống rượu. Cả hai đều thua.

      Chọn phương pháp ‘được-thua’, bạn được trước mắt nhưng thua về lâu dài. Bạn cho thấy có nhiều can đảm nhưng mà chẳng có quan tâm. Mục tiêu là tất cả điều bạn nhắm, còn mối tương quan thì bạn bất cần.

       Cu Tèo phân bua với bố rằng bạn Tý đánh mình trên đường đi học về. Bố cu Tèo chạy sang nhà hàng xóm và mắng xối xả bố cu Tý: “Ông dạy con ông như vậy đó hả ?” Bố cu Tý hoảng sợ và không nói gì. Quát mắng một hồi, bố cu Tèo quay về nhà với cảm nghĩ mình đắc thắng. Bố cu Tý bị mất mặt. Bố cu Tèo được, còn Bố cu Tý thua. Nhưng rồi điều xảy ra là cả bố cu Tèo cũng thua. Ông và gia đình bị mất đi rất nhiều tình làng nghĩa xóm, nhất là từ phía gia đình cu Tý. Chưa kể rằng ông đã dạy cho con mình một bài học rất tai hại về việc giải quyết vấn đề.

        Cha Antôn là giám đốc Trung Tâm Xã Hội của Giáo Phận. Vị Linh Mục này có nhiều tài năng, nhưng chỉ có một cách để làm bất cứ việc gì: đó là, chỉ làm theo cách của ông thôi. Kết quả là không có một phụ tá nào làm việc với ông được quá một năm. Ông được, các phụ tá của ông thua. Nhưng rồi cuối cùng ông phải làm việc mà không có phụ tá. Nghĩa là ông cũng thua.

       Tất cả các vị bề trên độc đoán đều dùng cách này và đều ‘được’ trong một thời gian. Đây là điều mà một số Nữ Tu nói về Bề Trên Regina: “Các nhân viên và học sinh trong trường đều khiếp sợ chị ấy. Chị ấy sẵn sàng bắt bẻ và sửa lỗi người khác trước mặt mọi người. Thời gian chị ấy làm hiệu trưởng, nhà trường liên can đến mười sáu vụ kiện tụng. Chị ấy yêu cầu các nhân viên hành chánh lau chùi phòng ngủ và phòng rửa mặt của mình. Năm Nữ Tu đã phải rời trường để đi làm việc nơi khác trong giai đoạn chị ấy làm hiệu trưởng. Cuối cùng, vị Giám Tỉnh mới, sau một năm quan sát và nhận ra sự việc, đã thuyên chuyển chị ấy.” Chị Regina đã ‘được’ trong ít lâu và nhiều người phải thua. Nhưng chị đã đánh mất sự cộng tác của năm Nữ Tu kia và của nhiều người khác. Giờ đây chị đang gặm nhấm thấm thía những vết thương của mình.

     Bạn có thể sử dụng phương pháp này trong gia đình, với vợ bạn, với các thành viên trong cộng đoàn của bạn, ngay cả với các nhân viên làm việc cho bạn không ? Phải chăng bạn được khi vợ con bạn thua ? Phải chăng bạn được khi các học sinh và các nhân viên ghét bạn ? Những kẻ cường quyền thường ‘lấy thịt đè người’. Vị bề trên có tính ghen tị đã tìm mọi cách chèn ép.

       Sr. Litsy, một nữ tu rất được yêu mến trong trường. Khi chèn ép như vậy, vị bề trên hả hê, còn Litsy thì ngày nào cũng có chuyện để khóc thầm.

       Vị bề trên độc đoán khác mắng cha Rodney trong nhà cơm chỉ vì một sai lỗi nhỏ. Bề trên cảm thấy mình mắng vậy là đúng, còn cha Rodney thì trở về phòng mình trong tâm trạng ê chề.

         Lý do thật sự của việc người ta sử dụng phương pháp hung hăng này đó là vì ở sâu trong lòng họ có một nỗi sợ, một nỗi bất an. Họ che đậy nỗi sợ ấy bằng cách la mắng, hạch sách, quát tháo, bằng cách không lắng nghe người ta, bằng cách kết án người đối thoại với mình.

         Nhưng ngay cả những người cường quyền này cũng phải thua nếu họ gặp những người thực sự mạnh. Bề Trên Regina phải chào thua vị Giám Tỉnh mới – và dĩ nhiên vị Giám Tỉnh này không hề muốn làm tổn thương Regina. Giám Tỉnh chỉ muốn cứu ngôi trường ấy và sứ vụ tông đồ của Hội Dòng tại ngôi trường ấy. Và Regina phải trả giá.

Họa hiếm mới có trường hợp mà phương pháp này được thấy là hữu ích và thích đáng.

       Bạn mua sẵn vé giường nằm cho một chuyến tàu. Nhưng khi lên tàu, bạn nhận ra giường của mình đã bị một người lạ chiếm chỗ. Bạn nhẹ nhàng yêu cầu người ấy nhường chỗ, nhưng vô hiệu. Thế là bạn phải lên tiếng cách gay gắt hơn, cho đến khi người ấy chịu nghe.

      Bạn là một Nữ Tu đang đi trên một xe buýt ken cứng hành khách. Một anh chàng cố ý sờ mó vào người bạn cách sàm sỡ. Bạn khẽ yêu cầu anh ta chấm dứt hành động ấy, một lần rồi hai lần, vẫn không kiến hiệu. Anh ta cứ tiếp tục. Vậy là bạn phải thét lên để cầu cứu với người xung quanh, hoặc bạn phải gọi tài xế. Ngôn ngữ duy nhất trong những trường hợp này là hành động, dám hành động. Mục tiêu của bạn là chiếc giường mà mình đã mua vé. Bạn không phải bận tâm về mối tương quan với anh chàng kia.

       Đức Kitô có đầy những ứng xử can đảm loại này. “Khốn cho các ông Biệt Phái ! Vì các ông nộp thuế thập phân bạc hà...” Ngài nói thẳng với các đối thủ của Ngài như vậy. Rồi một kinh sư lên tiếng: “Thầy nói thế nghĩa là Thầy quở cả chúng tôi nữa sao ?” Và Đức Kitô nói: “Khốn cho các ông nữa, hỡi các ông kinh sư !” ( Lc 11, 42 – 45 ). Những lời “Khốn cho...” này càng được gặp thấy nhiều hơn nữa trong Matthêu, chương 23. Trước sự hống hách và tính hai mặt, có thể phải đương đầu bằng sự can đảm nếu những con người ấy không sẵn sàng lắng nghe và sửa đổi.

       Đó là lý thuyết. Trong thực tế thì cần cầu nguyện và suy nghĩ nhiều khi hành xử theo cách nói trên. Nếu không, có thể rốt cục nó trở thành kiểu thức ‘được-thua’.

       Tôi được mời trước hai tháng để chủ trì một khóa hội thảo tại trường nọ. Khi tôi đến, người ta bảo tôi rằng khóa hội thảo đã bị hủy, và rằng họ đã cố liên lạc với tôi bằng điện thoại nhưng đã không liên lạc được. Tôi hét: “Đáng lẽ các anh phải gửi thư báo tin cho tôi chứ !” Tôi nổi đóa. Và kết quả là gì ? Đó là lần cuối cùng họ mời tôi. Chỉ vì tôi đã quên “nói sự thật trong yêu thương”. Ngay cả khi chúng ta phải yêu cầu người ta tôn trọng quyền chính đáng của mình, chúng ta cũng phải làm thế với sự bình tĩnh; nếu chúng ta không bình tĩnh, thì chẳng thà im lặng còn hơn là lên tiếng.

      Phương pháp thứ ba là ‘thua-được’. Bạn không có can đảm, và bạn muốn bảo vệ mối tương quan bằng mọi giá. Thế là bạn sẵn sàng bỏ các quyền chính đáng của mình để giữ mối thân hữu. Bạn chỉ nhắm quan tâm. Trong những chuyện tương đối nhỏ thì bạn có thể hy sinh quyền của mình.

    Sẽ không là vấn đề bao nhiêu việc bạn điều chỉnh một chút việc sử dụng chiếc xe gắn máy, để tạo sự thuận tiện hơn cho người kia, nhất là khi người ấy có việc khẩn cấp.

      Sẽ không là vấn đề bao nhiêu việc bạn đi picnic ở địa điểm này hay địa điểm kia. Ngay cả ở đây, bạn cũng cần phải hy sinh điều mình muốn trong thái độ của một người thắng chứ không phải của một nạn nhân. Nghĩa là, trong tâm trạng nhẹ nhàng thanh thản chứ không phải trong cảm nghĩ rằng mình phải chịu thua.

            Khi bạn phải nhường quyền sử dụng chiếc xe gắn máy vì người kia có việc cần kíp, bạn cần phải nhường như vậy với niềm vui. “Tôi định đi thăm một người bạn, nhưng quả thật không quan trọng lắm. Tôi có thể hoãn lại được. Còn việc của anh ta thì thật sự khẩn cấp. Vì thế, anh ta dùng chiếc xe cũng là điều phải lẽ thôi”.

            Làm sao có thể sống Tin Mừng nếu không biết cho và nhận ! Cựu Bề Trên Tổng Quyền Hơi có vấn đề về thần kinh và hay cáu kỉnh; ban đầu Sr. Jaya nhìn bà ấy như ngáo ộp, và tự thấy mình là một nạn nhân. Dần dần, hiểu rõ hơn và nhìn bà ấy như một người loạn trí, Sr. Jaya bắt đầu có thể cười thầm mỗi khi bà ấy nổi cơn cáu kỉnh. Sr. Jaya nhượng bộ đối với ‘ngáo ộp’, nhưng là nhượng bộ với tấm lòng, trong tư cách một người được, không phải một người thua.

        Nhưng nếu cứ phải nhượng bộ người khác mãi do sợ làm phật lòng họ, nếu cứ phải nói “vâng” khi bạn cần phải nói “không”, thì đó là bạn đã rơi vào lối tiếp cận ‘thua-được’. Bạn không bảo vệ các quyền chính đáng của bạn. Bạn cho phép người ta chà đạp bạn. Sr. Litsy và Cha Rodney cứ tiếp tục làm nạn nhân.

        Họ có thể gọi đó là sự thánh thiện, là chịu đau khổ với Đức Kitô, là khiêm nhường v.v... Nhưng khi bạn đau khổ trong tư cách là một nạn nhân thì sự đau khổ của bạn không có giá trị gì. Bạn đau khổ trong tủi thân. Bạn giận người đã ức hiếp bạn. Bạn thật sự không muốn nhượng bộ. Bạn nhượng bộ chỉ vì bạn sợ. Thiên Chúa chỉ hài lòng với người nhường nhịn trong vui tươi. Sr. Jaya ban đầu là một nạn nhân, nhưng dần dần đã trở thành một người thắng, dù bà cựu Tổng Quyền kia chẳng có thay đổi gì. Bà ấy vẫn cứ hay cáu kỉnh.

       Có những trường hợp mà phương pháp ‘thua-được’ này được xem là cách hành xử khôn ngoan nhất. Bạn đang đi trên vỉa hè. Một tay bợm nhậu từ đâu sấn tới, nồng nặc mùi rượu, hắn vốn nổi tiếng quậy phá và coi trời bằng vung. Sẽ là khôn ngoan việc bạn băng nhanh qua bên kia đường và tránh đi, nếu như bạn không phải là một cảnh sát có cơ bắp và đang mặc sắc phục. Đây không phải là thua, mà là “khôn ngoan của con rắn”.

    Bà cựu Tổng Quyền nói trên cũng thuộc loại “coi trời bằng vung”. Một Nữ Tu trẻ cần biết đón nhận từ bà ấy một số lời mạt sát bất công. Dĩ nhiên, nếu có thể, chị cần trình bày rõ vấn đề cho Bề Trên của mình, tránh tiếp tục cam chịu làm nạn nhân trong nỗi bứt rứt tủi thân.

THIÊN PHONG
dịch từ “Authority: Its Use and Abuse” của C.P. Varkey ( còn tiếp )
Nguồn Ephata