Gia đình, chủ thể phúc âm hóa

Gia đình, chủ thể phúc âm hóa

 

GIA ĐÌNH, CHỦ THỂ PHÚC ÂM HÓA
 
Cách nay hai tuần, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã tổ chức một hội nghị quốc tế kéo dài hai ngày tại Rôma với chủ đề gia đình như một chủ thể phúc âm hóa. Hội nghị này qui tụ các cặp vợ chồng từ khắp nơi trên thế giới cũng như các linh mục đang phụ trách thừa tác vụ gia đình. 

Đức Ông Carlos Simon Vazquez, một trong các phó tổng thư ký của Hội Đồng cho hay hội nghị đặc biệt tập trung vào giáo huấn của Công Đồng Vatican II, tức hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, cũng như tông huấn "Familiaris Consortio," do Đức Gioan Phaolô II ký ban hành sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm1980 bàn về gia đình. Đức ông cho hay tài liệu này “trình bày cho ta một nền thần học, một chương trình mục vụ về gia đình, vốn bắt rễ sâu trong mầu nhiệm Thiên Chúa và được mời gọi trở thành sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, của Đấng Thiên Chúa luôn muốn được thông truyền tin vui của Người cho toàn thể thế giới”. 

Theo đức ông, gia đình “được mời gọi làm cho Chúa hiện diện trong lịch sử” như hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” từng giải thích. Hiến chế trình bày gia đình như một “chủ thể phải làm cho các giả định trong phần đầu tài liệu trở thành một thực tế: thí dụ, nó phải hiện diện trong lãnh vực phục vụ quốc tế, trong lãnh vực phục vụ xã hội, phục vụ văn hóa, và trong các lãnh vực phục vụ khác mà Giáo Hội từng có lời phải nói ra”. 

Đức ông Vazquez nói rằng hiện nay gia đình đang bị rút gọn, chỉ còn là một đối tượng cho phúc âm hóa, chứ không còn là một chủ thể của phúc âm hóa nữa, một đối tượng biết làm truyện này truyện nọ, biết giải quyết các vấn đề. Ngài thêm: “Gia đình làm mọi truyện ấy nhưng trên hết gia đình là một hữu thể được Thiên Chúa yêu thương; cho nên, hoạt động của nó cũng chính là hữu thể của nó. Nó không phải là một thứ giải quyết vấn đề nhưng nó chu toàn được việc ấy vì nó sống một ơn gọi mà Thiên Chúa đã trao cho nó trong yêu thương”. 

Gia đình “là chỗ biết ơn, chỗ đại lượng, nơi ai cũng tìm được lý do để hy vọng, để được an ổn, không phải vì những điều họ có mà là vì những điều họ là và điều ấy là bản dịch của năng động tính tình yêu”. 

Xã hội và gia đình

Cha Leopold Vives, cựu tổng thư ký Ủy Ban Gia Đình và Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha nhấn mạnh đến vai trò của gia đình dưới ánh sáng thông điệp “Caritas in Veritate” của Đức Bênêđíctô XVI. Theo cha, “tiến bộ của xã hội phải đi qua tiến bộ của gia đình”. Theo cha, sự tiến bộ này có hai khía cạnh: “Khía cạnh thứ nhất là mối tương quan giữa sự thật và tình yêu: tiến bộ nhân bản phải có tính toàn bộ và điều này chỉ có thể xảy ra trong mối liên hệ liên bản ngã, nghĩa là trong liên hệ yêu thương. Nếu mối liên hệ yêu thương này không được sống đúng theo con người chân thực, thì tiến bộ chỉ là giả tưởng; có thể có tiến bộ vĩ đại về kinh tế, mang lại nhiều phương tiện để tùy nghi ta sử dụng, nhưng tiến bộ nơi con người thì không”.

Theo cha, khía cạnh thứ hai “là mở lòng ra cho sự siêu việt của con người, vượt quá chân trời trần thế”. Cha nói rằng “không có khía cạnh này, chúng ta vẫn chỉ đứng bên ngoài chân lý toàn bộ về con người và do đó, đứng ngoài sự thiện chân thực của họ và một lần nữa chúng ta lại gặp một tiến bộ giả tưởng”. 

Cha Vives đặc biệt nhấn mạnh đoạn thông điệp của Đức Giáo Hoàng nói về mối liên hệ giữa gia đình và Chúa Ba Ngôi. Ngài cho hay: “Chắc chắn sự viên mãn của con người có đó không phải chỉ ở trần gian mà còn trong hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trên trời nữa”.

Theo cha, một điển hình cho thấy tại sao gia đình đã trở thành một đối tượng chứ không phải một chủ thể chính là “ý thức hệ phái tính” (gender ideology). Ngài giải thích: “Định chế gia đình có gốc rễ trong chính bản nhiên con người. Trong trường hợp ý thức hệ phái tính, ta thấy có sự bác khước chân lý về con người, vì con người đã bị phân mảnh, thân xác bị coi như một cái gì thuộc vật chất, độc lập hẳn với con người, mà người ta có thể dùng tự do muốn uốn nắn ra sao cũng được tùy khẩu vị, hoàn toàn tách biệt với con người thực sự, một con người luôn phát biểu mình ra từ chính tự do của mình, một tự do cũng bị hiểu lầm tai hại, đại loại như ‘tôi là một con người vì tôi tự do và vì tôi tự do nên tôi có thể chọn lựa’. Không hẳn như thế”. 

Cha nói tiếp: “Con người là một trong một hợp nhất gồm cả thân xác lẫn linh hồn và do đó, bản sắc riêng của tôi không thể chân thực nếu nó không xét đến các hành vi nguyên khởi và chủ yếu của người mà tôi thực sự là. Vì trước hết, tôi là người đàn ông hay là người đàn bà. Gia đình, đặt căn bản trên hôn nhân, nghĩa là trên sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, chính là sự thật về con người. Không có sự thật ấy, ta sẽ tiêu diệt mối liên hệ căn bản nhất của con người, tức mối liên hệ phu thê, và qua đó, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái cũng bị tiêu diệt luôn. Ở đây, bản sắc riêng của con người bị thương tổn, nếu ta biết ta là ai trong mối liên hệ có tính bản vị: ‘anh là anh vì em hiện hữu; em hiện hữu, và anh khác em’. Tuy nhiên, nếu ta loại bỏ sự khác biệt, điều mà ý thức hệ phái tính có ý định, ta sẽ đánh mất chính nền tảng của bản sắc bản vị. Nếu tôi cố gắng xây dựng bản sắc bản vị của tôi bên ngoài cái hữu thể nam giới của mình, tôi sẽ mãi mãi mâu thuẫn với chính hữu thể của mình”. 

Không có nền

Cha Vives cho rằng một trong các thách đố lớn đối với các cặp vợ chồng trẻ muốn kết hôn trong Giáo Hội là yêu nhau theo kiểu chất lỏng (liquid love) nghĩa là một tình yêu “không nhất quán, không có nền, một điều gì trên đó người ta không thể xây dựng được bởi nó bị thu gọn chỉ còn là những cảm xúc khác nhau”. 

Cha nhấn mạnh: “dĩ nhiên, trong tình yêu có cảm xúc và cảm xúc này tạo thành một phần quan trọng và hết sức nổi bật nơi người trẻ, nhưng tình yêu không thể bị rút gọn thành một cảm xúc. Tình yêu là một hiệp thông nẩy sinh từ việc hiến mình. Và việc hiến mình đó phải là một hiến mình toàn diện. Đó mới là điều đem lại nền tảng cho mối liên hệ. Đó là điều không xẩy ra trong mối liên hệ yêu thương theo kiểu chất lỏng, giữa những cá nhân không có khả năng hy sinh, tự cho mình đi và trung thành, không có khả năng hứa hẹn vì họ coi tương lai như một điều không chắc chắn”. 

Muốn vượt qua được thứ tình yêu chất lỏng ấy, Cha Vives đề nghị ta cần thâm hậu hóa cái hiểu của ta về điều làm Kitô hữu phải như thế nào. Ngài bảo: “Khi hiểu mình có một ơn gọi, và ơn gọi này là hồng ân của Chúa được bí tích thánh hóa, thì các cá nhân sẽ có đủ khả năng để giữ đúng lời hứa sống yêu thương, xây dựng cho bằng được mối liên hệ mạnh mẽ và bền bỉ. Muốn làm được như thế, sợi dây nối kết với Giáo Hội phải là nền tảng. Kết hôn trong Chúa đồng thời phải gắn bó với Giáo Hội, vì Giáo Hội chính là nhiệm thể Chúa Kitô. Trong Chúa, họ sẽ tìm được thứ tình yêu mà cả hai vợ chồng đều mơ ước và là thứ tình yêu làm họ có khả năng mãi mãi hợp nhất với nhau”. 

Cha kết luận: “Người ta cũng không thể sống yêu thương mà không tha thứ và những gì được nuôi dưỡng bằng sự cộng tác của vợ chồng vào ơn thánh bí tích”.

Vũ Văn An
(VietCatholic News )