Gia đình suy gẫm năm sự thương

Gia đình suy gẫm năm sự thương

 

GIA ĐÌNH SUY GẪM NĂM SỰ THƯƠNG
 
NĂM SỰ THƯƠNG I
Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu (Lc 22,43).
Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
 
Suy niệm: Đấng từng dạy chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai, nay cũng biết lo buồn, nhưng đã sớm biết vâng ý Cha. Chúa đã đồng cảm và hiểu thấu những nỗi thống khổ của chúng ta. Về phần mình, chúng ta nhận được bài học: trong mọi lựa chọn, chấp nhận ý Chúa hơn ý riêng; trong khổ đau, cầu nguyện hơn than thở, Chúa sẽ bổ sức; trong lỗi lầm, hãy thành khẩn và không thất vọng.
 
Ý nguyện: Xin cho mọi người biết trân trọng đối với những giọt mồ hôi, những hạt nước mắt của nhau, biết làm việc lành tương xứng với lòng thống hối.
 
NĂM SỰ THƯƠNG II
Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn (Mt 27,26).
Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
 
Suy niệm: Chính vì tội chúng ta mà vị Chủ chăn nhân lành phải tan nát tấm thân. Đây là một nghịch lý của công trình cứu độ: cứu người, người hại. Thân thể của Chúa là Hội Thánh vẫn còn mang thương tích của thời đại: cố chấp, bất phục, bài xích… Giữa một xã hội tiêu thụ, lời kêu gọi hy sinh hãm mình của Chúa vẫn còn tha thiết, mong được đáp trả.
 
Ý nguyện: Xin cho mọi người không chỉ bằng lòng mà còn vui lòng, vì xứng đáng chịu cực khổ với Chúa: Chúa đã dùng chính thân xác chúng ta để chịu đau khổ thay cho Ngài.
 
NĂM SỰ THƯƠNG III
Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai (Mc 15,18).
Ta hãy xin cho được chịu mọi sự xỉ nhục bằng lòng.
 
Suy niệm: Đầu là phần quý nhất của con người. Đội mão gai chứ không phải triều thiên – đó là một sự xỉ nhục cực độ. Chúa Giêsu đã nhẫn nhục chịu đựng: im lặng, không phẫn nộ, không hận thù. Còn chúng ta: vợ chồng chịu đựng nhau được bao nhiêu? Cha mẹ than phiền con cái thế nào? Con cái gánh ấy tuổi già của cha mẹ ra sao? Chúa đối mặt với kẻ thù vẫn khoan dung. Chúng ta vẫn đối diện với người thân: lại tệ hơn sao?
 
Ý nguyện: Xin cho mọi người ý thức: điều không tránh được thì hãy chấp nhận, điều nặng lòng thì hãy trút bỏ, để tâm hồn thảnh thơi an bình.
 
NĂM SỰ THƯƠNG IV
Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá (Ga 19,17).
Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
 
Suy niệm: Trên đường tử nạn, Chúa vấp ngã nhiều lần, nhưng vẫn chỗi dậy tiến lên. Dù được ai đó nâng đỡ, nhưng Chúa vẫn không buông, vẫn tiếp bước cho đến hết đường. Hãy vác thánh giá của mình, đừng đòi thánh giá của người. Hãy vác đỡ thánh giá cho tha nhân, đừng quẳng thánh giá cho người khác. Vác thánh giá sẽ nhẹ nhàng, lê thánh giá sẽ nặng nề: tìm sự sống trong cái chết, tìm hạnh phúc qua đau khổ.
 
Ý nguyện: Nơi đâu có tình yêu thì không có gian khổ, mà nếu có gian khổ thì yêu luôn (Augustinô). Nếu không mến thánh giá được thì đừng ớn thánh giá.
 
NĂM SỰ THƯƠNG V
Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá (Ga 19,30).
Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.
 
Suy niệm: Khi bị đóng đinh trên khổ giá, Chúa Giêsu đã kéo mọi sự lên cao với Người. Cây Thập Giá nay trở thành cây sự sống. Cái chết của Chúa đã đem ơn cứu tử choloa2i người. Đáng lẽ chúng ta phải chạy khắp phố phường kêu lên: có một người đã chết cho tôi, để tôi được sống! Những gì đáng chết, sao nó vẫn sống dai: tính hư nết xấu… Những gì đáng sống, sao nó cứ ngấp ngoái: đức tin, lòng đạo… Chúa chết giữa trời vẫn là một lời cảnh báo cho những người sống mà không nghĩ mình phải chết.
 
Ý nguyện: Xin cho mỗi người nhìn lên Thánh Giá để nhìn thấy nghị lực vươn cao lên. Nhìn lên Đấng bị đâm thâu qua để dừng lại, đừng phạm tội nữa.
 
Giuse Nguyễn Hùng Cường
Hiệu đính: Lm. Giuse Phạm Bá Lãm