Đức Thánh Cha tông du Philippines, ngày thứ nhất: “Vai trò chính yếu trong việc canh tân xã hội là của gia đình và đặc biệt là những người trẻ”

Đức Thánh Cha tông du Philippines, ngày thứ nhất: “Vai trò chính yếu trong việc canh tân xã hội là của gia đình và đặc biệt là những người trẻ”
WHĐ (17.01.2015) – Sáng thứ Sáu 16-01, sau nghi lễ chào mừng diễn ra lúc 9g15 tại Dinh Tổng thống Malacañan, Manila, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chương trình ngày thứ nhất trong chuyến tông du tại Philippines với buổi gặp gỡ Tổng thống Benigno Aquino cùng với các nhà chức trách dân sự và các nhà ngoại giao tại Hội trường Rizal Cerimonial lúc 10g15.
 
Đức Thánh Cha đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ gia đình, người trẻ và người già, bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người.
 

Trước hết, Đức Thánh Cha cảm ơn Tổng thống đã đón tiếp và thay mặt chính phủ và nhân dân Philippines chào mừng ngài, cũng như cảm ơn các thành viên của Ngoại giao đoàn. Đức Thánh Cha khẳng định chuyến viếng thăm của ngài trước hết là mang tính mục vụ: “Giáo hội tại đất nước này đang chuẩn bị mừng kỷ niệm năm trăm năm Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được rao giảng tại đây. Sứ điệp Kitô giáo đã có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hoá Philippines. Tôi hy vọng dịp kỷ niệm quan trọng này sẽ cho thấy sứ điệp ấy không ngừng đem lại hoa trái và truyền cảm hứng cho một xã hội xứng đáng với lòng tốt, phẩm giá và những nguyện vọng của người dân Philippines”.

 

 
Như chủ đề chuyến tông du “Thương xót và Nhân từ” đã nói, Đức Thánh Cha bày tỏ: “Một cách đặc biệt, chuyến viếng thăm này muốn thể hiện sự gần gũi của tôi với những người anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ, mất mát và sự tàn phá do cơn bão Yolanda gây ra. Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi đã ngưỡng mộ sức mạnh anh hùng, niềm tin và khả năng phục hồi mà rất nhiều người Philippines đã chứng tỏ khi đối mặt với thảm họa thiên nhiên này, và rất nhiều người khác nữa”.
 
Đặc biệt, Đức Thánh Cha ca ngợi những người trẻ: “Trong lúc đất nước gặp khủng hoảng, rất nhiều người đã đến với những ai cần trợ giúp. Họ đã dành thời gian và sức lực thiết lập những mạng lưới tương trợ và làm việc vì lợi ích chung. Tấm gương này của tinh thần đoàn kết trong công việc tái thiết dạy chúng ta một bài học quan trọng”.
 
Đức Thánh Cha nêu lên thực trạng của Philippines và đưa ra những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo chính trị: “Cũng như một gia đình, mọi xã hội đều dựa trên những nguồn lực sâu xa nhất của mình để đương đầu với những thách đố mới. Ngày nay, Philippines, cùng với nhiều quốc gia khác ở châu Á, phải đối mặt với thách đố xây dựng một xã hội hiện đại trên những nền tảng vững chắc – một xã hội tôn trọng các giá trị nhân văn đích thực, bảo vệ phẩm giá và quyền con người được Thiên Chúa ban và sẵn sàng đương đầu với những vấn đề mới mẻ và phức tạp về chính trị và đạo đức. Như nhiều tiếng nói trong quốc gia của quý vị đã chỉ ra, bây giờ hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo chính trị cần phải hết sức trung thực, liêm khiết và dấn thân cho công ích. Bằng cách này, họ sẽ giúp bảo tồn các nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Thiên Chúa đã ban cho đất nước này. Như thế, họ sẽ chuẩn bị các nguồn lực tinh thần cần thiết trước những đòi hỏi hiện nay, và chuyển giao cho các thế hệ tương lai một xã hội thực sự công bằng, liên đới và bình an”.
 
Đề cập đến gia đình và người trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Vai trò chính yếu trong việc canh tân xã hội tất nhiên là của gia đình và đặc biệt là những người trẻ. Nét nổi bật trong chuyến viếng thăm của tôi là cuộc gặp gỡ các gia đình và những người trẻ. Các gia đình có một nhiệm vụ không thể thiếu trong xã hội. Chính trong gia đình mà trẻ em được giáo dục các giá trị lành mạnh, những lý tưởng cao quý và mối quan tâm đích thực đến người khác. Nhưng cũng như tất cả các quà tặng của Thiên Chúa, gia đình cũng có thể bị biến dạng và bị phá hủy. Gia đình cần được chúng ta trợ giúp. Chúng ta biết rằng các nền dân chủ của chúng ta ngày nay rất khó giữ gìn và bảo vệ những giá trị nhân văn như tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người, tôn trọng các quyền của lương tâm và tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền sống chính đáng, từ khi chưa sinh cho đến lúc già cả và đau yếu. Vì thế, cần phải khuyến khích và trợ giúp các gia đình và cộng đồng địa phương nỗ lực chuyển giao cho những người trẻ của chúng ta những giá trị và nhãn quan có thể giúp đem lại một nền văn hóa toàn vẹn – nền văn hoá tôn vinh lòng tốt, sự thật, lòng trung tín và đoàn kết như nền tảng vững chắc và chất keo đạo đức gắn kết xã hội”.
 
Đức Thánh Cha nói rằng: “Khởi đầu chuyến viếng thăm tới đất nước này, tôi không thể không nói đến vai trò quan trọng của Philippines trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á. Tôi cũng muốn nói đến những đóng góp thường bị bỏ quên nhưng lại thực tế của những cộng đồng Philippines ở nhiều nơi cho đời sống và phúc lợi của quốc gia mà họ đang sống. Chính trong ánh sáng của các di sản văn hóa và tôn giáo phong phú mà đất nước của quý vị tự hào mà tôi đề ra cho quý vị một thách đố và một lời cầu nguyện khích lệ. Mong sao các giá trị tâm linh sâu sắc nhất của người dân Philippines luôn thể hiện trong những nỗ lực của quý vị để đem lại sự phát triển con người toàn diện cho người dân của quý vị”.
 
Kết thúc, Đức Thánh Cha “tin tưởng rằng những nỗ lực đáng khen nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa những người theo các tôn giáo khác nhau sẽ mang lại kết quả trong việc theo đuổi mục tiêu cao quý này”. Đặc biệt, Đức Thánh Cha cũng “tin tưởng rằng tiến trình nhằm mang lại hòa bình cho miền nam Philippines sẽ có kết quả trong những giải pháp chính đáng phù hợp với các nguyên tắc sáng lập quốc gia này và tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của mọi người, bao gồm các dân tộc bản địa và các tôn giáo thiểu số”.
 
***
 

Lúc 11g15 Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội (Nhà thờ chính toà Manila) để cử hành Thánh Lễ với các giám mục, linh mục và tu sĩ.
 

 
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dùng chính lời Chúa Giêsu nói với Phêrô “Con có yêu mến Thầy không? ... Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy” (Ga 21,15-17), để nói chuyện với các giám mục, linh mục, chủng sinh và các tu sĩ: “Những lời ấy nhắc nhở chúng ta về một điều chính yếu. Mọi sứ vụ mục tử đều xuất phát từ tình yêu. Mọi đời sống thánh hiến đều là dấu chỉ của tình yêu hoà giải của Chúa Kitô. Ơn gọi của chúng ta rất đa dạng, nhưng cũng như Thánh Têrêsa, mỗi người chúng ta đều được mời gọi, một cách nào đó, trở thành tình yêu trong trái tim của Hội Thánh”.
 
Đức Thánh Cha gửi lời chào và tình cảm quý mến của ngài đến tất cả những người già và đau yếu, và tất cả những ai không thể tham dự thánh lễ này. Ngài nói: “Đang khi Giáo hội tại Philippines hướng đến kỷ niệm năm trăm năm được Phúc Âm hoá, chúng ta cảm thấy lòng biết ơn đối với di sản của rất nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ của các thế hệ trước đây. Các ngài lao nhọc không chỉ để rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo hội ở đất nước này, mà còn để xây dựng một xã hội lấy cảm hứng từ sứ điệp bác ái, tha thứ và tình liên đới của Phúc Âm trong việc phục vụ công ích. Ngày nay anh chị em tiếp nối công việc yêu thương ấy. Cũng như các ngài, anh chị em được kêu gọi bắc những cây cầu, chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, và chuẩn bị những con đường mới cho Phúc Âm tại châu Á vào buổi bình minh của thời đại mới”.
 
Về sứ vụ của các linh mục và những những ngườii sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha giải thích: “’Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cr 5,14). Trong bài đọc thứ nhất Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tình yêu mà chúng ta được mời gọi loan báo là một tình yêu hòa giải, tuôn trào từ trái tim của Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh. Chúng ta được kêu gọi làm “những sứ giả của Chúa Kitô” (2 Cr 5,20). Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ hòa giải. Chúng ta loan báo Tin Mừng về Tình yêu và lòng từ bi thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Chúng ta loan báo niềm vui của Phúc Âm. Vì Phúc Âm là lời hứa của ân sủng của Thiên Chúa, mà chỉ mình nó mới có thể mang lại sự toàn vẹn và chữa lành thế giới đã bị tan vỡ của chúng ta. Nó có thể truyền cảm hứng để xây dựng một trật tự xã hội công bằng thực sự và được cứu chuộc”.
 
Tiếp theo, Đức Thánh Cha ngỏ lời cách riêng với các linh mục, tu sĩ trẻ và các chủng sinh. Đức Thánh Cha xin họ chia sẻ niềm vui và nhiệt tâm yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội với tất cả mọi người, đặc biệt là với các bạn đồng trang lứa với họ: “Hãy hiện diện với những người trẻ đang băn khoăn và thất vọng nhưng vẫn còn xem Giáo hội như một người bạn của mình trên cuộc hành trình và như nguồn hy vọng. Hãy hiện diện với những ai đang sống giữa một xã hội bị đè nặng bởi nghèo đói và tham nhũng, tâm hồn tan nát, bị cám dỗ đầu hàng, bỏ học và sống trên đường phố. Hãy giới thiệu vẻ đẹp và chân lý của sứ điệp Kitô giáo cho một xã hội đang bị cám dỗ bởi các lối trình bày rối rắm về tình dục, hôn nhân và gia đình. Như anh chị em đã biết, những thực tại này đang ngày càng bị tấn công từ các thế lực mạnh mẽ đe dọa bóp méo kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa và phản bội những giá trị từng truyền cảm hứng và định hình tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong văn hóa của anh chị em”.
 
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để một khi chết trong Người, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Người” (x 2. Cr 5,15) và dâng lời nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội, “đổ tràn lòng nhiệt thành trên các giám mục, linh mục và tu sĩ, để biết họ tiêu hao chính mình mà phục vụ anh chị em cách vô vị lợi”. Đồng thời, “xin cho tình yêu hòa giải của Chúa Kitô ngày càng thấm nhập hoàn toàn vào cơ cấu của xã hội Philippines, và qua anh chị em, đến những nơi xa xôi nhất của thế giới”.
 
***
 
Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động trong nhà của “Khu Thương mại Á châu” ở Pasay lúc 5g30 để gặp gỡ các gia đình. Khoảng 20.000 người đã tham dự buổi gặp gỡ này, dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa. (*)
 
 

 

Sau bài Phúc Âm thuật lại biến cố Thánh Gia phải sang Ai Cập lánh nạn vì Hêrôđê đang tìm giết Hài nhi Giêsu (Mt 2,13-15.19-23), Đức Thánh Cha đã ban huấn từ cho cộng đoàn tham dự.

 
Đức Thánh Cha nói: “Kinh Thánh nói rất ít về Thánh Giuse, và nếu nói về ngài, lại thường lại nói về ngài trong lúc đang ngủ: một thiên thần hiện ra trong giấc ngủ và báo mộng cho Thánh Giuse. Trong đoạn Phúc Âm vừa nghe, chúng ta thấy Thánh Giuse ngủ không phải một, mà là hai lần. Tối nay tôi cũng muốn nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em. Tôi cần phải nghỉ ngơi trong Chúa với gia đình, và suy tư về gia đình: cha tôi, mẹ tôi, ông tôi, bà tôi... Hôm nay tôi muốn nghỉ ngơi cùng với anh chị em và và cùng với anh chị em suy tư về hồng ân gia đình”.
 
Đức Thánh Cha nêu ra 3 điểm của đoạn Kinh Thánh này để suy tư, đó là: nghỉ ngơi trong Chúa, trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và trở thành tiếng nói ngôn sứ.
 
Điểm thứ nhất: nghỉ ngơi trong Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dành những giờ nghỉ ngơi, thinh lặng trong tâm hồn, dành thời giờ cho việc cầu nguyện: “Nếu chúng ta không cầu nguyện thì chúng ta sẽ không biết điều quan trọng nhất, đó là thánh ý Chúa đối với chúng ta. Và nếu chỉ hoạt động mà không cầu nguyện thì chúng ta chỉ làm được rất ít việc”.
 
“Nghỉ ngơi để cầu nguyện là điều đặc biệt quan trọng đối với gia đình. Chính trong gia đình mà chúng ta phải học cách thức cầu nguyện trước hết... Trong gia đình chúng ta học yêu thương, tha thứ, quảng đại và cởi mở chứ không khép kín và ích kỷ. Chúng ta học cách đi xa hơn những nhu cầu của mình, gặp gỡ tha nhân và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ”.
 
Điểm thứ hai: Trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những lúc nghỉ ngơi quý giá, nghỉ với Chúa trong kinh nguyện, là những lúc chúng ta muốn kéo dài. Nhưng cũng như thánh Giuse, sau khi nghe tiếng Chúa, chúng ta phải trỗi dậy, đứng lên và hành động. Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi trần thế, nhưng đưa chúng ta vào sâu hơn trong thế giới. Thực vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc thù trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa đến trong trần thế của chúng ta.
 
Trong những sứ vụ các tín hữu cần thi hành, Đức Thánh Cha đặc biệt nói đến sứ mạng bênh vực gia đình. Ngài nói: “Có nhiều sức ép trên gia đình ngày nay. Tại Philippines này có vô số các gia đình còn đang chịu đau khổ vì hậu quả của các thiên tai. Tình trạng kinh tế làm cho nhiều gia đình phải chia ly vì di cư để tìm công ăn việc làm và những vấn đề tài chánh làm cho nhiều gia đình bị căng thẳng. Trong khi quá nhiều người sống trong nghèo đói lầm than, thì những người khác lại bị thu hút vào trào lưu duy vật và những lối sống phá hủy gia đình và những đòi hỏi căn bản nhất của luân lý Kitô giáo. Gia đình cũng bị đe dọa vì những toan tính ngày càng gia tăng của một số người muốn định nghĩa lại chính định chế gia đình, hoặc vì trào lưu duy tương đối, nền văn hóa phù du, thiếu cởi mở đối với sự sống”.
 
“Thế giới chúng ta đang cần những gia đình tốt và vững mạnh để khắc phục những đe dọa ấy! Philippines đang cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và chân lý về gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và là một nâng đỡ, nêu gương cho các gia đình khác”.
 
Và điểm thứ ba: trở thành tiếng nói ngôn sứ. Đức Thánh Cha nói rằng Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của Kitô hữu phải là những tiếng nói ngôn sứ trong các cộng đoàn chúng ta. Khi gia đình sinh sản và giáo dục con cái trong đức tin và các giá trị tốt đẹp, dạy con cái góp phần xây dựng xã hội, thì họ trở thành một phúc lành cho thế giới. Tình thương của Thiên Chúa trở nên hiện diện và hoạt động qua cách thức chúng ta yêu thương và nhờ công việc lành chúng ta làm. Chúng ta mở rộng Nước Chúa trong thế giới này. Và khi làm như thế chúng ta tỏ ra trung thành với sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta nhận lãnh khi chịu phép rửa tội.
 
Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận: “Năm nay được các giám mục của anh chị em chọn là ‘Năm Người Nghèo’. Tôi xin anh chị em, trong tư cách là gia đình, hãy đặc biệt để ý đến ơn gọi của chúng ta trở thành các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đi xa hơn gia đình của anh chị em, và săn sóc những anh chị em khác đang ở trong tình cảnh túng thiếu nhất. Tôi xin anh chị em đặc biệt chứng tỏ sự quan tâm đối với những người không có gia đình, nhất là những người già và trẻ em không có cha mẹ. Đừng bao giờ để họ cảm thấy lẻ loi, cô độc và bị bỏ rơi, nhưng giúp họ biết rằng Chúa không quên họ”.
 
––––––––––––––––––––––––––
 
(*) Từ đây đến cuối bài trích từ vietvatican.net
 
 
Minh Đức
Nguồn: Website Hội đồng Giám mục Việt Nam