Đức Thánh Cha tông du Marốc: Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật
Chiều Chúa Nhật 31/3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho gần 10.000 tín hữu Công giáo Marốc, tôn giáo thiểu số ở đất nước này.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Marốc hôm Chúa Nhật khi cử hành Thánh lễ cho cộng đoàn Công giáo tại Khu liên hợp Thể thao ở thủ đô Rabat của Marốc.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha tập trung nói về sự cần thiết phải từ chối hận thù, chia rẽ và trả thù trong khi tiếp tục nuôi dưỡng một nền văn hóa của lòng thương xót và tiếp đón.
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).
Ở đây, đoạn Tin Mừng đưa chúng ta vào tâm điểm của dụ ngôn, thể hiện phản ứng của người cha khi thấy con mình quay về. Hết sức xúc động, ông chạy ra gặp người con trước khi anh ta về đến nhà. Chờ đợi người con từ lâu, người Cha vui mừng khi thấy anh ta trở về.
Đó không phải là lần duy nhất người cha chạy đi. Niềm vui của ông sẽ không trọn vẹn nếu không có sự hiện diện của người con trai cả. Sau đó, ông bắt đầu đi tìm anh ta và mời anh tham gia vào tiệc mừng (x. câu 28). Nhưng người con trai cả đã xuất hiện buồn bã bởi tiệc mừng quay về nhà. Anh khó chấp nhận khi thấy niềm vui của cha mình; anh không thừa nhận sự quay về của em trai mình, anh nói với cha: “thằng con của cha đó” (câu 30). Đối với người anh cả, người em vẫn biệt tích, vì anh đã mất em mình trong tim.
Do không sẵn lòng tham gia tiệc mừng, người con cả không chỉ không nhìn nhận em trai mình, mà còn không nhìn nhận cả cha mình. Anh ta thà là một đứa trẻ mồ côi hơn là có một người em. Anh ta thích sự cô lập hơn là gặp gỡ, thích cay đắng hơn là vui mừng. Không chỉ anh ta không thể hiểu hay tha thứ cho em trai mình, mà anh còn không thể chấp nhận một người cha có khả năng tha thứ, sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi, tin tưởng và tiếp tục tìm kiếm, kẻo ai đó bị bỏ rơi. Tóm lại một lời, một người cha có khả năng thương xót.
Ở ngưỡng cửa của ngôi nhà đó, dường như xuất hiện mầu nhiệm của nhân loại chúng ta. Một mặt, tiệc mừng người con trai đã mất và nay được tìm thấy; mặt khác, một cảm giác phản bội và phẫn nộ tại tiệc mừng về sự trở lại của người con. Một mặt, sự chào đón dành cho người con đã trải qua đau khổ và đau đớn, thậm chí đến mức khao khát được ăn cám dành cho heo; mặt khác, sự cáu kỉnh và tức giận đối với cái ôm dành cho một kẻ đã chứng tỏ mình không xứng đáng.
Nơi đây, một lần nữa chúng ta thấy sự căng thẳng mà chúng ta trải qua trong xã hội và trong cộng đoàn chúng ta, và thậm chí trong chính cõi lòng chúng ta. Một sự căng thẳng sâu thẳm trong chúng ta kể từ thời Cain và Abel. Chúng ta được mời gọi để đối diện với nó và xem nó là gì. Vì chúng ta cũng hỏi: “Ai có quyền ở lại với chúng ta, có một chỗ nơi bàn ăn của chúng ta và nơi các cuộc gặp gỡ của chúng ta, trong các hoạt động và bận tâm của chúng ta, trong các quảng trường và thành phố của chúng ta?”. Dường như câu hỏi giết người liên tục quay lại: “Con là người giữ em con hay sao?” (x St 4, 9).
Trước ngưỡng cửa của ngôi nhà đó, chúng ta có thể thấy sự chia rẽ và xung đột của chính mình, sự hung hăng và xung đột luôn ẩn nấp trước những lý tưởng cao đẹp của chúng ta, những nỗ lực của chúng ta để xây dựng một xã hội huynh đệ, nơi mỗi người có thể trải nghiệm ngay cả phẩm giá của con người là người con trai hay con gái
Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa của ngôi nhà đó, chúng ta cũng sẽ thấy tất cả sự rạng rỡ rõ ràng của nó, không có những từ nếu và nhưng, mong muốn của người cha là tất con trai và con gái chia sẻ niềm vui của ông. Rằng không ai phải sống trong điều kiện vô nhân đạo, như người con trai thứ của ông đã sống, hay sống như kẻ mồ côi, xa cách và cay đắng như người con cả. Trái tim ông muốn tất cả người nam và người nữ được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2, 4).
Đúng là có nhiều tình huống có thể thúc đẩy sự chia rẽ và xung đột, trong khi những tình huống khác có thể đưa chúng ta đến sự đối đầu và đối kháng. Không thể phủ nhận điều đó. Thông thường chúng ta bị cám dỗ để tin rằng thù hận và trả thù là những cách hợp pháp để đảm bảo công lý nhanh chóng và hữu hiệu. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng sự thù hận, chia rẽ và trả thù chỉ đạt đến việc giết hại tâm hồn con người chúng ta, đầu độc niềm hy vọng của con cái chúng ta, phá hủy và tước đi mọi thứ chúng ta ấp ủ.
Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dừng lại và chiêm ngưỡng tấm lòng của Cha chúng ta. Chỉ từ viễn tượng đó, chúng ta mới có thể nhìn nhận một lần nữa rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Chỉ từ chân trời mở rộng đó, chúng ta mới có thể vượt qua những lối suy nghĩ thiển cận và gây chia rẽ của chúng ta, và nhìn mọi thứ theo cách không hạ thấp sự khác biệt của chúng ta mang danh của sự ép buộc hiệp nhất hoặc lặng lẽ gạt ra bên lề. Chỉ khi chúng ta có thể ngước mắt lên trời mỗi ngày và đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta mới có thể trở thành một phần của tiến trình có thể khiến chúng ta nhìn rõ mọi thứ và sống với nhau không như kẻ thù mà là như anh chị em với nhau.
“Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15:31), người cha nói với con trai cả của mình. Ông không nói quá nhiều về sự giàu có vật chất, mà là nói về sự chia sẻ trong tình yêu và lòng thương xót của chính ông. Đây là di sản và của cải to lớn nhất của một Kitô hữu. Thay vì tự đo lường hoặc phân loại bản thân theo các tiêu chí đạo đức, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo khác nhau, chúng ta cần nhận ra một tiêu chí khác tồn tại, một tiêu chí mà không ai có thể lấy đi hoặc phá hủy vì đó là ân sủng thuần túy. Cần nhận thức rằng chúng ta là con trai và con gái yêu dấu, những người mà Cha chờ đợi và ăn mừng.
Lời Cha nói “Tất cả những gì của cha đều là của con”, bao gồm cả khả năng thương xót của Cha. Chúng ta đừng rơi vào sự cám dỗ của việc hạ thấp sự thật rằng chúng ta là con của Ngài vào vấn đề luật lệ và quy tắc, nhiệm vụ và bổn phận. Phẩm giá và sứ mạng của chúng ta sẽ không phát sinh từ các hình thức duy ý chí, duy luật lệ, thuyết tương đối hay chủ nghĩa quá khích, mà là từ những tín hữu hàng ngày khiêm hạ và kiên trì cầu xin: “Xin cho Nước Cha trị đến!”
Dụ ngôn của Tin Mừng cho chúng ta một cái kết mở. Chúng ta thấy người cha yêu cầu người con cả đến và chia sẻ trong tiệc mừng của lòng thương xót. Tác giả Tin Mừng không nói gì về quyết định của người con cả. Anh ta có tham gia bữa tiệc không? Chúng ta có thể hình dung rằng phần kết mở này được viết bởi mỗi cá nhân và mọi cộng đoàn. Chúng ta có thể hoàn thiện nó bằng cách chúng ta sống, cách chúng ta quan tâm đến tha nhân và cách chúng ta đối xử với người lân cận. Người Kitô hữu biết rằng trong nhà Cha có rất nhiều chỗ: những người duy nhất ở bên ngoài là những người chọn không chia sẻ niềm vui của mình.
Anh chị em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì cách mà anh chị em làm chứng cho Tin Mừng về lòng thương xót ở vùng đất này. Cảm ơn anh chị em đã nỗ lực để làm cho mỗi cộng đoàn của mình trở thành một ốc đảo của lòng thương xót. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục để văn hóa của lòng thương xót phát triển, một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác bằng thái độ thờ ơ, hoặc ngó lơ trước nỗi đau khổ của họ (xem Misericordia et Misera, 20). Hãy gần gũi với những người bé mọn và người nghèo, và với tất cả những người bị khước từ, bị bỏ rơi và bị làm ngơ. Hãy tiếp tục là một dấu chỉ của vòng tay yêu thương của Chúa Cha.
Cầu xin Lòng khoan dung và Thương xót - như anh chị em Hồi giáo của chúng ta thường xuyên cầu khẩn Ngài - củng cố anh chị em và làm cho công việc yêu thương của anh chị em trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết.
Tạ Ân Phúc