Đức Thánh Cha phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ: Hôn nhân và Gia đình đang bị đe dọa
Sáng ngày 24/09/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô làm nên lịch sử là vị Giáo hoàng đầu tiên phát biểu trong Phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington D.C.
Đức Thánh Cha đã được Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner đón tiếp tại Điện Capitol. Sau một vài giây phút trao đổi với Nghị sĩ Boehner, bao gồm việc trao đổi quà, Đức Thánh Cha đi vào Tòa Nhà Quốc hội, được một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng tháp tùng và được chào đón trong tiếng vỗ tay vang dội.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng biết ơn về lời mời phát biểu trước Quốc hội: "Tôi nghĩ rằng lý do cho lời mời này là vì tôi cũng là người con của đại lục này, nơi mà từ đó tất cả chúng ta đều được lãnh nhận rất nhiều và chúng ta cùng chia sẻ một trách nhiệm chung".
Suy tư về trách nhiệm của những vị đại diện người dân, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng họ được mời gọi bảo vệ và giữ gìn căn tính của công dân Mỹ. Ngài nói: "Hoạt động lập pháp luôn luôn dựa trên sự chăm sóc cho người dân. Quý vị được mời gọi thực hiện điều này, được kêu gọi và triệu tập bởi những người đã bầu chọn cho quý vị".
Đức Thánh Cha cũng nói về nhân vật Môsê, hình ảnh ông được treo đối diện với Đức Thánh Cha trong Tòa nhà Quốc hội, là nguồn suy tư về trách nhiệm của người đại diện.
Ngài nói thêm: "Một mặt, tổ phụ và những người ban hành lề luật cho dân Israel tượng trưng cho sự cần thiết của các dân tộc để giữ cho ý thức hiệp nhất của họ sống động bằng các phương tiện lập pháp công bằng. Mặt khác, nhân vật Môsê dẫn đưa chúng ta trực tiếp đến với Thiên Chúa và do đó làm trổi vượt căn tính của con người. Ông Môsô mang đến cho chúng ta một sự tổng hợp các công việc tốt lành của quý vị: quý vị có bổn phận phải bảo vệ, bằng phương tiện của pháp luật, hình ảnh và mọi hình thức giống Thiên Chúa trên mọi khuôn mặt của con người".
Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng mong muốn nói với tất cả những người nam và người nữ, nhất là người già "là kho tàng trí tuệ được trui rèn bằng kinh nghiệm". Ngài cũng mong muốn nói với người trẻ Hoa Kỳ, những người phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn "thường là kết quả của sự thiếu trưởng thành phần nào của nhiều người lớn".
Tôi muốn đối thoại với tất cả quý vị, và tôi muốn làm điều đó thông qua ký ức lịch sử của dân tộc quý vị"
Cảnh báo chống lại 'Chủ nghĩa tối giản'
Đức Thánh Cha mời gọi Quốc hội suy tư về đời sống của bốn vị vĩ nhân Hoa Kỳ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình: Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr., Dorothy Day và Thomas Merton.
Nhắc lại kỷ niệm 150 năm vụ ám sát Tổng Thống Lincoln, Đức Thánh Cha nhắc lại những nỗ lực không mệt mỏi của vị cựu tổng thống bảo vệ tự do. Ngài nói thêm rằng tự do đó "đòi hỏi tình yêu vì thiện ích chung và sự hợp tác trong tinh thần bổ trợ và liên đới".
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chú ý đến sự gia tăng bạo lực nhân danh Thiên Chúa và tôn giáo: "Sự cân bằng tinh tế là cần thiết để chống lại bạo lực được thực hiện nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hay một hệ thống kinh tế, trong khi cũng bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do cá nhân".
Đức Giáo Hoàng cũng cảnh báo Quốc hội phải cảnh giác chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa tối giản vốn chỉ xem sự việc là thiện hay ác. Ngài cho hay: "Thế giới hiện đại, với những vết thương hở của mình vốn ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải đương đầu với mọi hình thức phân cực đang chia rẽ thành hai phe. Chúng ta biết rằng trong nỗ lực để được giải thoát khỏi những kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Mô phỏng hận thù và bạo lực của những bạo chúa và những kẻ sát nhân là cách tốt nhất để chiếm lấy chỗ của chúng. Đó là điều mà quý vị, trong tư cách là một dân tộc, luôn bác bỏ".
Đức Thánh Cha nói rằng để chống lại điều này, việc khôi phục niềm hy vọng và thúc đẩy sự thịnh vượng của dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Một tinh thần hợp tác mới "đòi hỏi chúng ta dành nguồn lực và tài năng của mình, và quyết tâm nâng đỡ lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt của chúng ta và những xác tín về lương tâm của chúng ta".
Hãy nhớ Nguyên tắc Vàng
Để giải quyết các vấn đề gai góc về di dân và khủng hoảng người tị nạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Quốc hội tiếp tục giấc mơ của Martin Luther King về quyền dân sự và chính trị dành cho tất cả mọi người: "Trong những thế kỷ gần đây, hàng triệu người đã đến vùng đất này để theo đuổi giấc mơ của họ về việc xây dựng một tương lai trong tự do. Chúng ta, những người dân của châu lục này, không sợ hãi người nước ngoài, vì hầu hết chúng ta đã từng là người nước ngoài".
Phản ứng với cuộc khủng hoảng hiện nay, Đức Giáo Hoàng đưa ra Nguyên tắc Vàng như là kiểu mẫu cần noi theo: "Hãy làm cho người ta như anh em muốn họ làm cho mình". Ngài giải thích: "Quy tắc này chỉ cho chúng ta một định hướng rõ ràng. Chúng ta hãy đối xử với người khác theo cùng một niềm say mê và lòng trắc ẩn như chúng ta muốn được đối xử. Chúng ta hãy tìm người khác những khả năng tương tự như chúng ta tìm kiếm cho chính mình. Chúng ta hãy giúp người khác phát triển, như chúng ta muốn được giúp đỡ. Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn được an toàn, chúng ta hãy trao ban sự an toàn; nếu chúng ta muốn sống, chúng ta hãy trao ban sự sống; nếu chúng ta muốn có cơ hội, chúng ta hãy tạo cơ hội. Thước đo mà chúng ta sử dụng để đo người khác sẽ là thước đo mà thời gian sẽ sử dụng cho chúng ta".
Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng Nguyên tắc Vàng cũng áp dụng cho sự sống, mà ngài nhấn mạnh, phải được bảo vệ "ở mọi giai đoạn phát triển của nó". Ngài cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc bãi bỏ án tử hình toàn cầu, ngài nhấn mạnh rằng mọi sự sống là thiêng liêng: "Tôi tin rằng cách này là tốt nhất, vì mọi sự sống đều thiêng liêng, mỗi con người được thiên phú cho một phẩm giá bất khả xâm phạm, và xã hội chỉ có thể được hưởng lợi từ việc phục hồi những người bị kết án phạm tội ác".
Chăm sóc cho Ngôi nhà Chung
Tiếp tục phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc đời của Tôi Tớ Chúa là Dorothy Day, người sáng lập của Phong trào Công nhân Công giáo, người có "niềm đam mê dành cho công lý và bênh vực những người bị áp bức, được truyền cảm hứng từ Tin Mừng, đức tin của ngài, và mẫu gương của các thánh."
Đức Giáo Hoàng kêu gọi Quốc hội giúp đỡ những người bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của nghèo khổ bằng cách cho họ niềm hy vọng: "Tôi biết rằng nhiều người Mỹ hiện nay, cũng như trong quá khứ, đang làm việc để giải quyết vấn đề này. Không cần phải nói, một phần của nỗ lực rất lớn này là việc tạo ra và phân phối của cải. Quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng đúng đắn các công nghệ và sử dụng tinh thần doanh nghiệp là những yếu tố thiết yếu của một nền kinh tế vốn tìm cách trở nên hiện đại, toàn diện và bền vững.
Trích dẫn thông điệp Laudato Si (Ngài đáng Chúc tụng Ngợi khen) vừa mới được ngài ban hành trong thời gian gần đây về sự chăm sóc môi trường, Đức Thánh Cha nhắc nhở các chính trị gia Hoa Kỳ rằng trái đất cũng được bao gồm trong việc phục vụ cho thiện ích chung: "Tôi không có nghi ngờ rằng Hoa Kỳ - và Quốc hội này - có một vai trò quan trọng. Giờ là thời gian dành cho những hành động và chiến lược can đảm, nhằm thực hiện một nền văn hóa chăm sóc và một cách tiếp cận toàn diện để đấu tranh chống đói nghèo, phục hồi phẩm giá cho những người bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên".
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại đời sống của tu sĩ Xitô Thomas Merton, người mà ngài nói là con người của đối thoại và một nhà cổ vũ hòa bình.
Ngài cũng ca ngợi những nỗ lực của đất nước Hoa Kỳ nhằm vượt qua những khác biệt, đề cập đến việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba mới đây: "Khi các quốc gia đã từng mâu thuẫn với nhau tiếp tục con đường đối thoại - một cuộc đối thoại có thể đã bị gián đoạn vì những lý do chính đáng nhất - thì những cơ hội mới mở ra cho tất cả. Điều này đòi hỏi lòng can đảm và sự táo bạo, chứ không giống như vô trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo chính trị tốt là một người mà với lợi ích của tất cả mọi người trong tâm trí, nắm bắt thời cơ trong tinh thần cởi mở và thực dụng. Một nhà lãnh đạo chính trị tốt luôn chọn lựa để bắt đầu tiến trình chứ không chiếm hữu các khoảng không gian. Phục vụ đối thoại và hòa bình cũng có nghĩa là thực sự quyết tâm giảm thiểu, và về lâu dài, là chấm dứt nhiều cuộc xung đột vũ trang trên khắp thế giới của chúng ta".
Nền tảng của hôn nhân bị đặt nghi vấn
Giải thích nguyên nhân cho chuyến tông du là Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 8, Đức Thánh Cha diễn tả tầm quan trọng về vai trò của gia đình trong việc xây dựng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển mối bận tâm của ngài đối với vấn đề gia đình hiện đang bị đe dọa "có lẽ chưa từng thấy, từ bên trong và bên ngoài". Ngài nói: "Các mối tương quan nền tảng đang bị đặt nghi vấn, cũng như chính căn bản của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể nhắc lại tầm quan trọng, và trên hết, sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình".
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi sự chú ý đến giới trẻ và người dễ bị tổn thương, nhiều người đang bị mắc kẹt "trong một mê cung vô vọng của bạo lực, lạm dụng và tuyệt vọng. Vấn đề của họ là vấn đề của chúng ta", Đức Thánh Cha nói trong tiếng vỗ tay của Quốc hội. "Chúng ta không thể tránh chúng. Chúng ta cần phải đối mặt với chúng, để nói về chúng và tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn là bị sa lầy trong các cuộc thảo luận. Trong nguy cơ giản lược quá mức, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chuyên gây áp lực khiến người trẻ không muốn lập gia đình, bởi vì họ thiếu khả năng cho tương lai. Tuy nhiên, cũng nền văn hóa này lại đưa ra cho người trẻ quá nhiều lựa chọn đến nỗi họ cũng đang bị thuyết phục để tránh lập gia đình".
Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Một quốc gia có thể được xem là vĩ đại khi bảo vệ tự do như Tổng thống Lincoln đã làm, khi nó nuôi dưỡng một nền văn hóa mà cho phép con người "mơ" đầy đủ các quyền cho tất cả các anh chị em của mình, như Martin Luther King đã tìm cách thực hiện; khi nó đấu tranh cho công bằng và những người bị áp bức, như Dorothy Day đã thực hiện bằng cách làm việc không mệt mỏi, hoa trái của đức tin trở thành đối thoại và gieo hạt giống hòa bình theo cách chiêm niệm của Thomas Merton".
Tạ Ân Phúc