Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ Myanmar hãy là sứ giả của hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ Myanmar hãy là sứ giả của hy vọng

Sáng thứ Năm 30/11/2017, trong ngày cuối cùng của chuyến tông du đến Myanmar, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ cho giới trẻ tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Maria ở trung tâm thành phố Yangon.

Đây là sự kiện cuối cùng của chuyến tông du bốn ngày đến Myanmar và đó là nơi tốt nhất nắm bắt được niềm hy vọng của đất nước này, đang tranh đấu để tìm đường trở thành một quốc gia hiện đại, dân chủ, phát triển.

Nguồn gốc đa sắc tộc

Đứng bên ngoài nhà thờ màu đỏ với hai tháp chuông cao là hàng trăm thanh niên nam nữ kiên nhẫn chờ đợi Đức Thánh Cha đến dâng Thánh lễ. Hầu hết họ đều mặc trang phục đầy màu sắc của các vùng khác nhau, đại diện cho lịch sử đa sắc tộc của Myanmar hiện đại. Họ rất tự hào về nguồn gốc, lịch sử và truyền thống văn hoá địa phương. Nhưng họ cũng muốn trở thành một phần của một quốc gia đang hướng tới tương lai, được quốc tế công nhận, đem lại triển vọng và cơ hội việc làm để hưởng mức sống giống như những người cùng thời ở các nước phát triển hơn.

Khát vọng hiện đại

Trong vài năm qua nơi đây có sự thay đổi lớn kể từ khi chính phủ bắt đầu mở cửa cho thế giới bên ngoài. Chỉ bốn năm trước, ít có ánh đèn và vài chuyến bay đến sân bay của Yangon. Giờ đây, thành phố vẫn còn một số khu ổ chuột nghèo nàn thu hút sự chú ý, với những chiếc lều bằng thiếc hoen gỉ và hệ thống cống rãnh mở, nhưng thành phố cũng xuất hiện tất cả các thương hiệu quốc tế và chuỗi khách sạn mà người ta tìm thấy ở New York, London hoặc Rôma.

Thách thức của bà Aung San Suu Kyi

Những người trẻ đã rất ý thức về những thách thức mà nhà lãnh đạo của họ, bà Aung San Suu Kyi, đang tìm kiếm để hiện đại hóa nền kinh tế và dẫn dắt đất nước thoát khỏi sự thống trị của quân đội, đã làm chậm sự phát triển của đất nước này trong sáu thập kỷ qua. Dĩ nhiên, không có câu trả lời tức thì cho những thách thức mà đất nước Myanmar đang phải đối mặt hiện nay. Ngay cả chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng cũng không thể mang lại hòa bình, như nhiều người đã ngây thơ hy vọng, giữa quân đội và các đội quân độc lập khác nhau.

Hãy là sứ giả của hy vọng

Trong huấn từ dành cho giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng khó có thể nói về 'Tin Vui' của Tin Mừng khi sự bất công, nghèo đói và đau khổ đang vây quanh chúng ta. Tuy nhiên, ngài nói với họ hãy là sứ giả của hy vọng ở Myanmar, không sợ hãy khi tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa và thể hiện tình liên đới với anh chị em của mình.


Lắng nghe tiếng Chúa

Ngài thúc giục họ lắng nghe tiếng của Chúa, thường bị lấn át bởi tiếng ồn ào và những phiền nhiễu trong đời sống hàng ngày của họ. Ngài nói với họ đừng sợ gây ra phiền nhiễu, hoặc hỏi các câu hỏi khơi gợi tư duy - không có lựa chọn dễ dàng cho những người đã nói phải nghĩ gì, nói gì và làm gì trong nhiều thập kỷ.

Tin Mừng triển nở từ những khởi đầu nhỏ nhoi

Liệu rằng lời của Đức Thánh Cha sẽ tạo nên sự khác biệt nơi những người trẻ, những người chăm chú lắng nghe bên trong nhà thờ hào nhoáng, hoặc bên ngoài nhà thờ trước màn hình lớn trên cỏ? Hãy can đảm, quảng đại và hân hoan, Đức Thánh Cha nói thêm với họ rằng Tin Mừng luôn luôn triển nở từ những khởi đầu nhỏ nhoi. Các giám mục hy vọng rằng những lời của ngài sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho Giáo Hội nhỏ này, gieo hạt giống trong những người trẻ sẽ mang lại nhiều hoa trái trong những năm tới.

Tạ Ân Phúc

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha (Nguồn: Website Hội đồng Giám mục Việt Nam)

***

 

Chuyến viếng thăm đất nước tươi đẹp của các bạn sắp kết thúc, tôi muốn cùng các bạn cảm tạ Thiên Chúa về muôn ơn lành Chúa ban cho chúng ta trong những ngày này. Khi nhìn các bạn, những người trẻ của đất nước Myanmar, và tất cả những người ở bên ngoài Nhà thờ chính tòa này đang hiệp cùng chúng ta, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu trong bài đọc I đang vang lên trong tôi. Trong thư gửi cộng đoàn Kitô hữu non trẻ tại Roma, thánh Phaolô dẫn lời ngôn sứ Isaia. Các bạn hãy nghe lại một lần nữa: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10, 15; x. Is 52, 7).

Các bạn trẻ Myanmar thân mến,

Lắng nghe các bạn nói và nghe tiếng hát của các bạn hôm nay, tôi muốn áp dụng những lời ấy cho các bạn. Vâng, bước chân của các bạn thật đẹp, nhìn các bạn thật đẹp và hưng phấn, vì các bạn đang mang đến cho chúng tôi ‘tin mừng’, tin mừng tuổi trẻ của các bạn, tin mừng niềm tin và nhiệt huyết của các bạn, vì các bạn là dấu chỉ cụ thể về niềm Tin của Hội Thánh vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng không bao giờ tàn lụi.

Một số người băn khoăn: làm sao có thể nói về tin mừng được, khi chung quanh chúng ta còn biết bao người đang chịu đau khổ? Tin mừng ở đâu khi bất công, nghèo đói và cùng cực đang phủ bóng trên chúng ta và thế giới chúng ta đang sống? Nhưng tôi muốn từ nơi này gửi đi một sứ điệp rất rõ ràng. Tôi muốn mọi người biết rằng: các bạn, những người trẻ nam nữ của Myanmar, không sợ tin vào tin mừng lòng Chúa thương xót, vì lòng thương xót ấy có một tên gọi và mang một khuôn mặt: Chúa Giêsu Kitô. Là những sứ giả mang tin mừng này, các bạn sẵn sàng mang lời hy vọng đến cho Giáo hội, cho đất nước mình, cho thế giới. Các bạn sẵn sàng mang tin mừng đến cho những anh em, chị em đang chịu đau khổ và những ai không những đang cần đến lời cầu nguyện và sự liên kết của các bạn, mà còn cần lòng nhiệt huyết của các bạn đối với nhân quyền, công lý và sự thăng tiến “tình yêu và bình an” Chúa Giêsu mang đến.

Tôi cũng muốn đặt cho các bạn một thách đố. Hẳn các bạn đã chăm chú nghe bài đọc I? Trong bài đọc này, thánh Phaolô ba lần nhắc lại từ không. Tuy chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng lại đòi chúng ta phải suy nghĩ về vị trí của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Quả thật, thánh Phaolô nêu ba câu hỏi và tôi muốn đặt ra cho từng người trong các bạn. Câu thứ nhất: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe?” Câu thứ hai: “Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” Câu thứ ba: “Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (x. Rm 10, 14-15).

Tôi mong các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ những câu hỏi này. Và các bạn đừng sợ! Như một người cha yêu con cái (có lẽ ‘người ông’ thì đúng hơn!), tôi không muốn để các bạn phải đơn độc trước những vấn đề được đặt ra này. Xin phép các bạn cho tôi gợi vài suy tư có thể hướng dẫn các bạn trong hành trình đức tin và giúp các bạn suy xét những điều Chúa đang đòi hỏi chúng ta.

Câu hỏi thứ nhất của thánh Phaolô: Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe?” Thế giới của chúng ta quá ồn ào và đầy phân tâm, làm át mất tiếng Chúa nói. Đối với những người được mời gọi lắng nghe và tin vào Người, họ cần tìm Người nơi những người đáng tin cậy, những người biết cách lắng nghe họ. Chắc chắn các bạn đang muốn trở nên những con người như thế. Nhưng chỉ có Chúa mới có thể giúp bạn trở thành đáng tin cậy. Vì thế, khi cầu nguyện bạn hãy thưa điều đó với Chúa. Các bạn hãy học biết nghe tiếng Chúa đang lặng lẽ nói với các bạn nơi tận đáy sâu của cõi lòng.

Các bạn cũng hãy thưa với các thánh, những người bạn chúng ta trên thiên quốc có thể mang lại sự khích lệ cho chúng ta. Như thánh Anrê chúng ta mừng kính hôm nay. Ngài là một ngư phủ đơn sơ, đã trở thành một vị tử đạo lớn, một chứng nhân tình yêu của Chúa Giêsu. Nhưng trước khi trở thành vị tử đạo, ngài từng có những sai lầm và cần kiên nhẫn học hỏi từng bước, để làm thế nào trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Các bạn cũng vậy, đừng sợ học hỏi từ những sai lầm của mình! Xin các thánh hướng dẫn các bạn đến với Chúa Giêsu, bằng cách giúp các bạn biết trao cuộc đời mình vào bàn tay Chúa. Các bạn biết Chúa Giêsu đầy lòng thương xót. Vậy, các bạn hãy chia sẻ với Người những điều mình giữ trong lòng: những sợ hãi, lo âu, những mơ ước và hy vọng. Các bạn hãy vun trồng cuộc sống nội tâm, giống như bạn chăm sóc vườn tược, ruộng đồng của mình. Điều này đòi phải có thời gian, đòi phải kiên nhẫn. Nhưng như một nông phu biết chờ đến lúc gặt hái, cũng vậy, nếu các bạn biết kiên tâm đợi chờ, Chúa sẽ mang lại cho bạn nhiều hoa trái, những hoa trái rồi đây bạn sẽ chia sẻ với mọi người.

Câu hỏi thứ hai của thánh Phaolô: “Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” Đây là một nhiệm vụ lớn lao được đặc biệt trao cho người trẻ: làm “môn đệ truyền giáo”, những sứ giả loan báo tin mừng của Chúa Giêsu, nhất là cho con người ngày nay và bạn bè. Các bạn đừng sợ trở thành một người xới tung vấn đề, đặt các câu hỏi buộc mọi người suy nghĩ! Và các bạn đừng sợ nếu có những lúc thấy mình chỉ là số ít, sống rải rác đây đó. Tin Mừng luôn vươn lên từ những rễ bé nhỏ. Vì thế các bạn hãy làm cho mình được lắng nghe! Tôi muốn các bạn hãy nói to lên! Nhưng không phải bằng lời, mà bằng cuộc sống, bằng con tim của mình, và như thế, trở thành những dấu chỉ hy vọng cho những ai thất vọng, bàn tay chìa ra cho người đau yếu, nụ cười niềm nở cho người lạc lõng, sự nâng đỡ ân cần đối với những ai bơ vơ.

Câu hỏi cuối cùng cùng của thánh Phaolô: “Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” Cuối Thánh lễ, tất cả chúng ta sẽ được sai đi, mang hồng ân mình đã lãnh nhận và chia sẻ cho mọi người. Điều này có thể khiến chúng ta có đôi chút băn khoăn, vì không phải lúc nào mình cũng biết được Chúa Giêsu bảo mình đi đâu. Nhưng không bao giờ Người sai chúng ta đi mà lại không cùng đi với chúng ta, và luôn luôn đi trước chúng ta một chút, để đưa chúng ta đi vào những miền đất thuộc Vương quốc của Người.

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa sai thánh Anrê và em ngài là ông Simon Phêrô như thế nào? Chúa nói với các ngài: “Các anh hãy theo Thầy” (x. Mt 4, 19). Được sai đi nghĩa là: bước theo Chúa Kitô. Không phải là lấy sức riêng mình mà rảo bước đi trước! Chúa sẽ mời một số người trong các bạn bước theo Chúa làm linh mục, và như thế, trở nên “những kẻ lưới người”. Một số bạn khác sẽ trở thành những người được thánh hiến. Còn các bạn khác được Chúa kêu gọi bước vào cuộc sống hôn nhân, trở thành những người cha, người mẹ thương yêu con cái. Dù bạn nhận được ơn gọi nào, tôi cũng khuyên các bạn: hãy can đảm lên, hãy quảng đại, và nhất là, hãy vui lên!

Trong ngôi Nhà thờ chính tòa tuyệt đẹp đã được cung hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội này, tôi khuyên các bạn hãy nhìn lên Đức Mẹ. Khi thưa xin vâng đáp lại lời sứ thần truyền tin, Mẹ đang còn trẻ như các bạn; nhưng Mẹ đã can đảm tin vào tin mừng vừa nghe và đã thể hiện nơi cuộc đời hết lòng trung tín với ơn gọi, tận hiến chính mình và hoàn toàn tín thác vào bàn tay chăm sóc từ ái của Thiên Chúa. Mong sao tất cả các bạn noi gương Mẹ, sống khiêm nhu nhưng can trường mang Chúa Giêsu đến với mọi người!

Các bạn trẻ thân mến, tôi tha thiết xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả các bạn và gia đình. Và tôi xin các bạn nhớ cầu nguyện cho tôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Myanmar!

 

Nguồn: Libreria Editrice Vaticana (bản tiếng Pháp)

 Thành Thi chuyển ngữ