Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Asuncion, Paraguay: “Giáo hội là ngôi nhà đón tiếp”
WHĐ (15.07.2015) – Ngày 12-07, tại công viên Ñu Guasu ở Asuncion, Paraguay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cuối cùng trong chuyến tông du kéo dài 8 ngày đến 3 quốc gia Nam Mỹ. Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nêu bật một khía cạnh quan trọng của linh đạo và truyền giáo của Kitô giáo là phải có thái độ đón tiếp người khác, đặc biệt là những người túng thiếu nhất.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Biết bao lần chúng ta quan niệm Phúc âm hoá là sử dụng một số chiến lược, chiến thuật, những kỹ xảo, kỹ thuật, để hoán cải người khác dựa trên những lý luận của chúng ta?”
Trong bài Phúc âm theo Thánh Matthêu hôm nay, “Chúa nói với chúng ta rất rõ ràng: theo tinh thần của Tin Mừng, anh em không thuyết phục người khác bằng lý lẽ, bằng chiến lược hay chiến thuật. Anh em thuyết phục người khác bằng cách học đón tiếp họ”.
Khi sai các môn đệ lên đường, từng hai người một, Chúa Giêsu chỉ thị rất rõ ràng “không được mang gì ngoài một cây gậy; không mang bánh, không bao bị, không tiền bạc”, và “khi vào nhà nào, hãy ở lại đó cho đến khi rời khỏi nơi ấy”.
Tất cả những thách đố ấy xem ra không thực tế, phóng đại và thậm chí là “vô lý”, tuy nhiên Chúa Giêsu rất rõ ràng.
Đức Thánh Cha nói: Trong chỉ thị của Chúa Giêsu, những thứ như bánh, tiền bạc, gậy, dép hoặc áo được nêu rõ, nhưng có một từ có thể ít được chú ý, mà lại ở trung tâm của linh đạo Kitô giáo, đó là “đón tiếp”.
“Chúa Giêsu là người Thầy tài giỏi, đã sai các môn đệ ra đi để được đón tiếp, để cảm nghiệm lòng mến khách”. Người không sai các môn đệ đi như những người có uy tín, uy quyền hay các quan chức với đủ thứ luật lệ, nhưng Người chỉ cho các môn đệ thấy “cuộc hành trình của Kitô hữu là biến đổi con tim”.
“Đó là việc học hỏi để sống một cách khác, theo một luật khác, với các quy tắc khác. Đó là việc đi từ con đường của ích kỷ, xung đột, chia rẽ và tự tôn đến con đường của sự sống, quảng đại và tình yêu”.
“Giáo hội là ngôi nhà đón tiếp”, là một người mẹ biết cách đón tiếp và đón nhận với một con tim rộng mở, đặc biệt là đón tiếp những người đang túng thiếu nhất.
“Chúng ta có thể làm được bao điều tốt đẹp, nếu chúng ta cố gắng nói bằng ngôn ngữ của lòng mến khách, của sự đón tiếp! Biết bao thương đau sẽ được xoa dịu, biết bao tuyệt vọng sẽ được ủi an khi người ta cảm thấy như ở nhà mình! Đón tiếp người đói khát, khách lạ, người không áo mặc, bệnh nhân, tù nhân, người phong và bại liệt”.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đón tiếp những người không suy nghĩ như chúng ta, những người không có đức tin hoặc đã mất đức tin, cũng như người bị đàn áp, những người thất nghiệp và những người thuộc các nền văn hóa khác.
Những người tội lỗi cũng phải được đón tiếp, vì chúng ta thường dễ quên rằng cái xấu là do tội lỗi mà ra.
“Có một căn nguyên gây ra thiệt hại, thiệt hại to lớn, và âm thầm phá hủy rất nhiều cuộc đời. Có một sự ác dần dần len vào tâm hồn chúng ta và làm hao mòn sự sống của chúng ta, đó là sự cô đơn. Cô đơn có thể có nhiều căn nguyên khác nhau, gây ra nhiều tác hại và “khiến chúng ta quay lưng lại với người khác, với Thiên Chúa và cộng đoàn. Nó làm cho chúng ta khép kín lại trong chính mình”.
Đó là lý do tại sao công việc thực sự của Giáo hội, như một người mẹ, chủ yếu không phải là quản lý các dự án, “nhưng là học biết cách sống trong tình huynh đệ với những người khác”.
Khi chúng ta sống như thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta có một não trạng mới, mở ra những chân trời mới tràn đầy sự thật, cái đẹp, sự sống và viên mãn.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thiên Chúa không bao giờ đóng sập lại những chân trời; Người không bao giờ dửng dưng trước cuộc sống và đau khổ của con cái mình. Thiên Chúa không bao giờ để cho mình thua kém về lòng quảng đại”.
Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đi, đã cho chúng ta một chân trời mới soi chiếu biết bao tình cảnh bị loại trừ, tan vỡ và cô đơn, vì Chúa Giêsu là “Lời phá vỡ sự im lặng của nỗi cô đơn”.
Đức Thánh Cha nói tiếp, chúng ta không bắt buộc ai phải đón tiếp hoặc chấp nhận mình, nhưng cũng không ai được bắt buộc chúng ta không được đón tiếp hay chấp nhận những người khác.
“Không ai được bảo chúng ta không được đón nhận và yêu thương sự sống của anh chị em chúng ta, nhất là những người đã mất hy vọng và niềm vui sống”. Đức Thánh Cha khích lệ các cộng đoàn trở nên “những trung tâm thực sự của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta và Thiên Chúa”, ở bất cứ nơi nào có các Kitô hữu.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng cũng như Giáo hội, Mẹ Maria là một người mẹ và một mẫu gương cho chúng ta.
Cũng như Đức Maria đã cho Chúa Giêsu một ngôi nhà là cung lòng Mẹ, “chúng ta cũng phải xây dựng ngôi nhà trái đất, ngôi nhà ấy không được làm cho hạt giống chết ngạt, nhưng đón nhận hạt giống, nuôi dưỡng và làm cho nó phát triển”.
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin.
Trong bài huấn từ ngắn, Đức Thánh Cha nói rằng Đức Maria là “món quà mà Chúa Giêsu ban cho dân Người”, đó là khi Đức Mẹ được Chúa Giêsu trao tặng cho chúng ta lúc Người chịu khổ hình thập giá.
“Đức Mẹ là hoa trái của hy tế của Chúa Kitô cho chúng ta. Và từ lúc đó, Đức Maria đã và sẽ luôn ở bên con cái mình, nhất là những người nghèo khổ và túng thiếu nhất”.
“Đức Maria đã trở nên thành phần của tấm thảm lịch sử nhân loại, của những miền đất và dân tộc của chúng ta”. Đức Thánh Cha nhận định rằng, như ở nhiều nước châu Mỹ Latinh khác, đức tin của dân tộc Paraguay cũng “thấm đẫm” lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria.
Bất cứ khi nào con cái tin tưởng đến với Mẹ, mở rộng con tim và phó thác cho Mẹ niềm vui và nỗi buồn, ước vọng và khổ đau, Đức Mẹ sẽ “an ủi con cái mình và yêu thương đổ tràn niềm hy vọng trên chúng”.
Đức Thánh Cha cầu xin Đức Mẹ luôn dõi nhìn và củng cố Giáo hội trong tình yêu thương huynh đệ, hầu “Giáo hội trở nên ngôi nhà cho mọi người, một ngôi nhà ấm cúng, và một người mẹ của mọi dân tộc”.
Kết thúc buổi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện, và ngài nói: “Tôi biết ở Paraguay giáo hoàng được yêu mến biết bao. Tôi cũng xin giữ anh chị em trong trái tim tôi và tôi cầu nguyện cho anh chị em và đất nước của anh chị em”.
Minh Đức
Nguồn: Website Hội đồng Giám mục Việt Nam