Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu
Hôm thứ Ba 08/09/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành hai Tự sắc trong đó công bố những cải tổ về thủ tục pháp lý theo Giáo Luật liên quan đến việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Tự sắc thứ nhất mang tên Mitis Iudex Dominus Iesus - "Chúa Giêsu, vị Thẩm phán Nhân từ" - nhằm cải tổ của Bộ Giáo Luật (CIC) của Giáo Hội La tinh, trong khi Tự sắc thứ hai Mitis et misericors Iesus - "Chúa Giêsu đầy lòng thương xót " - cải tổ Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Đông Phương (CCEO).
Theo lời tựa kèo theo hai Tự sắc, những cải tổ này là kết quả của một nhóm chuyên gia chuyên nghiên cứu về hiện trạng của giáo luật và việc thực hành trong Giáo Hội cũng như luật hôn nhân là có liên quan.
Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus khẳng định rằng trong lịch sử Giáo Hội, các thủ tục pháp lý theo Giáo luật đã được hướng dẫn bởi các "quy luật tối hậu của Giáo Luật là phần rỗi các linh hồn".
Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng mối ưu tư về phần rỗi các linh hồn này đã thúc giục ngài trình bày cho giám mục địa phương những cải tổ mới "bởi vì các vị giám mục chia sẻ với ngài những nhiệm vụ của Giáo hội nhằm bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin và kỷ luật về hôn nhân, nền tảng và nguồn gốc của gia đình Kitô giáo"
Trong cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, các cải tổ đã được trình bày với sự chủ trì của Đức Ông Pio Vito Pinto, Niên trưởng Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma và là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt Cải tổ Thủ tục pháp lý Hôn nhân. Hiện diện trong cuộc họp báo còn có Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn bản Luật và là thành viên của Ủy ban đặc biệt, một số thành viên khác của Ủy ban này cũng có mặt trong buổi họp báo.
Đức Ông Pinto lưu ý tầm quan trọng của việc cải tổ, đây là lần cải tổ thứ ba trong lịch sử Giáo Hội. Lần đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đưa ra vào năm 1741 và lần thứ hai vào năm 1908 do Đức Giáo Hoàng Piô X thực hiện. Đức Ông cũng cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đặt tin tưởng hơn nữa vào các vị giám mục giáo phận, "mời gọi họ hãy cùng với ngài trở thành những người tôi tớ".
Đức Ông cho hay: "Đức Thánh Cha Phanxicô là một vị giáo hoàng sau Công Đồng Vatican II và trung thành với giáo huấn của Công đồng Vatican II".
Các cải tổ sắp xếp hợp lý các thủ tục để tuyên bố hôn nhân vô hiệu và ban thẩm quyền nhiều hơn cho các giám mục địa phương để định đoạt các vụ án hôn phối thay vì phải chờ đợi những kháng án kéo dài. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các giám mục miễn phí các thủ tục cho các án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Trước khi có những cải tổ, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu phải trải qua hai tòa án khác nhau và đòi hỏi kháng án tự động. Đức Thánh Cha loại bỏ kháng án tự động nhưng vẫn duy trì quyền của một trong hai bên để kháng án phán quyết về sự vô hiệu của hôn nhân.
Trong một bài báo của tờ Quan sát viên Rôma, Đức Ông Pinto nói rằng "Những cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô, hoạt động theo cùng một tinh thần được duy trì bởi Đức Bênêđictô XIV và Đức Piô X, được đáng chú ý không chỉ vì thực sự tái thiết thủ tục pháp lý hôn nhân, nhưng trên hết vì các nguyên tắc thần học và giáo hội học duy trì nó".
Bảy tiêu chí chính hướng dẫn tiến trình cải tổ là:
- Chỉ có một phán quyết duy nhất hỗ trợ tuyên bố vô hiệu.
- Một thẩm phán duy nhất dưới trách nhiệm của Giám mục
- Giám mục là thẩm phán
- Thủ tục pháp lý ngắn gọn
- Kháng án lên Tòa án Giáo tỉnh
- Vai trò thích hợp của Hội đồng Giám mục
- Kháng án lên Tòa Thánh
Tự sắc thứ hai, "Mitis et misericors Iesus", tuyên bố những cải cách tương tự nhưng hướng đến các Giáo Hội Đông Phương, mặc dù đang trong sự hiệp thông với Rôma, nhưng có thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu hơi khác biệt.
Đức Giám mục Dimitros Salachas, Giám mục Tông tòa của Giáo Hội Công Giáo Byzantine Hy Lạp lưu ý rằng lý do để Đức Thánh Cha cho phát hành hai Tự sắc chính là sự tôn trọng, Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương là hai lá phổi của Giáo Hội: "một đức tin với những viễn tượng khác biệt"
Dưới đây là những tiêu chí cho việc cải tổ được trích dẫn trong Tự sắc "Mitis ludex Dominus Iesus" của Đức Thánh Cha Phanxicô:
1. Chỉ có một phán quyết duy nhất hỗ trợ tuyên bố vô hiệu - Nó được xem là thích đáng, mà không đòi hỏi một phán quyết kép về sự vô hiệu của hôn nhân, để các bên được thừa nhận khi kết ước cuộc hôn nhân mới hợp giáo luật: sự chắc chắn về luân lý đạt được bởi vị thẩm phán đầu tiên theo luật được xem là đủ.
2. Một thẩm phán duy nhất dưới trách nhiệm của Giám Mục – Việc bổ nhiệm một thẩm phán duy nhất, phải luôn luôn là một giáo sĩ, được đặt dưới trách nhiệm của Giám Mục, người mà khi thi hành mục vụ với quyền tài phán của mình phải đảm bảo rằng không để xảy ra tình trạng lỏng lẻo trong vấn đề này.
3. Giám Mục là thẩm phán - Để giáo huấn của Công đồng Vatican II dứt khoát được đưa ra thực hành trong một lĩnh vực hết sức quan trọng, quyết định đã được thực hiện để làm rõ thực tế là các Giám mục, trong Giáo Hội của mình - nơi ngài được bổ nhiệm làm mục tử và và là người đứng đầu - đồng thời cũng được ủy nhiệm làm thẩm phán giữa các tín hữu đã được trao phó cho ngài. Do đó mong ước rằng, trong các giáo phận cả lớn cũng như nhỏ, bản thân vị Giám mục sẽ đưa ra dấu chỉ của việc thay đổi cơ cấu giáo hội, và đừng hoàn toàn ủy thác chức năng tư pháp cho các văn phòng của giáo phận trong các vấn đề liên quan đến hôn nhân.
4. Thủ tục pháp lý ngắn gọn – Thực vậy, ngoài việc làm cho tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu diễn ra nhanh hơn, cần có một hình thức vắn tắt hơn để xét xử các trường hợp vô hiệu - ngoài các quy trình thủ tục đã được phê duyệt và đang sử dụng - để áp dụng trong các trường hợp trong đó cáo trạng vô hiệu hôn nhân được hỗ trợ bởi các lý lẽ hết sức rõ ràng. Đức Thánh Cha Phanxicô viết thêm về vấn đề này: Trong mọi trường hợp, mức độ rút ngắn tiến trình xét xử có thể gây hại đến nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Do đó, tôi mong muốn rằng, trong những trường hợp đó, chính vị Giám mục sẽ là thẩm phán, người mà, nhờ chức vụ mục tử của mình hiệp thông với Phêrô, là người bảo đảm lớn nhất sự hiệp nhất Công giáo trong đức tin và kỷ luật.
5. Kháng án lên Tòa án Giáo tỉnh – Thật là thích đáng để tái lập việc kháng án lên Tòa án Giáo tỉnh, vì tòa án với cương vị đứng đầu của Giáo tỉnh này vốn ổn định qua bao thế kỷ, là một dấu chỉ đặc biệt nói lên công nghị tính của Giáo Hội.
6. Vai trò thích hợp của Hội đồng Giám mục - Các Hội đồng Giám mục, trên hết phải được thúc đẩy bằng nhiệt tâm tông đồ muốn tìm đến các tín hữu đã xa rời, hãy chính thức nhận lấy trách nhiệm chia sẻ việc thay đổi cơ cấu giáo hội như đã nói trên, và tôn trọng tuyệt đối các quyền của các Giám mục tổ chức thẩm quyền tư pháp trong mỗi Giáo Hội địa phương của các ngài.
7. Kháng án lên Tòa Thánh - Thật là thích đáng để duy trì việc kháng án lên Tòa án thông thường của Tòa Thánh, tức là Tòa Thượng Thẩm Rota: điều này tôn trọng một nguyên tắc pháp lý cổ xưa nhất, do đó củng cố mối liên kết giữa Tòa Phêrô và các Giáo Hội địa phương - trong mọi trường hợp, sự thận trọng trong kỷ luật của việc sử dụng kháng án không chứa bất kỳ sự lạm quyền nào, để không đưa ra nguyên nhân gây hại cho phần rỗi các linh hồn.
Tạ Ân Phúc