Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại Cộng hoà Trung Phi

Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại Cộng hoà Trung Phi

WHĐ (30.11.2015) – Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương xót sẽ chính thức khai mạc tại Roma với nghi thức Mở Cửa Thánh (Cửa Thương Xót) tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Nhưng tại Cộng hoà Trung Phi, nơi đang đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô, Năm Thánh Lòng Thương xót đã được khai mạc với nghi thức mở Cửa Thánh của Nhà thờ chính toà Bangui do chính Đức Thánh Cha chủ sự vào Chúa nhật I Mùa Vọng, 29-12-2015.

Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương xót đã bắt đầu sớm hơn một tuần, trước khi diễn ra nghi thức mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra cánh cửa bằng gỗ và kính của Nhà thờ Bangui ở Cộng hoà Trung Phi. Trước khi mở Cửa Thánh, ngài giải thích ý nghĩa của cử chỉ này: “Hôm nay Bangui là thủ đô thiêng liêng của thế giới. Năm Thánh bắt đầu sớm hơn ở quốc gia này, là nơi phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh nhiều năm qua: những hận thù, hiểu lầm và thiếu vằng bình an. Quốc gia chịu đau khổ này là phản ánh của tất cả các quốc gia trên khắp thế giới đã nếm trải thập giá của chiến tranh. Bangui là thủ đô thiêng liêng của lời cầu nguyện trước lòng Chúa thương xót. Tất cả chúng ta hãy cầu xin ơn hòa bình, thương xót, hòa giải, tha thứ và tình yêu. Chúng ta hãy xin ơn hòa bình và hòa giải cho Bangui, cho Cộng hòa Trung Phi và cho tất cả các quốc gia đang có chiến tranh!”

Cũng như ở Kenya và Uganda, một lần nữa, Đức Thánh Cha mời các tín hữu cùng với ngài lặp lại lời cầu nguyện sau đây: “Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu xin ơn yêu thương và bình an! Ndoye Siriri, yêu thương và bình an!”

“Với lời cầu xin này, chúng ta bắt đầu Năm Thánh ở đây, tại thủ đô thiêng liêng này của thế giới trong ngày hôm nay. Sau đó Đức Thánh Cha quay vào, đứng trước cửa chính của Nhà thờ, mở cửa ra và dang rộng hai tay một vài phút đang khi các tín hữu bên trong nhà thờ quỳ gối và vỗ tay.

Trong bài giảng Thánh lễ khởi đầu Mùa Vọng, Đức Thánh Cha nói: “Qua anh chị em, tôi gửi lời chào đến mọi người dân Cộng hòa Trung Phi: các bệnh nhân, người già cả, những ai từng nếm trải thương đau trong đời. Có lẽ một ít người trong số họ đang tuyệt vọng và rã rời, đang xin bố thí, bố thí bánh ăn, bố thí công lý, bố thí sự quan tâm lòng tốt. Chúng ta hãy cầu xin hòa bình, hoà bình như là của bố thí!”

Đức Thánh Cha nói chúng ta cần phải ra khỏi những khái niệm phân biệt gia đình và máu mủ để xây dựng một Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa, mở ra với mọi người, quan tâm đến những ai túng thiếu nhất. Điều này đòi hỏi sự gần gũi với anh chị em của chúng ta; nó bao hàm tinh thần hiệp thông. Đây không phải chủ yếu vấn đề phương tiện tài chính; nhưng chỉ là chia sẻ trong đời sống của dân Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta phải tha thứ”, phải yêu thương kẻ thù và chống lại cám dỗ muốn báo thù, chống lại vòng xoáy của sự trả đũa không bao giờ chấm dứt. Những tác nhân Phúc-âm-hóa trước hết phải là những người tha thứ, những chuyên gia hòa giải, chuyên gia của lòng thương xót”. Đức Thánh Cha kêu gọi “tất cả những ai sử dụng vũ khí cách bất chính hãy bỏ xuống những công cụ của sự chết. Nhưng hãy trang bị cho mình công lý, tình yêu và lòng thương xót, là bảo chứng thực sự của hòa bình. Đức Thánh Cha quả quyết: “Cuối cùng Thiên Chúa sẽ chiến thắng”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Ở mọi nơi, ngay cả và nhất là ở những nơi mà bạo lực, hận thù, bất công và đàn áp thống trị, các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế điều mà các người ngoại nói về các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta phải luôn đặt trước mắt mình như một ngọn hải đăng: “Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao, họ thực sự yêu thương nhau biết bao”.

Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa mạnh hơn tất cả. Xác tín này mang lại cho các tín hữu sự an tâm, lòng can đảm và sức mạnh để kiên trì làm việc thiện giữa những khó khăn lớn nhất. Cả khi quyền lực của Hoả ngục được giải thoát, các Kitô hữu phải đứng thẳng và ngẩng cao đầu, và sẵn sàng đương đầu trong trận chiến Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Tiếng nói ấy là tình yêu!”

Những đoạn cuối của bài giảng bị gián đoạn bởi tiếng những tràng pháo tay nồng nhiệt của các tín hữu.

Với dấu hiệu biểu lộ sự khích lệ, Đức Thánh Cha đã bước xuống trao đổi cử chỉ bình an với vị imam của Hồi giáo Umar Kobine Layama và mục sư Nicolas Guerekoyame-Gbangou, các vị này đã tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ sự cùng với Đức Tổng giám mục Dieudonné Nzapalainga, Tổng giám mục Bangui và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Phi.

Cuối Thánh lễ, Đức Tổng giám mục Nzapalainga, đã cảm ơn Đức Thánh Cha về “cử chỉ mạnh mẽ và ân huệ lớn lao này” nhằm kêu gọi người tín hữu “canh tân thiêng liêng để trở thành những chứng nhân đích thực của Lòng Thương xót.

Đức Tổng giám mục Nzapalainga nói tiếp: “Cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự cho thấy con đường của sự sống ở Trung Phi bị đảo lộn biết bao. Có ba vết thương gây đau đớn cho chúng ta: sự thù hận, không tôn trọng sự sống con người và chủ nghĩa hoà đồng. Nhưng bất chấp những yếu đuối của chúng ta, chúng ta được xây dựng nhờ chứng tá đích thực của nhiều tín hữu. Nhiều người đã không sợ nguy hiểm đến tính mạng khi đón nhận và bảo vệ anh chị em mình bất kể họ theo tôn giáo nào”. Và ngài mời gọi: “Một khi khiêm tốn nhìn nhận mình lầm đường lạc lối, chúng ta hãy can đảm quyết tâm dấn thân đến với Thiên Chúa thương xót trong bí tích Hòa giải”.

Cũng cần nói thêm, trước khi đến Nhà thờ chính toà Bangui, Đức Thánh Cha đã ghé thăm một bệnh viện nhi ở Bangui. Ngài mang theo một số quà tặng cho các bệnh nhi và một số thuốc từ bệnh viện Bambino Gesu ở Roma.

 

Minh Đức

Nguồn: Website Hội đồng Giám mục Việt Nam