Đức Giêsu Kitô, Đấng làm cho vấp ngã?

Đức Giêsu Kitô, Đấng làm cho vấp ngã?

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG LÀM CHO VẤP NGÃ?
(Lc 2,34)
 
Cuộc sống của dân Do Thái thời Tân ước, nếu không có sự xuất hiện của Chúa Giêsu, có lẽ sẽ “bình an phẳng lặng” hơn. Sự kiện Giêsu Nadarét đã làm cho dân tộc họ bị xáo trộn đến tận căn! Đối với mỗi một người Kitô hữu chúng ta cũng thế, nếu không có Đức Kitô, có lẽ chúng ta sẽ ít phải đặt vấn đề về cuộc sống của mình, ít phải bị trăn trở trong tận cùng thẳm sâu tâm hồn của chúng ta hơn. Không có Đức Kitô, xem ra cuộc đời “dễ thở” hơn!

Đức Kitô không chịu để ta sống yên ổn: đó là một sự thật và sự thật này đã được chính Ngài xác nhận: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,23), “… Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo …” (x. Mt 10,34-36). Sự thật này cũng là một điều dễ hiểu, bởi lẽ Chúa Giêsu Kitô là “Ánh Sáng các dân tộc”, và bởi có Ánh Sáng cho nên người ta sẽ phải nhận ra Bóng Tối, bởi có Ngày cho nên người ta mới nhận ra đâu là Đêm! Đức Kitô là sự Thiện Tuyệt Đối, và bởi có sự Thiện Tuyệt Đối cho nên người ta mới phải nhận ra sự Ác Tuyệt Đối. Bởi có Đức Kitô, một lằn ranh chính xác đã được vạch ra để phân chia hai miền Thiện, Ác. Kể từ đó, mọi sự đã được phân biệt rạch ròi không còn khoan nhượng hoà hoãn được nữa! Trong tâm hồn mỗi người, đặc biệt là những người Kitô hữu, Đức Kitô đã vạch ra một lằn ranh biên giới như thế. Và kể từ khi có lằn ranh phân chia đó, hai sức mạnh Thiện, Ác, luôn luôn đối kháng trấn áp nhau một cách dữ dội trong tâm hồn người đó. Và thử hỏi ai có thể an nhiên tự tại khi đang mang trong mình một cuộc chiến khốc liệt đến thế. Rõ ràng là người ta sẽ phải “mất ăn, mất ngủ” sau khi gặp được Đức Kitô!

Bây giờ thử đặt câu hỏi là nếu không gặp Đức Kitô thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? 

Dĩ nhiên là cuộc sống của tôi sẽ “thoải mái” hơn vì tôi không còn bị lấn cấn, bị xâu xé một cách quyết liệt bởi cái Thiện và cái Ác kia nữa. Không có Đức Kitô, mọi sự sẽ trở nên tương đối. Lúc đó chỉ còn có những điều “nên làm” và những điều “không nên làm”, chứ không có những điều “phải làm” và những điều “không được làm” nữa. Và chữ “nên” là một chữ thường chỉ có tính cách gợi ý: tôi muốn thì tôi làm, tôi không muốn thì thôi. Một cuộc sống như thế dĩ nhiên là “dễ thở” hơn nhiều!

Tuy nhiên, với cuộc sống “dễ thở” như thế thì thử hỏi cuộc đời tôi sẽ đi về đâu?

Theo “lôgích” mà nói thì một cuộc sống như thế sẽ chẳng đưa tôi đi về đâu cả! Bởi mọi sự đều tương đối cho nên tôi sẽ chẳng có điểm ngừng, cũng chẳng có đích đến. Tôi sẽ đi vòng vo luẩn quẩn mãi một cách “thoải mái dễ thở”, nhưng là “thoải mái dễ thở” một cách hoài công!

Có Đức Kitô, rõ ràng là tôi phải đi theo hình xoáy trôn ốc mỗi lúc một hẹp dần và lên cao hơn, mà Đức Kitô là điểm đến cuối cùng: nếu đi theo chiều thuận, tôi sẽ tiến đến gần Ngài; còn nếu đi theo chiều nghịch, tôi sẽ rời xa Ngài. Một cuộc sống như thế dĩ nhiên sẽ không phẳng lặng yên ổn, bởi lẽ hoặc tôi sẽ “được”, hoặc tôi sẽ “mất” một cách rõ ràng. Đứng trước tình huống căng thẳng này tất nhiên tôi sẽ phải “khó thở”, và nếu không gượng được tất nhiên tôi sẽ phải “ngã quỵ” xuống. Tuy nhiên, nguồn an ủi và niềm hy vọng của tôi chính là Đức Giêsu Kitô, “Đấng nâng những người vấp ngã chỗi dậy”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của nhân loại. Xin Chúa giúp cho con và cho mọi người luôn can đảm tiến bước trên Con Đường Chân Thật mà Chúa đã vạch ra và đã đi trước nêu gương cho chúng con. Amen./.
 
Trầm Tĩnh Nguyện