Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo vệ các quyền của gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo vệ các quyền của gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo vệ các quyền của gia đình.

“Tin mừng” của gia đình là chìa khóa để Phúc Âm hóa.

Vatican City (Zenit.org) – Hôm 25/10/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến tầm quan trọng hơn bao giờ hết để công nhận các quyền của gia đình trong một môi trường toàn cầu, trong đó các quyền cá nhân đang thắng thế.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong một huấn từ dành cho các tham dự viên Hội nghị Toàn thể lần thứ 21 của Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.

Trong huấn từ bao gồm ba điểm chính, Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của việc học cách tôn trọng phẩm giá con người, nhất là phẩm giá của trẻ em và người già.

Ngài bắt đầu bằng cách lưu ý những quy chiếu của Đức Gioan Phaolô II nói đến gia đình như là một cộng đoàn những con người, và gia đình không chỉ là tập hợp những con người tạo lập nên nó.

Đức Thánh Cha cho biết thêm gia đình “là nơi người ta học yêu thương, là trung tâm tự nhiên của đời sống con người. Nó được tạo nên từ dung mạo của những con người yêu thương, chuyện trò, hy sinh cho tha nhân và bảo vệ sự sống, nhất là những người mong manh nhất, yếu đuối nhất”.

Ví gia đình như là “ đông cơ của thế giới”, ngài nói thêm rằng khi một người nhận được sự giáo dục Kitô giáo trong gia đình, người ấy học để nhận biết “phẩm giá mỗi cá nhân con người, nhất là những người ốm đau, yếu đuối, và bị gạt bỏ ra bên lề xã hội”. Ngài cũng tuyên bố: “Cộng đoàn gia đình là tất cả điều này, được kêu gọi để nhận biết như thế, ngày nay càng cần nhiều hơn nữa, khi mà sự bảo vệ các quyền cá nhân đang thắng thế”.

Hôn nhân là nền tảng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh việc gia đình được thiết lập dựa trên bí tích hôn phối, ám chỉ hôn nhân như là “một bí tích đầu tiên của loài người”.

Ngài nói: “Tình yêu vợ chồng và gia đình cũng cho thấy một cách rõ ràng ơn gọi của con người để yêu theo cách thế độc đáo và trọn đời, và những thử thách, những hy sinh, những khủng hoảng của vợ chồng mà chính gia đình thể hiện nhằm vươn đến sự lớn mạnh trong sự thiện hảo, trong chân lý và trong vẻ đẹp. Trong hôn nhân người ta tự hiến hoàn toàn không tính toán hay giới hạn, chia sẻ mọi sự, trao tặng và từ bỏ, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa”.

Sau cùng Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến hai “giai đoạn trong đời sống gia đình”: ấu thơ và tuổi già.

“Trẻ em và người già đại diện cho hai thái cực của đời sống và cũng dễ bị tổn thương nhất, thường hay bị bỏ quên nhất”. Ngài nói: “Một xã hội bỏ rơi trẻ em và gạt bỏ người già là cắt bỏ cội nguồn và tự làm đen tối tương lai của mình. Mỗi khi một em bé bị bỏ rơi, và một người già bị gạt bỏ, không chỉ là một hành động bất công mà còn là xác nhận sự thất bại của xã hội. Chăm sóc trẻ em và người già là chọn lựa của nền văn minh”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp “Một giáo hội chăm sóc trẻ em và người già trở thành Mẹ của các thế hệ những kẻ tin, và cũng đồng thời, phục vụ xã hội loài người để tinh thần yêu thương, thân ái và liên đới sẽ giúp tất cả mọi người tái khám phá tình thân phụ và tình thân mẫu của Thiên Chúa”.

Gia đình Kitô giáo đích thực

Đức Thánh Cha nói rằng “tin mừng” của gia đình là yếu tố cốt lõi trong việc Phúc âm hóa và rằng các Kitô hữu tham dự vào việc rao giảng này bằng đời  sống chứng nhân của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Gia đình Kitô hữu thật sự được nhận biết bởi lòng trung thành, sự kiên trì, mở ra với sự sống của họ và kính trọng bậc cao niên… Bí mật của tất cả những điều này là sự hiện diện của Đức Giêsu trong gia đình. Vì vậy, bằng sự tôn trọng và can đảm, chúng ta hãy đưa ra cho tất cả mọi người về vẻ đẹp của hôn nhân và của gia đình phải được tỏa sáng bởi Tin Mừng! Và cũng vì điều này, chúng ta đến với các gia đình đang gặp khó khăn bằng sự chăm sóc và tình cảm, đến với những người bị buộc rời khỏi quê hương mình, những người khánh kiệt, những người không nhà cửa, không việc làm hoặc những người đang đau khổ vì rất nhiều lý do; những đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng, những người đang ly thân. Chúng ta muốn được gần gũi với tất cả họ”.

Vũ Văn Kích