Dạy con biết quý trọng bản thân
Dạy con biết quý trọng bản thân Nhìn con gái đang thiêm thiếp trên giường, khuôn mặt nhợt nhạt, hơi thở yếu ớt, chị vừa xót xa, vừa trách giận mình. Chị không thể tin nổi đứa con gái yêu thương của mình lại có thể uống cả vốc thuốc ngủ với ý định tự tử. Chị cũng không thể ngờ rằng, chỉ vì những lời chê bai của các bạn đã khiến con thất vọng về bản thân đến thế. Vun đắp giá trị cho con Thảo là đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi và được thầy cô quý mến, nhưng luôn mặc cảm về thân hình của mình. Ngày còn nhỏ, Thảo là đứa trẻ khó ăn, đã có lúc bị suy dinh dưỡng. Vì thế, chị luôn cố gắng chăm sóc từng bữa ăn cho con. Thảo đã được uống rất nhiều thuốc bổ, vitamin tổng hợp, thuốc Nam, thuốc Bắc. Mục đích duy nhất là làm sao để con bé tăng cân. Bỗng nhiên Thảo phát triển nhanh, lớn hơn hẳn những bé gái cùng trang lứa. Khi vào học cấp III, phải mặc áo dài đến trường, cô bé nhận thấy rằng, vòng eo của nó không giống vòng eo của những thiếu nữ khác. Cô gái luôn mặc cảm vì điều này. Thế rồi, hôm cả lớp quyết định tham gia biểu diễn văn nghệ của trường với một tiết mục múa, cô bé không thể tự tin để tham gia. Thảo cảm thấy lạc lõng, cô đơn và thất vọng về mình. Thêm vào đó là sự chọc ghẹo vô tình của các bạn nam trong lớp khiến nó đi đến quyết định dại dột. Sức khỏe, hình thức bên ngoài rất quan trọng đối với trẻ, nhưng đời sống tinh thần còn quan trọng hơn nhiều. Bằng tất cả khả năng của mình, bố mẹ hãy vun đắp để con có cuộc sống vui tươi lành mạnh. Bố mẹ nên phân tích cho con thấy những giá trị mà con có, khuyến khích con phát huy khả năng, giá trị bản thân. Cần giúp cho trẻ hiểu, dù không phải là người hoàn hảo nhưng luôn hài lòng với những gì mình có và hãy cố gắng để hoàn thiện hơn. Trong quá trình hình thành, phát triển tính cách và nhân cách, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ thấy được những tố chất quý giá của mình. Động viên trẻ phát huy những tố chất tích cực, giúp trẻ tự tin xây dựng hình ảnh bản thân. Có thể cho trẻ nhận diện bản thân bằng những bài trắc nghiệm nhỏ. Liệt kê những gì mình đang có, được hưởng từ bố mẹ và môi trường xung quanh, trẻ sẽ nhận ra nhiều điều may mắn mà mình có được. Cũng cần gợi ý cho trẻ nghĩ ra những điều trẻ muốn mà chưa được đáp ứng. Trẻ phân biệt điều gì quan trọng, có thể thiếu và không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Qua việc so sánh mình với những người xung quanh, trẻ phân biệt những gì mình có mà người khác không có. Bố mẹ luôn nói lời yêu thương và giúp trẻ hiểu, bản thân trẻ là một món quà quý giá mà cuộc đời trao tặng cho bố mẹ. Trẻ biết mình là ai, có vị thế như thế nào trong cuộc đời, chúng sẽ luôn cố gắng gìn giữ bồi đắp những giá trị của mình để bố mẹ cũng như bản thân trẻ luôn thấy tự hào về chính nó. Khuyến khích con làm điều mới mẻ Hãy giúp trẻ có những trải nghiệm trong cuộc sống. Những hoạt động ngoài trời giúp trẻ thấy yêu thiên nhiên và cảm thấy yêu đời hơn. Khuyến khích trẻ thử sức mình vào những việc mới mẻ. Trẻ sẽ hào hứng với thử thách, không ngại khó và thấy hài lòng với những “thành tựu” mới của mình. Đừng quên giúp con biết gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, đừng ngại cho con biết chấp nhận thất bại. Khi trẻ thất bại, đừng để trẻ chìm trong hối hận, giày vò. Hãy chỉ cho trẻ cách tự đứng lên, cho trẻ biết những giá trị khác mà trẻ đang có để bước qua khó khăn. Một đứa trẻ học kém, nó nghĩ rằng nó là đứa vô dụng. Bố mẹ cho con biết rằng, con còn có sức khỏe, có điều kiện, có bàn tay khéo léo để làm những việc mà người khác không có. Một đứa trẻ bệnh tật thường nghĩ rằng, mình là gánh nặng cho người khác, hãy phân tích cho trẻ thấy, “trẻ có một trí tuệ tuyệt vời, có một nụ cười mà không phải đứa trẻ nào cũng có...”. Qua đó, trẻ sẽ suy nghĩ tích cực hơn, yêu quý những gì mình đang có, đủ nghị lực để vượt qua chính mình. Với tất cả những gì trẻ có được, cùng với sự vun đắp, dạy dỗ kiên trì của bố mẹ, trẻ sẽ thấy tâm hồn mình đầy ắp yêu thương. Trẻ sẽ tự tin vươn tới thành công và hạnh phúc, biết yêu quý, nâng niu, trân trọng mình. Viet Bao (Theo_PNO) |