CON HƯ TẠI MẸ HAY MẸ HƯ TẠI CON?

CON HƯ TẠI MẸ HAY MẸ HƯ TẠI CON?

 

Bạn thân mến,
 
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Điều này nói lên sự thương yêu con cháu của đa số những bà mẹ, những bà nội bà ngoại đối với con cháu bằng con tim và cảm xúc chứ không phải bằng lý trí. Dĩ nhiên là một đứa con bị hư không chỉ tại bà mẹ, bà nội hay bà ngoại của chúng, nhưng cũng có thể tại người cha, những anh chị em trong gia đình, những bạn bè, những lối giáo dục trong học đường, những hủ tục và những ảnh hưởng xấu của một nền văn hóa kém đạo đức và luân lý. Câu tục ngữ này nói lên sự liên hệ mất thiết của những đứa trẻ đối với những bà mẹ, bà nội bà ngoại của chúng, và chúng chịu ảnh hưởng nhiều từ những cách giáo dục và lối ứng xử của những người mà chúng thường xuyên tiếp cận.
 
Con hư tại mẹ
 
Tôi được biết một gia đình ở San Jose gồm một bà mẹ và 2 người con gái tuổi teen. Người mẹ phải làm việc lao động rất vất vả ngày đêm trong những hàng quán VN để nuôi 2 đứa con ăn học. Bà rất mực chiều chuộng 2 đứa con vì bà nghĩ rằng chúng là nguồn vui và niềm hy vọng duy nhất của bà. Chúng muốn gì thì bà cho nấy, và bà không hề tỏ ra buồn bực những lúc chúng tỏ ra vô lễ đối với bà. Tuy nhiên, 2 đứa con không hiểu được những tâm tình và những nỗi khỏ cực của người mẹ, và chúng bắt mẹ phải mua những chiếc xách tay cả ngàn đô vì chúng muốn ganh đua với những đứa bạn nhà giầu khác học cùng lớp. Nhiều khi chúng có vẻ như “ra lệnh” cho mẹ chúng phải chiều theo những yêu sách vô lý của chúng mà bà mẹ cũng không hề trách mắng hay răn dạy thái độ hách dịch và vô lễ của chúng đối với bà. Những đứa trẻ từ nhỏ mà cha mẹ không răn dạy và bắt chúng vào kỷ luật khuôn phép, thì khi lớn lên chúng chẳng khác gì những con ngựa chứng.
 
Ngược lại, tôi cũng thấy có những bà mẹ lại qúa khắt khe với những đứa con. Hậu quả là những đứa con đó bị stress và thường tỏ ra những thái độ phản kháng. Chúng chỉ đợi đến tuổi trưởng thành là chúng thoát ly khỏi gia đình, và có thể chúng không muốn nhìn mặt cha mẹ chúng nữa. Cách đây khoảng 2 năm, tại Nam Cali cũng đã xảy ra một vụ án mạng rất thê thảm. Một người con trai, trong lúc quá nóng giận mất tự chủ, đã sát hại mẹ mình bằng cách xiết cổ bà ta chỉ vì bà đã bắt anh phải học để trở thành BS theo ý của bà mặc dù anh không hề thích học làm BS.
 
Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình đối với sự giáo dục quá buông thả hoặc quá khắt khe, mà cả hai đều đem đến hậu quả rất tai hại đối với những bậc làm cha làm mẹ và những đứa con của mình. Sau đây, tôi xin kể lại cho quý bạn một câu chuyện mà tôi được chứng kiến cách đây vài hôm tại San Jose.  
 
Mẹ hư tại con
 
Bà mẹ nói với đứa con gái độ tuổi 11-12:
 
- T, con giúp mẹ đem cái hộp này ra xe để mẹ đem đi đổi lại.
 
Nhìn cái hộp một lúc, đứa con gái trả lời:
 
- You can’t return it! (Mẹ không thể trả lại được!)
 
- Why? (tại sao?) Bà mẹ hỏi lại.
 
- Because you’ve already opened and used it. (Bởi vì mẹ đã mở ra và đã xử dụng nó.)
 
- Nhưng mẹ mới dùng nó chưa được bao lâu mà nó bị hư.
 
- You didn’t use it properly, and you broke it. (Mẹ xử dụng nó không đúng, và mẹ đã
   làm nó hư.)
 
- Thì mình nói với người ta là tự nó hư. Có ai biết được!
 
- Mom, you can’t tell lie! That’s not right. (Mẹ ơi, mẹ không thể nói dối! Như vậy
  không đúng đâu.)
 
Bà mẹ im lặng không nói gì, vì đứa con gái nhỏ nói qúa đúng. Hai mẹ con đang nói về cái máy xay sinh tố mà bà mẹ mới mua cách đây khoảng hơn 1 tháng.
 
Trong trường hợp này, nếu đứa con gái không nhắc nhở cho mẹ nó, thì mẹ nó sẽ tiếp tục nói dối, và người mẹ sẽ hư nếu đứa con biết mẹ làm sai mà không lên tiếng giống như nhiều trường hợp bên VN. Có lẽ bạn cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đứa nhỏ nếu nó có can đảm nói với cha mẹ chúng như thế bên VN?
 
Trong hai trường hợp “con hư tại mẹ” kể trên, có thể nhiều người sẽ tự hỏi là: “tại sao tôi thương con tôi hết mình mà chúng lại đối xử với tôi như vậy”? Nhiều người lầm tưởng yêu là cảm xúc, và không nghĩ rằng yêu là mình làm sự tốt lành cho người mình yêu, cho dù sự tốt lành đó đi ngược lại ý muốn của mình và của người mình yêu. Bản chất con người vốn là ích kỷ (một bản năng tự nhiên để sinh tồn), nên nhiều khi mình dễ lầm tưởng một hành động mà mình cho là yêu thương, nhưng thật ra đó chỉ là do bản tích ích kỷ của mình. Trong trường hợp thứ nhất, người mẹ không dám sửa phạt con cái, vì người mẹ sợ chúng sẽ oán giận và không còn yêu thương mình nữa. Và trong trường hợp thứ hai, người mẹ muốn con mình trở thành BS không phải vì yêu thương con, mà chỉ vì bà muốn được nở mày nở mặt với những người bạn khác của bà.
 
 
Lương tâm của những đứa trẻ rất trong sáng giống như một tờ giấy trắng. Trong một xã hội văn minh, khi nhân phẩm của những đứa trẻ cũng được tôn trọng như những người lớn, thì những đứa trẻ tự do thoải mái để sửa sai những việc làm sai trái của những người lớn. Và ngược lại, những người lớn cũng sẵn sàng chấp nhận những lời xây dựng của những đứa trẻ. Lương tâm của những người lớn nhiều khi đã bị vẩn đục, hoặc có thể bị chai cứng vì họ sống trong một xã hội đầy tham lam, ích kỷ, gian dối, lừa lọc, nên họ không còn nhận ra được phải trái. Nhiều bậc cha mẹ vì đã không nghe lời khuyên của con cái nên họ đã đưa gia đình tới những sự bế tắc hoặc đổ vỡ đáng tiếc!
 
 
Trong một gia đình, nếu mọi người đều tôn trọng và lắng nghe nhau, biết trân trọng những giá trị luân lý đạo đức, và những giá trị tâm linh, thì gia đình đó chắc chắn sẽ bền vững trong sự thuận hòa, yêu thương và hạnh phúc! Và trong một quốc gia nếu có nhiều gia đình như vậy, thì quốc gia đó sẽ tốt đẹp, lành mạnh, hòa bình và hưng thịnh!
 
 
San Jose, ngày 19 tháng 7, 2011
 
Joseph V. Bùi