Con đường dẫn đến bình an đi qua lòng nhân từ

Con đường dẫn đến bình an đi qua lòng nhân từ

Để có được lòng nhân từ, trước hết chúng ta phải tha thứ. Thông qua sự tha thứ, con tim chúng ta và thế giới sẽ đầy ắp hòa bình. Đây là chủ đề bao quát trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai 17/03/2014 tại Nhà trọ Thánh Marta.

"Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ". Giải thích về lời giảng của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha lưu ý ngay rằng "không dễ để hiểu thái độ của lòng nhân từ" vì chúng ta thường hay xét đoán người khác: "Là con người, chúng ta không quen dành chỗ cho sự hiểu biết và lòng nhân từ. Lòng nhân từ cần phải có hai thái độ. Trước tiên là biết về mình", thừa nhận rằng "chúng ta đã làm quá nhiều điều xấu xa: chúng ta là những kẻ tội lỗi". Và trước sự ăn năn hối cải, "sự công chính của Thiên Chúa biến đổi chúng ta đi vào lòng nhân từ và tha thứ". Tuy nhiên, chúng ta phải xấu hổ về tội lỗi của mình.

"Thực sự là không ai trong chúng ta sát hại bất kỳ ai, nhưng có nhiều việc nhỏ, nhiều tội lỗi hàng ngày, mỗi ngày... và khi ai đó nghĩ rằng: ‘Nhưng tôi có một con tim nhỏ nhoi làm sao: Tôi đã làm điều này chống lại  Chúa !’. Và trở nên xấu hổ! Xấu hổ trước mặt Thiên Chúa, và sự xấu hổ này là một ân sủng, ân sủng trở thành tội nhân. ‘Con là kẻ tội lỗi, và con xấu hổ trước mặt Ngài và xin Ngài tha thứ’. Thật là đơn giản, nhưng thật khó để thừa nhận: ‘Con có tội’".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta thường đổ tội cho người khác, như Adam và Eve đã làm: "Có lẽ ai đó đã giúp tôi, tạo điều kiện cho tôi phạm tội, nhưng chính tôi đã làm điều đó! Nếu chúng ta nghĩ như thế, bao nhiêu điều tốt sẽ xảy ra, vì chúng ta trở nên khiêm tốn!". Và "với thái độ này của lòng ăn năn chúng ta có thể được thương xót nhiều hơn, bởi vì chúng ta cảm thấy lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta" như chúng ta cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha". Vì vậy, "nếu tôi không tha thứ, cách nào đó tôi không được tính đến".

Đức Thánh Cha nói thêm rằng thái độ thứ hai cần có để trở nên nhân từ chính là một con tim rộng lớn, bởi vì "con tim nhỏ nhen và ích kỷ thì không thể là con tim của lòng nhân từ". "Hãy mở rộng con tim! ‘Nhưng tôi là kẻ tội lỗi’. ‘Nhìn vào điều người này, người kia đã phạm, tôi lỗi phạm quá nhiều! Tôi là ai mà xét đoán?’. Cụm từ ‘Tôi là ai mà xét đoán? Tôi là ai mà đồn đãi về điều này?... Tôi là ai, là người làm điều tương tự hoặc tệ hại hơn?'. Hãy để con tim lớn lên! Và Chúa nói rằng: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được nhận lãnh!' Đây là sự quảng đại của con tim! Và anh em sẽ nhận được những gì? Một đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và tràn đầy sẽ được đong và đổ vào lòng anh em (x. Lc 6,36-38). Đây là hình ảnh của người thợ gặt đi gặt lúa với cái sọt mang theo và nó được làm cho lớn hơn để nhận được nhiều lúa hơn. Nếu anh em có một con tim rộng mở, anh em có thể nhận được nhiều hơn".

Đức Thánh Cha nói rằng lòng nhân từ thương xót thì "không lên án, nhưng tha thứ, quên đi" vì Thiên Chúa đã quên tội lỗi của tôi, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi của tôi. Hãy mở rộng con tim. Thật là tốt đẹp. Hãy trở nên nhân từ". "Lòng nhân từ của người nam và người nữ có một con tim rộng mở, mở rộng. Họ luôn tha thứ cho tha nhân và nghĩ về tội lỗi của mình. Đây là cách thức của lòng nhân từ mà chúng ta tìm kiếm. Nhưng nếu tất cả mọi người, mọi cá nhân, gia đình, khu xóm đều có thái độ này, thì hòa bình sẽ ngự trị trên thế giới, bình an ngự trị trong tim chúng ta nhiều biết dường nào! Vì lòng nhân từ thương xót mang lại hòa bình cho chúng ta. Hãy luôn luôn nhớ rằng: "Tôi là ai mà xét đoán? Phải biết xấu hổ và mở rộng con tim mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này".

Tạ Ân Phúc