Chiến sĩ của Đức Giêsu-KiTô

Chiến sĩ của Đức Giêsu-KiTô

 

CHIẾN SĨ CỦA ĐỨC GIÊSU-KITÔ
 
NHẬP ĐỀ

-      2 Timôthê 2,1-7 : Thánh Phaolô đã giúp cho Timôthê nhận biết Đức Giêsu, rồi trao cho ông một nhiệm vụ, ngài luôn khuyên nhủ Timôthê về cách phục vụ Chúa.

-      Đoạn Kinh Thánh này đặt trọng tâm vào vai trò của người chiến sĩ trong chiến trường thiêng liêng. 

I. BA HÌNH ẢNH RÕ RÀNG DÀNH CHO NGƯỜI PHỤC VỤ

1. Hình ảnh của một chiến sĩ

a) Là người được huấn luyện để canh giữ thành đồn hoặc để xông pha ngoài chiến trận.
b)Là người can đảm, trung thành, dám liều mình để cứu nước, dám hy sinh vì dân tộc. 

2. Hình ảnh của một vận động viên

a) Là người ăn uống đầy đủ, điều độ, tập tành công phu để khi giao đấu thì có thể vận dụng hết năng lực. 
b)Công phu tập luyện khổ công, khó nhọc, gian nan nhưng không dám nản chí. 
c) Giải thưởng vận động viên đạt được không phải là thành quả của giây phút giao đấu hoặc tranh tài ngắn ngủi nhưng của cả cuộc đời siêng năng tập tành trước đó. 

3. Hình ảnh của một nông dân

a) Là người làm ruộng làm rẫy, cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn. 
b)Là người nhọc nhằn lam lũ để mang lại lương thực cho mọi người nhưng không mấy khi được đề cao. Trong khi những chiến sĩ anh dũng được tuyên dương và những lực sĩ tài ba được khen thưởng thì những nông dân kia dễ bị coi thường. 
c) Có mấy ai ăn hạt cơm trắng thơm ngon thường nghĩ rằng hạt cơm đó là kết quả của biết bao mồ hôi, nước mắt.

II. NHỮNG ĐẶC TÍNH NGƯỜI CHIẾN SĨ PHẢI CÓ :

1. Điều cần yếu nhất là sự can đảm, trung thành để chiến đấu, hy sinh vì “đất nước, vì chính nghĩa”. 
2. Bằng lòng quên mình để phục vụ “quê hương, dân tộc”.
3. Chúa ban sức mạnh nhưng chúng ta phải có đủ can đảm, liều mình chiến đấu thì mới có thể mang lại thắng lợi vẻ vang. 

-      Là chiến sĩ của Đức Giêsu Kitô, Kitô hữu có bổn phận mang chiến thắng về cho Ngài. 
-      Sách Khải Huyền nói nhiều về sự chiến thắng của các Kitô hữu trong cộng đoàn Hội thánh sơ khai. Thất bại dẫn đến diệt vong nhưng chiến thắng dẫn đến sự sống vô cùng hạnh phúc. (Ga.16,33; Khải Huyền 2,7; 2,11; 2:17; 2:26; 3,5; 3,12…)

III. MẪU GƯƠNG THẦY KITÔ: VƯỢT GIAN KHỔ ĐẾN VINH QUANG

-      Vì lòng yêu thương nhân thế, Chúa kiên tâm đi đến từng thành giảng dạy, chữa lành tật bệnh cho dân cho đến khi hoàn thành sứ mạng. Ngài chịu đói, chịu nhọc nhằn. Ngài cảm thông sự yếu đuối, sự đớn đau, sự mất mát của con người. Trong khi sống làm người trong xác thịt con người, Chúa phải chịu đựng những giới hạn về không gian, về thời gian. Dù vậy, trong khi còn tại thế Chúa Giêsu đã chiến thắng vô số cám dỗ, thử thách và Chúa đã chiến thắng trận chiến vẻ vang sau cùng khi Ngài phục sinh.

-      Trong sự phục sinh Đức Giêsu-Kitô đã vượt qua mọi giới hạn. Không có gì có thể buộc trói Chúa được nữa. 

-      Chỉ có trong Chúa chúng ta mới thật sự được tự do thoát khỏi vòng kiềm tỏa giữa những đảo điên, giữa những biến động, giữa những lôi cuốn không ngừng.

IV. CON ĐƯỜNG CHÚNG TA PHẢI ĐI 

1. Chúng ta đến với Chúa Giêsu là Đường hầu cho chúng ta biết nơi đến của chúng ta trong ngày sau cùng.
-      Muốn thế phải đi cho đúng ý Chúa.
-      Ao ước hết lòng để đi trên con đường ấy. Không thể ao ước điều gì hoặc người nào khác hơn Chúa?

2. Chúng ta đến với Chúa Giêsu là Sự Thật hầu cho chúng ta được giải phóng, được tự do. Không để cho mình bị trói buộc, nô lệ vô số điều quanh mình, khi chúng ta xem những phương tiện trong cuộc sống như là cứu cánh của cuộc đời.
-      Thân thể của chúng ta có thật sự được tự do chăng khi chúng ta vẫn chưa dứt bỏ được những thói hư tật xấu phương hại cho sức khỏe của chính mình? 
-      Tư tưởng của chúng ta có thật sự được tự do chăng khi chúng ta vẫn còn giữ thành kiến hẹp hòi?
-      Tấm lòng của chúng ta có thật sự được tự do chăng khi chúng ta vẫn chưa thể yêu thương tha nhân?
-      Linh hồn của chúng ta có thật sự được tự do chăng khi chúng ta chưa thể thành thật nhận mình là kẻ có tội, cần được Chúa biến đổi, sống trong tình thương của Chúa.

3. Chúng ta đến với Chúa Giêsu là Sự Sống hầu cho chúng ta có sự sống thật, sự sống sung mãn, đầy ý nghĩa. Nhưng chúng ta có đang sống cách hạnh phúc chăng?
-      Căn nhà có thể giúp chống đỡ thời tiết khắc nghiệt bên ngoài nhưng không thể mang lại sự thân mật, sự đầm ấm.
-      Chăn ấm nệm êm, thức ăn ngon có thể cung cấp sự thoải mái nhưng không thể khiến chúng ta yên giấc khi trí óc chúng ta không ngừng suy nghĩ, lòng chúng ta không ngớt lo lắng.
-      Những tư tưởng mới lạ và vội nghĩ rằng văn chương, triết lý khiến mình được tự do, nhưng xin nhớ là văn chương, triết lý nhằm giúp chúng ta tìm kiếm chân lý. Chính nó không phải là chân lý. Chỉ có Chúa mới là chân lý mà thôi. Và chỉ có chân lý của Chúa mới có thể thật sự giải phóng tư tưởng và hành động của con người.
-      Thuốc men có thể hỗ trợ sự vận hành của kinh mạch nhưng thuốc men không phải là sức khỏe. Khi sức cùng lực tận thì cho dù có bao nhiêu thuốc chúng ta cũng khó cảm thấy khỏe.
-      Những sự vui thú chóng qua có thể mang đến cho chúng ta những nụ cười nhưng chưa chắc gì đã lưu lại trong ta sự thỏa lòng hoặc hạnh phúc miên viễn.
-      Vẻ đẹp bên ngoài có thể khiến mắt chúng ta cảm thấy dễ chịu nhưng chúng không thể so sánh với khung cảnh trong đó có Chúa hiện diện.
-      Nói chung, còn có thể có biết bao nhiêu điều trong đời sống hiện đang trói buộc tâm tư chúng ta, khiến chúng ta dễ quan niệm rằng đó là những thành phần tất yếu trong đời sống của mình và nếu thiếu những điều đó thì mình không thể sống hạnh phúc!

V. CÓ MỘT SỐ ĐIỀU CHÚNG TA CẦN CHIẾN THẮNG

Chúng ta nên nhớ rằng có ít nhất bốn lãnh vực chúng ta cần chiến thắng để có thể sống đời sống làm vinh danh Chúa:

1. Chiến Thắng Lầm Lẫn - để được sự khôn ngoan.

Có chiến thắng được sự lầm lẫn mới có thể nhận được sự khôn ngoan. Khôn ngoan và lầm lẫn không thể đồng hiện hữu trong tư tưởng hoặc hành động của cùng một chủ thể. 

Chọn lầm đối tượng để tôn thờ là điều vô cùng tai hại vì nó sẽ dẫn đến sự đau khổ và diệt vong. 

Nếu chúng ta chọn bất kỳ ai khác hơn Chúa để ngưỡng vọng và tôn thờ làm sao Chúa có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan?

Nếu chúng ta chọn bất kỳ giá trị nào khác hơn giá trị toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của Chúa để suy tôn làm sao Chúa có thể đong đầy trong tư tưởng của chúng ta bằng sự hiểu biết về chính Ngài và về thế giới mà Chúa dựng nên?

Chúa Giêsu đã phải trả một giá thật đắt để mở ra sinh lộ duy nhất cho con người. Ngài phán: Thầy là Đường, sự Thật và Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6).

Con người có thể lầm lẫn trong tư tưởng hoặc triết lý của mình. Con người có thể lầm lẫn trong đạo đức của mình. Con người cũng có thể lầm lẫn trong tôn giáo của mình. Nhưng trong Chúa Giêsu, con người có thể chiến thắng sự lầm lẫn và nhận được sự khôn ngoan từ nơi Chúa.

2. Chiến Thắng Liều Lĩnh - để được sự bình an.

Người ta thường nói Đừng đùa với lửa - Chơi dao có ngày đứt tay. Đối với những sự cám dỗ thường bao phủ quanh mình, chúng ta không nên liều lĩnh, coi thường. Có những sự cám dỗ từ từ lấn chiếm tâm hồn và chế ngự chúng ta cách tiệm tiến khiến chúng ta lắm khi trở tay không kịp.

Đối với sự cám dỗ chúng ta không nên xem thường, lại càng không thể liều lĩnh. Có vậy chúng ta mới được bình an sống trong ơn lành của Chúa. Cảm biết có điều gì tựa như là điều ác thì chúng ta nên tránh xa. Phải lánh xa ma quỉ chúng ta mới có thể đến gần Thiên Chúa. 

3. Chiến Thắng Lo Lắng - để được sự vui mừng.

Muốn có lòng vui mừng chúng ta phải chiến thắng sự lo lắng. Có thật nhiều người thường hay mơ mộng những vườn hồng ở chân trời diễm ảo nên không biết tận hưởng vẻ đẹp đơn sơ của những đóa hoa đang nở ra bên cạnh cửa sổ nhà mình. Đối với họ vui mừng, hạnh phúc thường vụt khỏi tầm tay với.

Sự thật thì tinh thần người ta có ảnh hưởng thật nhiều trên sức khỏe của thân thể (tim mạch, bao tử, khớp xương, tuyến giáp trạng hoặc hệ thống hô hấp, hệ thần kinh). Vui mừng, hạnh phúc thường mang lại ảnh hưởng tốt. Lo lắng u sầu dễ khiến người ta sanh ra bệnh hoạn.

Xét về phương diện thiêng liêng, những ai biết để cho trí mình nương dựa nơi Chúa thì thật là những người có phúc, vì chính Chúa sẽ gìn giữ chúng ta trong sự bình an trọn vẹn và ban cho chúng ta niềm vui. Trong sách Châm ngôn có lời dạy rằng:Lòng vui mừng vốn là một phương thuốc hay, còn trí não sờn làm cho xương cốt khô héo

4. Chiến Thắng Lung Lạc - để được sự yêu thương.

Đến đây chúng ta bước sang lãnh vực thứ tư, chiến thắng lung lạc để được sự yêu thương. Mưu kế hiểm độc mà ma quỉ thường dùng để gây tổn hại cho chúng ta là mưu kế lung lạc. Nó muốn chúng ta nghi ngờ Chúa và tình thương của Ngài. Ngoài ra nó cũng muốn chúng ta nghi ngờ anh em mình và tình thương giữa những anh chị em trong Chúa. Nói cách khác nó muốn lung lạc chúng ta. Không thể làm cho chúng ta lầm lẫn, không thể xúi chúng ta liều lĩnh, không thể dụ dỗ chúng ta lo lắng, nó tận dụng mọi nỗ lực còn lại để lung lạc chúng ta. Võ khí mạnh nhất của con cái Chúa là tình thương. Khi chúng ta dốc lòng yêu mến Chúa và tận tình yêu mến lẫn nhau thì ma quỉ không có đất dung thân, cũng chẳng có địa bàn để thao túng. Khi nước trời mở rộng ma quỉ phải lánh xa. Khi ánh sáng chan hòa bóng tối phải lui bước.
 
KẾT LUẬN:

Theo Chúa, làm môn đệ Chúa thì chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta được nhắc nhở rằng phải vác thánh giá mình mà theo Chúa. Thánh giá mà chúng ta phải vác mỗi ngày là thánh giá của chính mình. Chữ vác này cũng mô tả hình ảnh hạ mình để đỡ nâng. Nếu chúng ta chịu đựng, chúng ta đang chịu đựng đến mức độ nào? Nếu chúng ta hạ mình, chúng ta đang hạ mình thể nào? Nếu chúng ta đỡ nâng, chúng ta đang đỡ nâng được bao nhiêu?

Trong chiến trận, khi phải xông pha trong lằn tên mũi đạn của quân thù chỉ có những chiến sĩ bị trọng thương mới nên để cho đồng đội cõng mình ra khỏi vùng giao tranh nguy hiểm. Còn khả năng chiến đấu thì vẫn còn phải chiến đấu. Trong chiến trận thiêng liêng những chiến sĩ thật sự hữu dụng cho Chúa thường là những chiến sĩ đã từng bị trọng thương. Vì khiếm khuyết hoặc bất cẩn mà bị thương tích thì chẳng có gì đáng nói; nhưng nếu vì Chúa mà phải bị trọng thương, đó chẳng phải là hoạn nạn mà là hồng phúc.

Thánh giá Chúa vác mang ngày xưa tượng trưng cho điều gì? Có phải đó là sự vinh quang chăng? Đâu phải vậy. Đó là sự sỉ nhục tỏ tường. Thánh tông đồ Giacôbê khuyên dạy chúng ta: Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì. (Giacôbê1,2-4). Ngài lại còn nói nữa: 16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Giacôbê 5,16...). Được như vậy ma quỉ sẽ không tài nào có thể lung lạc chúng ta được. Cho dù có khổ đến mấy chúng ta vẫn có thể hết lòng tin cậy Chúa; cho dù có buồn đến mấy chúng ta vẫn có thể đến gần anh chị em trong Chúa. Được như vậy thì bản thân mình, gia đình, xã hội, Giáo hội mình hạnh phúc biết bao! Là chiến sĩ của Đức Giêsu-Kitô, chúng ta hãy cùng Chúa chiến thắng.
 
Jos. Nguyễn Hùng Cường