Cha...

 

CHA...

Tuy không mang nặng đẻ đau nhưng tình thương của người cha vẫn thầm lặng bên mỗi đứa con suốt cuộc đời.
 


Cha và con gái trong phim 2012 - Ảnh tư liệu
 

Từ cổ chí kim, từ đông đến tây, người cha với tình thương đặc biệt của mình luôn để lại trong lòng những đứa con cảm xúc sâu lắng.

Cha trong phim Tây
Cả đời cần lao, cha tôi không có được tài sản nào đáng kể. Nhưng gia sản lớn nhất ông để lại cho tôi là sự lương thiện và trung thực tuyệt đối. Với chiếc xuồng bán hàng bông rồi đôi quang gánh bán mắm, cha tôi đã nuôi cả đàn con trưởng thành. Ngày xưa, những người buôn bán luôn có hai chiếc cân - một để mua, một để bán - thì cha tôi chỉ có duy nhất một chiếc. Có những khách hàng chỉ mua đồ của cha tôi suốt gần 20 năm, cho đến ngày ông không còn đủ sức chèo xuồng nữa.

Nếu một ngày thế giới nổ tung, ai sẽ là người mà bạn sẵn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ? Câu trả lời của mọi ông bố chắc chắn sẽ là: “Con tôi!”. Jackson Curtis trong phim 2012 cũng có câu trả lời tương tự.

Một bộ phim về thảm họa ngập tràn kỹ xảo, nhưng đọng lại trong lòng khán giả không phải là những cảnh tượng hoành tráng về sự cuồng nộ của thiên nhiên, mà là tình cảm của ông bố trong nỗ lực tột cùng để cứu hai đứa trẻ và người vợ cũ.

Sóng thần ở Haeundae - phim bom tấn của Hàn Quốc năm 2009 - cũng gây xúc động cho người xem nhiều nhất chính là ở những đoạn giữa giáo sư Kim với đứa con gái nhỏ. Hình ảnh cảm động khi người cha bằng mọi giá cứu con trong cơn đại hồng thủy, rồi cười hạnh phúc chấp nhận cái chết để con được sống đã làm thổn thức trái tim không ít người xem.

Không dưới một lần những tác phẩm điện ảnh đề cập hình ảnh người cha. Và càng về sau hình ảnh những ông bố bình thường mà vĩ đại vì tình yêu thương dành cho con càng xuất hiện nhiều hơn trên phim ảnh - như một sự cân bằng với hình tượng người mẹ vốn đã quá nhiều.

Cha tôi - thế hệ 2X

Cha tôi có tôi khi ông đã bước vào tuổi ngũ thập. Là nông dân, không có kiến thức khiến cha mẹ tôi không biết kế hoạch hóa gia đình là gì. Tôi là con út trong một gia đình 12 anh chị em. Là út, tôi sống xa cha mẹ từ năm lên 3 tuổi. Tôi lớn lên với sách vở và các chị. Đến năm học lớp 12 tôi mới được sống gần cha mẹ. Có nhiều lúc tôi còn nghĩ cha mẹ không thương mình. Cho đến một ngày...

Đó là một ngày mưa tầm tã của mùa hè năm tôi chuẩn bị lên lớp 12. Cha gánh mắm đi bán về rất trễ. Mẹ nóng lòng bảo tôi đi kiếm cha. Vừa đạp xe vừa tìm kiếm, tôi nhìn thấy ông ngồi ngủ gật dưới một mái hiên, bên cạnh là gánh mắm đã bán hết. Nhìn dáng co ro của cha, nước mắt tôi ứa ra. Con bé 17 tuổi ngày ấy đã thề với lòng mình sẽ học thật giỏi, sẽ đậu đại học, sẽ kiếm được nhiều tiền để nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Gánh mắm trên vai cha đã đưa tôi vào đại học. Số tiền còm cõi hằng tháng cha cho tôi chính là từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn và hàng chục kilômet cha lội bộ mỗi ngày tận các sóc Khmer để bán.

Mọi nhọc nhằn rồi cũng qua. Tôi đã làm được lời hứa khi xưa là chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Nhưng tình thương của cha thì không dừng lại. Lại có một ngày tôi đã khóc trước tình cha.

Đó cũng là một buổi trời mưa về sáng, khi tôi từ Sài Gòn về thăm cha mẹ, bị kẹt phà Cần Thơ, về đến nhà đã 2g sáng. Hai mẹ con vừa lò dò bước xuống xe đã thấy ông ngoại đội nón lá, mang áo mưa, cầm theo cây dù để che cho cháu ngoại và con gái. Là mẹ, tôi cũng yêu con mình nhưng chưa bao giờ thấy thấm thía tình cảm của cha đến như vậy. Ông ngoại đã ngoài 80 lội bì bõm trong con hẻm nhỏ ngập nước, vai cõng cháu và bước từng bước chậm rãi để con gái bước theo bước chân mình, sợ con không rõ đường bước lọt xuống cống.

Chồng tôi nuôi con

Hằng đêm cậu nhóc 3 tuổi của tôi đi vào giấc ngủ êm đềm trong tiếng hát dịu dàng của chồng tôi. Ba năm tôi có con, không biết bao nhiêu câu ca dao với bao nhiêu cánh cò trắng muốt đã đi vào những giấc mơ của con tôi từ lời ru của ông bố khó tính này.

“Em đừng tắm con, để anh tắm”. Sợ tay tôi yếu đuối làm rớt con, anh đã giành tắm con. Để đến giờ này, khi cháu đã 3 tuổi, anh vẫn là người tắm con. Có người giúp việc anh cũng tự mình làm công việc đó: tắm và hát ru con ngủ.

Anh thương nhưng không chiều con. Anh dạy bé biết khoanh tay khi gặp người lớn, lên bàn ăn biết tự ăn khi cháu mới một tuổi rưỡi, biết mời mọi người trước khi ăn và khi ăn xong thì tự dẹp dọn chén muỗng của mình...

Tôi không biết mai này lớn lên con trai tôi có nhớ được ngày hôm qua không. Nhưng mỗi lúc nhìn con ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, biết tự lập ngay từ tuổi bé xíu, tôi luôn trào dâng niềm biết ơn ông bố của con và cảm ơn cuộc đời đã cho con tôi một ông bố tốt như vậy.

Mỗi ông bố có một cách riêng để yêu thương con mình. Không cần phải là những anh hùng mới có thể là một ông bố tốt. Như trong mắt tôi, cha tôi đã là một người hùng...

LAM LINH
(Tuổi Trẻ 5/12/09)