Cầu nguyện đích thực là chạnh lòng thương, không giả hình hay gian trá
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 13/2/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu rằng cầu nguyện với Thiên Chúa là một cuộc đối thoại thinh lặng với tình yêu nằm ở cốt lõi, nơi không có giả hình.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu hành hương tại Đại Thính đường Phaolô VI rằng “lời cầu nguyện đích thực được thực hiện ở nơi sâu thẳm của nội tâm, chỉ có Thiên Chúa mới thấy. Đó là cuộc đối thoại trong thinh lặng, với tình yêu là cốt lõi của cầu nguyện. “Nhìn lên Thiên Chúa và để cho Chúa nhìn mình là cầu nguyện”.
Chạnh lòng thương trước tha nhân
Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện như vậy, Kitô hữu không quên thế giới, mà là đưa mọi người và những nhu cầu của họ vào lời cầu nguyện. Ngài nói rằng một người cầu nguyện là thưa với Chúa về nỗi đau của những người mà người ấy gặp ngày hôm đó.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Nếu anh chị em không nhận ra rằng có rất nhiều người đau khổ", điều đó có nghĩa là con tim của người ấy bị khô héo. Cảm thấy chạnh lòng thương"là" một trong những động từ chính yếu của Tin Mừng".
"Chúng ta hãy tự hỏi, khi tôi cầu nguyện, tôi có mở lòng cho tiếng khóc của biết bao nhiêu người gần xa không? Hay tôi nghĩ cầu nguyện như một loại thuốc mê để có thể làm dịu bớt căng thẳng?
Không giả hình
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu không muốn giả hình. “Lời cầu nguyện đích thực là những gì được diễn ra trong sâu thẳm của của lương tâm, của nội tâm: không thể thấu hiểu, chỉ có Thiên Chúa nhìn thấy... Nó tránh được sự giả dối: đối với Thiên Chúa, không thể giả dối. Trước mặt Chúa, gian trá không có sức mạnh.
Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng trong Kinh Lạy Cha không có từ "tôi". Ngài giải thích Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”. Nửa sau của lời cầu nguyện sau đó chuyển từ “Cha” sang “chúng con”: “xin cho chúng con lương thực hàng ngày; và tha nợ chúng con”. Việc sử dụng số nhiều này, cho chúng ta thấy rằng trong lời cầu nguyện Kitô giáo không ai xin cơm bánh cho chính mình mà luôn thay mặt cho người khác. "Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh Chúa Giêsu dạy cho chúng ta cầu nguyện, ngay cả cho những người "dường như không tìm kiếm Thiên Chúa", bởi vì Thiên Chúa tìm kiếm những người này "hơn bất kỳ ai khác”.
Tạ Ân Phúc