Bên máng cỏ Giêsu

 

BÊN MÁNG CỎ GIÊSU
 
Trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày vất vả vì cơm áo, gạo tiền, con người có được 30 ngày cuối đông đầy niềm vui: Chuẩn bị đón mừng “Festival Noel” ! Vâng, Festival Noel đang đến với mọi người, không loại trừ một ai.
 
Hy vọng chúng ta không đơn độc trước mọi nghịch cảnh. Hy vọng với niềm tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa chúng ta sẽ như bé Giêsu hồn nhiên nhoẻn miệng cười hạnh phúc, dù đang nằm trong máng cỏ khô, sực nức mùi ẩm mốc, dù bên cạnh chỉ có Mẹ Maria nhân lành, Ba Giuse thợ mộc, những chú chăn chiên nghèo khổ và những con chiên, bò nặng mùi …. Thật tuyệt vời ! Con Thiên Chúa làm người: “Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
 
Đứng bên mô hình “hang Bê lem”, tôi có cảm giác như qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu Thiên Chúa muốn gửi đến nhân loại một thông điệp phục hồi & nâng cao cơ cấu gia đình. Kìa, Hài nhi Giêsu mủm mỉm trong giấc ngủ bé thơ, hai cánh tay mở rộng như muốn ôm cả thế giới vào lòng, như thay lời muốn nói: Ôi! Những con người thế trần đáng yêu làm sao, thật hạnh phúc biết bao khi được làm người.
 
Trong sinh hoạt xã hội, trước nạn ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều, các nhà nghiên cứu khoa học đã xây dựng những tiêu chuẩn (ISO, HAAC…) chất lượng sản phẩm, an tòan thực phẩm, dược phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe con người. Vậy, tiêu chuẩn nào dành cho nhân loại nhằm bảo đảm đời sống an bình hạnh phúc? Hang Bêlem có thể là tiêu chuẩn sống của các gia đình nhân loại? Thời kỳ sơ khai tường thuật trong sách Sáng Thế như hiện ra trước mắt, tôi cảm nghiệm thêm được tình yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại: Tình yêu bắt đầu từ gia đình.
 
Gia đình là khuôn nôi sự sống
 
Khi tạo con người đầu tiên (Adong), thỏa mãn khát vọng yêu thương và được yêu thương của con người (tạo nên Eva), Thiên Chúa đã định hình khuôn nôi sự sống nhắm đến việc xây dựng một Gia Đình Thần Linh, gia đình đầu tiên của nhân loại với mong muốn họ sống an bình hạnh phúc dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tham vọng của con người không giới hạn, không cảm thấy thỏa mãn trước hạnh phúc đang có để phải sa chước cám dỗ, sa ngã, phạm tội (Eva bị con rắn cám dỗ ăn trái cấm). Thêm vào đó lòng vị kỷ đã làm tan vỡ   tin yêu ban đầu (Adong và Eva đổ lỗi cho nhau khi Thiên Chúa bắt gặp họ phạm tội), dẫn đến Gia Đình đầu tiên bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.
          
Giận thì Giận, nhưng thương thì vẫn thương. Thiên Chúa vẫn không từ bỏ ý định xây dựng nhiều gia đình nhân loại yêu thương. Ngài lại tạo dựng gia đình dân riêng thánh thiện bắt đầu từ việc tuyển chọn một người thuộc dòng dõi Têrakh, ở Canđê, xứ Ba-Tư, có lòng tin và luôn kính sợ Thiên Chúa, tên là Abraham và Thiên Chúa đặt ông làm Cha của một gia đình lớn: Gia đình Dân Riêng...Tổ phụ của dân riêng, một mô hình gia đình (Abraham-Sara) biết tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã gián tiếp minh chứng cho họ thấy Thiên Chúa luôn yêu thương, đồng hành với họ trong đời sống qua Mầu nhiệm Ba ngôi (3 người khách viếng thăm và củng cố niềm tin cho Abrham Sara khi chưa thấy Thiên Chúa thực hiện lời hứa) và ban cho họ đặc sũng (Sara sinh Isaac khi tuổi già). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa và ban cho con người hạnh phúc. Tuy nhiên, con người vốn yếu đuối và đầy tham vọng. Cứ được hạnh phúc no đầy lại quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa và rồi lại sa ngã, phạm tội. Bất chấp lời cảnh cáo của Thiên Chúa (gián tiếp qua các tai ương) con người vẫn thản nhiên sống trong tội lỗi. Kiên nhẫn Thiên Chúa sai các tiên tri đi rao giảng hy vọng con người hoán cải trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng tình thương của Ngài đã không được đáp trả cân xứng.

Mặc dù cơn giận đã lên đến cực độ, nhưng vốn lòng khoan dung Chúa không nở xử phạt nặng nề, Ngài vẫn kiên trì và đi đến quyết định cho Con Một xuống thế làm người để phục hồi và nâng cao cơ cấu gia đình.

Gia đình là mái ấm mẫu gương thân thương

Thiên Chúa bắt đầu rồi lại bắt đầu (qua Chúa Thánh Thần) từ việc chuẩn bị một gia đình để con Thiên Chúa giáng sinh làm người: Chúa chọn một người cha công chính, một người mẹ khiêm nhường, biết vâng lời và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa (Maria-Giuse), biết yêu thương, lắng nghe - thấu hiểu, chia sẻ - tha thứ và vượt lên chính mình để bảo tồn tình yêu Thiên Chúa. Qua việc chuẩn bị nầy, Ngài muốn khẳng định: Gia đình là một yếu tố cơ bản định hình nhân cách con người cả trong đời sống xã hội lẫn trong đời sống đức tin. Đây cũng là nên tảng thiết yếu để xây dựng hạnh phúc. Đời sống gia đình thể hiện dấu chỉ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, Gia Đình giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng xã hội.

Hài nhi Giêsu sinh ra, nằm trên máng cỏ khô sực nức mùi tanh hôi trong chuồng bò rách nát, bất chấp trời đông rét buốt không nệm ấm chăn bông, chỉ cần bên cạnh có người Cha Giuse công chính, người mẹ Maria nhân từ khiêm hạ, những con người nghèo khổ như các chú Mục đồng và các bạn chiên lừa đơn sơ, biết chia sẻ sưởi ấm cho nhau là hạnh phúc và nhoẻn miệng cười hồn nhiên, vút cao tiếng hát Thiên Thần đưa bé thơ vào giấc ngủ bình yên. Như vậy, không có đầy đủ những điều kiện sống hiện đại, không có nghĩa là thiếu vắng niềm vui hạnh phúc. Một mái ấm thân thương có thể đủ minh chứng điều kiện vật chất cần, chứ không đủ mang đến nụ cười trẻ thơ và tạo cảm xúc trời đất, để Thiên Thần cất cao tiếng hát, như đêm Bê Lem giá lạnh xưa kia, bầu trời đầy sao sáng, vang lừng nhạc khúc Thiên Thần đưa các Mục đồng vào niềm vui khôn tả. Vạn vật xung quanh thật yên bình !!!
 
Gia đình là nhân chứng Tin Mừng : Gia đình Giáo Hội
 
Gia đình Giuse-Maria sống mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa tạo nên sự gắn kết yêu thương giữa ba ngôi vị cha-mẹ và con trong gia đình, qua đó gia đình được thánh hiến thành trường lớp dạy yêu thương. Qua gia đình Giuse-Maria- Giêsu Thiên Chúa đã phục hồi và nâng cao cơ cấu gia đình trên nền tảng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Sau khi hoàn tất sứ mạng Cứu độ do Chúa Cha trao, trước khi trở về cùng Cha, Đức Giêsu đã thiết lập gia đình chứng nhân Tin Mừng và trao ban chính Máu Thịt của mình làm của ăn để nuôi dưỡng gia đình thiêng liêng nầy trường sinh. Gia đình Hội Thánh ! Như vậy, Hội Thánh Công Giáo với sứ vụ thiêng liêng: Làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian trở nên sống động hơn, gần gũi hơn với nhân loại qua một “Gia Đình”, nhằm giúp nhân loại nhận biết “tình thương Thiên Chúa muôn muôn đời vẫn trọn”. và luôn trung tín với giao ước ban cho “một gia tộc đông đúc”. Trong một gia đình lớn nhân loại bao gồm thiên nhiên, con người, muôn loài… tất cả đều có sự tương quan trực tiếp lẫn gián tiếp. Vì thế tinh thần hiệp thông sẽ là sợi chỉ xuyên suốt, liên kết mọi người thành một cộng đồng thống nhất: Biết lắng nghe, thấu hiểu nhau, yêu thương và tha thứ. Một tinh thần hiệp nhất yêu thương trong tình yêu Thiên Chúa, cùng nghĩ đến nhau, không tính toán riêng tư, cùng chia sẻ cho nhau dù chỉ là chút hơi ấm, cũng đủ xua tan cái giá lạnh trời đông như đám trẻ Mục đồng, như đàn chiên lừa đã sưởi ấm Hài Nhi Giêsu. Cho dù không địa vị hoặc chức danh cao trọng, và bất chấp hòan cảnh khắc nghiệt vẫn tự tin cất cao giọng hát ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho sự sống hạnh phúc và an bình.
 
Mô hình “mái ấm Bêlem” đầu tiên theo sáng kiến của Thánh Phanxico Assisi đã minh họa sống động hành trình hội nhập trần thế và nói lên đời sống thanh bần của Đấng Cứu Thế. Chẳng biết khi thiết kế mô hình nầy, Thánh nhân có nghĩ đây chính là kim chỉ nam, một thông điệp nhắc nhớ không chỉ riêng cho người Phan Sinh, những người chọn theo chân Thánh Phanxico Assisi, mà còn cho tất cả mọi Kitô hữu phải minh họa sống động hơn mô hình Bêlem bằng chính đời sống của mình nơi cộng đoàn yêu thương : Gia đình riêng, gia đình Huynh Đệ Phan Sinh Tại Thế, gia đình Phan Sinh, kể cả gia đình nhân loại (thiên nhiên- muôn loài-con người). Hình như là có đấy, một kim chỉ nam sống bình an, thiện hảo. Vì “Gia Đình” là khuôn nôi sự sống, là trường lớp dạy yêu thương, là mái ấm sống mẫu gương thân thương, và là nhân chứng Tin Mừng.
 
Cỏ Dại (ofs)