Bài Giáo lý ngày Thứ Tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về bí tích giao hoà
Bài Giáo lý ngày Thứ Tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về bí tích giao hoà
“Hãy mạnh dạn đi đến Tòa Cáo Giải!”
Vatican, 19-2-2014. Đây là bản dịch loạt bài giáo lý của ĐTC về các Bí tích cho các tín hữu quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần.
Qua những bí tích khai tâm nhập đạo – Thanh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể -, chúng ta được đón nhận sự sống mới từ nơi Đức Kitô. Sự sống ấy nay chúng ta đang cất giữ “trong những bình sành” (2Cr 4,7), chúng ta vẫn còn phải chịu cám dỗ, chịu đau khổ, chịu chết và, do tội lỗi, chúng ta thậm chí còn có thể đánh mất sự sống mới này. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã muốn Giáo hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài đối với các tín hữu, nhất là bằng Bí tích Giao hòa và Bí tích Xức dầu bệnh nhân, vốn có thể được liên kết lại dưới danh hiệu “Bí tích Chữa lành.” Bí tích Giao hòa chính là một Bí tích Chữa lành. Khi ta đi xưng thú tội lỗi, chính là ta đi chữa lành bản thân, chữa lành linh hồn ta, chữa lành con tim ta và bất cứ những gì không lành mạnh. Hình tượng trong Kinh Thánh diễn tả rõ nét nhất mối hợp nhất sâu xa của các Bí tích đó chính là đoạn nói về ơn tha thứ và ơn chữa lành cho người bất toại, trong đó Chúa Giêsu đã mạc khải chính mình là vị lương y chữa lành cho cả linh hồn lẫn thể xác (x. Mc 2,1-12; Mt 9,1-8; Lc 5, 17-26).
1.- Bí tích Thống hối và Giao hòa phát xuất trực tiếp từ Mầu nhiệm Phục sinh. Quả thế, vào đúng đêm Phục sinh Chúa đã hiện ra với các môn đệ khi họ đang ở trong phòng Hội khóa chặt cửa lại và, sau khi chào các ông bằng lời chúc “Bình an cho các con!”, Ngài thổi hơi trên các ông và nói:“ Hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20:21-23). Đoạn văn này mạc khải cho chúng ta động lực sâu xa nhất tiềm tàng trong Bí tích này. Trước hết, ơn tha thứ các tội lỗi của ta không phải là điều ta có thể tự ban cho mình được. Ta không thể nói: Tôi tha thứ các tội lỗi của tôi. Sự tha thứ được cầu xin từ nơi người khác, và trong Bí tích Giao hòa, chúng ta cầu xin ơn tha thứ từ nơi Chúa Giêsu. Ơn tha thứ không phải là kết quả của những nỗ lực của riêng chúng ta, nhưng là một quà tặng, một ân huệ của Thánh Thần, Đấng đổ đầy tràn xuống trên chúng ta ơn thanh tẩy do lòng thương xót và ân sủng không ngừng tuôn trào từ Trái Tim rộng mở của Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Kế đến, ơn tha thứ nhắc nhở chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta chấp nhận chính mình giao hòa trong Chúa Giêsu với Chúa Cha và với anh chị em mình thì chúng ta mới có được thực sự ơn bình an. Và tất cả chúng ta đã nghe thấy điều này trong lòng mình khi chúng ta đi xưng thú tội lỗi, với một cảm giác đè nặng tâm hồn, một nỗi đau buồn; và khi chúng ta lãnh nhận được ơn tha thứ của Chúa Giêsu thì chúng ta lại được bình an, sự bình an biết bao tuyệt vời cho linh hồn mà chỉ duy Chúa Giêsu mới có thể ban cho ta.
2.- Theo thời gian, việc cử hành Bí tích này đã trải qua từ một hình thức có tính cộng đoàn sang một hình thức xưng thú có tính riêng tư cho từng người. Tuy nhiên, điều ấy không được khiến cho chúng ta xa rời cung lòng của Hội Thánh, vốn là khuôn khổ không thể thiếu được. Thực ra, cộng đoàn Kitô hữu là nơi Chúa Thánh Thần hiện diện, Ngài đổi mới mọi tâm hồn trong tình yêu của Thiên Chúa và làm cho tất cả mọi người được trở nên một trong Chúa Giêsu Kitô. Hãy xem tại sao khi ta chỉ xin Chúa ban ơn tha thứ trong tâm trí chúng ta thì chưa đủ, nhưng cần phải khiêm hạ và chân thành xưng thú tội lỗi mình với thừa tác viên của Hội Thánh. Trong việc cử hành Bí tích này, linh mục không chỉ thay mặt Chúa nhưng còn thay mặt toàn thể cộng đoàn, vốn tự nhận biết sự mỏng dòn của từng thành viên của mình, xúc động khi nghe thấy sự ăn năn hối lỗi của ta, giao hòa với ta, khuyến khích và đồng hành với ta trên con đường hoán cải và trở nên trưởng thành về mặt nhân bản cũng như về đời sống Kitô. Người ta có thể nói: Tôi chỉ xưng tội với Chúa thôi. Đồng ý, bạn có thể thưa với Chúa “xin tha thứ cho con” và xưng thú tội lỗi mình, nhưng tội lỗi chúng ta cũng chống lại anh chị em, chống lại Giáo Hội nữa. Vì thế, cần thiết phải xin sự tha thứ của Giáo Hội, của anh chị em nữa, nơi con người của linh mục. “Nhưng Cha ơi, con xấu hổ lắm…” Ngay sự xấu hổ cũng là thiện hảo, thật là tốt lành khi cảm thấy ít nhiều xấu hổ; biết xấu hổ thì tốt lành rồi. Khi một người nào không biết xấu hổ, thì ở xứ sở tôi, chúng tôi gọi đó là kẻ “mặt dầy”. Nhưng ngay cả sự xấu hổ cũng tác dụng tốt cho chúng ta, vì nó khiến chúng ta khiêm hạ hơn, và linh mục đón nhận việc xưng thú này một cách yêu thương trìu mến, và nhân danh Chúa tha thứ cho chúng ta.
Ngay theo cái nhìn nhân loại, việc cởi mở cõi lòng, việc tâm sự nhỏ to với một người anh em, và việc kể cho linh mục nghe những điều ấy là tốt lành – những điều vốn đang đè nặng lên tâm hồn ta. Và ta cảm nhận được rằng ta thổ lộ trước mặt Chúa, với Hội Thánh, với người anh em. Đừng có sợ xiệc xưng tội! Khi ta xếp hàng để đợi xưng tội, ta cảm nhận những điều này, thậm chí cảm thấy xấu hổ, nhưng một khi xưng tội xong, ta cảm thấy tự do, thoải mái, tuyệt vời, ơn đươc tha thứ, trắng tinh (sạch tinh), sung sướng. Và đó chính là vẻ đẹp của việc Xưng tội! Tôi muốn hỏi anh chị em – nhưng đừng trả lời to tiếng nhé, mỗi người tự trả lời trong lòng mình thôi - : lần xưng tội chót của anh chị em là khi nào ? Mỗi người hãy nghĩ về việc đó… Có phải đã được hai ngày, hai tuần, hai năm, hai mươi năm hay bốn mươi năm? Ai nấy cứ đếm đi, nhưng ai ai cũng phải tự hỏi xem : lần cuối tôi xưng tội là khi nào? Và nếu là một thời gian lâu lắm rồi, thì đừng bỏ lỡ một ngày nào khác nữa nhé, hãy đi xưng tội, linh mục sẽ tốt lành với anh chị em. Chúa Giêsu đang ở đó, và Chúa tốt lành hơn các linh mục rất nhiều. Chúa sẽ tiếp đón anh chị em. Ngài tiếp đón anh chị em với vô vàn yêu thương. Hãy mạnh dạn lên và đến với Tòa Cáo giải!
Các bạn thân mến, cử hành Bí tích Giao Hòa chính là được bao bọc bởi một cái ôm choàng nồng ấm: đó chính là cái ôm choàng bởi lòng nhân hậu vô biên của Đấng Từ Phụ. Ta hãy nhớ lại dụ ngôn tuyệt tuyệt vời về người con đã lìa xa nhà mình với đống gia tài được thừa hưởng, hắn đi phung phí cho hết sạch , và rồi, khi chẳng còn gì nữa thì hắn quyết định trở về nhà, không phải với tư cách người con, mà thân phận một đầy tớ. Biết bao là tội lỗi trong tâm hồn, biết bao là nỗi tủi hổ. Điều ngạc nhiên lạ lùng là ngay vừa khi hắn bắt đầu nói để xin ơn tha thứ, người cha đã không để cho hắn nói mà lại ôm choàng lấy hắn, hôn lấy hôn để hắn và cho mở đại tiệc. Nhưng Cha nói với anh chị em: mỗi lần chúng ta xưng tội, Thiên Chúa ôm choàng lấy chúng ta, Thiên Chúa mở đại tiệc! Chúng ta hãy đi thẳng tới trên con đường này. Cầu Chúa chúc lành cho anh chị em!
Antôn Uông chuyển ngữ (theo bản tin của Zenit.org)