Tượng Đức Mẹ Fatima được kiệu đến Liên Hiệp Quốc

Tượng Đức Mẹ Fatima được kiệu đến Liên Hiệp Quốc

Một ngày trước đại lễ kỷ niệm 100 năm biến cố Fatima, một bức tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được kiệu đến trụ sở Liên Hiệp Quốc.

 

Ngày 12 tháng 5 sắp tới sẽ lần thứ hai bức tượng đặc biệt này đến thăm Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên vào năm 1952.

 

Trong số những người sẽ thuyết trình vào ngày 12 tháng 5 tại Liên Hiệp Quốc có Bà Johnnette Benkovic - người sáng lập và chủ tịch kênh truyền thông Women of Grace thuộc mạng lưới EWTN.

 

"Như Đức Mẹ đã đến thế giới qua những cuộc hiện ra với các trẻ chăn cừu, và nhân lễ kỷ niệm 100 năm sẽ được cử hành vào những ngày sắp tới đây, Mẹ nhắc nhở mọi người trên thế giới này rằng: các sứ điệp vẫn là như nhau - nền hòa bình, niềm hy vọng và tình liên đới sẽ trở nên hiện thực bằng những hoạch định của Thiên Đàng", Bà Benkovic nói.

 

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, ba trẻ nhỏ chăn cừu là Lucia, Jacinta và Francisco đã thị kiến hình ảnh về Đức Mẹ ở Fatima, đó là người phụ nữ mặc áo trắng, tay cầm một tràng chuỗi Mân Côi. Những cuộc thị kiến này kéo dài đến tháng 10 cùng năm và mang những sứ điệp về cầu nguyện, thống hối và đền tội.

 

Các cuộc hiện ra này được Giáo Hội Công Giáo tuyên bố là "hiện tượng siêu nhiên" vào năm 1930, và một ngôi đền kính được xây dựng ở Fatima, gần nơi hiện ra ban đầu. Kể từ đó, hàng ngàn khách hành hương đã thực hiện những chuyến đến Fatima để cầu nguyện, trong đó có ba vị giáo hoàng là Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI.

 

Trong chuyến hành hương Fatima sắp tới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tuyên thánh cho hai thị nhân của Fatima là Francisco và Jacinta Marto vào ngày 13 tháng 5.

 

Còn vào ngày 12 tháng 5, Liên Hiệp Quốc có một sự kiện mang tên "Lễ kỷ niệm 100 năm Fatima và Tính chất hợp thời trong Sứ điệp Hòa bình của nó", diễn ra từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều.

 

Các diễn giả tại sự kiện này bao gồm ông Alvaro Mendonca e Moura - Đại sứ thường trực của Bồ Đào Nha tại Liên Hiệp Quốc và Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza - Sứ thần, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

 

Cha Roger Landry - linh mục hiện công tác trong phái đoàn quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc thông cáo báo chí nói rằng: "Sự kiện này sẽ tập trung một cách thật đặc biệt về tính chất hợp thời đại của sứ điệp hòa bình ở Fatima".

 

Bà Benkovic nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bức tượng Fatima kiệu đến Liên Hiệp Quốc: "Mục đích là để cổ võ sứ điệp xây dựng hòa bình, và nền hòa bình dưới ánh sáng của Đức Mẹ Fatima năm 1917".

 

"Chúng ta đang sống trong những thời điểm dễ bị tổn thương, cho nên sứ điệp của Đức Mẹ gửi đến cho thế gian thông qua những trẻ nhỏ chăn cừu ở Fatima đang quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi lấy làm vinh dự và khiêm nhu khi được tham gia vào thời khắc hiếm có này tại Liên Hiệp Quốc".

 

Bà Benkovic sẽ thuyết trình về chủ đề "Đức Maria, Phẩm giá của phụ nữ và Vai trò của phụ nữ trong việc cổ võ văn hóa đối thoại, hòa giải và xây dựng hòa bình".

 

Với tư cách là người thuyết trình, Bà Benkovic chỉ ra ý nghĩa văn hoá và điểm chung của Đức Mẹ Fatima, đặc biệt là trong số ba tôn giáo lớn là: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Bà nói rằng Đức Mẹ Fatima "là một phụ nữ người Do Thái được các Kitô hữu vinh danh và công nhận, và được người Hồi giáo tôn trọng".

 

Qua sự kiện Đức Mẹ Fatima đang được thế giới chú ý từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 5, Bà Benkovic hy vọng rằng những sứ điệp của Mẹ về hòa bình và thống hối sẽ kết nối được mọi cá nhân trên thế giới này một cách chưa từng có.

 

Bà Benkovic cũng hy vọng sự kiện Fatima tại Liên Hiệp Quốc sẽ tôi luyện hòa bình và cảm thức yêu thương ở tất cả các nền văn hoá trên khắp thế giới, tạo cảm hứng cho các cá nhân biết sử dụng thời gian và tài năng của mình để phục vụ cho lợi ích của nhân loại.

 

"Tôi tin rằng thánh ý của Thiên Chúa là muốn mọi quốc gia trên thế giới, theo cách riêng về dân tộc và văn hoá của họ, sẽ tìm cách thiết lập một nền văn minh tình thương bằng cách lan tỏa đến đời sống gia đình, cộng đoàn, trường học, các tổ chức và cơ quan chính phủ chân lý đạo đức Mười điều răn của Đức Chúa Trời và những giáo huấn của Giáo Hội", bà nói. (CNA/UBMVGĐ 01.05.2017)

Thế Vinh