20 Năm Sau Hội Nghị Cairo Về Dân Số Và Phát Triển

20 Năm Sau Hội Nghị Cairo Về Dân Số Và Phát Triển

           20 Năm Sau Hội Nghị Cairo Về Dân Số Và Phát Triển

 

Đời Sống Gia Đình và Kinh Tế

Tổ chức LHQ cho biết vừa có một hội nghị xem xét lại các vấn đề liên quan đến dân số như vấn đề người cao tuổi, sự sinh sản, số tử vong, vấn đề di cư, và đô thị hóa. LHQ vẫn tiếp tục ủng hộ việc phá thai và ngừa thai, vẫn kêu gọi các quốc gia gỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến “sức khỏe sinh sản và chăm sóc lứa tuổi teens”, ý nói bao gồm cả việc dùng biện pháp ngừa thai và phá thai.

Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cũng công bố một bản tường trình đánh dấu kỷ niệm Hội Nghị Cairo (1994), trong đó dành sự ưu ái cho việc phá thai hơn là sức khỏe người mẹ.

 

Cổ Vũ Sự Phát Triển

Nếu LHQ thực tâm muốn cổ vũ sự phát triển kinh tế và một đời sống tốt đẹp hơn cho những dân nghèo, thì việc bảo vệ đời sống gia đình hẳn là mang lại nhiều lợi ích hơn là việc cung cấp dồi dào thuốc ngừa thai hoặc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc phá thai.

Trong tháng Giêng năm nay, một tờ báo của Đại học Havard thực hiện một cuộc nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển biến mức thu nhập mang tính tương tác tại Hoa kỳ.

Tờ báo kết luận rằng:  5 yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự chuyển biến đó chính là : (1) sự phân biệt, (2) bất bình đẳng về thu nhập, (3) phẩm chất giáo dục, (4) tư bản xã hội, và (5) cấu trúc gia đình.

Các tác giả tham gia cuộc khảo sát nhận xét rằng cấu trúc gia đình có ảnh hưởng đối với cộng đồng vượt lên trên cả bình diện cá nhân. “Con cái của các cha mẹ có kết hôn cũng có một tỷ lệ thăng tiến cao hơn nếu chúng sinh sống trong những cộng đồng có số cha mẹ đơn thân ít hơn.”

Trong tháng 3, Viện Hôn nhân và Gia đình Canada công bố một bản tường trình có tựa đề: “Mối liên hệ khôn tả giữa các gia đình ổn định và sự thịnh vượng.”

Cơ quan Thống kê Canada đưa ra những số liệu cho thấy đa số các cha mẹ đơn thân sống trong hoàn cảnh nghèo khó. Các gia đình có đủ cha mẹ và con cái lâm cảnh nghèo chỉ chiếm tỷ lệ 5.7%, trong khi những gia đình có mẹ đơn thân  và con cái lâm cảnh nghèo chiếm tới 21.8%.

“Trong một nền văn hóa cực kỳ ích kỷ trong đó người ta không còn thấy được mục đích của hôn nhân bên ngoài bản thân mình, thì người ta thấy rất ít lý do để làm cho cuộc hôn nhân của mình tiến triển,” bản tường trình nhận định.

Tuy nhiên, thành công của các gia đình và cộng đồng cưu mang các gia đình đó có mối liên hệ chặt chẽ, bản tường trình nhấn mạnh.

“ Khu vực công có thể ra sức hành động như vai trò của gia đình khi các gia đình thất bại, nhưng nỗ lực này chẳng có thể đem lại sự phát triển nhân bản mà cũng chẳng tạo nên sự quân bình cho ngân sách. Có những điều không tài nào thay thế được,” bản tường trình ghi nhận.

Mới tháng trước đây, cơ quan này cũng công bố một bản tường trình có tựa đề: “Sự Khác Biệt Về Hôn Nhân Giữa Những Người Giàu và Những Người Nghèo Ở Canada.”

Bản tường trình khởi đầu như sau: “Công cuộc phân tích của chúng tôi cho thấy hôn nhân ở Canada có một mối liên hệ đáng kinh  ngạc, phải nói như thế, với mức thu nhập.”

“Các nhà hoạch định chính sách Canada cần phải quan tâm đến sức khỏe của hôn nhân bởi vì chính những cuộc hôn nhân lành mạnh, bền vững  này đóng góp cho sự ổn định kinh tế và thăng tiến nhân bản,” bản tường trình khuyến cáo. Đây là một khuyến cáo cần phải được thực thi toàn cầu.

 

Hôn Nhân Suy Thoái

Trở lại Hoa kỳ vào đầu tháng Tư này, tờ Atlantic Magazine đã công bố một bài với tựa đề “Lương Phụ Nữ Tăng Lên: Tại Sao Quá Nhiều Gia Đình Lại Nghèo Đi?”

Cần lưu ý rằng mặc dù các cơ hội và lương bổng cho phụ nữ được gia tăng, thu nhập gia đình lại đang tụt xuống đối với 40% các gia đình có thu nhập thấp.

Một nguyên nhân khiến các gia - đình - có - thu - nhập - thấp đang phải tụt lại phía sau chính là sự suy thoái hôn nhân nơi những người nghèo và giai cấp lao động. Hơn một nửa số các gia đình này chỉ có cha hay mẹ đơn thân, bài báo nhận xét.

Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây đã đề cập đến nhu cầu nâng đỡ các gia đình trong một huấn từ vào ngày 7 tháng Tư cho các giám mục Tanzania đang viếng thăm Roma, nhân khi ngài  nhắc đến Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình sẽ được triệu tập vào năm nay.

“Bằng cách cổ vũ sự cầu nguyện, sự chung thủy trong hôn nhân, định chế một vợ một chồng, đức khiết tịnh và sự khiêm tốn phục vụ lẫn nhau trong gia đình, Hội Thánh tiếp tục cống hiến một sự đóng góp vô giá cho nền phúc lợi xã hội của Tanzania, một sự đóng góp mà, kết hợp với những tác vụ tông đồ về giáo dục và y tế, chắc chắn sẽ nuôi dưỡng và thúc đẩy sự ổn định và tiến bộ lớn lao hơn nơi quê hương của chư huynh,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Phanxicô cũng nói rằng khó có một sự phục vụ nào tốt đẹp hơn việc Hội Thánh làm chứng tá cho “sự thánh thiện của sự sống như quà tặng của Thiên Chúa và cho vai trò thiết yếu mà các gia đình bền vững và đạo đức thể hiện trong việc chuẩn bị cho các thế hệ hậu sinh sống đời sống đạo hạnh và biết đương đầu với những thách đố của tương lai một cách khôn ngoan, dũng cảm và quảng đại.”

Rõ ràng là sự phát triển kinh tế và đời sống gia đình có mối liên hệ gắn kết với nhau không thể tách rời được.

                                                               Antôn Uông Đại Bằng

               (Lược thuật theo LM Jonh Flynn, LC [Zenit.com, 14/4/2014]