Thư của Đức Thánh Cha Benedicto XVI về vấn đề giáo dục

Thư của Đức Thánh Cha Benedicto XVI về vấn đề giáo dục

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEĐICTÔ XVI VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

Các tín hữu Roma thân mến,

Tôi đã nghĩ đến việc ngỏ lời với anh chị em qua lá thư này để nói với anh chị em về một vấn đề mà chính anh chị em đã cảm thấy và nhiều thành phần trong giáo phận chúng ta đang dấn thân giải quyết: đó là vấn đề giáo dục. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến thiện ích của những người mà chúng ta yêu mến, đặc biệt là các trẻ em, thiếu niên và người trẻ của chúng ta. Thực vậy, chúng ta biết rằng tương lai của thành này tuỳ thuộc các em. Vì thế, chúng ta không thể không quan tâm tới việc giáo dục cho các thế hệ trẻ, chú ý đến khả năng định hướng của các em trong cuộc đời và khả năng phân biệt thiện ác; quan tâm đến sức khoẻ của các em, không những về thể lý nhưng cả về tinh thần nữa. 

Nhưng giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn. Các cha mẹ, giáo chức, linh mục và tất cả những người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp đều biết rõ điều đó. Vì thế, người ta nói đến một “sự cấp thiết về giáo dục”, như được chứng tỏ qua bao thất bại chúng ta gặp phải trong những nỗ lực huấn luyện những con người vững chắc, có khả năng cộng tác với người khác và mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Trước những thất bại ấy, người ta thường quy trách cho các thế hệ trẻ, như thể các trẻ em sinh ra ngày nay khác với những em sinh ra trong quá khứ. Ngoài ra, người ta nói về một sự “rạn nứt giữa các thế hệ”, điều này chắc chắn là có thực và có ảnh hưởng, nhưng nó là hậu quả hơn là nguyên nhân gây nên sự thiếu thông truyền những điều chắc chắn và các giá trị.

Vậy thì phải chăng chúng ta phải quy trách cho người lớn ngày nay và bảo rằng họ không còn khả năng giáo dục nữa hay sao? Điều rất chắc chắn là, nơi các bậc cha mẹ cũng như nơi các giáo chức, và nói chung nơi các nhà giáo dục, có một cám dỗ mạnh mẽ xúi giục họ buông xuôi, và hơn nữa, nơi họ có một nguy cơ không còn hiểu đâu là vai trò, hay đúng hơn, đâu là sứ mạng được uỷ thác cho họ. Trong thực tế, vấn đề ở đây không phải chỉ là trách nhiệm bản thân của người lớn hay người trẻ - những trách nhiệm này có thực và không nên che đậy - nhưng còn có một bầu không khí lan tràn, một não trạng và một hình thái văn hoá khiến cho người ta nghi ngờ về giá trị nhân vị, ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và xét cho cùng, người ta nghi ngờ về chính đặc tính tốt lành của cuộc sống. Vì thế, thật là khó thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cái gì có giá trị và chắc chắn, những quy luật cư xử, những mục tiêu đáng tin cậy để quy hướng và xây dựng chính cuộc sống của mình.

Anh chị em ở Roma thân mến, về điểm này, tôi muốn nói với anh chị em một lời rất đơn sơ: Đừng sợ! Thực vậy, tất cả những khó khăn ấy không phải là không thể vượt qua được. Có thể nói chúng là mặt trái của một hồng ân lớn lao và quý giá là tự do của chúng ta, với trách nhiệm phải đi kèm. Khác với những gì xảy ra trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc kinh tế, trong đó những tiến bộ ngày nay có thể cộng thêm với những tiến bộ trong quá khứ, trong lĩnh vực huấn luyện và tăng trưởng về luân lý của con người không có thể tích luỹ như vậy, vì tự do của con người luôn luôn là điều mới mẻ, và vì thế, mỗi người và mỗi thế hệ phải bắt đầu quyết định lại cho mình. Cả những giá trị lớn lao trong quá khứ cũng không thể để lại như những gia sản, cần biến chúng thành của ta và đổi mới qua một sự chọn lựa bản thân, nhiều khi đòi hỏi nhiều hy sinh đau khổ.

Nhưng khi những nền tảng bị rúng động và thiếu những xác tín chắc chắn thiết yếu, thì nhu cầu cần có những giá trị ấy lại được người ta cấp thiết cảm thấy: vì thế, cụ thể là càng ngày người ta càng đòi hỏi một nền giáo dục xứng với danh xưng của nó. Các cha mẹ, thường bận tâm lo lắng về tương lai của con cái, đang đòi hỏi nền giáo dục ấy; cũng vậy, đối với các giáo chức đang sống kinh nghiệm đau buồn về sự sa sút nơi các trường của họ; xã hội trong toàn bộ cũng yêu cầu nền giáo dục ấy khi thấy chính những nền tảng cơ bản của cuộc sống chung bị nghi ngờ; ngoài ra, tự thâm tâm các thiếu niên và người trẻ cũng yêu cầu nền giáo dục đúng nghĩa như vậy, họ không muốn bị bỏ rơi một mình đứng trước những thách đố của cuộc sống. Tiếp đến, những ai tin nơi Chúa Giêsu Kitô thì càng có thêm một động lực mạnh mẽ hơn để không sợ hãi: thực vậy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và tình yêu của Chúa đến với chúng ta nơi chúng ta đang sống và trong thân phận của chúng ta, nghĩa là với những lầm than và yếu đuối của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cơ hội mới để làm điều thiện.

Anh chị em thân mến, để làm cho những suy tư của tôi được cụ thể hơn, cũng nên lên một số đòi hỏi chung để có một nền giáo dục chân chính. Nền giáo dục này trước tiên cần có sự gần gũi và tín nhiệm nảy sinh từ tình thương: tôi nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và cơ bản về tình thương mà các trẻ em cảm nhận, hay ít là phải cảm nhận với cha mẹ các em. Nhưng mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình, và chỉ như thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục những ích kỷ và trở thành người có khả năng yêu thương đích thực.

Ngay từ khi còn bé thơ, trẻ em đã có một ước muốn được biết và hiểu, được biểu lộ qua những câu hỏi liên tục và yêu cầu giải thích. Vì thế, thật là một sự giáo dục nghèo nàn nếu chỉ giới hạn vào việc thông truyền những ý niệm và thông tin, mà lại bỏ qua một bên câu hỏi lớn liên quan đến chân lý, nhất là chân lý có thể hướng dẫn cuộc sống.

Cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”.

Các bạn tại Roma thân mến, bây giờ chúng ta đi tới một điểm có lẽ là tế nhị nhất trong công tác giáo dục: đó là làm sao tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật. Nếu không có quy luật trong việc cư xử và trong đời sống, được nêu bật ngày này qua ngày khác cả trong những chuyện bé nhỏ, thì người ta không huấn luyện tính tình người trẻ và không chuẩn bị chúng trong việc đương đầu với những thử thách trong tương lai. Nhưng quan hệ giáo dục trước tiên là một cuộc gặp gỡ giữa hai nền “tự do và kỷ luật”; và nền giáo dục thành công tốt đẹp chính là sự huấn luyện về cách thức sử dụng tự do một cách đúng đắn. Dần dần trẻ em lớn lên, trở thành một thiếu niên, rồi một thanh niên; chúng ta phải chấp nhận rủi ro của tự do, luôn quan tâm giúp đỡ chúng sửa chữa những ý tưởng và chọn lựa sai lầm. Điều chúng ta không bao giờ được làm, đó là hỗ trợ chúng trong những sai lầm, làm bộ như không thấy những sai lầm ấy, hoặc tệ hơn nữa lại chia sẻ những lầm lẫn đó, như thể đó là những biên cương mới trong sự tiến bộ của con người. Vì thế, giáo dục không thể bỏ qua uy tín làm cho việc thực thi quyền bính trở nên đáng tín nhiệm. Uy tín này là kết quả của kinh nghiệm và khả năng, nhưng người ta đạt được nó nhất là qua cuộc sống phù hợp với những gì mình nói, và nhờ sự đích thân dấn thân, biểu lộ một tình yêu thương chân thành. Do đó, nhà giáo dục là một chứng nhân về sự thật và sự thiện. Dĩ nhiên, nhà giáo dục cũng là người mỏng dòn và có thể thiếu sót, lầm lẫn, nhưng luôn tìm cách làm cho mình được phù hợp với sứ mạng đã nhận lãnh.

Các tín hữu Roma rất thân mến, từ những nhận xét đơn sơ ấy, ta thấy rõ trong việc giáo dục, ý thức trách nhiệm thật là quan trọng có tính cách quyết định: trách nhiệm của nhà giáo dục, và đó cũng là trách nhiệm của con cái, của học sinh, của người trẻ khi bước vào thế giới công việc, tuỳ theo mức độ tuổi tác gia tăng của chúng. Người trách nhiệm là người biết trả lời cho chính mình và cho tha nhân. Ngoài ra và hơn nữa, ai tin tưởng, thì họ cũng tìm cách trả lời cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương họ trước. Trách nhiệm trước tiên có tính chất bản thân, nhưng cũng có một thứ trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau chia sẻ, với tư cách là công dân của một thành phố, một quốc gia, hoặc trong tư cách là phần tử của gia đình nhân loại, và nếu chúng ta là tín hữu, trong tư cách là con của một Thiên Chúa duy nhất, là phần tử của Giáo Hội. Trong thực tế, những ý tưởng, lối sống, luật lệ, hướng đi toàn bộ của xã hội nơi chúng ta sinh sống, và hình ảnh mà xã hội tạo cho mình qua các phương tiện truyền thông xã hội, có một ảnh hưởng lớn đối với việc huấn luyện các thế hệ trẻ, mang lại điều thiện và cả điều xấu cho chúng. Nhưng xã hội không phải là một điều trừu tượng; xét cho cùng, đó là tất cả chúng ta, với những đường hướng, quy luật và những đại diện do chúng ta bầu lên, mặc dù mỗi người có những vai trò và trách nhiệm khác nhau. Vì vậy, cần có sự đóng góp của mỗi người chúng ta, của mỗi cá nhân, gia đình hoặc nhóm xã hội, để xã hội, bắt đầu từ thành phố Roma của chúng ta, trở thành một môi trường thuận lợi hơn cho việc giáo dục.

Sau cùng, tôi muốn đề ý nghị với anh chị em một tư tưởng mà tôi đã khai triển trong Thông điệp mới đây “Spe salvi” về niềm hy vọng Kitô: linh hồn của việc giáo dục, cũng như toàn thể đời sống, chỉ có thể là một niềm hy vọng đáng tín nhiệm. Ngày nay, niềm hy vọng của chúng ta bị vây bủa tấn kích từ nhiều phía và cả chúng ta cũng có nguy cơ trở thành “những người không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới này”, giống như những người cổ xưa, như thánh Phaolô Tông đồ đã viết cho các tín hữu thành Ephêsô (Eph 2,12). Chính từ đó nảy sinh khó khăn có lẽ là sâu đậm nhất đối với một công trình giáo dục đích thực: thực vậy, nơi căn cội của cuộc khủng hoảng về giáo dục, có một cuộc khủng hoảng về sự tín thác trong cuộc sống. Bởi vậy, tôi không thể kết thúc lá thư này mà không nồng nhiệt mời gọi đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chỉ có Ngài là niềm hy vọng chống lại được mọi thất vọng; chỉ có tình yêu của Ngài không thể bị sự chết tiêu diệt; chỉ có công lý và lòng từ bi của Ngài có thể chữa lành những bất công và bù đắp những đau khổ đã phải chịu. Niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ chỉ là hy vọng cho tôi mà thôi, nhưng luôn luôn là hy vọng cho người khác nữa: hy vọng ấy không cô lập chúng ta, nhưng làm cho chúng ta liên đới trong sự thiện, kích thích chúng ta giáo dục lẫn nhau về sự thật và tình thương. 

Tôi thân ái chào anh chị em và cam đoan đặc biệt nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện, trong khi tôi gửi đến anh chị em phép lành của tôi.


Vatican, ngày 21 tháng 01 năm 2008

+ Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI

(Thứ bảy ngày 23-2-2008, ĐTC Beneđictô XVI gặp 50.000 phụ huynh, giáo chức và học sinh Roma tại Quảng trường Thánh Phêrô và ngài đã chính thức trao thư này cho họ)