PHÁ THAI VỚI LƯƠNG TÂM NGƯỜI MẸ

PHÁ THAI VỚI LƯƠNG TÂM NGƯỜI MẸ

PHÁ THAI VỚI LƯƠNG TÂM NGƯỜI MẸ

 

Theo các chuyên gia, con số thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều. Đây không còn là tệ nạn xã hội nữa nhưng là quốc nạn.

 

 

Với thông kê gần đây nhất, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó 20% là ở tuổi vị thành niên. Trong hơn 180.000 ca phá thai năm 2015 thì có hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên. 

Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều người với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công để nạo hút thai mà lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, theo các chuyên gia, con số thực tế về nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều. Đây không còn là tệ nạn xã hội nữa nhưng là quốc nạn.

Mặc dù, các nhà chuyên môn đã đưa ra những hậu quả thực sự nghiêm trọng nhưng tình hình không hề suy giảm. Phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe cũng như tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi nạo phá thai như: nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, sót thai, rong kinh, sẹo ở tử cung, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, sẩy thai hoặc đẻ non, vô sinh, ám ảnh về tâm lý…Khi phá thai thành công chúng ta đã chính thức khép lại cánh cửa sự sống của một con người thật sự. Tội ác đó chính là thứ cắn rứt lương tâm của nhiều người. Có người không chịu nổi cú shock đã dẫn đến bệnh tâm thần, có người do những ám ảnh của các thủ thuật phá thai làm họ trở nên điên loạn… cho dù như thế nào những hậu quả về tâm lý luôn bám theo những người đã từng phá thai.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: yếu tố ngoại tại (môi trường xã hội, học đường, gia đình…) và yếu tố nội tại (do chính đương sự). Trong bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến yếu tố nội tại. Có thể nói, đây mới thực là yếu tố mang tính quyết định.

Truyện kể rằng: một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình.

— Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết giúp khó khăn này: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con tuổi gần nhau như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được.

— Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây?

— Bất cứ điều gì có thể cất được cái của nợ này.

Sau một hồi suy nghĩ, người thầy thuốc trả lời:

— Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không chịu có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng bà thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa.

Vừa nói xong, vị bác sĩ đưa tay lên kệ dụng cụ, nắm một cây dao nhỏ, và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên vế bà, đưa đầu ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt, nhảy tung khỏi ghế và thét lên: “ĐỒ SÁT NHÂN!”

Chỉ với một vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là GIẾT NGƯỜI. Chỉ có một khác biệt là tuổi của hai đứa bé mà thôi.

Có lẽ, lời nguyền rủa: “Đồ sát nhân” của người mẹ đáng thương kia, phải được vang lên nơi chính cõi lòng của bà. Lúc ấy, bà sẽ ngộ ra rằng mình đã có âm mưu giết người và người đó chính là con của mình. Bà có thể nhân danh vì ổn định kinh tế gia đình hay một đứa dễ nuôi dạy hơn…Dù bất cứ lý do nào, chúng ta phải khẳng định rằng phá thai là một vụ giết người tuyệt đối không lời phân giải. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lên án nặng nề rằng: “Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican II đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm” (Tin Mừng Sự Sống số 53). Nó là một tội ác ghê tởm không chỉ do việc người giết người, hay hơn nữa, là mẹ giết con, mà là cái chết của chính người mẹ như thánh Têrêsa thành Calcutta đã nói: có hai cái chết trong một vụ phá thai: cái chết của thai nhi và cái chết của lương tâm người mẹ. Ý thức tầm quan trọng của vấn đề này, chúng ta cần xác tín lại giá trị của sự sống theo lập trường của Giáo Hội.

Vị Giáo Hoàng vĩ đại này đã khẳng định trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống, số 53 rằng: “Sự sống của con người là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm ‘hành động sáng tạo của Thiên Chúa’ và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hoá… Duy chỉ Thiên Chúa là Chủ sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc: không ai, trong bất cứ trường hợp nào, có thể đòi cho mình quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội”. Quả thật, vì tính thánh thiêng của sự sống, chúng ta không có quyền định đoạt về sự sống còn của người khác, đương nhiên bao gồm cả các thai nhi (theo cách nói của vị Giáo Hoàng này, nó liên quan đến tính bất khả xâm phạm của sự sống); đến ngay chính sự sống bản thân, con người cũng chỉ là người quản lý, nghĩa là duy trì và phát triển sự sống chứ không được tự sát.

Cũng liên quan đến ‘hành động sáng tạo của Thiên Chúa’ như tiền đề nêu trên, chúng ta có thể rút ra một kinh nghiệm thực tiễn trong phạm vi gia đình, người cha và người mẹ được kêu gọi hợp tác để truyền sinh. Đó là cách thức con người sống vai trò đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Một khi qui tắc này không được tôn trọng, phẩm giá của con người sẽ bị xúc phạm và tổn thương. Đó là hệ quả của phong trào sống thử mà phần lớn giới trẻ ngày nay chạy theo. Thật vậy, họ nghĩ rằng khi yêu nhau thật sự thì không còn khoảng cách và sự trao dâng trong đời sống tình dục là cách thể hiện tình yêu cụ thể nhất. Nhưng lập trường của Giáo Hội nhìn nhận rằng: tình dục ngoài hôn nhân là một thứ tội.

Ngoài ra, việc phá thai bị coi là cuộc phá bỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi người nữ. Quả thật, như việc Đức Phanxicô đã phát biểu trong buổi nói chuyện với các nhà phụ khoa Công giáo ngày 20/9/2013: “Một đứa trẻ không được sinh ra, nhưng bị kết án phá thai một cách bất công, đều mang khuôn mặt của Chúa, là Đấng đã cảm nghiệm bị thế gian từ khước ngay cả trước khi sinh ra cũng như khi mới sinh ra”.  Hơn nữa, một khi loại bỏ bào thai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, cách nào đó họ đã khước từ chính Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của họ. Có thể nói, chính khi xác định lại giá trị của sự sống trong tương quan với Thiên Chúa, chủ tể sự sống mà con người giảm đi phần nào những việc làm gây tội ác khiến vương hại đến lương tâm và nguy hại đến linh hồn.

Tóm lại, khi đối diện với quốc nạn này, mỗi người chúng ta không thể tránh phần trách nhiệm. Nếu là người nữ, họ phải đối diện với mọi áp lực từ trong ra ngoài và những xác tín về giá trị của sự sống, trong lúc giằng co nội tâm, họ cần một lời động viên, một bàn tay nâng đỡ…không ai được dửng dưng khi đứng trước nền văn hóa sự chết này. Mỗi người cần khởi đi từ việc giáo dục lương tâm trong ánh sáng đức tin để tâm hồn chúng ta mỗi ngày nhạy bén hơn với những dấu chỉ thời đại mà đề ra những giải pháp tức thời và dài hạn giúp mỗi người khao khát xây dựng nền văn minh tình thương. Trong đó, những thai nhi đã bị loại bỏ ra khỏi lòng mẹ được một nơi an táng xứng đáng với một nhân phẩm và hình ảnh của Thiên Chúa, và những người mẹ đang mang thai được tạo mọi điều kiện thuận lợi khả dĩ giúp các bé chào đời trong vòng tay yêu thương của người thân và mọi người.

 

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist

( Nguồn http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170504204850)