Thăng tiến và bảo vệ hôn nhân tại Hoa Kỳ (phần 3)

Thăng tiến và bảo vệ hôn nhân tại Hoa Kỳ (phần 3)

Thăng tiến và bảo vệ hôn nhân tại Hoa Kỳ (phần 3)

Con người là ai? Nhu cầu nhấn mạnh trở lại về khoa nhân học và đức khiết tịnh.

Trong quyết định liên quan đến DOMA, Tòa Án tiếp tục xu hướng coi khuynh hướng tính dục như một dấu hiệu “phân loại”. Nói cách khác, những người tự xác định mình là  có khuynh hướng đồng tính luyến ái thì về thực tế là một thành phần  của  một “loại” đáng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt của chính quyền. Thuật ngữ “ tiếp tục xu hướng” sở dĩ được dùng ở đây  là vì bây giờ nó rất thường được thấy, chẳng hạn, trong luật chống sự phân biệt đối xử thì thuật ngữ “khuynh hướng tính dục ” và “ căn tính giới tính” được dùng như là hai loại người riêng biệt mà người ta không được phép phân biệt đối xử để chống lại.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng “phải tránh mọi dấu hiệu phân biệt đối xử bất công” liên quan đến những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái (GLHTCG, 2358).

Nhưng vấn đề  đối xử  với “khuynh hướng tính dục” như cách mô tả một loại người, cho thấy một sự  thiếu hiểu biết sâu xa về nhân học hay thiếu  hiểu biết sâu xa về con người. Nhân học Kitô giáo dạy rằng mỗi người được mời gọi chấp nhận căn  tính giới tính của mình là một người đàn ông hoặc một người đàn bà (GLHTCG, 2333). Điều này phù hợp với sự hiểu biết rằng con người – nam và nữ - là một thể thống nhất của thân xác và linh hồn (GLHTCG, 362-368). Căn tính con người của chúng ta được liên kết mật thiết với căn tính chúng ta như một người nam hoặc như một người nữ. Tóm lại, đây là vấn đề về thân xác.

Điều mà ngôn ngữ của “khuynh hướng tính dục” làm, theo nhân học mà nói, là tách biệt căn tính của một người khỏi bản chất xác thân của họ với tư cách là người nam hay người nữ. Quan trọng hóa những dục vọng và những xu hướng của người ấy. Thân xác khi ấy trở thành một “lớp dưới cùng” -  vấn đề xét theo yếu tính chẳng có ý nghĩa gì cả – trên đó căn tính “thật sự ” của con người - kể cả ước muốn và khuynh hướng – đang bị siêu-áp đặt (1)

Thực tế mà nói, coi “ khuynh hướng tính dục” và “căn tính giới tính” như những loại con người là điều còn phải bàn cãi, bởi tòa án và luật pháp có chiều hướng coi những loại này không chỉ là những khuynh hướng mà còn là những hành vi nữa. Điều này lại dẫn đến những xung đột tự do tôn giáo, những vấn đề như thế đặt ra cho các tổ chức Công giáo về việc không phân biệt đối xử trong việc thuê mướn những người có liên quan đến “hôn nhân” đồng tính, vì những tổ chức này có thể (và đang) bị kiện, theo những  luật lệ không phân biệt đối xử vì đã sa thải một nhân viên công khai dính líu tới “hôn nhân” đồng tính.

Gợi ý số 3: Tiếp tục nói về nhân học Kitô giáo và đức khiết tịnh. Có lẽ còn hơn cả câu hỏi “hôn nhân là gì?”, câu hỏi “con người là ai?” cũng đi đến chỗ không được đặt ra, và như vậy, cũng không được trả lời (xem FAQ#1). Là người Công giáo, chúng ta có một kho tàng bao la trong nhận thức về con người là ai - một nghiên cứu được gọi là nhân học, một kho tàng chân lý về thân phận con người áp dụng cho mọi người, không chỉ riêng cho người Công giáo. Trong khi những nền nhân học sai lầm tự can thiệp  sâu hơn vào luật pháp và chính sách quốc gia chúng ta, chúng ta phải không mỏi mệt trong việc trình bày điều mà Chân phước Gioan - Phaolô II gọi là “nền nhân học đúng đắn” nghĩa là, một sự hiểu biết về con người đúng với bản chất con người như một thể thống nhất của xác và hồn, được tạo nên là nam và nữ và được mời gọi yêu thương ( xem bài giảng của Chân phước Gioan - Phaolô II trong buổi tiếp kiến ngày 16/1/1980 và 2/4/1980).

Đem điều này trở lại với con người cũng giúp bảo vệ chống lại điều cáo buộc rằng Giáo hội có chủ trương kén chọn và chỉ quan tâm đến những người đã lập gia đình. Không phải thế, nhân học Kitô giáo, hiểu một cách đúng đắn, là một thông điệp của tự do cho hết mọi người. Đặc biệt, giáo huấn của Giáo hội về ơn gọi phổ quát đức khiết tịnh là một đại lộ, thông qua đó, tiếp cận những vấn đề về tính dục, giới tính, tình yêu và hôn nhân. Hết mọi người – đã lập gia đình hay còn độc thân, những ai đang phải chiến đấu với sự thu hút đồng tính cũng như những ai không phải chiến đấu với điều đó - đều được mời gọi sống khiết tịnh, bởi mọi người đều được mời gọi hòa nhập tính dục trong chính mình và yêu thương một cách đích thực.(GLHTCG 2337-2347)

---

(1) Điều quan trọng ở đây là sự phân biệt giữa con người, khuynh hướng hành động được sử dụng trong giáo huấn luân lý của Hội thánh. Mọi người, nam và nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa với đầy đủ phẩm giá con người. Mỗi người là một tặng phẩm, được tạo dựng để làm con Thiên Chúa. Căn tính này của con người là sâu xa hơn bất cứ khuynh hướng nào khác. Hơn nữa, Giáo hội dạy rằng, trong khi  hành vi đồng tính luyến ái luôn là sự tội và trái ngược với sự thiện hảo đích thực của con người,  thì sự cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính tự nó chưa phải là tội. Do ý chí tự do, những người nam và những người nữ  có thể lựa chọn khuynh hướng hoặc thị dục nào đó mà hành động theo. Những hành động - và những khuynh hướng hướng về những hành động ấy – có thể khách quan  hướng chiều về sự thiện hảo, nghĩa là hướng về sự triển nở con người, hay không. Nhưng nhân vị, bất kể đến những khuynh hướng mà họ trải nghiệm, không bao giờ có thể bị mô tả như là thiếu sót cơ bản hoặc rối loạn. Nói cách khác, chỉ ra những vấn đề nhân học với khái niệm “khuynh hướng tính dục” không có nghĩa là những người tự cho mình có một khuynh hướng đặc biệt, là nan giải hay sai sót. Trái lại, đó là nêu lên vấn đề những giả định cơ bản về con người là ai ( lĩnh vực nghiên cứu triết học gọi là nhân học) được đặt vào trong khái niệm “khuynh hướng tính dục” như thường được sử dụng trong luật pháp và văn hóa.

 

                                                                               Vũ văn Kích chuyển ngữ