Thăng tiến và Bảo vệ Hôn nhân tại Hoa kỳ (p.4)

Thăng tiến và Bảo vệ Hôn nhân tại Hoa kỳ (p.4)

                       Thăng tiến và Bảo vệ Hôn nhân tại Hoa kỳ (p.4)

 

Trong quyết định về DOMA (Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân), Tòa Án Tối Cao nói rằng  luật pháp mà định  nghĩa hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đều đương nhiên đáng nghi ngại những luật pháp ấy chỉ biện minh cho ước muốn làm tổn thương cho một loại người mà thôi. Quả thực, Tòa Án  đã thẳng thừng nói ra khi bàn về mục đích của DOMA: “ Mục đích chính và hiệu quả tất yếu của đạo luật này là làm hạ phẩm  giá của những người đồng tính muốn kết hôn có pháp lý” (tr. 25, được  nhấn mạnh thêm). DOMA đã đặt một “vết ô nhục” lên những nguời đó (tr. 21) và dạy cho họ biết rằng hôn nhân của họ “kém giá trị hơn” hôn nhân của những người khác (tr.25).

Tệ hại hơn nữa, Tòa Án nói rằng DOMA – và bất cứ luật pháp nào có thể đoán trước được  mà định nghĩa hôn nhân như một kết hợp giữa một người nam và một người nữ - đều thiếu “mục đích hợp pháp” (tr. 25). Nói cách khác, không có một lý lẽ hợp lý nào có thể biện minh được cho một đạo luật mà định nghĩa hôn nhân như một sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Không một lý lẽ nào, chẳng hạn, như sự kiện rằng  chỉ có những quan hệ giữa nam và nữ mới có khả năng mang thai em bé, và những trẻ này có quyền phải được nuôi dưỡng bởi cha và mẹ chúng đã kết hôn.

 Trong ý kiến bất đồng của mình, Thẩm phán Scalia đã chống lại việc Tòa Án bác bỏ những luận cứ của những người ủng hộ hôn nhân khi coi những luận cứ ấy chỉ là những  cái áo khoác che đậy cho định kiến phi lý chống lại những người mong muốn kết hôn với một người đồng tính. Thẩm phán Scalia nói rằng như vậy chính là Tòa Án  đã làm cho những ai còn bênh vực cho hôn nhân giữa nam  và nữ trở thành “kẻ thù của nhân loại” (tr. 21, ý kiến bất đồng của Thẩm phán Scalia). Ông viết: “ Theo phán quyết của đa số, bất cứ sự phản đối nào đối với lập trường của họ đều bị coi như vượt quá giới hạn của những ý kiến bất đồng hợp lý (tr. 21). Nói cách khác, cuốn sách đã đóng lại. Không có chỗ cho sự bất đồng. Ông Scalia cũng nói: “ Theo phát biểu của phe đa số, đây là câu chuyện về đen và trắng. Hãy ghét bỏ người thân cận hoặc đi với chúng tôi” (tr. 25)

Rõ ràng thái độ đó là một trở ngại làm nản lòng những ai trong chúng ta đang tìm cách cổ võ hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Gợi ý 4 : Hãy nhấn mạnh thăng tiến và bảo vệ hôn nhân là điều thiện hảo cho mọi người. Như đã nói ở trên, thách đố mà chúng ta phải đối mặt là những chỉ trích cho rằng Giáo hội “bị ám ảnh” bởi hôn nhân vì Giáo Hội thực sự chỉ quan tâm đến những người đã kết hôn mà thôi, Giáo Hội phò những đôi vợ chồng và chống lại mọi người khác. Dĩ nhiên chúng ta biết điều này là không đúng.

Giáo huấn Xã hội Công giáo là một trợ lực lớn lao ở đây, bởi vì điều rất rõ ràng là hôn nhân và gia đình rất quan trọng đối với xã hội.  (Và không có chút gì để nghi ngờ rằng “hôn nhân” bao hàm điều Giáo Hội luôn chủ trương: sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ ). Chẳng hạn, bản Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo  mô tả gia đình ( thiết lập trên hôn nhân) là “nơi đầu tiên của công việc nhân-bản hóa” (209), “cái nôi của sự sống và tình yêu” (209),  “tế bào đầu tiên và tối quan trọng của xã hội” (2) “ nơi người ta học hỏi trách nhiệm và sự liên đới xã hội” (213)  v.v…

Hôn nhân đem lại lợi ích cho xã hội, trước hết, bằng cách thể hiện đúng bản chất của hôn nhân, bản Toát yếu diễn tả cách tuyệt vời  “tính năng động của tình yêu ” phát xuất từ lời cam kết không thể thu hồi mà người chồng và người vợ trao cho nhau (221). Tiếng thưa “có” họ trao cho nhau đặt nền tảng để họ nói “có” với bất cứ đứa con nào Thiên Chúa ban cho họ,  và để họ nói  “có” với hết mọi người, nhìn nhận giá trị họ vì chính lợi ích của họ chứ không phải vì những gì họ có thể làm và đóng góp.

Và dĩ nhiên, hôn nhân đem lại lợi ích cho xã hội bằng cách họ cho con cái cơ may tốt nhất được sinh ra trong tình trạng cha mẹ chúng đã cam kết với nhau và với bất cứ đứa con nào được sinh ra trong sự kết hợp của họ. Không phải mọi cặp vợ chồng đều được phúc có con cái, nhưng mọi đứa trẻ đều có một người mẹ và một người cha. Như một câu châm biếm nói: “Khi một đứa trẻ ra đời, cơ may là có một bà mẹ ở kế bên. Vấn đề là: ai là cha đứa trẻ?”. Hôn nhân giải quyết tình thế văn hóa khó xử này bằng cách đem những người nam và những người nữ lại với nhau trước khi đứa trẻ được cưu mang, để đặt một nền tảng vững chắc, ở đó chúng có thể được nghênh đón vào “thánh cung của sự sống” ( 231 tt).

Một cách khác cho thấy rằng hôn nhân là quan trọng đối với mọi người, và không phải là một nhát đâm hèn hạ vào những người không thể hoặc không muốn kết hôn, là chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều là những đứa con trai hoặc con gái. Tất cả chúng ta đều có một người cha và một người mẹ và dẫu hai người ấy đã từng hay vẫn còn đang là vợ chồng  với nhau sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên cuộc đời chúng ta. Đây là một chân lý phổ quát và là một chân lý mà Giáo Hội ra sức thuyết phục phải trở thành quan trọng trong đường lối chính sách chung.

Sau cùng, chính sự kiện hôn nhân là quan trọng đối với mọi người lại đem lại cho  chúng ta một cách thức để nối kết công cuộc thăng tiến và bảo vệ hôn nhân với việc Tân Phúc âm hóa. Đúng vậy, việc Tân Phúc âm hóa có nghĩa là vươn tới và tái huấn giáo cho những người đã được rửa tội nhưng chưa được đào luyện. Những người đang phục vụ ở nhiều thừa tác vụ khác nhau rất có thể đã nghĩ ra những cách mà họ đang thực hiện công cuộc  Phúc âm hóa này. Những người Công giáo chúng ta chắc chắn cần sự hướng dẫn với đầy đủ ý nghĩa về hôn nhân. Một cuộc bỏ phiếu thăm dò vào tháng ba năm 2013 cho thấy hơn một nửa số người Công giáo ủng hộ việc tái định nghĩa hôn nhân ( mặc dù những nhà  bình luận cho thấy chỉ có 36% những người đi lễ thường xuyên nói rằng họ ủng hộ tái định nghĩa hôn nhân). Và họ cần được khuyến khích để kiên định đi theo những giáo huấn này, một nhiệm vụ khó khăn khi phải đối mặt với phán quyết của Tòa Án Tối Cao  nói rằng bảo vệ hôn nhân có nghĩa là làm tổn thương và hạ giá trị người khác. Dĩ nhiên, chúng ta cần đào sâu thêm giáo huấn phong phú trao ban sự sống của Giáo Hội về hôn nhân và phải quảng đại trao tặng giáo huấn đó cho những ai còn ở trong Giáo Hội.

Nhưng cũng còn một sự nối kết khác nữa giữa công cuộc Tân Phúc âm hóa và hôn nhân. Trước sự đối mặt với một thách đố nghiêm trọng như vậy của hôn nhân, điều này có thể là sự cám dỗ chúng ta buông xuôi và rút khỏi các quảng trường công cộng, đóng chặt cửa nhà thờ và thề hứa “bảo vệ Bí tích” bằng mọi giá, nhưng thực sự chịu thua về hôn nhân bên ngoài những bức tường nhà thờ. Điều này có thể xem như một tình thế khó khăn – các bạn có cuộc hôn nhân của các bạn, chúng tôi có cuộc hôn nhân của chúng tôi – nhưng đó có nghĩa là thoái thác trách nhiệm Phúc âm hóa và có nghĩa là từ bỏ thực tế rằng hôn nhân là quan trọng cho mọi người.

Trái ngược với những gì Tòa Án Tối Cao nói, các Giám mục nói rất rõ ràng rằng: “ Thăng tiến và bảo vệ hôn nhân như một sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ tự thân đã là một vấn đề của công lý”. (USCCB, Thư mục tử, Hôn nhân:Tình yêu và Sự Sống trong Kế hoạch Thiên Chúa [2009], tr. 23).

Thêm những thách đố phía trước.

Tóm lại, thách đố về việc tái định nghĩa hôn nhân vẫn còn đó. Trên mặt trận pháp lý, chúng ta có thể chờ đợi còn nhiều trận chiến nữa tại tòa án về ý nghĩa của hôn nhân, nhiều sáng kiến thu thập qua lá phiếu hơn để bảo vệ hoặc tái định nghĩa hôn nhân,  và nhiều thách đố  nữa đối với những khía cạnh khác của hôn nhân. Chẳng hạn, một nhóm các nhà hoạt động cho chủ trương đa thê ăn mừng phán quyết của Tòa Án, nói rằng: “ Tôi nghĩ  [tòa án] đã tiến một bước trong việc sửa đổi một số bất bình đẳng và  đó chắc chắn là một cái gì sẽ làm cho êm xuôi và tác động đến chúng ta”

Tỉnh táo hơn, xem ra hữu lý để trông đợi những xung đột liên miên giữa Giáo Hội và nhà cầm quyền về bản chất của hôn nhân và Giáo Hội có bao nhiêu tự do để bảo vệ ý nghĩa chính thực của hôn nhân. Ngày nay, những thách đố này đang được các doanh nghiệp cưới hỏi viên chức chính quyền cảm nhận, giữa những người khác. Mai này, liệu các thách đố ấy có thể được cảm nhận bởi các thừa tác vụ hôn nhân như là những thừa tác vụ chuẩn bị hôn nhân và chữa lành không? Chúng tôi nói như vậy không phải để suy đoán hay gây hoang mang, nhưng chỉ để cho thấy rằng xu hướng xem ra là nhà cầm quyền dùng biện pháp mạnh đối với các tín hữu để đối xử với những người có quan hệ đồng tính như thể là họ đã kết hôn thành vợ thành chồng.

 Và trên trận tuyến mục vụ, chúng ta có thể còn thấy sự lộn xộn hơn nữa về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân, được chứng tỏ bởi những câu trích dẫn chúng ta đã chia sẻ từ Tòa Án cao nhất của đất nước. Không may, đó lại là tình huống chúng ta thấy  mình bị kẹt ở trong đó. Như Thẩm phán Scalia bày tỏ trong ý kiến bất đồng của ông : “…Chúng ta sẽ phải sống với sự lộn xộn do điều (quyết định) này gây nên “ (tr.8 ý kiến bất đồng của Thẩm phán Scalia). Thế nhưng, liệu có phải chỉ có chúng tôi sống với sự lộn xộn này hay không? Không phải chúng tôi mà thôi đâu. Còn các bạn thì sao?

                                                                          Vũ văn Kích chuyển ngữ