Tái xây dựng gia đình nhân loại sau sự điên rồ của chiến tranh

Tái xây dựng gia đình nhân loại sau sự điên rồ của chiến tranh

Tái xây dựng gia đình nhân loại sau sự điên rồ của chiến tranh

Tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima và kỷ niệm 50 năm Thông điệp Hòa Bình Trên Trên Thế Giới (Pacem in terris)

Rôma (Zenit.org) – Trong cuộc trò chuyện với Đài phát thanh Vatican tiếng Ý, Cha Michael Czerny, cộng tác viên của Đức Hồng y Peter Kodwo Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã cho biết: “Tái xây dựng gia đình nhân loại sau sự điên rồ của chiến tranh” chính là sứ vụ của Giáo hội. Cha là người tháp tùng cùng Đức Hồng y sang Nhật tham gia vào sự kiện của hòa bình và cầu nguyện.

Ngài nhắc đến sáng kiến của các giám mục Nhật Bản: “Đây là sáng kiến của Giáo hội Công Giáo Nhật, hằng năm Giáo hội tổ chức 10 ngày dành riêng cho hòa bình. Năm nay Đức Hồng y Turkson được mời tham dự cuộc hành hương này”.

Cha lưu ý rằng chuyến đi này trùng với dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Pacem in terris” (Hòa Bình Trên Trên Thế Giới) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. “Thông điệp rất quan trọng, vì Đức Giáo Hoàng không tố giác chiến tranh, nhưng ngài đã dành trọn thông điệp để kiến tạo hòa bình. Mười ngày dành cho hòa bình này diễn tả việc tưởng niệm nhằm xây dựng hòa bình, chứ không chỉ để than khóc những thảm họa”.

ĐHY Turkson muốn nhắc lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Hiroshima năm 1981: “Không bao giờ khoan nhượng với chiến tranh”. Cha giải thích: “Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã muốn nhấn mạnh rằng chiến tranh là trách nhiệm của con người, nó không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa, cũng không phải là thảm họa tự nhiên: Đó là hậu quả của tội lỗi do chúng ta gây ra, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng ĐHY Turkson muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm này”.

Cha Czerny còn cho biết thêm: “Điều đầu tiên Đức Hồng y muốn nhấn mạnh đó là tôn giáo không bao giờ là nguyên cớ của chiến tranh, người ta gây chiến vì nhiều lý do khác nhau. Tôn giáo bị lạm dụng, bị coi như một công cụ. Điều này thật quan trọng, và cũng thật quan trọng để toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau kiến tạo hòa bình cùng với tất cả các tôn giáo. Dĩ nhiên, thưa anh chị em, chúng ta hiện diện nơi đây như những người khách hành hương, chúng ta muốn nhận biết Thiên Chúa, theo cách thức riêng của mỗi người, nhưng để cùng nhau xây dựng hòa bình”.

Đức Hồng y Turkson cũng bày tỏ niềm cảm thông của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng đối với những người sống sót vẫn còn chịu những vết thương của vụ đánh bom nguyên tử, bởi vì chiến tranh vẫn chưa kết thúc khi cuộc chiến chấm dứt: “Chiến tranh cũng chưa kết thúc đối với những ai đã hiện diện trong những ngày khủng khiếp đó, chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài qua những người thân của họ và tất cả những người bị ảnh hưởng của bức xạ, hậu quả di truyền của bệnh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, tội lỗi còn kéo dài qua thời gian và cuộc chiến của chúng ta là rao giảng Tin Mừng trong tình huống này. Công việc của Hiroshima và của Nagasaki cũng chính là việc của Syria, của Columbia, của Trung Đông, bất cứ nơi nào chúng ta cũng cần phải tái xây dựng gia đình nhân loại, sau sự điên rồ của chiến tranh.”

Nguyễn Đức Lân chuyển ngữ