Phá vỡ mối liên kết giữa con cái với cha mẹ đẻ
Phá vỡ mối liên kết giữa con cái với cha mẹ đẻ
Bảo vệ hôn nhân phải được kết hợp với bảo vệ cha mẹ
Washington, DC, 08/5/2013 Denise Hunnell,MD
Phong trào thúc đẩy việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm cả những mối quan hệ của người đồng giới xóa mất đi mối liên kết xã hội học giữa con cái và cha mẹ đẻ của chúng. Đó là phong trào tiêu hủy gia đình hạt nhân. Một ký giả đồng tính nữ (lesbian) và là nhà hoạt động ủng hộ đồng tính, Masha Gessen trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Úc, đã thừa nhận :
“Tôi có ba đứa trẻ, chúng có tới gần như là năm người cha/mẹ và tôi không hiểu tại sao chúng lại không được phép có năm người cha/mẹ hợp pháp… Tôi đã gặp người bạn đời mới, nàng vừa mới có con, và người cha sinh học tức cha đẻ của đứa bé đó là anh trai tôi, còn người cha sinh học của con gái tôi là một người hiện đang sống ở Nga, và đứa con trai con nuôi của tôi cũng nhận ông ta là cha. Vì thế, năm người cha/mẹ đó chia thành hai nhóm ba… Và thật ra, tôi muốn sống trong một hệ thống luật pháp vốn có thể phản ánh thực tế đó và tôi nghĩ điều ấy không tương thích với định chế hôn nhân hiện nay”.
Điều mà cô Gessen tìm kiếm nơi các cơ quan tư pháp và lập pháp, mối nguy của công nghệ trợ giúp sinh sản đang hình thành trong phòng thí nghiệm rồi. Mười năm trước đây, các nhà khoa học Israel báo cáo rằng họ đã cấy nang từ buồng trứng của một bé gái bị sanh non. Họ hi vọng những nang này sẽ là nguồn cung cấp trứng cho các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Tal Biron-Shantal thừa nhận “tôi biết rõ những tranh luận về vấn đề này – nhưng có thể, ở một nơi nào đó, nó có thể được chấp chận về mặt đạo đức. Sự thiếu hụt noãn bào hiến tặng (trứng) để thụ tinh trong ống nghiệm – noãn bào từ những thai bị sẩy có thể là nguồn cung ứng mới cho công nghệ này”.
Hiện thời, các chị em phụ nữ hiến tặng trứng, có thể được trả thù lao mười ngàn đô-la, nếu họ cho phép kích thích buồng trứng bằng những hoóc-môn ngoại vi để lấy được trứng dùng cho quá trình thụ tinh nhân tạo. Quan điểm vị lợi (utilitarianism) cho là không có vấn đề gì sự việc người ta giữ lại các thai nhi em bé gái bị sẩy và đem sử dụng như một khả năng cung ứng cho nhu cầu về trứng của một kĩ nghệ chữa vô sinh đang mới phát sinh. Tuy nhiên, nhìn cho kĩ những hậu quả của phương pháp này, ta thấy : những em bé được sinh ra từ những trứng này là con của một người nữ chưa từng được chào đời.
Năm 2004, thuật ngữ “designer baby” (em bé của thiết kế) được thêm vào từ điển tiếng Anh Oxford và được định nghĩa như là “một đứa bé mà cấu tạo di truyền được chọn lọc để loại trừ những khiếm khuyết nhất định, hoặc để bảo đảm cho một gien nhất định được có mặt”. Cấu tạo di truyền của đứa bé đã được thay đổi, và vì thế mối liên kết sinh học với cha mẹ bé cũng bị thay đổi. Trong khi thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2004, trường hợp đầu tiên được lập hồ sơ về phôi người biến đổi gien vẫn chưa được báo cáo cho mãi đến năm 2007. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cornell đã sử dụng một phôi người có khiếm khuyết nhiễm sắc thể nguy hại và chèn một gien làm cho các tế bào phát sáng. Khi tế bào phôi phân chia, protein xanh sáng rực có thể được theo dõi từ tế bào này sang tế bào khác, cho thấy nó đã sát nhập vào DNA của bào thai. Phôi biến đổi gien đã bị tiêu hủy, nhưng công trình này đã dấy lên nỗi lo ngại về chương trình ưu sinh tương lai dựa trên tăng cường nhiễm sắc thể bằng các gien làm gia tăng trí thông minh, tài năng âm nhạc, hoặc khả năng thể thao.
Gần đây hơn có một triển khai ít tính suy biện hơn nhưng làm giảm đi mối liên kết sinh học giữa cha mẹ và con cái, đó là việc tạo phôi với DNA của ba người. Tháng Mười năm 2012, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Y tế Oregon báo cáo họ đã phát triển thành công phôi với nhân DNA của một người đàn ông và một người phụ nữ và ty thể DNA (mitochondrial DNA) của một người phụ nữ thứ hai. Những con người được tạo ra trong phòng thí nghiệm này theo đúng nghĩa có một người cha và hai người mẹ sinh học. Phôi do nhóm nghiên cứu Oregon tạo ra đã bị tiêu hủy thay vì được cấy ghép. Hiện thời, trọng tâm của công nghệ này nhằm vào phát triển một giải pháp khả thi cho những bệnh hiếm gặp do sự khiếm khuyết của ty thể DNA. Tuy nhiên, không phải là vô lý khi cho rằng trong tương lai, công nghệ này sẽ cho phép những người làm cha mẹ được chọn lựa và chọn ra những gien để tạo ra sưu tập đặc tính di truyền lý tưởng. Trẻ em có thể được sản xuất ra với một bộ gien được thiết kế theo đơn đặt hàng.
Nước Anh đã nêu ra vấn đề này năm 2008, khi các nhà khoa học của họ, đã sử dụng một phương pháp khác với phương pháp của nhóm Oregon, cũng tạo ra một phôi thai với DNA của ba người. Đạo luật về sự Thụ tinh ở người và Phôi thai học (Human Fertilisation and Embryology Act - HFA) năm 1990 không cho phép thực hiện các quy trình cấy ghép và mang thai được hỗ trợ bởi công nghệ sinh sản biến đổi gien. Cơ quan Thụ tinh ở người và Phôi học (HEFA) của Anh đang tiến hành xem xét lại quy trình để đánh giá những hệ luận đạo đức. Bản báo cáo kết luận rằng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định những nguy cơ thể lý trong kỹ thuật biến đổi gien này. Nếu được coi là an toàn, ủy ban HEFA kết luận biện pháp này có tiềm năng lớn để điều trị bệnh ty thể (mitochondrial disease). Tuy nhiên, ủy ban cũng cảnh báo mạnh mẽ rằng liệu pháp đó tạo ra một tình huống khó khăn về đạo đức. Họ đặc biệt nghi vấn về tác động có thể có trên phúc lợi của đứa bé liên quan đến căn tính nhân vị, căn cước xã hội, và quyền tự do sinh sản của nó. Không giống những liệu pháp gien tế bào thể, những biến đổi gien về phôi học này hứa hẹn đứa bé được tạo ra sẽ di truyền những đặc trưng biến đổi cho thế hệ con cháu tiếp nối của nó. Ủy ban HEFA cũng tỏ ý quan ngại rằng sự chọn lựa để có gien điều chỉnh cải tiến có thể sẽ trở thành một nghĩa vụ phải làm. Những người còn đang phải chịu đau đớn vì căn bệnh di truyền có thể chữa được là những người dễ bị tổn thương vì phân biệt đối xử.
Ủy ban đã biểu lộ sự khôn ngoan đáng khen trong việc xác định các mối bận tâm về đạo đức và thực sự phản ánh được những bận tâm của Giáo hội về vấn đề biến đổi gien người ghi trong huấn thị Dignitas Personae, tài liệu do Vatican ban hành năm 2008 :
Ngoài những khó khăn vận dụng một kỹ thuật như thế, với tất cả những nguy cơ hiện thực và tiềm tàng gắn liền với nó, rõ ràng những cải biến như thế tạo điều kiện dễ dàng cho một não trạng ưu sinh và đưa đến một sự lên án gián tiếp của xã hội đối với những người không có một số phẩm chất đặc thù. Vả lại, chúng nhấn mạnh đến những phẩm chất được ưa thích bởi các nền văn hóa và xã hội nhất định, những phẩm chất mà chính chúng không tạo nên những gì đặc thù cho con người. Điều đó trái ngược với chân lý nền tảng của sự bình đẳng giữa tất cả các hữu thể nhân linh, được diễn tả bằng nguyên tắc công bằng, mà việc vi phạm nó dần dà, cuối cùng rồi cũng sẽ làm cho sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân gặp nguy hiểm. (27)
Điều này tương phản với phân tích tháng Ba 2013 của HEFA, chỉ năm năm sau đó. Với nhiều dữ liệu hơn về an toàn thể lý của phôi biến đổi gien, ban tham mưu HEFA lập luận rằng có một trường hợp “rõ ràng và thúc bách” để việc nghiên cứu và chữa trị lâm sàng sử dụng ty thể DNA của người hiến tặng được xúc tiến đi tới. Những quan ngại về vấn đề đạo đức có thể có hoặc những hậu quả bất lợi về mặt văn hóa đã không được xét tới .
Điều đáng chú ý là một sự tái cấu trúc các mối quan hệ cả về mặt xã hội và sinh học giữa cha mẹ và con cái được tiến hành đồng thời. Khi sự liên kết xã hội giữa cha mẹ và con cái đã bị làm sai lệch bởi việc tái định nghĩa hôn nhân, thì sự đối kháng lại việc phá vỡ mối liên kết sinh học dường như cũng yếu đi. Thay hành vi vợ chồng bằng những kĩ thuật hỗ trợ sinh sản khác nhau là đã biến trẻ em thành vô nhân tính và coi các em như những món hàng được sản xuất và trưng bày mua bán theo ý thích của người lớn. Vận dụng công nghệ di truyền tùy tiện, vốn làm hỏng nhân tính và hạ thấp phẩm giá của trẻ em, sẽ biến lòng quảng đại cao quý của cha mẹ thành chỉ còn là một thứ thực hành tự phục vụ mình theo não trạng duy vật.
Khi hành động vợ chồng không còn cần thiết cho ý muốn có con, hôn nhân tự nó đã đánh mất mục đích của mình và không còn là nền tảng của xã hội. Do đó, bảo vệ hôn nhân như là sự kết hợp duy nhất giữa một người nam và một người nữ phải được đồng nhất với việc bảo vệ vai trò làm cha mẹ như là ơn gọi của một người mẹ và một người cha được diễn tả cách xứng hợp trong hôn nhân.
Vũ Kích – Lữ Y (chuyển dịch từ zenit)