MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA(kỳ cuối)

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA(kỳ cuối)

 

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA

CHÚNG TA PHẢI LUÔN LẠC QUAN?

Những lời lẽ của Đức Thánh Cha làm tôi nhớ lại một vài suy tư trước kia của ngài trước kia, khi còn là hồng y, ngài viết rằng Thiên Chúa đang sống trong thành phố này rồi, Ngài đang sống lẫn giữa mọi người chúng ta và kết hợp với từng người. Theo tôi nghĩ, đây là cách nói khác diễn tả lại những gì thánh I-nhã đã viết trong Linh Thao, rằng Thiên Chúa “làm việc và hành động” trong thế giới của chúng ta. Vì thế, tôi đặt câu hỏi: “Chúng ta phải lạc quan hay sao? Đâu là những dấu chỉ của niềm hy vọng trong thế giới ngày nay? Làm sao tôi có thể lạc quan trong một thế giới đầy khủng hoảng?”

“Tôi không thích dùng từ “lạc quan” vì nó diễn tả một thái độ tâm lý,” Đức Giáo Hoàng nói. “Thay vào đó, tôi thích dùng từ “hy vọng” hơn, theo những gì đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Hip-ri, chương 11, mà tôi đã nói đến. Các tổ phụ về đức tin đã tiếp tục bước đi, trải qua những khó khăn to lớn. Và niềm hy vọng đã không làm họ thất vọng, như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Rô-ma. Chúng ta hãy nghĩ đến câu đố đầu tiên trong vở nhạc kịch ‘Turandot’ của Puccini”, Đức Thánh Cha bảo tôi.

 Lúc ấy, tôi vẫn còn đôi chút thuộc lòng vài câu trong câu đố của nàng công chúa trong vở nhạc kịch, mà câu trả lời cho câu đố ấy là niềm hy vọng: “Trong bóng tối âm u, một con ma ngũ sắc bay ra./Nó dang rộng đôi cánh trên nhân loại đen tối vô tận./ Cả thế giới kêu xin nó /và cả thế giới van nài nó./ Nhưng con ma biến mất khi bình minh lên để tái sinh nơi cõi lòng./ Mỗi đêm, nó sinh ra / và mỗi ngày nó chết đi!” Những câu thơ bộc lộ niềm mong ước một niềm hy vọng, nhưng nó lại là con ma ngũ sắc biến đi lúc bình minh.

“Thấy chưa”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là một con ma và không lừa dối ai. Nó là một nhân đức đối thần và vì thế, một cách cơ bản, nó là một món quà của Thiên Chúa, mà không thể bị giản lược thành sự lạc quan, vốn chỉ thuộc về con người. Thiên Chúa không bao giờ đánh lừa niềm hy vọng; Thiên Chúa không thể chối bỏ chính mình. Thiên Chúa là tất cả lời hứa.”

NGHỆ THUẬT VÀ SỰ SÁNG TẠO

Tôi được đánh động bởi sự trưng dẫn mà Đức Giáo Hoàng vừa đưa ra liên quan đến tác phẩm “Turandot” của Puccini khi ngài nói về huyền nhiệm của hy vọng. Tôi thật lòng muốn biết rõ hơn những qui chiếu nghệ thuật và văn chương  của ngài. Tôi nhắc cho ngài rằng vào năm 2006, ngài đã từng nói là những nghệ sĩ vĩ đại thì biết cách thể hiện với nét đẹp những thực tại đau buồn và bi thương của cuộc sống. Vì thế, tôi hỏi ngài rằng ai là những nghệ sĩ và nhà văn mà ngài yêu thích, và liệu họ có điểm gì chung không.

“Tôi thực sự thích rất nhiều tác giả khác nhau. Tôi rất thích Dostoevsky và Hölderlin. Tôi nhớ Hölderlin nhờ bài thơ mà ông viết nhân dịp sinh nhật của bà ông, bài thơ rất tuyệt và làm giúp tôi thêm phong phú về phương diện thiêng liêng. Bài thơ kết thúc với câu, ‘ước chi người lớn giữ lấy những gì mà con trẻ đã hứa.’ Tôi đã rất ấn tượng vì tôi rất yêu bà tôi, Rosa, và trong bài thơ đó Hölderlin đã so sánh người bà của mình với Đức Trinh Nữ Maria, người đã sinh hạ Đức Giê-su, người bạn của thế giới, Đấng đã không bao giờ xem ai là người xa lạ.”

“Tôi đã đọc tác phẩm I Promessi Sposi [Đính hôn], của Alessandro Manzoni, ba lần rồi, và bây giờ tôi vẫn còn để nó trên bàn vì muốn đọc lại lần nữa. Manzoni đã cho tôi rất nhiều. Khi còn là một đứa trẻ, bà tôi đã dạy tôi thuộc lòng khúc đầu của I Promessi Sposi: “Nhánh hồ Como rẽ về phía nam giữa hai dãy núi liền nhau…’. Tôi cũng rất thích Gerard Manley Hopkins.”

“Trong giới họa sĩ, tôi ngưỡng mộ Caravaggio; các bức vẽ của ông đã nói với tôi nhiều điều. Nhưng tôi cũng thích Chagall, với tác phẩm “White Crucifixion” của ông. Trong giới nhạc sĩ thì dĩ nhiên là tôi thích Mozart. Khúc ‘Et incarnatus est’ trong Thánh lễ phổ theo cung Đô thứ của ông quả là vô đối. Nó nâng tâm hồn bạn lên với Chúa. Tôi thích Mozart do Clara Haskil trình bày. Mozart lấp đầy tâm hồn tôi. Tôi không thể suy tư về âm nhạc của ông; tôi chỉ có thể lắng nghe thôi. Tôi thích nghe Beethoven, nhưng theo cung cách Promete [càng lúc càng mạnh mẽ], và theo tôi, người trình diễn theo cung cách Promete hay nhất là Furtwangler. Và rồi tác phẩm CuộcThương Khó của Bach. Một đoạn tác phẩm của Bach mà tôi thích nhất là ‘Erbarme Dich’[Xin thương xót], tiếng khóc của Phê-rô trong “Cuộc Thương Khó theo thánh Matthêu.’ Tuyệt vời. Rồi, ở một cấp độ khác, không hoàn toàn sâu xa như vậy, tôi thích Wagner. Tôi thích nghe những tác phẩm của ông, nhưng không luôn luôn. Buổi trình diễn tác phẩm ‘Chiếc nhẫn’ của Wagner do Furtwangler thể hiện ở La Scala, Milan năm 1950 đối với tôi là tuyệt nhất. Nhưng tôi cũng thích ‘Parsifal’ do Knappertbusch trình diễn năm 1962.

“Chúng ta cũng nên nói về phim ảnh nữa chứ nhỉ. “La Strada”, của Fellini, có lẽ là bộ phim tôi thích nhất. Tôi đồng hóa mình với bộ phim này, trong đó có nói đến thánh Phanxicô một cách ám tàng. Tôi cũng tin là mình đã xem tất cả những bộ phim Ý có sự đóng góp của Anna Magnani và Aldo Fabrizi khi tôi độ khoảng 10 đến 12 tuổi. Một bộ phim khác mà tôi cũng rất thích là ‘Roma, città aperta’[Rôma, thành phố rộng mở]. Tôi có được nền văn hóa phim ảnh này trước hết là nhờ bố mẹ tôi, bố mẹ hay dẫn chúng tôi đến rạp.

“Dù sao đi nữa, cách chung, tôi yêu thích các nghệ sĩ bi kịch, đặc biệt là những nghệ sĩ cổ điển. Có một định nghĩa mà Cervantes đã đặt trên môi miệng của Carrasco để ca ngợi chuyện Đon Qui-khốt: ‘Trẻ em có nó trong tay, giới trẻ đọc nó, người lớn hiểu nó, người già khen nó.’ Với tôi, đây có thể có một định nghĩa hay về văn chương cổ điển.”

Tôi hỏi Đức Thánh Cha về việc dạy văn chương cho các học sinh trường trung học của ngài.

“Có phần hơi liều lĩnh”, ngài trả lời. “Tôi phải đảm bảo là các học sinh của tôi đọc El Cid. Nhưng các cậu học sinh lại chẳng thích nó. Họ muốn đọc Garcia Lorca. Thế rồi, tôi quyết định là họ phải tìm hiểu El Cid ở nhà còn trên lớp thì tôi sẽ dạy về những tác giả mà họ thích. Dĩ nhiên, giới trẻ thì thích đọc những tác phẩm văn chương “hấp dẫn” hơn như tác phẩm đương thời La Casada Infiel hay cổ điển như La Celestina, của Fernando de Rojas. Nhưng nhờ đọc những tác phẩm hấp dẫn họ lúc đó, họ bắt đầu thích thú với văn chương, thi ca nói chung, và tiếp tục đi đến những tác giả khác. Và đó đã là một kinh nghiệm to lớn của tôi. Tôi đã hoàn thành chương trình nhưng theo một cách thức vô cấu trúc – nghĩa là, không được sắp xếp theo những gì đã dự trù trước, mà lại theo một trình tự tự nhiên xảy đến qua việc đọc các tác giả này. Cách thức này rất phù hợp với tôi: tôi không thích có một chương trình cứng ngắc, nhưng cốt sao biết mình có thể hơn kém đi tới đâu. Rồi tôi cũng bắt đầu cho họ viết. Cuối cùng, tôi quyết định gửi cho Borges đọc hai câu chuyện do hai cậu học sinh của tôi viết. Tôi biết vị thư ký của ông này, vì bà đã từng là cô giáo dạy tôi đánh dương cầm. Borges rất thích những câu chuyện này. Rồi ông ta bắt đầu viết lời giới thiệu cho một bộ sưu tập những bài viết này.”

“Thế thì, thưa Đức Thánh Cha, sự sáng tạo có phải rất quan trọng trong cuộc sống của con người không?” Tôi hỏi. Ngài cười và trả lời: “Đối với một Giê-su hữu, nó cực kỳ quan trọng! Một Giê-su hữu phải có sự sáng tạo.”

NHỮNG BIÊN CƯƠNG VÀ NHỮNG PHÒNG THÍ NGHIỆM

Trong suốt cuộc tiếp kiến các cha và nhân viên của La Civiltà Cattolica, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của bộ ba những đặc trưng quan trọng cho họat động văn hóa của giêsu-hữu. Trở lại chuyện hôm 14 tháng 6 vừa qua. Tôi nhớ rằng trong cuộc nói chuyện trước khi gặp toàn thể nhóm chúng tôi, ngài đã báo trước sẽ nói về bộ ba “đối thoại, nhận định, biên cương.” Và ngài đã nhấn mạnh đặc biệt điểm cuối cùng, nhắc đến Đức Phaolô VI và những gì ngài nói trong một diễn từ nổi tiếng cho các Giê-su hữu: “Bất cứ nơi đâu trong Hội Thánh – thậm chí ở những lĩnh vực khó khăn và mũi nhọn, trong những giao lộ của các ý thức hệ, trong những hố ngăn cách xã hội – đã từng có và bây giờ vẫn còn có cuộc trao đổi giữa những khát khao sâu thẳm nhất của nhân loại với thông điệp bất diệt của Tin Mừng, các Giê-su hữu đã và đang luôn có đó.”

Tôi xin ĐTC nói rõ thêm: “ĐTC đã bảo chúng con phải coi chừng đừng sa vào “cám dỗ thuần hóa biên cương: phải đi về phía biên cương chứ không phải lôi nó về nhà để đánh bóng cho nó một chút rồi thuần hóa nó”. ĐTC  muốn ám chỉ cái gì? Chính xác là ĐTC muốn nói gì với chúng con? Cuộc phỏng vấn hôm nay là do sự thỏa thuận của một nhóm các tạp chí do Dòng Tên chủ trương: ĐTC muốn mời gọi họ làm gì? Họ phải dành ưu tiên cho những gì?”

“Ba từ khóa mà tôi đã đề nghị cho La Civiltà Cattolica cũng có thể được mở rộng tới tất cả các tạp chí của dòng Tên, nhưng có lẽ điểm nhấn sẽ khác vì bản chất và mục tiêu của chúng không giống nhau. Khi tôi nhấn mạnh về biên cương, tôi muốn nói cách riêng đến nhu cầu đối với những ai làm việc trong thế giới văn hóa, phải đặt mình vào trong bối cảnh, nơi mà họ đang làm việc và suy tư về nó. Luôn luôn có một mối nguy ẩn tàng của việc chỉ sống trong phòng thí nghiệm. Đức tin của chúng ta không phải là một ‘đức tin trong phòng thí nghiệm’, nhưng là “một đức tin trên đường’, một đức tin có tính lịch sử. Thiên Chúa đã mặc khải chính mình như một lịch sử, chứ không phải như một bản toát yếu những chân lý trừu tượng. Tôi sợ những phòng thí nghiệm vì trong phòng thí nghiệm, người ta nắm lấy vấn đề, mang về nhà để thuần hóa nó, đánh bóng nó, bên ngoài bối cảnh của nó. Không cần mang biên cương về nhà, nhưng cần sống ở biên cương và phải can đảm.”

Tôi xin Đức Thánh Cha chia sẻ vài ví dụ dựa trên kinh nghiệm cá nhân của ngài.

“Khi nói đến những vấn đề xã hội, tổ chức cuộc họp mặt để nghiên cứu nạn nghiện ngập trong các khu nhà ổ chuột là một chuyện, còn đi đến đó, sống và hiểu vấn đề từ bên trong và nghiên cứu nó là chuyện khác. Có một lá thư tuyệt vời của cha Arrupe gửi Các Trung Tâm Nghiên Cứu và Hoạt Đông Xã Hội về sự nghèo đói, trong đó ngài nói rõ rằng không thể đề cập đến nghèo đói nếu chưa từng kinh nghiệm về cái nghèo, qua việc thâm nhập trực tiếp vào những nơi người ta đang sống cảnh nghèo đói. Từ “thâm nhập vào” rất nguy hiểm vì có một số tu sĩ đã xem nó như một cái mốt, và biết bao thảm bại đã xảy ra vì thiếu sự nhận định. Nhưng nó thật sự rất quan trọng.”

“Biên cương thì nhiều lắm. Chúng ta hãy nghĩ đến các nữ tu sống trong các bệnh viện. Họ đang sống ở biên cương đấy. Tôi còn sống được là nhờ một trong số họ. Khi tôi chịu đựng căn bệnh phổi ở bệnh viện, vị bác sĩ đã cho tôi thuốc Penicillin và streptomycin với liều lượng nào đấy. Vị nữ tu chịu trách nhiệm đã tăng liều lượng cho tôi gấp ba lần, vì nữ tu ấy tinh nhạy; vị nữ tu ấy biết cần phải làm gì vì đã ở với người bệnh cả ngày. Vị bác sĩ, quả thực là giỏi, nhưng chỉ sống trong phòng thí nghiệm của ông; còn nữ tu kia thì sống ở biên cương và đang đối thoại với nó từng ngày. Thuần hóa biên cương có nghĩa là chỉ nói từ xa, khóa mình trong phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm rất hữu ích, nhưng đối với chúng ta, suy tư phải luôn luôn xuất phát từ kinh nghiệm thực tế.”

VIỆC TỰ HIỂU MÌNH CỦA CON NGƯỜI

Tôi hỏi ĐTC xem điều đó có ứng dụng được không và ứng dụng cách nào cả cho một biên cương văn hóa quan trọng là thách đố của nhân chủng học. Nhân chủng học mà Hội Thánh vẫn qui chiếu theo truyền thống, và ngôn ngữ Hội Thánh vẫn dùng để diễn tả nó, vẫn là một qui chiếu vững vàng, hoa trái của sự khôn ngoan và kinh nghiệm nhiều thế kỷ. Tuy nhiên con người mà Hội Thánh đang gặp hôm nay có vẻ như không còn hiểu và không còn coi những qui chiếu ấy là đủ nữa.

Tôi bắt đầu lập luận về sự kiện con người hôm nay đang giải nghĩa cách khác và với những phạm trù khác. Và đây cũng là do những biến đổi lớn trong xã hội và sự nghiên cứu sâu rộng hơn về chính mình.

Lúc này, ngài đứng dậy và đi lấy cuốn kinh nhật tụng trên bàn. Nó bằng tiếng Latinh, đã nhàu nát vì sử dụng quá nhiều. Ngài mở ra giờ kinh ngày thứ 6 của tuần 27 mùa thường niên và đọc cho tôi nghe một đoạn từ Commonitorium Primum [bài huấn dụ thứ nhất] của thánh Vinh-sơn Lê-ranh: “Cũng vậy, đạo lý Ki-tô giáo phải theo những quy luật tiến bộ này, là với năm tháng đạo lý được củng cố, với thời gian được lan rộng, với tuổi tác nên thâm thúy.

Đức Thánh Cha giải thích: “Thánh Vin-sơn Lê-ranh đã so sánh giữa sự phát triển sinh lý của con người và sự chuyển giao kho tàng đức tin từ thời kì này đến thời kì khác, kho tàng ấy lớn lên và được củng cố với bước tiến của thời gian. Ở đây, việc tự hiểu mình của con người thay đổi theo thời gian và việc đào sâu ý thức con người cũng thế. Chúng ta hãy nghĩ đến thời kì mà chế độ nô lệ được chấp nhận hay án tử hình được chấp nhận mà không có vấn đề gì. Vậy thì, người ta lớn lên trong sự hiểu biết chân lý. Các nhà chú giải và thần học đã giúp Hội Thánh trưởng thành hơn trong phán đoán riêng của mình. Thậm chí các ngành khoa học khác và sự phát triển của nó cũng giúp Hội Thánh lớn lên về mặt hiểu biết. Có những luật lệ hay quy tắc thứ yếu trong Hội Thánh một thời rất có hiệu lực nhưng bây giờ đã mất đi giá trị hay ý nghĩa. Quan điểm xem những giáo huấn của Hội Thánh như một tảng đá nguyên khối để bảo vệ mà không có tí sắc thái nào là một quan điểm sai lầm.”

“Sau cùng, ở mỗi giai đoạn của lịch sử, con người cố gắng hiểu và diễn tả chính mình tốt hơn. Vì thế con người trong thời gian sẽ thay đổi cách mà họ quan niệm về chính mình. Người diễn tả mình bằng việc điêu khắc tượng Nike [‘Nữ thần chiến thắng”] của Samothrace’ là một chuyện, Caravaggio, Chagall diễn tả theo cách khác, Dalí theo cách khác nữa. Thậm chí những hình thức diễn tả chân lý cũng có rất nhiều dạng, và đây thật sự là điều cần thiết cho việc chuyển giao sứ điệp của Tin Mừng trong ý nghĩa bất biến của nó.”

“Con người đang trên đường tìm kiếm chính mình, và, dĩ nhiên, trong cuộc tìm kiếm này, họ có thể mắc những sai lầm. Hội Thánh đã từng sống kinh nghiệm thời kì xuất sắc, như thời học thuyết Tôma Aquinô. Nhưng Hội Thánh cũng đã sống trong những lúc suy thóai trong khả năng suy tư. Chẳng hạn, chúng ta không được lẫn lộn thời xuất sắc của học thuyết Tôma Aquinô với thời kỳ học thuyết Tôma Aquinô suy thóai. Thật không may, tôi đã học triết học từ những sách giáo khoa đến từ thời học thuyết Tôma Aquinô suy thoái. Vì thế, khi suy nghĩ về con người, Hội Thánh nên phấn đấu để hướng đến sự xuất sắc chứ không phải suy thoái.”

“Khi nào thì một cách diễn đạt tư tưởng không còn giá trị? Khi nó không còn nhìn về con người hay thậm chí khi nó sợ con người hoặc tự lừa gạt về chính mình. Tư tưởng bị lừa gạt có thể được so sánh với hình ảnh Ulysses đứng trước tiếng hát của Siren, hay như Tannhauser lạc trong một cuộc truy hoan của những người thác loạn và ma men, hay như Parsifal trong hồi thứ hai của vở nhạc kịch của Wagner, trong lâu đài của Klingsor. Suy tư của Hội Thánh phải tìm lại sự xuất sắc và sự hiểu biết luôn tốt hơn về cách thức con người hiểu về chính mình ngày nay, để có thể phát triển và đào sâu những giáo huấn của Hội Thánh.”

CẦU NGUYỆN

Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô một câu cuối cùng về lối cầu nguyện ưa thích nhất của ngài.

“Tôi đọc kinh nhật tụng mỗi buổi sáng. Tôi thích cầu nguyện với các thánh vịnh. Rồi sau đó, tôi dâng thánh lễ và lần chuỗi. Điều tôi thật sự thích thú là chầu Thánh Thể ban đêm, ngay cả có khi tôi chia trí và nghĩ về những điều gì khác, hay thậm chí ngủ gục đang khi cầu nguyện nữa. Vào buổi tối, tôi chầu Thánh Thể một giờ từ 19h đến 20h. Nhưng tôi cũng cầu nguyện trong lòng ngay cả khi tôi đang đợi ở phòng khám nha sĩ hay những lúc khác trong ngày.

Cầu nguyện đối với tôi luôn luôn là một cách cầu nguyện đầy ắp trí nhớ, hồi tưởng, thậm chí là trí nhớ về lịch sử của riêng tôi hay những điều mà Chúa đã làm trong Hội Thánh của Ngài hay trong một giáo xứ cụ thể nào đó. Với tôi, đó là trí nhớ mà thánh I-nhã đã nói đến trong tuần đầu của Linh Thao khi gặp gỡ lòng thương xót của Đức Ki-tô bị đóng đinh trên thánh giá. Và tôi tự hỏi: ‘Tôi đã làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi đang làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô?’ Đó là trí nhớ mà thánh I-nhã cũng nói trong bài “Chiêm niệm để được tình yêu”, khi ngài mời gọi chúng ta nhớ lại những ân sủng chúng ta đã nhận lãnh. Nhưng trên hết, tôi cũng biết rằng Chúa vẫn luôn nhớ đến tôi. Tôi có thể quên Ngài, nhưng tôi biết Ngài không bao giờ có thể quên tôi. Trí nhớ có một vị trí căn bản trong con tim của một Giê-su hữu: nhớ những hồng ân, trí nhớ được đề cập đến trong sách Đệ Nhị Luật, nhớ những công trình của Thiên Chúa vốn là điều căn bản trong giao ước giữa Thiên Chúa với dân. Chính trí nhớ này đã làm tôi trở nên con của Người và cũng làm cho tôi trở thành cha [thành một linh mục].”

Tôi chợt nhận ra là còn có thể kéo dài cuộc đối thọai này, nhưng tôi cũng biết, như có lần Đức Thánh Cha nói, “không nên hành hạ các giới hạn”. Tính chung lại chúng tôi đã đối thọai hơn sáu tiếng đồng hồ, trong ba buổi gặp, ngày 19, ngày 23 và ngày 29 tháng 8. Ở đây tôi chọn trình bày mạch lạc không nêu những ngắt quãng để khỏi mất đi tính liên tục. Thực tế đây là một cuộc nói chuyện hơn là một cuộc phỏng vấn: các câu hỏi làm nền chứ không giới hạn rạch ròi và cứng ngắc. Cả về phương diện ngôn ngữ chúng tôi cũng luân chuyển lưu lóat giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, đôi  khi không ý thức sự chuyển tiếp. Không có gì là máy móc. Các câu trả lời nảy sinh trong đối thọai và bên trong mạch suy tư mà tôi đã cố trình bày lại một cách tổng hợp.

                                    Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ

                                                            Âu-tinh Nguyễn Minh Triệu, SJ

                                                            Phê-rô Lê Hoàng Nam, SJ