MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA(4)
MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA
CÁC BỘ TRONG GIÁO TRIỀU RÔ-MA, TÍNH ĐỒNG ĐOÀN, ĐẠI KẾT.
Thấy đang đề cập tới phẩm trật, tôi hỏi Đức Giáo Hoàng: “Ngài nghĩ gì về các ban bộ trong giáo triều Rô-ma?”
“Các Bộ trong giáo triều Rô-ma là để trợ giúp cho giáo hoàng và các giám mục,” ngài nói. Chúng phải trợ giúp cả các Hội Thánh địa phương và các hội đồng giám mục. Chúng là phương tiện trợ giúp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi không hiểu đúng, chúng có nguy cơ trở thành cơ quan kiểm duyệt. Thật là kinh ngạc khi thấy những đơn tố giác vì thiếu sự chánh tín từ các nơi gửi về Rô-ma. Tôi nghĩ những trường hợp đó phải được các hội đồng giám mục điều tra kỹ lưỡng, với sự hỗ trợ đắc lực từ Rô-ma. Thực ra, những trường hợp đó nên được giải quyết ở tại chỗ thì hơn. Các Bộ ở Rô-ma là trung gian; chứ không phải là người môi giới hay cơ quan quản lý.”
Tôi nhắc lại cho ĐTC rằng ngày 29 tháng 6, trong buổi cử hành nghi thức làm phép và trao dây pallium cho 34 tổng giám mục, ngài đã nói về “tính đồng đoàn” như con đường dẫn Hội Thánh hiệp nhất đến việc “lớn lên trong sự hòa hợp với việc phục vụ của chức vụ giáo hoàng.” Vì thế, tôi hỏi: “Làm sao chúng ta có thể hòa hợp ưu quyền của Phê-rô với tính đồng đoàn? Đâu là những con đường khả thi cả trong viễn cảnh hiệp nhất các tín hữu Ki-tô giáo?”
Đức Giáo Hoàng trả lời, “Chúng ta phải cùng bước đi: giáo dân, giám mục và giáo hoàng. Tính đồng đoàn của các giám mục phải được sống ở những cấp độ khác nhau. Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi phương pháp của Thượng Hội Đồng Giám Mục, vì đối với tôi phương pháp hiện tại có vẻ tĩnh. Điều này cũng sẽ mang giá trị hiệp nhất các tín hữu Ki-tô giáo, đặc biệt là với anh em Chính Thống giáo. Chúng ta có thể học được từ họ nhiều hơn về ý nghĩa của tính đồng đoàn giữa các giám mục và truyền thống họp mặt của giám mục. Nỗ lực suy tư chung, nhìn về cách thức Hội Thánh quản trị trong những thế kỷ đầu, trước khi có sự rạn nứt giữa Đông và Tây, sẽ sinh được hoa trái theo thời gian. Trong tương quan liên đới với các tín hữu Ki-tô khác, điều quan trọng không chỉ là biết nhau rõ hơn, nhưng còn là nhận ra điều mà Thánh Thần đã gieo phía bên kia như là một ân huệ cho cả chúng ta. Tôi muốn tiếp tục cuộc thảo luận bắt đầu từ năm 2007 bởi Ủy Ban Hỗn Hợp, cuộc thảo luận đã dẫn đến việc ký kết Văn Kiện Ravenna. Phải tiếp tục con đường này.”
Tôi tìm hiểu xem Đức Giáo Hoàng nhìn tương lai của sự hiệp nhất Hội Thánh như thế nào. Ngài trả lời: “Chúng ta phải bước đi, hiệp nhất trong khác biệt: không có cách nào khác để nên một đâu. Đây là con đường của Chúa Giê-su.”
PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH
Còn vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh thì sao?
Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề này một vài dịp rồi.Trong một cuộc phỏng vấn ngài đã khẳng định rằng sự hiện diện của phụ nữ trong Hội Thánh không nổi lên nhiều hơn, vì cái cám dỗ “đàn ông trị” không chừa chỗ cho thấy được vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn. Ngài đã khơi lại vấn đề này trong chuyến trở về từ Rio de Janeiro, nói rằng Hội Thánh vẫn còn thiếu một nền thần học sâu sắc về phụ nữ. Tôi hỏi: “Phụ nữ nên giữ vai trò nào trong Hội Thánh? Làm sao ta có thể làm cho vai trò của họ được minh thị hơn ngày hôm nay?”
Ngài trả lời: “Cần mở rộng chỗ cho một sự hiện diện sâu đậm hơn của phụ nữ trong Hội Thánh.Tôi sợ cái giải pháp “đàn ông mặc váy”, vì người phụ nữ được tạo thành khác với đàn ông. Nhưng điều tôi nghe được về vai trò của phụ nữ thường là khơi hứng từ ý thức hệ nam tính. Phụ nữ đang đặt ra những câu hỏi sâu sắc đòi phải được quan tâm. Hội Thánh không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ. Phụ nữ giữ một vai trò thiết yếu trong Hội Thánh. Mẹ Maria, chỉ là một phụ nữ thôi, nhưng quan trọng hơn các giám mục. Tôi nói thế vì chúng ta không được lẫn lộn giữa chức năng với phẩm giá. Vì thế, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho khuôn mặt của phụ nữ trong Hội Thánh. Chúng ta phải làm việc tích cực hơn để phát triển một nền thần học sâu sắc hơn về nữ giới. Chỉ bằng cách thực hiện bước này thì mới có thể có những suy tư tốt hơn về chức năng của họ trong lòng Hội Thánh. Năng khiếu riêng của nữ giới là điều cần thiết ở nơi đâu người ta đưa ra những quyết định quan trọng. Thách đố của ngày nay là thế này: suy nghĩ về vị thế đặc biệt của phụ nữ ngay cả trong những nơi mà thẩm quyền được thực thi trong những lĩnh vực khác nhau của Hội Thánh.
CÔNG ĐỒNG VATICANO II
“Công đồng Vaticano II đã đạt được điều gì? Công Đồng đã là cái gì?” Tôi hỏi thế dưới ánh sáng của những gì ngài đã khẳng định trước đó, mường tượng sẽ được một câu trả lời dài và khúc chiết. Trái lại, tôi có cảm tưởng ĐTC đơn giản coi Công Đồng như một sự kiện không thể bàn cãi, đến nỗi không cần phải dài dòng như để khẳng định tầm quan trọng của Công Đồng.
“Công đồng Vaticano II là một cuộc đọc lại Tin Mừng dưới ánh sáng của nền văn hóa đương đại. Công Đồng đã làm phát sinh một phong trào canh tân vốn cũng chỉ đến từ cùng một Tin Mừng mà thôi. Những hoa trái của nó rất nhiều. Chỉ cần nói đến lĩnh vực phụng vụ thôi cũng đủ thấy. Việc cải cách phụng vụ đã giúp cho nhiều người đọc lại Tin Mừng từ bối cảnh lịch sử cụ thể. Vâng, có những hướng thông diễn liên tục và gián đọan, nhưng một điều rất rõ ràng là: sức năng động của việc đọc Tin Mừng hiện tại hóa cho ngày nay là nét điển hình của Công Đồng Vaticano II và tuyệt đối không thể lật ngược được. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề cụ thể, như phụng vụ theo Nghi Thức Cũ (Vetus Ordo). Tôi nghĩ quyết định của Đức Giáo Hoàng Biển Đức [vào ngày 7.7.2007 cho phép sử dụng rộng rãi Nghi Thức Thánh Lễ Trento] là khôn ngoan nhằm giúp cho những ai có sự nhạy cảm riêng này. Dù vậy, điều đáng lo ngại là nguy cơ ý thức hệ hóa Nghi Thức Cũ (Vetus Ordo), biến nó thành công cụ.”
TÌM VÀ THẤY THIÊN CHÚA TRONG MỌI SỰ
Cách ĐTC Phanxicô nói về những thách đố của ngày nay rất không cân đối. Nhiều năm trước đây, ngài đã viết rằng để thấy được thực tại cần có cái nhìn đức tin, nếu không sẽ thấy một thực tại vỡ vụn, từng mảnh. Đây cũng là một trong những chủ đề của thông điệp Ánh sáng Đức Tin. Tôi nhớ đến một vài đọan trong diễn từ của ĐTC tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Gianeiro. Tôi trích dẫn cho ngài:: “Thiên Chúa là có thật. Ngài tỏ mình lúc này đây. Ngài ở khắp mọi nơi.” Những lời lẽ này vọng lại câu nói của thánh Inhaxio “tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự.” Vì thế tôi hỏi Đức Giáo Hoàng: “Thưa ĐTC, làm sao tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự?”
“Điều tôi đã nói ở Rio là có ý nhắm đến khía cạnh thời gian. Thực ra, có cám dỗ là hãy tìm kiếm Thiên Chúa trong quá khứ hay trong khả thể tương lai nào đó. Thiên Chúa chắc chắn ở trong quá khứ vì chúng ta có thể thấy những vết chân của Ngài. Và Thiên Chúa cũng ở trong tương lai như lời hứa. Nhưng vị Thiên Chúa “cụ thể”, có thể nói như thế, là ở lúc này đây. Vì thế, những phàn nàn không bao giờ giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa. Những phàn nàn của thời nay về việc sao thế giới lại trở nên “dã man” thế – những phàn nàn này rốt cuộc dẫn người ta đến việc sinh ra trong Hội Thánh những ước muốn thiết lập trật tự theo nghĩa bảo thủ thuần túy, như một cuộc tự vệ. Không: Thiên Chúa phải được gặp thấy trong thế giới của ngày hôm nay.”
“Thiên Chúa tỏ mình qua mặc khải mang tính lịch sử, trong thời gian. Thời gian khởi sự những giai đoạn, còn không gian thì kết tinh chúng. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, trong những giai đoạn ấy.”
“Không nên đặt nặng những không gian của quyền lực, hơn là những thời gian, dù lâu dài, của tiến trình hình thành. Chúng ta phải khai mở những tiến trình hơn là chiếm lấy không gian. Thiên Chúa tỏ mình trong thời gian và Ngài hiện diện trong những tiến trình của lịch sử. Điều này khiến phải ưu tiên cho những hành động sẽ sinh ra những năng động mới. Và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi.”
“Gặp thấy Thiên Chúa trong mọi sự không phải là một sự ‘khám phá mang tính thường nghiệm’. Khi chúng ta khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta cũng muốn xác thực về Ngài ngay lập tức bằng phương pháp thường nghiệm. Nhưng chúng ta không thể gặp được Ngài theo cách này. Tiên Tri Elia đã nhận thức được Thiên Chúa qua làn gió nhẹ. Thánh Inhaxio gọi những giác quan có thể giúp ta nhận ra Thiên Chúa là các giác quan thiêng liêng. Thánh Inhaxio mời gọi chúng ta hãy mở sự nhạy cảm thiêng liêng của chúng ta ra để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, vượt lên cách thức thường nghiệm thuần túy. Điều cần thiết là phải có một thái độ chiêm niệm: đó là cảm thấy mình đang bước đi trên đường lành của sự thấu hiểu và yêu mến trước mọi sự và mọi tình huống. Sự bình an sâu thẳm, an ủi thiêng liêng, yêu mến Thiên Chúa và thấy mọi sự trong Thiên Chúa.”
SỰ CHẮC CHẮN VÀ NHỮNG SAI LẦM
Tôi hỏi, “Thế nếu việc gặp gỡ Thiên Chúa không phải là một ‘khám phá mang tính thường nghiệm’, và nếu đó là một hành trình nhìn thấy bằng con mắt của lịch sử, thì liệu chúng ta có thể mắc những sai lầm không?”
Đức Giáo Hoàng trả lời: “Vâng, trong nỗ lực tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự, vẫn có một chỗ cho sự không chắc chắn. Phải có chứ. Nếu có ai đó nói rằng anh ta gặp được Thiên Chúa một cách hoàn toàn chắc chắn mà không chừa lề cho một tí nghi ngại nào, thì không ổn đấy. Theo tôi, mấu chốt quan trọng nằm ở đây. Nếu người nào đó có thể đưa ra câu trả lời cho hết thảy những câu hỏi, đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không ở với anh ta. Điều đó có nghĩa là anh ta là một tiên tri giả, sử dụng tôn giáo cho chính mình. Những nhà lãnh đạo lớn của dân Thiên Chúa, như Môsê, luôn luôn chừa chỗ cho sự nghi ngờ. Phải có chỗ cho Chúa, chứ không phải cho những sự chắc chắn của chúng ta; chúng ta phải khiêm tốn thôi. Sự không chắc chắn có mặt trong mỗi nhận định đúng đắn, vốn mở ra chờ sự xác chuẩn của ơn an ủi thiêng liêng.”
“Thế nên, mối nguy trong việc tìm và thấy Thiên Chúa trong mọi sự là muốn giải thích quá nhiều, sẵn sàng nói bằng sự chắc chắn và kiêu ngạo của con người: ‘Thiên Chúa ở đây’. Rốt cuộc chúng ta chỉ thấy một vị thần khớp với kích thước của ta. Thái độ đúng đắn phải là thái độ của thánh Âu-tinh: tìm kiếm Thiên Chúa để thấy Người, và thấy Người để rồi tiếp tục tìm kiếm người mãi mãi. Chúng ta thường hay tìm kiếm bằng những dò dẫm, như đọc thấy trong Kinh Thánh. Và đây là kinh nghiệm của các vị tổ phụ vĩ đại về đức tin, kiểu mẫu cho chúng ta. Chúng ta phải đọc lại thư gửi tín hữu Híp-ri, chương 11. Vì tin, Ap-ra-ham đã ra đi mà chẳng biết là đi đâu. Tất cả các bậc tiền bối trong đức tin đã chết khi thấy được những điều tốt đẹp hứa hẹn trước kia, nhưng là thấy từ xa… Cuộc sống của chúng ta không được trao ban cho chúng ta như một tập sách in vở nhạc kịch, trong đó mọi thứ đã được viết sẵn rồi; nhưng nó luôn luôn đòi buộc ta phải luôn ra đi, bước trên đường, làm, tìm, thấy… Chúng ta phải đi vào trong cuộc mạo hiểm của nỗ lực tìm gặp Thiên Chúa; và phải để cho Ngài tìm kiếm và gặp gỡ chúng ta.”
“Bởi vì Thiên Chúa đứng trước; Thiên Chúa luôn đứng trước và đi bước trước. Thiên Chúa hơi giống như cánh hoa hạnh của vùng Sicilia của cha đấy, Antôn ạ [cha Antonio Sparado], bao giờ cũng nở trước. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách Ngôn Sứ. Người ta gặp gỡ Thiên Chúa khi đang đi, trên đường. Ở điểm này, có thể có người cho rằng đây là chủ nghĩa tương đối. Nó có là chủ nghĩa tương đối không? Có, nếu chúng ta hiểu nhầm nó như một kiểu phiếm thần mơ hồ. Nó sẽ không là chủ nghĩa tương đối nếu được hiểu dưới ý nghĩa Kinh thánh, rằng Thiên Chúa luôn là một bất ngờ, bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ thấy Ngài ở đâu và như thế nào, không phải bạn là người định thời gian và nơi chốn để gặp Ngài. Thế nên, bạn phải biết nhận định cuộc gặp gỡ. Bởi vậy nhận định là điều căn bản.”
“Nếu người Ki-tô hữu là một người theo chủ nghĩa khôi phục, một người duy luật, nếu anh ta muốn mọi thứ phải rõ ràng và an toàn, anh ta sẽ chẳng thấy được gì. Truyền thống và kí ức của quá khứ phải giúp chúng ta có can đảm để mở ra những không gian mới cho Thiên Chúa. Những ai đến bây giờ vẫn còn tìm kiếm những giải pháp mang tính kỷ luật, hay còn mong chờ một sự “đảm bảo” mang tính học thuyết thái quá, hay vẫn cứ một mực cố gắng khôi phục lại một quá khứ vốn đã không còn nữa – ấy là những người chỉ có một cái nhìn bất động và hướng nội về mọi vật. Cứ theo thể thức ấy, đức tin sẽ trở thành một ý thức hệ trong hàng loạt những ý thức hệ khác. Tôi có một sự chắc chắn mang tính tín lý rằng: Thiên Chúa luôn ngự trong cuộc đời của mỗi con người. Ngài luôn hiện diện trong cuộc đời của mọi người. Ngay cả khi cuộc sống của một người chỉ là một thảm bại, bị hủy hoại bởi những tật xấu, ma túy hay bất cứ thứ gì khác – Thiên Chúa luôn ngự trong cuộc đời của người ấy. Bạn có thể và bạn phải cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa trong mỗi cuộc nhân sinh. Cả khi cuộc sống của một người là một mảnh đất đầy chông gai và cỏ dại, vẫn luôn có một khoảng trống, nơi hạt giống tốt có thể mọc lên. Bạn phải tín thác vào Chúa.”
(còn tiếp)