MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA (2)

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA (2)

 

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA

Jorge Mario Bergoglio là ai?

Tôi cầm những câu hỏi dọn sẵn, nhưng tôi quyết định không theo khung vạch sẵn, tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi nóng bỏng: “Jorge Mario Bergoglio là ai?” Ngài thinh lặng nhìn thẳng vào tôi. Tôi hỏi ngài liệu tôi có được phép hỏi ngài câu hỏi này hay không, ngài gật đầu và đáp lại: “Tôi không biết mô tả thế nào là phù hợp nhất… Tôi là một tội nhân. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Đây không phải là một lối nói hoa mĩ hay văn chương. Tôi là một tội nhân.”

Đức Thánh Cha tiếp tục suy nghĩ, đăm chiêu, như thể ngài không chờ đợi câu hỏi này, như thể ngài bị bó buộc phải suy nghĩ xa hơn. “Vâng, có lẽ tôi có thể nói thế này, tôi khá lanh lợi, tôi biết thích ứng với hoàn cảnh, nhưng quả thật tôi cũng hơi ngây ngô. Đúng, nhưng tổng hợp tốt nhất, điều xuất phát từ bên trong hơn cả, và điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: “Tôi là một tội nhân được Chúa nhìn đến.” Và ngài lặp lại: “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn cảm thấy khẩu hiệu, Miserando atque Eligendo (Thương xót và tuyển chọn), rất đúng với tôi.”

Khẩu hiệu này lấy từ các bài giảng của Thánh Bê-đa đáng kính, khi chú giải về trình thuật Tin Mừng Chúa kêu gọi Mathêu người đã viết: “Đức Giê-su thấy một người thu thuế, Ngài nhìn ông với tâm tình yêu mến và chọn ông, Ngài nói với ông: “Hãy theo tôi”. Đức Thánh Cha thêm: Tôi nghĩ danh động từ La-tinh miserando không thể chuyển dịch sang tiếng Ý cũng như tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch từ này bằng một danh động từ khác vốn không có trong văn phạm: misericordiando.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục dòng suy tư và nói với tôi bằng cách chuyển qua một chủ đề khác mà ngay lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa: “Tôi không biết rõ về Roma. Tôi chỉ biết một vài điều, đó là Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả; nơi tôi thường lui tới”. Tôi cười và thưa: “Thưa ĐTC, điều đó chúng con hiểu rõ hết rồi!” ĐTC tiếp: “Tôi biết nhà thờ Đức Bà Cả, Nhà thờ Thánh Phê-rô… nhưng khi phải đến Roma, bao giờ tôi cũng ở đường Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng nhà thờ thánh Lu-y của Pháp, và tôi đến đó để chiêm ngắm bức họa ‘Chúa gọi thánh Mathêu’ của Caravaggio”. Tôi bắt đầu ngộ ra ĐTC muốn nói gì.

“Ngón tay của Đức Giê-su chỉ về phía Mathêu… như thế. Tôi như thế đó. Tôi cảm thấy mình như thế đó, giống thánh Matthêu.” Ở đây, Đức Thánh Cha tỏ ra quả quyết, như thể cuối cùng ngài đã bắt được hình ảnh của chính mình mà ngài đang tìm kiếm: “Chính cử chỉ của Thánh Mathêu đánh động tôi: Ngài giữ chặt túi tiền như thể muốn nói: “Không, không phải con! Tiền này mới là của con”. “Đấy, tôi đấy: một tội nhân được Chúa đưa mắt nhìn.” Và đây chính là điều mà tôi nói khi được hỏi tôi có chấp nhận việc tôi được bầu làm giáo hoàng hay không.” Rồi Đức Thánh Cha thì thầm bằng tiếng Latinh: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối.”

Tại sao Ngài đã trở thành một Giê-su hữu?

 

 

Tôi hiểu rằng đối với ĐTC Phanxicô, công thức nhận kết quả bầu chọn này cũng là thẻ căn cước rồi. Không cần thêm gì nữa. Tôi tiếp tục với câu hỏi mà tôi đã chọn làm câu thứ nhất: “Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài chọn gia nhập Dòng Tên? Điều gì của Dòng Tên đã đánh động Ngài?”

“Tôi muốn một điều gì đó hơn nữa, nhưng tôi không biết đó là điều gì. Tôi đã gia nhập chủng viện giáo phận. Tôi thích các tu sĩ Dòng Đa Minh và tôi có những người bạn thuộc Dòng này. Nhưng rồi tôi đã chọn Dòng Tên, một dòng tu mà tôi biết rõ, vì chủng viện này được giao phó cho các Giê-su hữu. Cụ thể, có ba điều đánh động tôi nơi Dòng Tên: tinh thần truyền giáo, cộng đoàn và tính kỷ luật. Điều này cũng lạ, vì tôi là một người vô kỷ luật bẩm sinh, bẩm sinh, bẩm sinh. Nhưng kỷ luật của họ, cái cách họ sắp xếp thời giờ, đã đánh động tôi rất nhiều.”

“Và một điều khác thực sự nền tảng đối với tôi: cộng đoàn. Tôi luôn tìm kiếm một cộng đoàn. Tôi không thấy mình là một linh mục có thể sống một mình: tôi cần một cộng đoàn. Và điều này hiểu được qua việc tôi đang ở tại đây, tại nhà Thánh Matta. Trong thời gian mật viện, các phòng được chỉ định bằng cách rút thăm, tôi đã ở tại phòng 2007. Phòng chúng ta đang ngồi đây vốn là một phòng khách. Tôi chọn sống ở đây, ở phòng 201, bởi vì khi tôi nhận quyền sở hữu phòng của giáo hoàng, trong lòng tôi vang lên rất rõ tiếng “không”. Phòng giáo hoàng nằm trong Tông Điện, không sang trọng gì. Nó khá cũ, tuy rộng và được trang trí đẹp, nhưng không sang trọng. Nhưng xét cho cùng, nó giống như chiếc phễu lộn ngược. Nó lớn và có nhiều không gian, nhưng lối vào lại rất hẹp. Người ta có vào cũng chỉ như nhỏ giọt, và tôi, tôi không thể sống thiếu người khác. Tôi cần sống cuộc sống của mình cùng với những người khác.”

Một Giê-su hữu trở thành một Giám mục Giáo Phận Roma điều đó có nghĩa gì?

Tôi muốn tiếp tục theo hướng này, và tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi khởi đi từ sự kiện ngài là Giê-su hữu đầu tiên được bầu làm Giám mục Giáo Phận Roma: “Đức Thánh Cha hiểu như thế nào về vai trò của việc phục vụ Hội Thánh hoàn vũ mà ngài được mời gọi để thực thi dưới ánh sáng của linh đạo I-nhã? Đâu là ý nghĩa cho một Giê-su hữu khi được bầu làm Giáo Hoàng? Yếu tố nào trong linh đạo I-nhã giúp ngài sống sứ vụ của mình?”

“Nhận định”, ngài đáp lại. “Nhận định là một trong những điều tác động bên trong con người thánh I-nhã. Đối với thánh nhân, nhận định là một công cụ chiến đấu để hiểu biết về Chúa và bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Tôi luôn bị đánh động bởi một châm ngôn vốn mô tả cách nhìn của thánh I-nhã: non coerceri a maximo, sed contineri a minimo divinum est [“không bị bó hẹp bởi cái lớn nhất, nhưng lại được chứa đựng trong cái nhỏ nhất, đó là thần linh”]. Tôi suy nghĩ nhiều về câu này trong mối liên hệ với vấn đề quản trị, làm bề trên: không bị bó hẹp trong những không gian rộng lớn, nhưng có thể ở lại trong những không gian chật hẹp. Nhân đức của cái lớn và cái nhỏ này chính là sự đại lượng, nó giúp chúng ta có thể luôn nhìn vào chân trời từ nơi chúng ta đang đứng. Điều này có nghĩa là có thể làm điều nhỏ hàng ngày với một trái tim lớn vốn luôn mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể tôn trọng những điều nhỏ trong viễn tượng rộng lớn, viễn tượng của Nước Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Châm ngôn này cho ta các tham chiếu để đứng vào đúng vị trí mà nhận định, để nghe được những điều thuộc về Chúa từ chính ‘quan điểm’ của Người. Theo Thánh Inhã, các nguyên tắc lớn phải được hội nhập vào hoàn cảnh về không gian, thời gian và con người. Đức Gioan XXIII, theo cung cách riêng, đã chọn thái độ này đối với việc quản trị khi nhắc lại châm ngôn, ‘Thấy hết; phớt lờ nhiều; sửa sai chút ít’, vì dù thấy hết, chiều kích tối đa, nhưng chọn sửa chữa một ít điều, chiều kích tối thiểu. Người ta có thể có những dự án lớn và thực thi những dự án này nhờ tác động trên một vài điều nhỏ bé nhất. Hay bạn có thể sử dụng những phương tiện yếu đuối nhưng rốt cục lại hiệu quả hơn những phương tiện mạnh, như thánh Phaolô đã nói trong Thư Thứ Nhất gửi Tín hữu Corintô.

Việc nhận định này đòi hỏi thời gian. Ví dụ, nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải cách có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tôi tin rằng chúng ta luôn cần thời gian để đặt nền tảng cho một sự thay đổi đích thực và hiệu quả. Và đây là thời gian nhận định. Đôi khi nhận định khiến chúng ta phải làm ngay những điều chúng ta nghĩ phải làm sau đó. Và đó là điều cũng xảy ra với tôi trong những tháng gần đây. Việc nhận định luôn được thực hiện trước mặt Thiên Chúa, bằng cách nhìn vào các dấu chỉ, lắng nghe những điều đang diễn ra, cảm nghĩ của quần chúng, đặc biệt là người nghèo. Những chọn lựa của tôi, cả trong những gì liên quan đến cái thông thường trong đời sống, như việc sử dụng một chiếc xe đơn giản, đều gắn với việc nhận định thiêng liêng, vốn đáp ứng một đòi hỏi xuất phát từ các sự vật, con người và từ việc đọc ra các dấu chỉ thời đại. Việc nhận định trong Chúa hướng dẫn tôi trong cách cai quản.

Thế đó. Vả lại tôi không tin tưởng ở các quyết định bộc phát. Tôi luôn nghi ngờ về quyết định đầu tiên, nghĩa là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nếu tôi phải ra quyết định. Điều này thường là sai lầm. Tôi phải chờ đợi và lượng giá trong lòng, phải có thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của việc nhận định giải thoát ta khỏi sự mập mờ tất yếu trong cuộc sống và giúp chúng ta tìm được phương tiện thích hợp nhất, vốn không phải luôn trùng hợp với những điều xem ra lớn lao và mạnh mẽ.”

Dòng Tên

Do đó nhận định chính là cột trụ trong linh đạo của Giáo hoàng Phanxicô. Nó diễn tả một cách cụ thể căn tính Giê-su hữu của ngài. Rồi tôi hỏi ngài làm thế nào để Dòng Tên có thể phục vụ Hội Thánh hôm nay, đâu là đặc nét của Dòng, và đâu là những nguy cơ mà Dòng Tên có thể gặp phải.

“Dòng Tên là một định chế trong mối căng thẳng, luôn luôn căng thẳng từ căn bản. Một Giê-su hữu là một người không phải là trung tâm của chính mình. Chính bản thân Dòng cũng không phải là trung tâm của chính mình; trung tâm điểm của Dòng chính là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài. Vì thế, nếu Dòng lấy Chúa Ki-tô và Hội Thánh làm trung tâm, Dòng có hai điểm qui chiếu nền tảng để giữ thăng bằng mà sống ở ngoại biên. Nếu Dòng nhìn quá nhiều vào bản thân mình, đặt mình ở vị trí trung tâm như một cơ cấu vững chắc và được “trang bị” đầy đủ, thì Dòng sẽ gặp nguy cơ là cảm thấy an toàn và tự mãn. Dòng phải luôn nhìn vào Deus semper maior, Thiên Chúa luôn cao cả hơn, tìm Vinh Danh Chúa hơn nữa, nhìn vào Hội Thánh như là Hiền Thê Đích Thực của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, Đức Ki-tô là Vua, Đấng đã chinh phục chúng ta và chúng ta hiến trọn con người và trọn lao công của chúng ta cho Ngài, dù ta chỉ là bình sành, bất tương xứng. Mối căng thẳng này liên tục đẩy ta ra khỏi chính mình. Khí cụ làm cho Dòng Tên không lấy mình làm trung tâm, thực sự mạnh mẽ, chính là việc cởi mở lương tâm, một việc thể hiện tính phụ tử và huynh đệ, chính vì nó giúp Dòng đi ra cách tốt đẹp hơn mà thi hành sứ mạng”.

 

 

Đức Phanxicô đang đề cập tới một điểm đặc biệt trong Hiến Pháp Dòng Tên vốn đòi buộc các Giê-su hữu phải “bày tỏ lương tâm”, nghĩa là, bày tỏ tình trạng thiêng liêng nội tâm của mình, để bề trên ý thức và hiểu biết nhiều hơn khi sai một người vào sứ mạng.

Ngài nói tiếp: “Nhưng thật khó khăn khi nói về Dòng Tên. Khi bạn giải thích quá nhiều, bạn sẽ gặp nguy cơ trở nên hàm hồ. Dòng Tên chỉ có thể tự mô tả dựa vào hình thức thuật truyện. Chỉ nhờ hình thức thuật truyện, bạn mới có thể phân định, chứ không phải qua lối giải thích triết lý hay thần học, một lối giúp bạn thảo luận thì đúng hơn. Phong cách Dòng Tên không phải là phong cách thảo luận, nhưng là phong cách phân định, dĩ nhiên sự phân định này giả thiết thảo luận là một phần của tiến trình. Chiều kích huyền nhiệm của phân định không bao giờ định ra góc cạnh cho nó và không hoàn thành quá trình suy tư. Tu sĩ Dòng Tên phải là một người của suy tư chưa hoàn tất, suy tư còn mở. Trong Dòng, đã từng có những thời kỳ các Giê-su sống trong một môi trường tư duy khép kín và cứng nhắc, mang tính chất huấn đức – khổ chế hơn là huyền nhiệm: việc bóp méo lối sống Dòng Tên như thế đã sinh ra cuốn Epitome Instituti” [Toát Yếu Thể Chế].

Đức Giáo Hoàng đang đề cập đến một thứ tóm lược thực dụng, từng được sử dụng trong Dòng, được duyệt lại ở thế kỷ XX, xem như để thay thế Hiến Pháp của Dòng. Trong một thời gian, việc huấn luyện các Giê-su hữu được khuôn đúc bởi bản văn này, đến nỗi có Giê-su hữu chưa bao giờ đọc Hiến Pháp của Dòng, mà đây mới là bản văn nền tảng. Theo Đức Giáo Hoàng, trong thời kỳ này, các qui luật có nguy cơ đè bẹp tinh thần, và Dòng Tên rơi vào cơn cám dỗ quá tay trong việc minh định và giải thích đặc sủng của mình.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Không, Giê-su hữu luôn luôn suy nghĩ, suy đi nghĩ lại, với Chúa Ki-tô làm trung tâm, họ nhìn chân trời mà họ phải tới. Đây mới là sức mạnh thực sự của Giê-su hữu và điều này thúc đẩy Dòng luôn trên đường tìm kiếm, sáng tạo và quảng đại. Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, Dòng Tên phải chiêm niệm trong hoạt động, phải sống thật gần gũi sâu sắc với toàn thể Hội Thánh, như là ‘dân Chúa’ cũng như ‘mẹ thánh là Hội Thánh có phẩm trật’. Điều này đòi hỏi nhiều khiêm nhường, hy sinh và can đảm, nhất là khi bạn bị hiểu lầm hay là nạn nhân của sự hiểu lầm và vu khống, nhưng đó là thái độ sinh nhiều kết quả nhất. Chúng ta hãy nghĩ tới các căng thẳng trong quá khứ, về nghi lễ Trung Hoa, nghi lễ Malabar và những vùng định cư của dân bản địa tại Paraguay.”

“Chính tôi là nhân chứng của nhiều hiểu lầm và khó khăn mà Dòng phải trải nghiệm gần đây. Trong số đó, có những thời điểm gay cấn, nhất là đụng tới vấn đề cho mọi tu sĩ Dòng Tên tuyên lời khấn thứ tư liên quan tới việc vâng lời Đức Giáo Hoàng. Thời Cha Arrupe (bề trên cả Dòng Tên trong các năm từ 1965 tới 1983), điều khiến tôi tin tưởng là sự kiện ngài là người của cầu nguyện, một người dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện. Tôi nhớ lúc cầu nguyện, ngài hay ngồi trên đất theo kiểu Nhật Bản. Nhờ thế, ngài có được thái độ đúng đắn và đã đưa ra được các quyết định đúng đắn”.

Khuôn mẫu Phêrô Favre, ‘vị linh mục cải cách’

Tới đây tôi tự hỏi liệu có nhân vật nào trong số các Giê-su hữu, từ buổi đầu của Dòng cho tới nay, đã đánh động ngài một cách đặc biệt chăng, nên tôi đã hỏi ngài có vị nào không, vị đó là ai và tại sao. Ngài bắt đầu kể đến Thánh I-nhã [đấng sáng lập Dòng Tên] và Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng sau đó, ngài tập trung vào một khuôn mặt mà các Giê-su hữu biết, nhưng chắc chắn là nói chung không mấy nổi tiếng, đó chính là cha Phê-rô Favre (1506-1546), quê ở Savoy. Ngài là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh I-nhã, thật ra là người bạn đầu tiên, người bạn chung phòng với Thánh I-nhã khi cả hai còn là sinh viên tại Đại Học Sorbonne. Người bạn chung phòng thứ ba là thánh Phanxicô Xaviê. Đức Piô IX phong chân phước cho cha Favre vào ngày 5 tháng 9 năm 1872 và án phong thánh cho ngài vẫn còn đang tiến hành.

Đức Giáo Hoàng trưng dẫn việc xuất bản cuốn Hồi niệm của cha Favre, do ngài yêu cầu hai học giả Dòng Tên là Miguel A. Fiorito và Jaime H. Amadeo thực hiện lúc còn là giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Ấn bản ngài đặc biệt ưa thích là ấn bản của cha Michel de Certeau. Tôi hỏi Đức Phanxicô lý do tại sao ngài bị đánh động bởi cha Favre như thế, những nét nào gây ấn tượng cho ngài hơn cả.

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Ngài đối thoại với mọi người, cả những người xa xôi nhất và cả những thù địch của mình; lòng đạo đức đơn sơ của ngài, có lẽ hơi chút ngây thơ, sự ứng trực của ngài, khả năng nhận định nội tâm đầy cẩn trọng, và ngài thực là một con người có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và mạnh mẽ nhưng đồng thời có khả năng hiền hậu, hiền hậu đến thế”.

Trong khi ĐTC Phanxicô kể ra những đặc tính của Giêsu hữu mà ngài ưa thích, tôi hiểu ra rằng khuôn mặt này đã thật sự là khuôn mẫu cho đời sống của ngài. Cha Michel de Certeau mô tả về cha Favre đơn thuần như “một vị linh mục cải cách”; đối với vị linh mục này, kinh nghiệm nội tâm, những phát biểu về giáo thuyết và cải cách cơ cấu không thể tách rời nhau. Như vậy hình như tôi có thể hiểu là ĐTC Phanxicô cũng lấy nguồn hứng từ lối cải cách này. Sau đó, ĐTC mới tiếp tục với một suy tư về khuôn mặt đích thực của đấng sáng lập Dòng Tên.

Ngài nói: “Thánh I-nhã là một nhà thần bí, không phải là một nhà khổ tu. Tôi rất khó chịu khi nghe người ta bảo Linh Thao chỉ “mang tính chất I-nhã’ bởi vì chúng được thực hiện trong thinh lặng. Thực ra, Linh Thao vẫn hoàn toàn mang đậm tính I-nhã ngay trong cuộc sống thường ngày và không có sự thinh lặng. Một sự giải thích Linh Thao nhấn mạnh tới khổ hạnh, tới thinh lặng và đền tội là lối giải thích méo mó, có lúc khá phổ biến trong Dòng Tên, đặc biệt là ở Dòng Tên Tây Ban Nha. Trái lại, tôi gần gũi hơn với luồng thần bí, tức luồng của Louis Lallement và Jean-Joseph Surin. Và cha Favre cũng là một nhà thần bí.”

 

(còn tiếp)