MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA (1)

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA (1)

MỘT TRÁI TIM LỚN MỞ RA CHO THIÊN CHÚA

Linh mục Antonio Spadaro S.J. phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxico.

Dịch theo bản tiếng Ý của bán nguyệt san La Civiltà Cattolica 19/9/2013

Hôm đó là thứ hai 19 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cho tôi hẹn gặp tại nhà Thánh Matta lúc 10 giờ sáng. Tôi thừa tự được của cha tôi cái nhu cầu là bao giờ cũng đến sớm. Những người tiếp đón tôi cho tôi vào ngồi trong một phòng đợi nhỏ. Đợi không lâu. Mấy phút sau tôi đã được đưa vào thang máy. Trong hai phút tôi đã có thời giờ để nhớ lại khi một số các giám đốc tạp chí của Dòng Tên họp ở Li-xa-bon, đã nảy ra một đề nghị cùng nhau phát hành một bài phỏng vấn Đức Thánh Cha (ĐTC). Tôi đã thảo luận với các giám đốc khác, đề ra một số câu hỏi diễn tả được những điều mọi người cùng quan tâm. Tôi bước ra khỏi thang máy thì thấy ĐTC đã đứng sẵn ngoài cửa chờ tôi. Thế là tôi đã có được cái ấn tượng thích thú là không phải chờ chực ngài.

Tôi bước vào trong phòng và ĐTC cho tôi ngồi cái ghế bành, còn Ngài ngồi trên một cái ghế cao hơn và cứng hơn vì Ngài có vấn đề cột sống.

Khung cảnh đơn sơ và có phần khắc khổ. Nơi đặt bàn giấy và làm việc của ngài khá nhỏ. Tôi bị ấn tượng không chỉ vì nét đơn giản của bàn ghế mà còn vì những vật dụng khác trong phòng. Có ít cuốn sách, mấy tấm bản đồ và một vài thứ khác, như ảnh của Thánh Phanxicô, tượng Đức Mẹ Lu-han, Bổn Mạng của Argentina, tượng chịu nạn và tượng thánh Giuse đang ngủ, rất giống với tượng tôi đã thấy trong phòng Ngài khi làm Viện Trưởng và làm Giám Tỉnh, ở Học Viện Thánh Micae. Nền linh đạo của Jorge Mario Bergoglio không được kết dệt bởi “các năng lượng hài hòa”, như ngài thường nói, nhưng nhờ vào các khuôn mặt con người: Đức Ki-tô, Thánh Phanxicô, Thánh Giuse và Mẹ Maria. ĐTC đón tôi bằng một nụ cười mà tới nay đã nhiều lần chuyền đi khắp thế giới và mở rộng lòng người. Chúng tôi bắt đầu nói về nhiều chuyện, nhưng nhất là về chuyến tông du tới Brazil. Tôi hỏi Ngài đã kịp nghỉ ngơi chưa. Ngài trả lời có, và Ngài khỏe mạnh, nhưng nhất là Ngài xem ngày Giới Trẻ Thế Giới là một “huyền nhiệm”. Đức Thánh Cha nói rằng, ngài chưa bao giờ quen nói với nhiều người như vậy. Ngài nói: “Tôi có thể nhìn vào mỗi người, từng người một, để tiếp xúc một cách cá vị với từng con người đang hiện diện trước tôi. Tôi không quen với đám đông.” Tôi thưa với Ngài là đúng thế, người ta thấy được điều đó và điều đó đánh động nhiều người. Lại có các máy thu hình truyền hình ảnh đi và mọi người thấy được, song như thế Ngài có thể thấy mình tự do để ở lại trong cách tiếp xúc trực tiếp, ít là bằng con mắt, với ai đang ở trước mặt Ngài. Tôi thấy hài lòng về điều này, nghĩa là có thể giữ nguyên tính cách của Ngài, không phải thay đổi cung cách quen thuộc của Ngài khi thông đạt với người khác, ngay cả khi đứng trước hàng triệu người như đã xảy ra tại bãi biển Copacabana.

Trước khi tôi bấm máy ghi âm, chúng tôi còn nói về mấy chuyện khác.

Bình luận về một cuốn sách do tôi xuất bản, Ngài nói với tôi rằng hai nhà tư tưởng Pháp hiện đại Ngài ưa thích hơn cả là Henri de Lubac và Michel de Certeau. Tôi cũng nói với Ngài vài chuyện có tính cá nhân hơn. Ngài cũng nói với tôi về bản thân và nhất là về việc Ngài được bầu làm giáo hoàng. Khi ngài bắt đầu nhận ra rằng ngài có nguy cơ được bầu làm Giáo hoàng, thì vào bữa ăn trưa thứ tư, ngày 13 tháng 3, ngài cảm thấy ập xuống trên mình một sự bình an sâu xa không thể giải thích được và sự an ủi nội tâm, đồng thời với một bóng đêm dày đặc, một sự tối tăm bao trùm mọi thứ khác. Các cảm xúc này theo ngài mãi cho đến khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào buổi chiều hôm đó. Thực ra tôi đã có thể tiếp tục nói chuyện thân mật như thế lâu hơn nữa, nhưng tôi cầm những tờ giấy ghi một số câu hỏi tôi đã ghi sẵn và bấm máy ghi âm. Trước hết tôi cám ơn ĐTC nhân danh tất cả các giám đốc của các tạp chí Dòng Tên sẽ đăng tải cuộc phỏng vấn này.

Không lâu trước, trước khi tiếp kiến các Giêsu hữu của tạp chí La Civiltà Cattolica ngày 14 tháng 6 vừa qua, ĐTC đã nói với tôi về khó khăn lớn của ngài khi trả lời phỏng vấn. Ngài nói rằng ngài thích suy nghĩ hơn là đưa ra các câu trả lời tại chỗ khi được phỏng vấn. Ngài cảm thấy rằng câu trả lời đúng lại tới sau khi đã đưa ra câu trả lời trước. Quả vậy, trong cuộc phỏng vấn này, nhiều lần Đức Thánh Cha cũng cảm thấy tự do để tạm ngưng điều ngài đang nói trả lời một câu hỏi để thêm một điều gì đó vào câu trả lời cho câu hỏi trước đó. Thực ra, nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô cứ như gặp một dòng tuôn của núi lửa với những ý tưởng đan kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, việc ghi chép lời của ngài đôi khi khiến tôi cảm giác khó chịu vì cứ như phải cắt đứt một cuộc đối thoại vừa nảy sinh. Rõ ràng là Đức Thánh Cha Phanxicô quen nói chuyện hơn là giảng bài.

Jorge Mario Bergoglio là ai?

Tôi cầm những câu hỏi dọn sẵn, nhưng tôi quyết định không theo khung vạch sẵn, tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi nóng bỏng: “Jorge Mario Bergoglio là ai?” Ngài thinh lặng nhìn thẳng vào tôi. Tôi hỏi ngài liệu tôi có được phép hỏi ngài câu hỏi này hay không, ngài gật đầu và đáp lại: “Tôi không biết mô tả thế nào là phù hợp nhất… Tôi là một tội nhân. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Đây không phải là một lối nói hoa mĩ hay văn chương. Tôi là một tội nhân.”

Đức Thánh Cha tiếp tục suy nghĩ, đăm chiêu, như thể ngài không chờ đợi câu hỏi này, như thể ngài bị bó buộc phải suy nghĩ xa hơn. “Vâng, có lẽ tôi có thể nói thế này, tôi khá lanh lợi, tôi biết thích ứng với hoàn cảnh, nhưng quả thật tôi cũng hơi ngây ngô. Đúng, nhưng tổng hợp tốt nhất, điều xuất phát từ bên trong hơn cả, và điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: “Tôi là một tội nhân được Chúa nhìn đến.” Và ngài lặp lại: “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn cảm thấy khẩu hiệu, Miserando atque Eligendo (Thương xót và tuyển chọn), rất đúng với tôi.”

Khẩu hiệu này lấy từ các bài giảng của Thánh Bê-đa đáng kính, khi chú giải về trình thuật Tin Mừng Chúa kêu gọi Mathêu người đã viết: “Đức Giê-su thấy một người thu thuế, Ngài nhìn ông với tâm tình yêu mến và chọn ông, Ngài nói với ông: “Hãy theo tôi”. Đức Thánh Cha thêm: Tôi nghĩ danh động từ La-tinh miserando không thể chuyển dịch sang tiếng Ý cũng như tiếng Tây Ban Nha. Tôi thích dịch từ này bằng một danh động từ khác vốn không có trong văn phạm: misericordiando.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục dòng suy tư và nói với tôi bằng cách chuyển qua một chủ đề khác mà ngay lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa: “Tôi không biết rõ về Roma. Tôi chỉ biết một vài điều, đó là Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả; nơi tôi thường lui tới”. Tôi cười và thưa: “Thưa ĐTC, điều đó chúng con hiểu rõ hết rồi!” ĐTC tiếp: “Tôi biết nhà thờ Đức Bà Cả, Nhà thờ Thánh Phê-rô… nhưng khi phải đến Roma, bao giờ tôi cũng ở đường Via della Scrofa. Từ đó, tôi thường viếng nhà thờ thánh Lu-y của Pháp, và tôi đến đó để chiêm ngắm bức họa ‘Chúa gọi thánh Mathêu’ của Caravaggio”. Tôi bắt đầu ngộ ra ĐTC muốn nói gì.

“Ngón tay của Đức Giê-su chỉ về phía Mathêu… như thế. Tôi như thế đó. Tôi cảm thấy mình như thế đó, giống thánh Matthêu.” Ở đây, Đức Thánh Cha tỏ ra quả quyết, như thể cuối cùng ngài đã bắt được hình ảnh của chính mình mà ngài đang tìm kiếm: “Chính cử chỉ của Thánh Mathêu đánh động tôi: Ngài giữ chặt túi tiền như thể muốn nói: “Không, không phải con! Tiền này mới là của con”. “Đấy, tôi đấy: một tội nhân được Chúa đưa mắt nhìn.” Và đây chính là điều mà tôi nói khi được hỏi tôi có chấp nhận việc tôi được bầu làm giáo hoàng hay không.” Rồi Đức Thánh Cha thì thầm bằng tiếng Latinh: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối.”

 

(còn tiếp)