Đức Hồng y Caffarra bênh vực giá trị của Hôn nhân(phần 2)
Đức Hồng y Caffarra bênh vực giá trị của Hôn nhân
(Phần 2)
Những chứng nhân sống sự thật về hôn nhân sẽ có một cuộc sống khó khăn, điều ấy không có gì là bất thường đối với những chứng nhân sống cho sự thật.
Rome, 8/11/2013 (zenit.org)
2. Sự thiện hảo của Hôn nhân.
Đã biết hôn nhân là gì, bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem giá trị của hôn nhân là gì, giá trị riêng và đặc thù của nó. Tắt một lời: đâu là sự thiện hảo của hôn nhân.
Trước khi đi vào phần hai suy tư của chúng ta, tôi muốn đưa ra một tiền đề rất quan trọng. Có một chân lý về sự thiện hảo của con người, vốn là điều được mọi con người có lý trí có thể chia sẻ. Vậy “ chân lý về điều thiện hảo” nghĩa là gì? Đầu tiên, điều đó không có nghĩa điều bạn phải hoặc không được thực hiện. Nhưng đó là nhận thức giá trị đích thực của thực tại (ở đây chính là trường hợp của hôn nhân).
Tôi muốn đưa một ví dụ: Được nhìn bức tượng “Pietà” (Đức Mẹ sầu bi) của Michelangelo, chúng ta “thấy” vẻ đẹp tuyệt vời làm cho phiến đá cẩm thạch đó trở thành độc đáo: tự nó có một giá trị riêng, ở đây là giá trị thẩm mỹ. Trả lời cho câu hỏi: “Điều gì là tốt? Điều gì là xấu?” không thể đơn giản chỉ là: “bất cứ cái gì mà mỗi người nghĩ là tốt hoặc xấu, không cần được nhiều người cùng chấp nhận như thế”. Trái lại, có một sự thật về điều tốt có thể được mọi người có lý trí nhận ra và chia sẻ. Chúng ta hãy tự hỏi đâu là giá trị của hôn nhân, đâu là giá trị đặc thù của nó, đâu là vẻ đẹp không thể nhầm lẫn của nó. Sự tốt đẹp của hôn nhân hệ tại ở hai khía cạnh căn bản này:
1. Hôn nhân là một “Communio personarum” tức là một sự hiệp thông giữa các ngôi vị. Cái thiện hảo của hôn nhân là mối hiệp thông của một cộng đoàn. Tôi muốn trình bày với quí vị một vài chiều kích của nó.
(a) Một tương quan hệ như thế chỉ có thể được trao ban giữa các nhân vị, và nền tảng chính là đón nhận sự thiện hảo, giá trị xứng hợp với nhân vị. Người chồng và người vợ là những nhân vị dành cho nhau.
(b) Sự hiệp thông của các ngôi vị là một điều tốt đẹp của hôn nhân, vốn không chỉ đơn thuần dựa trên tình cảm, hay sự hấp dẫn về tâm - thế lý. Ngay cả loài động vật cũng có khả năng kết giao dựa trên những yếu tố này. Chỉ có nhân vị mới có khả năng thực hiện lời hứa sau: “Tôi hứa luôn chung thủy với em (anh) … mọi ngày suốt đời tôi”. Chỉ con người mới có thể sống hiệp thông bởi họ có khả năng chọn lựa một cách tự do và có ý thức.
(c) Chỉ một nhân vị mới có khả năng biến chính mình thành quà tặng và chỉ nhân vị mới có khả năng đón nhận một tặng phẩm. Nhân vị – và chỉ nhân vị thôi – mới có khả năng tự hiến thân, bởi chỉ nhân vị mới có thể tự sở hữu mình nhờ có tự do. Điều rõ ràng là bạn không thể cho cái mà bạn không có, và nhân vị có thể sở hữu chính bản thân trong sự tự do của mình. Tuy nhiên, nhân vị cũng có thể từ bỏ tự do của mình và sống theo cách của những người buông mình trôi theo dòng đời hoặc theo những thôi thúc bản năng tự nhiên của họ. Hôn nhân cách riêng dễ bị tổn thương và rơi vào cạm bẫy này.
(d) Sự hiệp thông trong đời sống vợ chồng – hai người tự hiến và đón nhận nhau – bắt nguồn sâu xa từ trong nhân vị: từ trong chính “cái tôi” của mình. Nhân vị xét như là nhân vị thì có thể cho và nhận. Đây có lẽ là mầu nhiệm sâu xa nhất của hôn nhân. Các bạn hẳn đã biết rằng Kinh thánh chỉ mối quan hệ tình dục giữa người nam và người nữ bằng động từ “biết”. Người này mạc khải căn tính thâm sâu của mình cho người kia.
Chính nơi sự kiện này có thể phát sinh một loại lười biếng, một thứ lười biếng tâm linh cản ngăn các đôi vợ chồng thực hiện hành vi vốn chỉ có thể nảy sinh từ tâm điểm của tự do và tâm linh. Tại tâm điểm này sự hiệp thông ngôi vị có thể bị tê liệt.
2. Khía cạnh thứ hai về giá trị đạo đức thuộc riêng phạm vi hôn nhân, đó là khả năng nội tại của nó sinh ra một nhân vị khác.
Khả năng tạo ra sự sống cho một con người mới được khắc sâu trong chính bản chất của hôn nhân. Trong vũ trụ tạo thành, đây chính là quyền lực lớn nhất mà người nam và người nữ có được. Thời gian không còn cho phép tôi mở rộng thêm đề tài tuyệt vời này.
Kết luận
Hai suy tư kết thúc có tính nền tảng: thứ nhất, các bạn thấy rằng tôi hết sức cẩn thận tránh sử dụng từ “tình yêu”. Tại sao ư? bởi ý nghĩa của nó đã bị cướp mất. Tình yêu là một trong những từ khóa của luân lý Kitô giáo, nhưng nó đã bị nền văn hóa hiện đại chiếm đoạt, và trở thành một từ rỗng tuyếch, một loại thùng chứa mà mọi người có thể bỏ vào đó thứ họ muốn. Ngày nay, sự thật về tình yêu thật khó truyền tải. “Không có sự thật, bác ái bị lẫn lộn với tình cảm, tình yêu trở thành một cái vỏ rỗng được lấp đầy một cách tùy tiện. Đây chính là một nguy cơ lớn cho tình yêu trong nền văn hóa không có sự thật” (ĐGH Benedict XVI “Caritas in Veritate”, 3).
Thứ hai, những chứng nhân sống sự thật về hôn nhân sẽ rất vất vả, nhưng đó không phải là một sự bất thường, vì những chứng nhân vì sự thật nào cũng như thế. Và đây là một nhiệm vụ cấp bách cho các nhà giáo dục.