Đức Hồng Y Caffara lên tiếng bảo vệ Hôn nhân.

Đức Hồng Y Caffara lên tiếng bảo vệ Hôn nhân.

Đức Hồng Y Caffara lên tiếng bảo vệ Hôn nhân.

Vấn đề được đặt ra như sau: Phải chăng hôn nhân là một thực tại hoàn toàn do con người quyết định hay nó có một “cốt lõi” mà con người không thể chạm tới?

Sau đây là bài phát biểu chủ đạo của ĐHY Carlo Caffara tại Bologna, ngày 12 tháng 9 tại hội nghị “Gia đình: dạ cưu mang “tôi”” khai giảng niên khóa 2013-2014 khóa học Hành trình Giáo dục Công giáo dành cho Giáo chức, do Học viện Veritatis Splendor tổ chức.

***

Tôi muốn cùng các bạn chú tâm vào một vấn đề mà tôi hy vọng tầm quan trọng của nó sẽ được thể hiện trong khi trình bày suy tư này.

Có một câu hỏi đằng sau các thảo luận của chúng ta mà tôi sẽ trả lời trực tiếp tuy nó vẫn còn tiếp tục đi cùng chúng ta trong cuộc sống. Câu hỏi là thế này: Có phải hôn nhân là một thực tại hoàn toàn được quyết định do con người hay nó còn có một “phần cốt lõi” mà người ta không thể chạm tới? Không cần là một học giả luận lý học, chúng ta cũng biết rằng, chẳng hạn, định nghĩa của X  chính là câu trả lời cho câu hỏi “X là cái gì?”, chúng ta có thể đặt câu hỏi lại theo lối sau đây:  Phải chăng định nghĩa của hôn nhân – điều mà hôn nhân là – hoàn toàn tùy thuộc vào sự đồng thuận xã hội? Phải chăng sự đồng thuận xã hội quyết định được hôn nhân là gì?

Giờ đây tôi bắt đầu nói với các bạn về sự thật của hôn nhân, và tôi có thể bắt đầu nói ngay rằng định nghĩa của hôn nhân, bản chất sâu xa của nó, không phải chỉ là kết quả của một sự đồng thuận xã hội. Nếu tôi không nghĩ như thế, thì những suy tư này sẽ chẳng đi đến đâu.

1. Sự thật của Hôn nhân

Vì thế chúng ta bắt đầu với hiện trạng của vấn đề: “hôn nhân đồng tính” đã được đưa vào nhiều hệ thống công pháp. Điều này có nghĩa là sự khác biệt tính dục không có ý nghĩa gì để định nghĩa hôn nhân. Những người phối ngẫu thực hiện giao ước hôn phối có thể là đồng giới. Tuy nhiên, tình bạn trong hôn nhân luôn là một thứ tình cảm mang sắc thái giới tính, đây chính là điều phân biệt tình bạn trong hôn nhân thì khác biệt với mọi hình thức tình bạn khác.

Nói cách khách quan – nghĩa là, dù tôi có nghĩ vậy hay không, dù tôi có muốn thế hay không – định nghĩa hôn nhân mà đem áp dụng vào việc công nhận những đôi đồng tính luyến ái, sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn gốc con người khỏi chính hôn nhân. Hôn nhân đồng tính không thể có được những điều kiện cho sự sống một con người mới xuất hiện.Vì thế, chỉ một trong hai điều sau đây là đúng sự thật thôi: hoặc hôn nhân đồng tính là điều không tưởng, hoặc nguồn gốc con người mới không dính dáng gì tới hôn nhân.

Chúng ta hãy thử cùng suy nghĩ về sự cắt đứt này. Thực tế có vẻ mâu thuẫn đó là cùng một hệ thống pháp lý vốn đã công nhận hôn nhân đồng tính luyến ái, lại cũng công nhận cho những đôi phối ngẫu đồng giới nhận con nuôi, hoặc cậy nhờ đến sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo. Vì thế, chỉ có thể một trong hai điều sau đây là đúng sự thật: hoặc công nhận quyền này, chẳng khác gì là ta đem vào nhà qua cửa sổ thứ ta đã tống ra khỏi cửa trước – đồng nghĩa với hiển nhiên công nhận có một sự kết nối giữa sinh sản và hôn nhân, hoặc phương cách một sự sống con người mới được đưa vào cuộc đời là một điều gì đó không liên quan đến đạo đức – tức là, dù con người được sinh ra hay được sản xuất ra, đó không phải là vấn đề quan trọng.

Dừng lại một chút để nhìn lại con đường chúng ta đang đi. Trong khi chỉ cho đến ít năm trở lại đây thôi, từ “hôn nhân” chỉ có một ý nghĩa, và nó biểu thị chỉ một thực tại duy nhất, đó là một tình cảm hàm ẩn chiều kích tính dục giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, còn ngày nay, từ ngữ này đã trở nên hàm hồ bởi nó cũng có thể biểu thị sự kết hợp đồng tính luyến ái. Từ sự mập mờ này mà nảy sinh tình trạng có một sự cắt đứt hoàn toàn và khách quan giữa hôn nhân và khởi đầu sự sống con người. Đây là lối đường mà chúng ta đang đi: (a) nội hàm của “hôn nhân” đã trở nên hàm hồ, (b) nguồn gốc của sự sống con người mới đã bị tách rời khỏi hôn nhân. Chúng ta cùng suy tư một chút về sự tách rời này.

Những phạm trù của gia phả con người thật sự đã bị lung lay tận căn. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi bị giới hạn thời gian nên chỉ xin nói vắn tắt.

Phạm trù người cha-người mẹ đã biến mất, được thay thế bằng phạm trù chung chung cha-mẹ. Chiều kích sinh học vốn là một yếu tố cơ bản (dù chưa đủ) trong phả hệ đã biến mất, trong khi phả hệ của con người đã được ghi khắc trong sinh học của con người. Thụ thai – vốn là sự kiện tạo thành bạn trong tương quan bản thể với người cha và người mẹ – có thể là chỉ thuần túy nhân tạo. Phạm trù sinh hạ trở thành là một chọn lựa trong tính toán phả hệ của người đó.

Như thế, việc một người chào đời diễn ra như thế nào? Đó là một người vô cùng đơn độc, vì bị tước đoạt đi những mối tương quan giúp anh ta tồn tại.

Sau khi xem xét đường lối mà nhiều xã hội tây phương đang bước đi, chúng ta đi đến kết luận. Coi “hôn nhân” là một từ ngữ thiếu ý nghĩa, và cho sự đồng thuận xã hội có thể xác định ý nghĩa của nó, điều đó sẽ phá hủy cái kết cấu nền tảng của xã hội con người : phả hệ của con người.

Chính trong bối cảnh văn hóa này mà chúng ta phải tự hỏi về bản chất thật của hôn nhân là gì, ta phải tìm ra sự thật của hôn nhân.

Nam tính hay nữ tính là những biểu lộ khác nhau của nhân vị. Điều căn bản không phải là có một nhân vị và rồi người đó mới được xác định giới tính là đàn ông hay là đàn bà, mà chỉ là có một người, là đàn ông hay là đàn bà.

Chúng ta cũng không được nghĩ dù chỉ một chốc lát rằng thân xác chỉ đơn thuần là cái ta sở hữu, như một vật sở hữu của nhân vị. Nhân vị chính thân xác của người đó : người ấy là một thân xác với ngôi vị mình, và thân xác người ấy lại là chính con người ấy: người ấy một người với thân xác mình.

Nữ tính và nam tính không chỉ đơn thuần là những dữ liệu sinh học. Chúng là  dung mạo của con người, là “mô thức”. Con người “được tạo thành” như là một người nam hay là một người nữ.

Tại sao lại có hai “mô thức” con người, một nam và một nữ? Thánh Kinh trả lời, cũng như những kinh nghiệm sâu xa nhất của chúng ta cũng xác nhận, như sau đây: vì để cả hai vượt qua “tình trạng đơn độc nguyên thủy” của họ và thực hiện chính mình, người này trong người kia” (x. St 2).

Đâm rễ sâu từ trong chính nhân tính, người nam và người nữ cũng có khả năng tạo lập một sự hiệp thông giữa các nhân vị và tìm thấy trong sự hiệp thông này nhân vị viên mãn của mình.

Khả năng này, cũng là đặc trưng của con người xét như là một nhân vị, là khả năng tự hiến, gồm cả chiều kích tâm linh lẫn thể xác. Cũng nhờ thân xác mà người nam và người nữ sẵn có điều kiện để tạo lập sự hiệp thông các ngôi vị vốn là điều cốt yếu của hôn nhân. Thân xác người nam và thân xác người nữ không chỉ là một ngôn ngữ biểu lộ nhưng còn thực hiện sự kết hợp phu phụ.

Trong hôn nhân được hiểu và tạo lập như thế đã khắc ghi sẵn quan hệ phụ tính và mẫu tính. Chỉ trong bối cảnh của hôn nhân, một con người mới mới có thể được sinh hạ cách phù hợp với phẩm giá của mình. Con người không được sản xuất ra nhưng là được sinh ra, được mong đợi như một hồng ân, chứ không được yêu sách như một thứ quyền lợi.

Trước khi kết thúc những suy tư của chúng tôi về sự thật của hôn nhân, tôi muốn lưu ý ba kết luận sau đây. Chúng đáng được quan tâm rộng rãi. Tôi chỉ khẳng định chúng thôi.

1.  Chỉ quan điểm này về hôn nhân mới tôn trọng toàn thể thực tại của nhân tính chúng ta; nó dẫn vào một nền nhân học thật sự thích đáng. Nó không giản lược thân xác chỉ còn như một thực tại hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của cá nhân tùy tiện gán cho nó bất kỳ ý nghĩa nào. Nên xem con người như là một nhân vị biểu lộ ra qua thân xác, và coi thân xác như là một thân xác biểu lộ một nhân vị, như là người nam và như là người nữ.

2. Quan điểm này về hôn nhân cũng đồng thời xác định sự độc lập cao nhất của “bản ngã” (tức là “cái tôi”) hệ tại nơi sự hiến dâng của bản thân, và khẳng định “tha nhân” là yếu tố thuộc tương quan nội tại, theo ý nghĩa sâu nhất của từ ngữ. Cuối cùng, cái gọi là “hôn nhân” đồng tính, một cách khách quan, chuyển tải thông điệp này: “Một nửa nhân tính chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi, là điều thừa và không cần thiết để tôi thực hiện cách thâm sâu nhất bản thân mình”

3.  Quan điểm này về hôn nhân coi xã hội tính của con người bắt nguồn từ chính bản tính của con người : “prima societas in conjugio est” (xã hội hiện hữu lần đầu tiên nơi hôn nhân). Điều này không có nghĩa trước hết về thời gian mà theo nghĩa hữu thể học và giá trị học. Và điều đó tránh được sự giản lược biến xã hội tính của con người thành chỉ còn là một hợp đồng.