Điều hòa sinh sản

 

ĐIỀU HOÀ SINH SẢN
 
MỘT SỐ YẾU TỐ ĐỂ SUY TƯ ĐẠO ĐỨC HỌC

Việc ngừa thai trong xã hội Tây phương đã trở thành một chuyện hết sức thường tình đối với nhiều người trong nam giới cũng như trong nữ giới. Thường tình đến nỗi nhiều Kitô hữu cho rằng việc sử dụng một phương pháp ngừa thai nào đó không còn là một vấn đề luân lý nữa, mà chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi. Điều quan trọng là tìm ra phương pháp nào hiệu nghiệm nhất, thoả đáng nhất về mặt y học và tâm lý. Nếu vậy, người ta đã che giấu đi chiều kích đạo đức của việc ngừa thai, che giấu khéo léo đến nỗi những người đứng về phía đức giáo hoàng bênh vực cho các phương pháp tự nhiên (9) đã bị coi là đám người tụt hậu. Theo tôi, việc dẹp bỏ suy tư đạo đức học ở đây có tầm mức rất nghiêm trọng, vì nó có thể đẩy các Kitô hữu và mọi thành phần trong xã hội hiện nay chịu khuất phục trước áp lực gian lận của các ý thức hệ không hợp với chân lý của Tin mừng. Để khỏi bị tiếng là đơn giản hoá vấn đề, tôi sẽ nêu ra sau đây một số điểm chắc chắn về nhân học và một số điểm làm mốc để suy tư đạo đức học, mà nếu không muốn làm cho việc ngừa thai trở thành phi nhân ta không thể nào bỏ qua được.

1. Nên gọi là điều hoà sinh sản

Ngữ vựng không bao giờ là chuyện phụ cả, vì các từ ngữ luôn luôn chở theo cả một quan niệm nhân học. Chính vì thế, theo tôi, nên dùng kiểu nói “điều hoà sinh sản” hơn là “ngừa thai” hay “chống thụ thai”. Vì kiểu nói thứ hai này quá nhấn mạnh tới hoạt động kỹ thuật duy nhất của phương pháp, đó là làm sao cản trở không cho thụ thai được xảy ra. Ngược lại, kiểu nói “điều hoà sinh sản” có chứa đựng một chiều kích đạo đức học. Nó cho ta hiểu rằng đây không phải là một việc làm cố ý từ chối việc thụ thai nhưng là muốn sinh đẻ một cách điều hoà, nghĩa là vận dụng một cách có trách nhiệm khả năng là chủ chính mình, mà Chúa đã trao ban cho con người.

2. Một việc làm không bao giờ là vô hại

Các ý thức hệ xã hội nổi bật hiện nay muốn mọi người tin rằng thực hành điều hoà sinh sản chẳng bao giờ có hại. Nói cho quá một chút, một phụ nữ nuốt một viên thuốc ngừa thai cũng chẳng gây liên luỵ gì hơn là khi uống một ly nước; và các cảm giác khó chịu trong sinh hoạt vợ chồng do sử dụng phương pháp ngừa thai chẳng qua chỉ là do ta đã quen với những điều cấm kỵ trong Do thái giáo và Kitô giáo, nhưng những cấm kỵ ấy đã trở nên lỗi thời. Suy tư kiểu đó sẽ không đương đầu nổi với những phân tích khoa học nghiêm túc đâu. Vì thế, cần phải khẳng định rằng điều hoà sinh sản luôn luôn là một việc làm liên luỵ đến nhân cách con người một cách rất sâu xa.

Trước hết, những ảnh hưởng sinh lý do một số phương pháp ngừa thai gọi là hiện đại gây ra không phải lúc nào cũng không đáng kể (10). Chính vì thế, phải sử dụng các thuốc ngừa thai dưới sự theo dõi của các bác sĩ.

Thứ đến, toàn bộ tâm lý của những người thực hành việc điều hoà sinh sản đều bị huy động đến. quả thế, sử dụng một phương pháp ngừa thai là luôn luôn phải tỏ lập trường trước những thực tế quan trọng của cuộc sống: suy nghĩ thế nào về tính dục và khoái lạc, quan hệ thế nào với vợ hay chồng và con cái đã sinh ra, cư xử thế nào trong tư cách là phụ nữ hay đàn ông trong xã hội, phải nghĩ sao về ước muốn làm cha hay làm mẹ, y học có quyền kiểm soát đến đâu trong cuộc sống tư riêng.Hội thánh và dư luận chung quanh có lập trường đạo đức như thế nào… Và hẳn nhiên tất cả những lập trường mà ta chọn ở đây không thể không tác động đến vợ chồng, đôi khi tác động rất lớn.Nhất là theo những nghiên cứu mới đây của khoa phân tâm, vô thức cũng chi phối rất nhiều vào việc thực hành điều hoà sinh sản. Chẳng hạn hai vợ chồng đã khám phá ra giới tính và tính gây hấn thế nào khi còn nhỏ, đã quan hệ với cha mẹ thế nào, đã phản ứng thế nào khi các em mình sinh ra, cách thức hai vợ chồng làm các điều ấy khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn phương pháp điều hoà sinh sản này thay vì phương pháp khác. Có lẽ trong lãnh vực này, đời sống thơ ấu có ảnh hưởng vô thức trên quyết định của ta lúc trưởng thành nhiều hơn trong các lãnh vực khác.

Chính vì thế, đã có nhiều sự phản kháng đối với việc ngừa thai, dù không muốn, cũng như đã có những sự thất bại trong việc sử dụng các phương pháp vốn có hiệu quả chống thai (11). Đang khi đó một ước muốn xem ra rất đơn giản là sinh hạ một đứa con lại có thể là kết tinh của một lô ước muốn đan kết nhau, đôi khi tách rời nhau, làm cho việc thực hành điều hoà sinh sản trở nên phức tạp. Chẳng hạn, khoa nhân học ghi nhận ta có thể phân biệt nơi người phụ nữ muốn sinh con có ít là bảy ước muốn: muốn yêu, muốn được yêu, muốn cảm nhận khoái lạc sinh dục, muốn được xâm nhập vào, muốn thụ thai, muốn có một đứa con và muốn có đứa con cụ thể trước mắt này như kết quả của một lần quan hệ tính dục nhất định. Có thể một phụ nữ nọ muốn có thai nhưng lại không muốn đứa con mà bà đang cưu mang. Hoặc một phụ nữ khác muốn có con nhưng lại để cho mình bị phá thai vì quan hệ hiện nay của bà với chồng quá tồi tệ. Ta cũng có thể nêu những nhận xét tương tự về các ước muốn của người đàn ông. Như thế, điều hoà sinh sản là một việc hết sức phức tạp về mặt tâm lý. Bởi đó, thật là ảo tưởng khi cho rằng chỉ cần thông tin về các kỹ thuật phòng chống thai là đủ loại bỏ các phản kháng đối với việc ngừa thai. Càng ảo tưởng hơn nữa khi tin rằng việc ngừa thai không có những dây mơ rễ má quan trọng trong đời sống con người và vì thế có thể không cần sử dụng đạo đức học để hướng dẫn. Nếu lưu ý tới chiều kích tập thể - xã hội của vấn đề điều hoà sinh sản, ta còn thấy rõ điều này hơn nữa.

3. Một việc làm có những âm hưởng xã hội quan trọng

Nhiều người nghĩ rằng những việc làm liên quan đến đời sống tính dục chỉ nằm trong lãnh vực tư riêng và kín đáo. Thế nhưng, khoa nhân học hiện đại đã khám phá thấy tính dục là một thực tại cũng mang chiều kích xã hội, thậm chí đó là chiều kích có trước (12). Việc điều hoà sinh sản được thực hành cách phổ biến luôn luôn vừa là triệu chứng vừa là nguyên do của những hiện tượng xã hội căn bản không kém. Chẳng hạn, trong xã hội Tây phương, cậy dựa vào việc ngừa thai thường là dấu hiệu của nỗi lo sợ cho tương lai, của ước muốn được làm chủ tương lai – một ước muốn không phải lúc nào cũng lành mạnh, của sự chờ mong có con mà họ biết rõ là sẽ đem lại hạnh phúc cho mình, nhưng đồng thời cũng muốn được thoả mãn… Đồng thời việc điều hoà sinh sản được thực hành phổ biến cũng gây ra những âm hưởng xã hội rất lớn, như quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà sẽ thay đổi dần, quan niệm về một gia đình lý tưởng cũng thay đổi tận gốc, vợ chồng con cái lúc nào cũng phải lo sửa chữa lại những rạn nứt do xã hội gây ra, dân số sa sút, khả năng làm chủ bản thân mình xem ra ít bị hạn chế hơn ngày xưa, thái độ đối với sự sống có khuynh hướng thay đổi, những sự thiên lệch về dân số giữa các quốc gia tăng đáng kể… Biết bao hiện tượng có ảnh hưởng khách quan mà nhà luân lý không thể bỏ qua không phân tích, nếu không muốn tỏ ra là mình đã mù loà không thấy vấn đề và nếu không muốn để cho các lối xử sự rồi ra sẽ phá hoại xã hội được tự do phát triển. Vì thế, cần phải lôi suy tư đạo đức học về vấn đề điều hoà sinh sản ra khỏi chỗ riêng tư kín đáo. Vả lại, theo tôi, đó cũng phải là nhiệm vụ ưu tiên của các thẩm quyền luân lý mà Huấn quyền Hội thánh Công giáo là đại diện.

4. Không có phương pháp điều hoà sinh sản nào là hoàn hảo

Nhà luân lý cần phải quan tâm theo dõi kinh nghiệm lâm sàng. Dựa vào chính những kinh nghiệm này, ông sẽ thấy phương pháp ngừa thai nào cũng có những thuận lợi và bất lợi, về mặ sinh lý, tâm lý hay trong lãnh vực quan hệ tiếp xúc. Ngoài ra, rõ ràng là có một số người thấy mình không thể sử dụng phương pháp này hay phương pháp kia vì những trục trặc trong cơ thể hay vì những khó khăn trong tâm lý hoặc vì những vấn đề xã hội rất lớn mà mình đã gặp phải. Sau cùng không phải là không có những trường hợp một cặp vợ chồng không thể suốt đời cứ bám theo một phương pháp nhất định nào đó, vì những biến chuyển tâm lý và xã hội bất ngờ xảy đến. Để khỏi xa thực tế, người Kitô hữu phải lưu ý đến những sự kiện rất khó hiểu ấy.

5. Một số điểm mốc của đạo đức học

Sau khi đã đưa ra những lưu ý trên, bây giờ tôi có thể đưa ra một số điểm mốc của đạo đức học:

- Hội thánh bênh vực việc điều hoà sinh sản với điều kiện trước hết là hành vi vợ chồng phải xuất phát từ những động cơ phù hợp với đòi hỏi của tình yêu theo Tin mừng. Vì thế, mỗi cặp vợ chồng phải tự hỏi mình như sau: tại sao chúng tôi muốn giới hạn số con? Hiện nay chúng tôi nghĩ thế nào là hạnh phúc vợ chồng và gia đình? Quan điểm ấy có phù hợp với Tin mừng không? Vợ chồng chúng tôi có tương đồi tự do đối với những hình ảnh hay quan điểm của xã hội về một gia đình thành công không?...

- Bất kể phương pháp nào, muốn có giá trị xây dựng, cũng đòi phải được trao đổi bàn bạc đều đặn và sâu sắc giữa vợ chồng. Ước muốn có con hay không muốn có con, vì huy động tới các chiều kích tâm lý sâu xa, có thể sẽ mau chóng biến thành nguyên do của biết bao xáo trộn giữa hai vợ chồng, nếu cả hai không nhìn lại xem diễn biến nội tâm của mình. Một cặp vợ chồng, dù có hạnh phúc đến đâu, cũng có cả một lịch sử chung sống. Quan hệ của họ với nhau và với con cái luôn luôn biến chuyển. Sau cùng, ngay cả cách thế mỗi người đón nhận lấy thân xác và tính dục của mình cũng thay đổi trong đời. Chính vì thế, thật sai lầm khi cho rằng chỉ cần trao đổi bàn bạc một lần về việc lựa chọn phương pháp là đủ tránh được mọi vấn đề về sau. Muốn thực hành việc điều hoà sinh sản cần phải đều đặn kiểm điểm lại với lòng tin tưởng và kính trọng đối với vợ hay chồng mình.

- Một phương pháp điều hoà sinh sản lý tưởng cần phải hội đủ các điều kiện sau đây:

a/ Việc ngừa thai, nếu được, cần phải san sẻ đồng đều cho cả hai người. Thật vậy, khi chỉ có một trong hai người đón nhận phương pháp, ta sẽ thấy chẳng mấy chốc ít là một trong hai người trở nên thiếu kính trọng người kia. Người đã khống chế được việc thụ thai về phía mình có thể lợi dụng điều đó để nắm quyền trên người kia hay ngược lại (trường hợp này thường hơn) phải lệ thuộc ước muốn của người kia, lấy cớ là không có nguy cơ thụ thai nữa. Lúc đó người đàn ông hay đàn bà có thể trở thành đối tượng để thoả mãn nhu cầu hơn là những chủ thể có những ước muốn. Như thế, kỹ thuật tốt nhất là kỹ thuật không bao giờ coi nhẹ nỗ lực đạo đức – tìm cách để kính trọng người kia trong sự dị biệt của họ. Ta cũng thấy rõ các phương pháp điều hoà sinh sản không bao giờ trung lập về mặt tâm lý, vì có phương pháp đòi hỏi nỗ lực của cả hai người, có phương pháp chỉ cần sự cố gắng của một người.

b/ Việc ngừa thai không thể biến quan hệ tính dục thành một việc của y học cách quá đáng. Sở dĩ thế là vì những lý do xã hội và vì những lý do riêng tư. Lý do xã hội như phải hạn chế sự can thiệp của y học, đang có xu hướng muốn xâm chiếm mọi lãnh vực trong cuộc sống. Lý do riêng tư như không nên làm mất hết nét “thú vị” trong quan hệ tính dục và phải luôn luôn làm sao tránh không để cho y học xâm nhập vào toàn bộ thân thể của ta.

c/ Việc ngừa thai không thể giao cho chính phủ cưỡng bức thi hành. Dù có mang những khía cạnh tập thể như đã nói ở trên, quyết định điều hoà sinh sản vẫn phải là quyết định của riêng hai vợ chồng. Bởi thế, phương pháp nào (như triệt sản chẳng hạn) có thể bị Nhà nước kiểm soát toàn diện hẳn sẽ gây ra những nguy hiểm trầm trọng về mặt đạo đức.

d/ Việc ngừa thai cần phải hữu hiệu, có thể thay đổi, và lý tưởng nhất, phải cứu xét tới hoàn cảnh cụ thể của cặp vợ chồng đang có ý định hạn chế số con.

6. Lời kêu gọi của Hội thánh với các Kitô hữu

Huấn quyền Hội thánh sẽ tìm cách lưu ý đến tất cả những thực tế mà chúng ta vừa nêu ra trên đây. Hội thánh mạnh mẽ nhắc lại rằng yếu tố con người trong việc điều hoà sinh sản đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, Hội thánh còn chỉ cho các Kitô hữu thấy loại phương pháp nào xem ra gần nhất với phương pháp “lý tưởng” như vừa mô tả trên đây. Theo Huấn quyền, những phương pháp gọi là “tự nhiên” là những phương pháp có nhiều cơ may nhất để làm cho quan hệ vợ chồng có tính nhân bản. Thật vậy, dù có nhiều bất tiện, các phương pháp này có rất nhiều lợi điểm. Trước hết, các phương pháp ấy ít bị các y học xâm chiếm và hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Nhất là chúng đưa cả hai vợ chồng vào cuộc. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nhận xét: “chọn các chu kỳ tự nhiên là đồng thời cũng chấp nhận thời gian của mỗi người (…) và chấp nhận đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, cùng chịu trách nhiệm và phải biết tự chủ. (Muốn vậy, vợ chồng phải biết) nhìn nhận sự kết hợp vợ chồng có tính thiêng liêng vừa có tính thân xác, cũng như mỗi người phải thực hành tình yêu cùng với sự đòi hỏi phải trung thành với nhau (13)”. Chính vì thế, các Kitô hữu được đức giáo hoàng mời gọi hãy nhìn nhận giáo huấn của đức Phaolô VI trong thông điệp “Sự sống con người” là một “chuẩn mực để thực hành tính dục” (14).

(Trích trong tác phẩm Để xây dựng một nền luân lý trong thế giới mới, ch. 2)
Tác giả: Xavier Thévenot