BIỂU TÌNH TUẦN HÀNH BÊNH VỰC SỰ SỐNG TẠI PARIS.
CHÚA NHẬT 19/1 NÀY BIỂU TÌNH TUẦN HÀNH
BÊNH VỰC SỰ SỐNG TẠI PARIS.
Paris 16/1/2014- Đức H.Y. André Vingt-Trois, TGM Paris, đã lên tiếng trên đài Phát Thanh Notre Dame ngày10/1 để kêu gọi lương tâm mọi người trước những vấn đề hết sức trọng đại và khẩn thiết.
“Việc khẩn thiết là việc tôn trọng sự sống phải trở thành một vấn đề quyết liệt trong các cuộc bầu cử tại Âu châu ”– Jean-Marie Le Mene, chủ tịch Tổ chức The Jerome Lejeune, phát biểu. Ông dóng lên hồi chuông báo động trước “ tính cách thời sự bi đát của nền văn hóa sự chết.” Và ông quả quyết rằng đây là điều khẩn thiết số một trong năm 2014 tại Pháp và Âu châu. Đây chính là thời điểm phải vận động toàn thể Kitô hữu tại Pháp để bênh vực sự sống con người. Những thách thức đối với sinh mạng con người đang là những tin hàng đầu: một dự luật nhắm tầm thường hóa hành vi phá thai, sự thay đổi luật pháp về việc kết thúc sự sống, đều là những ngôn từ bênh vực chủ trương “an tử thụ động.”
“Cuộc tuần hành bênh vực sự sống vào ngày 19/1 này chính là cơ hội để gửi một thông điệp hàm ý rằng những vấn đề nêu trên sẽ là trọng tâm cho những cuộc bỏ phiếu sắp tới,” theo lời ông Jean-Marie Le Mene. Và ông còn cảnh báo:“ Phá thai chính là điểm mấu chốt của chủ trương an tử.”
Zenit đã nêu câu hỏi sau đây với ông Jean-Marie Le Mene:
“Năm 2013 là một năm mấu chốt tại Pháp, tạo nên những cuộc tấn công liên tiếp chống lại nền văn hóa sự sống, và cũng tạo nên một cuộc vận động chưa từng có những lực lượng bênh vực sự sống và gia đình, và những thắng lợi nho nhỏ. Vậy đâu là nhận định của ông?”
Và đã được ông trả lời :
“Tôi dự trù một sự đánh giá hỗn hợp về một cuộc vận động dân chúng rất mạnh mẽ khả dĩ khiến chúng tôi rất hân hoan – chống lại ‘hôn nhân’ đồng tính, chống lại việc nghiên cứu phôi – với chiến dịch “ One of us” để vận động lấy một triệu chữ ký đòi hỏi phải công nhận phôi người là chủ thể của các quyền dân sự, đánh bại “nghị quyết Estrela,” nhưng lại còn yếu ớt về một cuộc vận động đối với giới hữu trách thuộc lãnh vực đạo đức và chính trị, điều này khiến chúng tôi lo lắng.”
Trong số những chính khách rất hiếm hoi tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại ‘hôn nhân’ đồng tính, có một số không biết nhìn thẳng vào vấn đề nào khác hơn việc áp dụng luật pháp bởi lẽ luật pháp ấy đã được bỏ phiếu thông qua và họ cũng thú nhận rằng họ sẽ không thay đổi luật pháp ấy trong nhiệm kỳ kế tiếp. Điều này càng tệ hại hơn trong lãnh vực tôn trọng sự sống. Để làm thức tỉnh những chính khách thuộc phe Đối lập (ngoại trừ hai hay ba người) đối với những điều khẩn trương đặt ra bởi tính cách thời sự bi thảm của nền văn hóa sự chết trong đất nước chúng ta là một sứ mệnh có vẻ bất khả thi. Thật đáng tiếc là ngoài một số phát biểu lập trường cá nhân đáng khâm phục, truyền thông của Giáo Hội Pháp về những vấn đề này không cân xứng đối với các vấn đề cũng như đối với những mối đe dọa hiện thời.
Kết quả là một tình cảm nghịch lý về sự xác định lớn lao của đại chúng và về sự cách biệt giữa đại chúng và những người vẫn được coi là ưu tú. Dân chúng cảm thấy bị bỏ rơi trước những vấn đề cơ bản này trong hàng chục năm, là nạn nhân của sự thiếu vắng một tầm nhìn chiến lược về phần những người đáng lẽ ra phải bị chống đối về việc đã tấn công vào bản chất của con người trong lãnh vực sự sống và gia đình, và họ bị côi cút vì không có những người lãnh đạo can đảm. Cần phải lấy làm mừng vì đã có cả một khối quần chúng biểu tình, nhưng chính là quần chúng đã thành công trong vụ này, chỉ là họ mà thôi. Có dự án chính trị nào cho ngày mai không? Trong lúc này, người ta chờ đợi phản ứng chính trị và tinh thần của những người chính thức chịu trách nhiệm về thiện ích chung.
Theo Le Mene, điều đầu tiên trong các cải cách xã hội đến với nước Pháp trong năm 2014 không phải là sự mở rộng việc trợ giúp sinh sản đối với những người đồng tính hoặc vấn đề mang thai hộ hoặc vấn đề an tử, mà là một nỗ lực lớn nhất chống lại lợi ích của trẻ em bằng cách nới rộng việc phá thai theo chủ thuyết ưu sinh và những vụ phá thai theo ý muốn bất chấp giới hạn của Đạo Luật Veil. Và điều này sẽ khởi sự từ tháng Giêng! Ai biết được? Ai chịu lên tiếng đây? Ai dám vận động đây?
Ở Tây ban nha trong thời điểm này, trong một chuyển động đảo nghịch một cách cân xứng, cuộc cải cách xã hội hàng đầu được biểu quyết sẽ là sự hạn chế phá thai. Cũng trong thời điểm này ở Đức, Tổng Thư Ký Tổ chức Dân Chủ Thiên Chúa giáo, dù không mong muốn thay đổi luật pháp, ông ta vẫn có thể chỉ trích việc phá thai trong nước ông, và vẫn có thể nói rằng cần phải làm cho xã hội biết tôn trọng sinh mạng con người. Nhưng tại Pháp, chúng ta không có mặt!
Ở cấp độ các định chế của Âu châu, vòng thứ ba của nghị quyết Estrela đang lâm nguy. Sau khi bị gửi trả lại lần thứ nhất cho Ủy ban và rồi, lần thứ hai, bị bác bỏ bởi đa số dân biểu Âu châu, nghị quyết Estrela, vốn có tham vọng làm cho phá thai trở thành một quyền căn bản, hiện thời là đối tượng gây áp lực lên Ủy ban Âu châu bởi các nghị viên Âu châu. Đây là điều rất nghiêm trọng bởi lẽ vấn đề phá thai không phải là thẩm quyền của Liên Hiệp Âu châu nhưng là thẩm quyền của các Quốc gia Thành viên và chế độ dân chủ chỉ gián tiếp đề cập đến một cách khách quan về điểm này bởi Ủy ban mà thôi.
Đã có những tiến bộ, chẳng hạn sự thành công của sáng kiến Âu châu về “One of us”, sự bác bỏ nghị quyết Estrela, dự luật của Tây ban nha nhằm hạn chế phá thai – nhưng những tiến bộ này cần phải được củng cố. Cũng còn có những những mối đe dọa mới cần phải chiến đấu chống lại, chẳng hạn như mưu toan muốn nới rộng việc phá thai tại Pháp hoặc muốn đưa nghị quyết Estrela trở lại Nghị Viện Âu châu. Không cần tranh luận gì nữa, vấn đề tôn trọng sự sống đang được Âu châu hóa. Khẩn thiết vấn đề này phải trở nên một chủ đề trong các cuộc bầu cử của Âu châu. Cả các chính khách lẫn truyền thông nước Pháp đều chưa vào cuộc; cả hai giới này đều còn đang không bước kịp các láng giềng của chúng ta ở Âu châu. Cuộc Tuần hành Bênh vực sự Sống 19 tháng Giêng này chính là cơ hội để loan truyền thông điệp là những vấn đề này sẽ là trọng tâm của các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo Le Mene, lý do thứ nhất phải vận động Kitô hữu chính là tính thời sự nóng bỏng tại Pháp, nơi một cuộc giải phóng về phá thai đang được thực hiện một cách ma mãnh và kín đáo bằng cách loại bỏ ý niệm đau buồn khi đã phá thai và bằng cách nới rộng sự vi phạm điều cấm kỵ này thành thông tin về phá thai. Nói ngắn gọn, việc phá thai là cho hết mọi người và chẳng ai nói gì được ! Đây sẽ là sự thừa nhận một quyền và chẳng bao lâu sẽ làm tổn hại nguyên tắc tôn trọng sự sống. Và khổ sở cho những ai đi cảnh báo về những hiểm nguy của sự phá thai, hoặc những ai cứ ra sức khuyên can những người muốn đặt những vấn đề này cho chính bản thân. Trong khi vị giáo sư luật khoa và cũng là nhà bảo hiến Bertrand Matthieu nhìn ra một cuộc biến động thực sự ở đây, thì không một ai trong chúng ta lại nói về điều đó cả.
Lý do thứ hai để chống lại cuộc cải cách về phá thai này là nó đã tạo nên một chuẩn mực vàng cho những gì mà mọi cuộc cải cách xã hội có thể đem ra so sánh. Bất cứ ai có thể trừ bỏ một đứa bé mình không mong muốn thì cũng có thể trừ bỏ một người già mình không mong muốn. Thật là vô ích khi than khóc những hậu quả mà người ta vẫn tiếp tục nâng niu những nguyên nhân. Phá thai là kỳ hạm của chủ trương an tử.
Lý do thứ ba của cuộc tuần hành này chính là bối cảnh Âu châu ngày nay đã thay đổi. Nói rằng người ta không thể đi trở lại những chủ đề của xã hội là một lời nói dối trá. Chính quyền Tây ban nha của Mariano Rajoy vừa thừa nhận, vào ngày 27/12 năm nay, một dự luật sẽ hạn chế số lần phá thai trong xứ này, đáng chú ý là dự luật muốn đặt một dấu chấm cho việc phá thai theo chủ trương ưu sinh.
Cũng theo Le Mene, chúng ta có thể xuống đường tuần hành như thể hành động chính trị là vô dụng, và hãy hành động theo cung cách chính trị như thể cuộc biểu tình này là chưa đủ. Cuộc biểu tình này là cuộc biểu tình đầu tiên của một loạt những cuộc biểu tình, nhưng hiển nhiên đây là cuộc biểu tình mang tính biểu trưng nhất. Chúng ta bác bỏ hành động áp đặt lên sự yên lặng về một sự nới rộng những điều kiện phá thai.
Cuộc Tuần hành Bênh vực Sự Sống, với những lá cờ Tây ban nha, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật , 19 tháng Giêng 2014 ( khởi hành từ Quảng trường Denfert-Rochereau lúc 2:00 chiều, cần phải đến sớm hơn dự kiến bởi vì chúng ta sẽ rất đông).
Cuộc “Tuần hành Bênh vực Sự Sống” này quy tụ hàng chục hiệp hội nâng đỡ các bà mẹ đang sầu khổ và bảo vệ sự sống từ khi kết thai cho đến khi chết tự nhiên. Cuộc Tuần hành mở ra cho mọi người , bất kể những khác biệt nguồn gốc, triết lý, chính kiến hoặc xác tín tôn giáo, đã từng diễn ra nhiều năm nay như là cuộc tuần hành hàng năm lớn nhất ở Âu châu nhằm bênh vực và tôn trọng sự sống.
Ông Le Mene còn cho biết;
“Một nhận thức sâu xa hơn rằng phá thai không thể nào chỉ là một vấn đề luân lý cá nhân hoặc chỉ là một thảm kịch của riêng ai đó. Phá thai mang lại những hậu quả tập thể rất lớn lao. Nó chính là một thứ vũ khí dân số học của những gì mà người ta đang thấy được những sự tàn phá, một sự thỏa hiệp bất lương làm méo mó y học và một sự bùng nổ pháp lý khiến cho chúng ta ra khỏi tình trạng luật pháp bởi vì luật pháp lại viết ra rằng : người ta có thể giết hại những kẻ yếu đuối nhất.
Antôn Uông Đại Bằng (tóm lược theo Zenit.org ngày 16/1/2014)