Xung đột trong Hôn Nhân
XUNG ĐỘT TRONG HÔN NHÂN Ngày 26.6.2008 tại lễ công bố điều tra quốc gia lần đầu tiên về gia đình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, viện trưởng viện nghiên cứu gia đình và giới nêu rõ: Năm 1994 có 22.000 vụ ly hôn, từ đó đến nay cứ 4 năm số vụ ly hôn tăng gấp đôi và tiếp tục tăng cao trung bình 60.000 vụ/năm! Thực ra đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn biết bao những vụ ly hôn thầm lặng ẩn dấu trong những gia đình Công giáo và không Công giáo vẫn hàng ngày hàng giờ làm xói mòn gia đình mà vì danh dự gia đình, vì tôn giáo, vì con cái, vì dư luận, vì ảnh hưởng dòng tộc, vì nghề nghiệp chức vụ, vì “không muốn vạch áo cho người xem lưng”… vợ chồng “bằng mặt chứ không bằng lòng”, vẫn luôn luôn là nguy cơ treo lơ lửng mà chưa thể hiện thực được bằng tờ giấy ly hôn. Tất cả những vụ ly hôn thực tế hoặc thầm lặng này đều là hậu quả của những cuộc xung đột từ thấp lên đến cao dai dẳng dồn nén giữa vợ chồng. 1/ Đâu là những xung đột? Các nhà nghiên cứu đều cho rằng trong hôn nhân có 2 thời kỳ nhiều rủi ro nhất một là 7 năm đầu khi kết hôn và thời gian dài sau kết hôn 16-20 năm. Thực ra xung đột trong hôn nhân là tất yếu, là bình thường, không thể tránh. Xung đột tự nó không có tính chất phá hoại vì xung đột chỉ có nghĩa là sự khác biệt, bất đồng, mâu thuẫn cần được giải quyết. Điều quan trọng là phải biết đối phó với xung đột; nếu xung đột không được giải quyết sẽ đưa đến cay đắng tủi hờn, giận dữ, căm thù thì đó chính là nguy cơ. Những bất đồng do sự khác biệt cá nhân và tính biệt lập của con người, đó là: bất đồng về việc chi tiêu, về trách nhiệm trong nhà, về tình dục, về việc chăm sóc dạy dỗ con cái, về thói quen lối sống, về cách hành xử… Bước vào đời sống hôn nhân, hai người đều khát khao yêu, được yêu và hạnh phúc. Nhưng khát khao càng lớn càng dễ bị tổn thương và thất vọng. Tâm lý muốn chiếm đoạt, muốn chiến thắng, muốn thay đổi, muốn kiểm soát người khác, kết quả là người bị thay đổi thì bất mãn và người muốn thay đổi mà không được càng bất bình, từ đó sẵn sàng cằn nhằn, chỉ trích, cáo buộc. Là “người nhà”, nên không cần phải lịch sự trong lời nói, ăn mặc, ứng xử, “thương nhau để trong lòng” nên không cần phải nói lời yêu thương trìu mến, mọi cái trong nhà đều quen thuộc nên không có gì để nói… Mặt khác, cuộc sống xã hội ngày nay lại tạo ra nhiều mâu thuẫn: vợ chồng cùng đi làm, cùng bị cuốn hút vào vòng quay thành đạt, kiếm tiền làm giàu, thăng tiến nghề nghiệp, người vợ có khi có học thức hơn, thu nhập cao hơn người chồng, thời gian vợ chồng gặp nhau rất ít. Người ta cảm thấy có thể sống tự lập, mỗi người muốn tạo một góc riêng tư cho riêng mình, cô đơn và dễ bị cuốn hút vào vòng xoáy ngoại tình. Tất cả những bất đồng trên lặp đi lặp lại hàng giờ hàng ngày trở thành những xung đột: từ những tiếng nặng tiếng nhẹ tới những cuộc cãi cọ gây stress cho nhau, bất an xẩy ra bất cứ lúc nào. Khi những xung đột lâu ngày dồn nén không được giải quyết, người ta có thể bắt đầu đối phó bằng sự im lặng, sự im lặng sẽ làm khoảng cách gia tăng, dần dà hai người ngồi ra xa hai hai đầu bàn mặt che bởi tờ báo. Sự xa cách âm thầm đến nỗi hai người giật mình khi thấy mình cách xa vạn dặm. Hôn nhân đã bắt đầu tan vỡ. Cũng có khi những xung đột không được giải quyết đưa tới sự hờn tủi cay đắng kéo dài làm phát sinh tức giận, ghét bỏ, căm thù. Hôn nhân suy yếu dần và tờ giấy ly hôn đã được nghĩ tới. 2/ Nguyên nhân? Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Minh các cặp vợ chồng ngày nay rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống đầy khó khăn và khác biệt này. Bản công bố điều tra quốc gia về gia đình cũng liệt kê những nguyên nhân đưa tới xung đột như sau: - Do mâu thuẫn về lối sống: 27.7% - Do ngoại tình: 25.9% - Do điều kiện kinh tế: 13% - Do bạo lực gia đình: 6.7% - Do sức khỏe: 2.2% - Do xa nhau lâu ngày: 1.3% Tiến sĩ Mango, chủ tịch viện tâm lý học St. Michael lại nhấn mạnh đến những lãnh vực gây khước từ tình yêu hôn nhân: - Do lòng ghen tỵ: Buồn giận mặc cảm vì mình không có, không bằng những phẩm chất của người đối ngẫu, từ đó phấn đấu một cách ích kỷ. - Do lòng kiêu căng: Đó là thái độ ngạo mạn, coi thường người khác, luôn cho mình là đúng, luôn đòi thay đổi, đòi kiểm soát người khác. - Do khác biệt về giới tính: Đó là những khác biệt về tâm sinh lý, không hiểu và không chịu hiểu nhau. 3/ Đâu là giải pháp? Giải pháp trên hết và trước hết là hai người cần có thiện chí xây dựng hạnh phúc gia đình, yêu thương và làm tròn trách nhiệm đối với con cái mà Chúa đã trao phó. Cần đối diện và giải quyết những khác biệt, những thương tổn trong quá khứ đến kỳ cùng bằng sự chân thật, tình yêu thương cởi mở trước khi trở thành sự cay đắng, giận dữ, căm thù. Hơn lúc nào hết, lúc này đòi hỏi sự đối thoại, dẹp bỏ cái tôi để lắng nghe và hiểu nhau. Luôn ý thức rằng người yêu có đời sống riêng tư và trao tặng ta đời sống ấy, đôi vợ chồng là ân sủng cho nhau và cho Giáo hội. Đức Gioan Phaolô II nói: “Gia đình là cung thánh của sự sống”. Hãy yêu thương người bạn mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Không giải quyết những xung đột, những cảm xúc ghét bỏ xuất hiện. Hôn nhân bắt đầu suy yếu khi vợ chồng không đối phó với những cảm xúc ghét bỏ giận dữ này. Đây là lúc cần sự tha thứ và sẵn sàng nhận tha thứ mặc dù tha thứ có giới hạn. Hãy nghĩ đến hậu quả tích cực của sự tha thứ và hậu quả tiêu cực của sự không tha thứ. Hãy kiểm soát sự giận dữ và ngưng ngay giận dữ, đổ lỗi cho người khác. Hãy chận đứng ngay những ghét bỏ giận dữ để lòng căm thù không thể xảy ra. Hãy nhớ những lời thề hứa khi chịu phép hôn phối. Chúng ta đã yêu nhau để đi đến hôn nhân thì tại sao lại đạp đổ. Hãy nghĩ rằng anh ấy đã chọn tôi, chúng ta không phải lựa chọn gì nữa vì chỉ có một cuộc đời. Mọi người đều có sự khác biệt, tất cả những toan tính thay đổi người khác, kiểm soát người khác đều thất bại. Cần thay đổi chính mình hơn là thay đổi người khác. Nên nhớ rằng vợ chồng cương quyết không nhượng bộ, ai cũng muốn thắng, thực thế cả hai đều thua. Nếu hạnh phúc của một người là được làm theo ý mình muốn và “không gì quý hơn độc lập tự do” thì tại sao ta lại cứ phải khống chế người khác theo ý mình mà không chấp nhận thăng tiến ước muốn của người bạn đời. Hôn nhân là một ơn gọi, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, cần phải được bảo vệ giữ gìn bằng bất cứ giá nào. 4/ Chúng ta có thể làm được gì? Tiến sĩ Mango, chủ tịch viện tâm lý học St. Michael nói: “Hôn nhân là một ơn gọi phổ thông khó khăn nhất”. Do vậy các đôi vợ chồng cần được giúp đỡ và luôn cần sự điều chỉnh đừng để quá muộn. Dạy giáo lý hôn nhân là ngoài việc dạy cho đôi tân hôn về giáo lý, về hôn nhân là một bí tích, họ còn cần được giáo dục về lương tâm, về nhân cách, kỹ năng sống, về cách giao tiếp ứng xử trước những tình huống trong hôn nhân, biết cách đối thoại và giải quyết những xung đột theo tinh thần Phúc Âm. Trong Familiaris Consortio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu rõ trách nhiệm giáo dục hôn nhân nơi Đức Giám Mục địa phận“Trách nhiệm cá nhân chính yếu trong giáo phận về vấn đề mục vụ gia đình là Đức Giám Mục”, nơi Cha xứ “Linh mục phải hỗ trợ gia đình trong lúc khó khăn và đau khổ”, nơi những giáo dân tình nguyện “Các vợ chồng trẻ phải sẵn sàng học hỏi và biết cách sinh lợi ích từ những điều khôn ngoan, sự đối xử khéo léo và sự giúp đỡ rộng lượng được cung ứng bởi các đôi vợ chồng có kinh nghiệm về hôn nhân và đời sống gia đình”. Tiếc thay hầu hết các đôi vợ chồng mới chỉ được học giáo lý hôn nhân để chuẩn bị lãnh bí tích vài tháng trước kết hôn, bên cạnh những lo toan áo cưới, lễ cưới, đám cưới… Đôi khi việc giáo dục hôn nhân ngắn ngủi này lại được khoán trắng cho một giáo lý viên chưa qua đào tạo. Thực ra hôn nhân là một tiến trình liên tục, chúng ta cần phải giúp đỡ các đôi vợ chồng ở các giai đoạn khác nhau trong hành trình ơn gọi đó. Cụ thể theo các nhà tâm lý giáo dục là cần có 5 giai đoạn: - Giai đoạn giáo dục từ xa: Khi con cái còn niên thiếu chứng kiến hôn nhân của cha mẹ. - Giai đoạn giáo dục gần: Khi chúng trở thành những thanh niên bắt đầu biết về tính dục. - Giai đoạn giáo dục vài tháng trước đám cưới: chuẩn bị đôi bạn thực sự buớc vào đời sống hôn nhân. - Giai đoạn thăng tiến hôn nhân: Canh tân và thăng hoa mối tương giao vợ chồng. - Giai đoạn can thiệp hôn nhân: Giúp giải quyết những xung đột giữa vợ chồng. Có những lúc chúng ta không hài lòng về việc các bậc cha mẹ đi lễ không vào nhà thờ, dự lễ nửa chừng, không quan tâm sắp xếp thúc giục con cái đi học giáo lý, nhiều tật xấu, tệ nạn ảnh hưởng tai hại đến con cái… Suy cho cùng cũng chính là do các đôi vợ chồng không được giáo dục hôn nhân đến nơi đến chôn. Gia đình là Hội thánh tại gia, là Hội thánh tham gia, là Hội thánh thu nhỏ, tất nhiên sự đổ vỡ của gia đình sẽ là thảm họa cho Giáo hội và xã hội. Giuse Nguyễn Đình Phấn (gplongxuyen.net) Tham khảo: - Tông huấn Familiaris Consortio. - www.nguoitinhuu.com - Nhật báo Tuổi trẻ ngày 27.6.2008 |