Ánh sáng đức tin trong đời sống Hôn Nhân Gia Đình

Ánh sáng đức tin trong đời sống Hôn Nhân Gia Đình

Là Ki-tô hữu, chúng ta luôn xác tín rằng hôn nhân Công giáo là một sứ mệnh và ơn gọi mà Thiên Chúa  muốn trao ban cho mỗi người trong chúng ta. Chính Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích hôn phối đồng thời Ngài mạc khải ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình. Về điều này, Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn “về những bổn phận của gia đình Kitô hữu (FC)” đã chỉ rõ như sau:

- Hôn nhân gia đình là một điều thiện hảo quý giá. “Nhờ đức tin soi sáng, một lần nữa Hội thánh biết được tất cả sự thật về điều thiện hảo quý giá là hôn nhân và gia đình, và về ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại ấy...Được Thiên Chúa thiết định từ hồi sáng thế (x.St 1-2), hôn nhân và gia đình tự bản chất đã nhất thiết phải được hoàn tất trong Chúa Kitô (x.Êp 5) và cần có ân sủng của Ngài để được chữa lành vết thương tội lỗi (x.HC MV 47; Tông thư Appropinquat jam 15-8-1980; AAS 72, 1980, trang 791) và được đưa về ‘tình trạng nguyên thủy’ (x.Mt 19,4), nghĩa là nhận biết trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa” (x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn FC, số 3).

- Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người (x.St 1,26-27). Khi vì yêu mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1 Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người cũng đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị . Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (x.HC MV 12). Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người” (x. Đức thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn FC, số 11).

- Một sự hiệp thông bất khả phân ly. “Đối với đôi bạn Kitô hữu, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: ‘Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly’ (Mt 19,6) ” (x. Đức thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn FC, số 20).

- Sẵn sàng cảnh giác mối nguy cơ phá vỡ sự hiệp thông trong gia đình. “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. Đức thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn FC số 21).

Quả vậy, tình yêu chân chính, lòng quảng đại, sự bao dung, tinh thần trách nhiệm, sự chung thủy...luôn là những điều kiện cần thiết bảo đảm cho một cuộc hôn nhân lâu bền, hạnh phúc. Các sự tan vỡ trong hôn nhân xét cho cùng cũng là vì người ta sống ích kỷ, thiếu nền tảng đạo đức, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự tôn trọng và không sẵn sàng hợp tác cởi mở với nhau.

Người Kitô hữu trưởng thành luôn biết bảo vệ và trân trọng hôn nhân của mình như một ơn huệ và ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Họ vui mừng hãnh diện vì được cộng tác và chia sẻ công việc của Thiên Chúa. Họ được nên thánh, được góp phần xây dựng và phát triển những “Hội thánh tại gia” là những gia đình đạo đức, hạnh phúc đích thực, họ loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng đời sống chứng tá sáng chói và nổi bật.

Về điều này, chính Công Đồng Vat. II đã nêu rõ: “Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau, và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý ” (x. Vat II, HC Tín lý về GH, Ch. IV Giáo dân, số 35).

Bên cạnh đó, trong thư mục vụ năm 2002 chủ đề “Thánh hóa gia đình” HĐGMVN cũng đã nhận định: “Dẫu cho có những bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình, nhưng các Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các gia đình Kitô hữu trở nên tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba”.

Tóm lại, dưới ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa và những chỉ dạy của Hội thánh, chúng ta xác tín về ơn gọi và sứ mệnh của mình, với một lòng tin mãnh liệt về sự hiện diện của Chúa và sự trợ giúp của ơn thánh nhờ đó chúng ta có thể chu toàn một cách trọn hảo những bổn phận hôn nhân gia đình của mình. Noi gương Đức Ma-ri-a, Đấng đã nói xin vâng trong ngày truyền tin, chúng ta vâng phục đón nhận ơn huệ và ơn gọi riêng của đấng bậc mình vì lòng mến đối với Thiên Chúa, vì hạnh phúc tha nhân và vì ơn cứu rỗi cho mọi người từ trong gia đình, nơi xóm lòng ra bên ngoài xã hội./.   

Aug. Trần Cao Khải