PHÂN BIỆT RÕ RÀNG GIỮA KHUYNH HƯỚNG VÀ HÀNH VI ĐỒNG TÍNH

PHÂN BIỆT RÕ RÀNG GIỮA KHUYNH HƯỚNG VÀ HÀNH VI ĐỒNG TÍNH

PHÂN BIỆT RÕ RÀNG GIỮA KHUYNH HƯỚNG VÀ HÀNH VI ĐỒNG TÍNH

 

Tác giả: HEATHER GALLAGHER và PETER VLAHUTIN

Chuyển ngữ: Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn - Gioan Lê Quang Vinh

Trích từ: "A Case for Chastity"

❃❃❃


❈ Tôi không thể làm gì được, chỉ vì tôi là như thế

Chương này có thể tóm gọn trong một câu: Trong khi con người là những “động vật” (theo phân loại sinh học), họ lại không phải là “động vật” (xét về hành vi). Tôi, Peter, không nhớ nhiều về những gì đã học trong lớp sinh vật vào năm thứ hai đại học – đó là một trong những môn tôi không ưa thích – nhưng tôi nhớ rằng mình đã học được một điều, là biết phân biệt con người khác các động vật khác, đó là khả năng lý luận cao hơn. Trong chương này, tôi sẽ tập trung vào hai yếu tố của khả năng lý luận cao hơn này, đó là phán đoán và khả năng biết tự chủ. Cả hai phẩm chất này đều quan trọng cần cho việc hiểu biết giáo huấn của Giáo Hội về tính dục và sự cuốn hút đồng tính.
Có phán đoán tốt là một trong những dấu hiệu chính yếu cho thấy một con người chín chắn. Đó là khả năng xem xét một tình huống, phân tích các chọn lựa và biết chọn điều tốt nhất. Một người không thể hành động như một kẻ có trách nhiệm nếu họ không có khả năng này. Có thể một người sống mà vẫn cứ thường xuyên có những phán đoán sai lầm, nhưng những người như thế, tôi nghĩ có lẽ là rất đáng thương. Thế nhưng, chúng ta không thể không phán đoán. Các sinh viên của tôi thường nổi giận khi tôi bảo họ là họ không thể tránh phán đoán đâu.
Điều mà hầu như mọi người muốn nói khi họ bảo chúng ta không nên phán đoán có nghĩa là chúng ta không nên xét đoán người khác về luân lý. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Các con đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1). Tôi tin chắc là Chúa Giêsu không bảo chúng ta đừng nên đánh giá cao một hành vi tốt hơn, tử tế hơn và đầy yêu thương hơn một hành vi khác. Đúng hơn Người bảo đừng kết án người khác vì hành động của họ. Người không bảo rằng chúng ta không nên đánh giá hành động của họ có tốt hay không. Về mặt luân lý, chúng ta chỉ có thể đánh giá hành vi tốt hay xấu, nhưng chúng ta không phán xét người khác. Vai trò phán xét thuộc về một mình Thiên Chúa.
Một số người thú nhận họ không hề phán đoán khi bắt gặp các ý tưởng hay các giá trị. Điều ấy có nghĩa là tất cả các ý tưởng và giá trị đều có phẩm chất và đáng giá như nhau. (Thật nghịch lý vì điều này tự nó cũng là một phán đoán). Tôi đang nói về điều trái ngược lại. Dấu hiệu của một người trưởng thành là khả năng phân định ý tưởng và giá trị nào đáng giá và cái nào là rác rưởi.
Dấu hiệu thứ hai cho thấy một người trưởng thành là khả năng biết tự chủ. Đây là khả năng biết kiềm chế không thực hiện mọi điều thôi thúc xuất hiện trong tâm trí và thân xác mình. Đặc tính này cho thấy sự khác biệt giữa phần đông người lớn và trẻ con. Thật đáng buồn vì nhiều người lớn không có khả năng này. Tôi giả định là nhiều bạn trẻ muốn trở thành những người lớn, trưởng thành, vậy điều quan trọng là họ phải phát triển đức tính tự chủ này.


❈ Hấp lực tình dục không phải là một hành vi
Có sự khác biệt rõ rệt giữa hấp lực tình dục và hành vi tình dục. Chúng ta là người, không buộc phải hành động theo mọi ý nghĩ và sự hấp dẫn tình dục có ở nơi mình. Khi tôi lấy vợ, tôi không hứa rằng tôi sẽ không bao giờ bị lôi cuốn về tình dục với bất cứ người nào khác. Điều tôi hứa là tôi sẽ không bao giờ hành động theo sự lôi cuốn về một người nào khác. Kết  luận này dẫn đến hai hệ quả hợp lý.
Điều thứ nhất, chúng ta là những người có tính dục nhưng có thể không quan hệ tình dục. Không ai chối cãi rằng tính dục của chúng ta là một phần của bản tính con người. Vâng, một số người cố từ chối tính dục của họ, nhưng xét theo tâm lý, những người đó không lành mạnh và có lẽ bị ức chế. Bộ máy sinh dục của chúng ta, những cơ quan thể lý thuộc về tính dục, không đồng nhất với tính dục của chúng ta vốn có tính nhân bản.
Thường thì việc diễn tả tính dục được định nghĩa như là hành động của cơ quan sinh dục và chỉ là hành động của cơ quan sinh dục mà thôi. Tuy nhiên, tính dục lại được diễn tả nhiều cách khác nhau, và giao hợp là một trong những cách ấy. Không quan hệ tình dục thường xuyên hoặc thậm chí không bao giờ quan hệ tình dục thì cũng không trái ngược với bản tính tình dục của chúng ta. Đúng hơn, điều đó có ý nghĩa là chúng ta chỉ thực hành tự chủ, không hành động theo mọi ý nghĩ hay sự lôi cuốn tình dục. Điều này diễn tả tính dục của chúng ta như là một món quà chỉ dành cho tình yêu có cam kết mà thôi. Điều này rất quan trọng bởi vì nhiều người – có lẽ ngay cả các bậc phụ huynh – cho rằng các bạn tuổi mới lớn có quan hệ tình dục vì họ nghĩ các bạn ở tuổi này không có khả năng tự chủ. Cá nhân tôi cũng biết rất nhiều bạn tuổi mới lớn nghĩ rất tiêu cực về chính mình. Hẳn là một số bạn tuổi mới lớn không chứng tỏ được mình biết tự chủ, nhưng cũng có nhiều bạn khác làm được.
Điều thứ hai, chúng ta có khuynh hướng tình dục nhưng không quan hệ tình dục. Khuynh hướng tình dục của chúng ta nói lên chúng ta bị hấp dẫn bởi ai và loại người nào, đó là một phần thuộc tính dục của mình. Như tôi đã trình bày, điều này có thể được diễn tả qua nhiều cách thức chứ không chỉ qua hành vi sinh lý. Sự phân biệt này là điểm mấu chốt để hiểu được giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái, và giáo huấn đó trái ngược với những gì mà nền văn hóa và xã hội nói với chúng ta hầu như mỗi ngày.


❈ Hành vi đồng tính
Ước muốn kết hợp tình dục của người đồng tính là không lành mạnh bởi vì những ước muốn ấy sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy dù đã được thực hiện. Trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa, căn cước giới của chúng ta xuất phát từ sinh học cơ thể: chúng ta là nam hay là nữ. Như thế, chúng ta được kêu gọi để “bổ túc” cho nhau, về mặt thể lý cũng như những mặt khác nữa. Mặc dù có một số người (như linh mục, nam nữ tu sĩ và những người sống độc thân) sẵn sàng từ bỏ khuynh hướng tự nhiên kết hợp hoàn toàn với một người khác1, nhưng về mặt sinh học, chúng ta được hoạch định để “kết hợp” hài hòa với một người khác phái. Người nam trao tặng khi đã hưng phấn, người nữ sẵn sàng để đón nhận. Điều ấy thật đẹp và hoàn hảo. Bất cứ điều gì kém cỏi hơn đều nằm ngoài kế hoạch kết hợp của Thiên Chúa dành cho đôi bạn. Một kết hợp đồng tính, dù được gọi là “kết hôn”, vẫn không bao giờ trọn vẹn theo cách này.


❈ Hấp dẫn đồng tính
Hấp lực đồng tính tự nó không phi luân lý. Giáo hội Công giáo không phân biệt đối xử với người có khuynh hướng này. Giáo Hội xem mọi người, bất kể thuộc khuynh hướng tình dục nào, đều có chung chuẩn mực luân lý tính dục như nhau. Điều ấy có nghĩa là mục đích và vai trò của tình dục không thay đổi theo khuynh hướng của con người. Tình dục có một chỗ thích hợp nhất là trong hôn nhân, bí tích giữa một người nam và một người nữ. Dù chúng ta có khuynh hướng đồng tính hay tình dục khác giới bình thường, chúng ta đều được mời gọi để sống trong sạch, đó là tôn trọng dục tính của chúng ta và chỉ sinh hoạt tình dục trong hôn nhân mà thôi.
Có nhiều người tuyên bố rằng sự hấp dẫn đồng tính hoàn toàn là hiện tượng thuộc di truyền, giống như màu mắt hay việc sử dụng tay trái2. Điều đó có nghĩa là không thể giúp gì được cho những người ấy và vì thế việc thực hành thuận theo hấp dẫn ấy là chấp nhận được, hoặc hợp luân lý. Mặc dù nhiều người hoàn toàn tin tưởng như vậy, nhưng vẫn không có bằng chứng rõ ràng ủng hộ sự kiện đồng tính là di truyền theo kiểu này3. Ngay cả trong trường hợp sự hấp dẫn đồng tính của một người là hoàn toàn do di truyền, thì đó cũng chẳng phải là cái cớ để hành động theo sức hấp dẫn đó. Bằng những cách khác nhau, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ hành xử nghèo nàn bất kể chúng ta thuộc loại khuynh hướng tình dục nào. Chẳng hạn Heather có thể không bao giờ kết hôn, nhưng vẫn được phái nam cuốn hút mạnh mẽ. Nếu Thiên Chúa không kêu gọi cô ấy kết hôn thì lực hấp dẫn ấy sẽ trở thành thập giá mà cô phải vác suốt đời. Nhưng lực hấp dẫn ấy lại rất xứng đáng với tình yêu chân thật, là tình yêu mà xét cho cùng muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người.
Trong hơn bốn mươi năm qua, nền văn hóa của chúng ta đã phát triển một thái độ “bất cần” giới tính. Những hình ảnh trước kia chỉ có trong phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi bây giờ được chiếu nhan nhản trong một số kênh truyền hình thương mại. Trong một bầu khí xã hội như thế, quan hệ đồng tính không chỉ trở thành hành vi chấp nhận được nhưng còn được dung túng nữa. Những người không chấp nhận hành vi đồng tính này đã bị người ta gọi là thiếu bao dung, thành kiến, bảo thủ cực đoan và thậm chí còn bị gọi là kỳ thị người đồng tính. Quả thật, một số người chống đối đồng tính đối xử kém cỏi với người khác. Nhưng những người chống đối đồng tính có thể họ chống đối hành vi, giống như chống đối việc sử dụng ma túy, hơn chống đối tính cách hay phẩm chất cá nhân, giống như kỳ thị chủng tộc hay kỳ thị giới tính.
Đồng thời, nền văn hóa của chúng ta đã chấp nhận chủ nghĩa duy tương đối về luân lý. Quan điểm duy tương đối về luân lý phủ nhận sự thật khách quan, và cho rằng chỉ có thể quyết định đúng hay sai trong từng hoàn cảnh người ta thực hiện hành vi, tình huống, và vô số những yếu tố xã hội và cá nhân khác nữa. Dù cuốn sách này không nghiên cứu sâu về quan điểm duy tương đối về luân lý, nhưng chúng ta có thể nhận biết rằng quan điểm duy tương đối về luân lý ấy có ảnh hưởng đến cách nhìn xã hội về tình dục. Điều khó khăn cho những người theo quan điểm duy tương đối về luân lý là  thực sự có những chuẩn mực khách quan cho hành vi của chúng ta. Bạn có thể nghĩ ra một tình huống nào mà việc cưỡng hiếp có thể được chấp nhận về mặt luân lý không? Tôi thì không thể nào nghĩ ra được. Nếu các chuẩn mực khách quan vẫn có đó, thì chúng ta có thể áp dụng các chuẩn mực ấy vào hành vi (của chúng ta và của người khác) và phán đoán một cách thích hợp hành vi nào là phù hợp luân lý và hành vi nào trái luân lý.
Thật là sai khi ta không khoan dung với người khác, ghét bỏ họ và khép kín không yêu thương những người khác biệt với chúng ta. Nhưng ta không sai lầm khi đánh giá một hành vi là không thể chấp nhận hoặc phi luân. Không hề sai lầm khi nhìn một hành vi và phán đoán hành vi đó không lành mạnh. Và cũng không sai khi nói rằng một hành vi đối với tôi là phi luân thì đối với bạn nó cũng phi luân.
Chúng tôi có biết và yêu mến nhiều người đang chọn lối sống đồng tính. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng sự bình an, tự do và tình yêu thật phát xuất từ kế hoạch của Thiên Chúa muốn chúng ta được nên thành toàn viên mãn. Đối với những người phải chiến đấu với những hấp lực đồng tính để sống trong sạch, xin lắng nghe thông điệp này từ Đức Hồng y Francis George, Tổng Giám mục Chicago, đưa ra trong bài diễn văn trước Hiệp hội Quốc gia về Mục vụ của giáo phận Công giáo cho người đồng tính nam nữ:
Với ơn Chúa, mọi người đều có thể sống đời sống thanh khiết, kể cả những người đã từng trải qua kinh nghiệm bị lôi cuốn đồng tính. Phủ nhận sự thật quyền năng của ơn Chúa có thể làm cho những người có khuynh hướng đồng tính sống trong sạch trong thực tế là phủ nhận rằng Chúa Giêsu đã không Phục sinh từ trong kẻ chết4.
Có những nguồn tài liệu cũng như những tổ chức sẵn sàng trợ giúp những người có khuynh hướng đồng tính tìm cách sống trong sạch (Xin xem danh mục một số tài liệu và tổ chức ở Phụ lục A, trang 243). 
Khi Andy học ở trường cấp 2, một số học sinh cấp 3 trong khu xóm kết bạn với anh. Ở trường, Andy thường bị bạn bè chế giễu, lại được chấp nhận nơi nhóm các chàng trai trong xóm này. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau những người bạn của Andy đưa anh đến với lối sống đồng tính. Vì trải qua những chuyện này nên Andy bắt đầu nghĩ mình là chàng trai đồng tính và trở thành mục tiêu hấp dẫn đồng tính cho các chàng trai kia. Trong khi học năm thứ ba ở trường đại học thì Andy bắt đầu thực hành sống trong sạch, tiết chế tình dục và những cuộc gặp gỡ có tình dục. Để chọn sống trong sạch, Andy bắt đầu tìm kiếm một số lý do giải thích thái độ của mình, và anh tìm đến tham vấn để giúp anh giải quyết những tổn thương và bị loại trừ vốn là nguồn gốc của các hành vi không lành mạnh của anh.
Hơn bất cứ vấn đề về luân lý nào khác, vấn đề đồng tính cần được xử lý khéo léo tế nhị. Người ta rất khó để nghe câu: “Tôi chấp nhận bạn, nhưng tôi không chấp nhận hành vi của bạn”. Nhiều người đã tin rằng đón nhận tôi có nghĩa là đón nhận hành vi của tôi. Trong Tin Mừng, những người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,2-11). Người ta đã đề cập nhiều khía cạnh của câu chuyện này, nhưng tôi chỉ xin nói lên hai điều. Thứ nhất, Chúa Giêsu quan tâm đến người phụ nữ này và tỏ ra cho bà thấy Người tôn trọng và yêu mến bà rất nhiều. Người thật sự đón nhận bà. Thứ hai, Người gọi hành vi của bà là tội lỗi. Đôi khi chúng ta thật sự tốt ở một khía cạnh trong hành vi của mình mà lại không tốt ở khía cạnh khác.
Giáo huấn của Giáo Hội về nhiều lĩnh vực rất khó khăn vì các giáo huấn ấy đi ngược với những gì mà xã hội và văn hóa nói với chúng ta. Thật là một thách thức khi ủng hộ và sống những lý tưởng thật sự trái ngược với văn hóa. Tuy nhiên, nhận ra sự khác biệt giữa các khao khát tình dục và các hành vi tình dục sẽ cho ta sức mạnh để dấn thân sống trong sạch, hoàn toàn tôn trọng tính dục của mình.

 

1. Mặc dù chúng ta đã không động chạm sâu sắc đến nó, nhưng đây là nơi mà giáo huấn của Giáo Hội về sự độc thân có ý nghĩa. Ước muốn tự nhiên của chúng ta về sự hiệp nhất nên một phản chiếu việc kết hiệp với Thiên Chúa, điều mà chúng ta được mời gọi qua Bí tích Rửa tội. Một số người được gọi bỏ qua giai đoạn phản chiếu này và đi thẳng đến sự kết hiệp với Thiên Chúa. Các linh mục và tu sĩ sống sự kết hiệp với Thiên Chúa mà hôn nhân nhắm đến. Cả hai khía cạnh đều là những hiểu biết lành mạnh về tính dục và mục đích của tính dục trong linh đạo của chúng ta.

 2. Một ảnh hưởng di truyền khác nhau sẽ có khuynh hướng ảnh hưởng đến hành vi, đôi khi đối với tình trạng nghiện rượu chẳng hạn. Những người nghiện rượu trong các gia đình không bị quy tội nghiện ngập, nhưng có thể họ có khuynh hướng mạnh về hành vi hơn là những người không có ảnh hưởng di truyền.

 3. Hiệp hội Y khoa Công giáo. “Đồng Tính và Niềm Hy Vọng” (cathmed.org/publications/homosexuality.html).

  4. Đã dẫn, trong  “Đồng Tính và Niềm Hy Vọng”.

Xem những bài trước:

Bài 2: CẢM NGHIỆM TÌNH YÊU CHÂN THẬT

Bài 1:  KHÁM PHÁ NHỮNG HẬU QUẢ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI CỦA VIỆC QUAN HỆ TÌNH DỤC