Từ gia đình bước ra biển lớn

Từ gia đình bước ra biển lớn

 

TỪ GIA ĐÌNH BƯỚC RA BIỂN LỚN
 
Trong mọi thời đại, làm cha mẹ luôn là một công việc lớn lao đòi hỏi nhiều công sức. Thời đại kỹ thuật số ngày nay đã hình thành một lối sống mới, khiến cho vai trò làm cha mẹ gặp nhiều vấn đề cùng với sự cáu giận và không ít những thách đố mang tính thời cuộc.

Với kinh nghiệm của ông bà để lại và với bản năng làm cha mẹ tự nhiên, các bậc phụ huynh ngày nay sẽ khó có thể nắm bắt được những biến đổi tâm lý phức tạp, khó lường của trẻ. Do đó, để đồng hành và theo kịp sự phát triển nhận thức của con cái, để việc dạy trẻ không là một gánh nặng và không bị kẹt trong những “trận chiến” bất phân thắng bại, đòi buộc các bậc phụ huynh phải học hỏi để nâng cao trình độ và kỹ năng làm cha mẹ.

Trò chuyện với con cái thường nhật, là một trong những việc đòi hỏi lắm sự kiên nhẫn và nhiều thời gian. Giao tiếp với trẻ con một cách đúng đắn và tích cực, có thể cho chúng ta cơ hội để thay đổi cả một thế hệ.

Chiều thứ 7, ngày 29.05.2010, TTMV TGP SÀI GÒN đã mời anh Lê Duy Quang – chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược – thuyết trình (TT) đề tài “ Giao tiếp bằng ngôn ngữ tích cực với trẻ”.

Theo dự tính, Ban Tổ Chức Chương Trình Cuối Tuần (CTCT) muốn xây dựng Chuyên Đề (CD) theo tiến trình làm người, khởi sự từ trứng nước cho đến khi con người giã từ cuộc sống này. CD 09 “Bóng Cả và Hạt Nắng Tuổi Thơ” vẫn còn nằm trong đề tài trẻ em. Phải chăng vì thế mà anh Lê Duy Quang đã có ý co cụm đề tài này trong phạm vi gia đình?

Từ góc độ của mình, tôi cảm nhận những gì anh trình bày và chia sẻ, bằng lửa nhiệt tình, bằng lòng sốt mến, đã vượt khỏi tầm mái nhà và có một giá trị thiết thực, ý nghĩa trong phạm vi xã hội và thế giới. Nội dung chương trình rất thực tế, cụ thể, có thể áp dụng ngay trong các mối tương quan thường nhật. Rất tiếc là nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội để có dịp cảm nhận và chia sẻ.

Việc giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ tích cực, ngay từ những tháng năm đầu đời, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nhân cách sau này của trẻ. Tuy nhiên, có một loại ngôn ngữ không lời (hay còn gọi là “phi ngôn ngữ”) có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến tính cách của trẻ, đó là môi trường, là ánh mắt, nụ cười, là những cử chỉ yêu thương mà cha mẹ thể hiện, là cách cha mẹ sống, là lối sống của những người trẻ gần gũi, tiếp xúc hằng ngày…Trẻ có thói quen bắt chước những gì đã hấp thụ từ môi trường.

Trong giao tiếp với con cái, người lớn thường lấy kiến thức và kinh nghiệmcủa mình làm quy chuẩn để nhận xét và đánh giá. Điều này sẽ giết chết tính sáng tạo của trẻ và làm cho chúng trở nên phục tùng một cách thụ động và máy móc.

Người lớn quen miệng sử dụng cách nói từ trong tiềm thức của mình để giao tiếp với trẻ, mà không nhận thức được đa số những lời thốt ra mang tính tiêu cực, và vô cùng ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ mai sau.

Các bậc phụ huynh thường mất kiên nhẫn khi thấy trẻ có xu hướng làm ngược lại những điều mình nói. Thực chất, đó không phải luôn là một hành động thách thức như chúng ta vẫn thường nghĩ. Đôi khi trẻ không hiểu cần phải làm gì để thực hiện các yêu cầu của người lớn. Có thể là do người lớn diễn đạt ý muốn không rõ ràng, cũng có thể là vì trẻ không hiểu ngôn ngữ mà người lớn sử dụng, nhất là với những từ phủ định như: “đừng”, “không”,… Hoặc có khi lại là do trẻ không chấp nhận những gì chúng được dạy bảo bằng lời, nhưng mâu thuẫn với những gì chúng trải nghiệm trong đời sống thường ngày…

Trên thực tế, việc con trẻ thiếu kỷ luật phần nhiều là do người lớn. Với tâm lý thương con nên thông cảm, suy nghĩ cứ từ từ mà dạy, lý luận theo kiểu con mình còn nhỏ... khiến nhiều cha mẹ lần lữa trong việc rèn luyện tính kỷ luật cho con cái. Trẻ khó có thể tuân thủ những yêu cầu khắt khe hơn, nếu không thực hiện những hành vi và thói quen đơn giản trong đời sống thường nhật như: ăn uống đúng, chế độ sinh hoạt giờ nào việc nấy, đánh răng trước khi ngủ, xếp mùng mền khi thức dậy...

Không chỉ bằng lời nói và qua những hành động cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ phải làm gương để con cái nhận thức rằng việc tuân thủ kỷ luật là điều cần thiết trong cuộc sống và tạo môi trường để trẻ thực hành. Theo các nghiên cứu khoa học, đa số hoạt động cơ thể con người bị chi phối bởi tiềm thức. Tiềm thức ghi nhớ một cách vô thức tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời của chúng ta và bị tác động bởi nhận thức. Do đó, môi trường là yếu tố then chốt để có một nhận thức đúng, dẫn đến tiềm thức và hành vi tốt.

Trong mắt trẻ, cha mẹ là quan trọng và có quyền lực tối thượng. Trẻ tin và ghi nhận vào tâm trí những lời “phán xét” của cha mẹ. Làm sao một đứa trẻ có thể xây dựng được lòng tự tin, khi ta luôn nói với chúng những lời mạt sát như: “Đồ vô tích sự!”, “Sao mày ngu quá vậy?”. Làm sao ta có thể mong chờ sự tinh tế và nhạy cảm của trẻ, khi sự la hét và mắng nhiếc của người lớn đã làm tổn thương tình cảm và lòng tự trọng của chúng? Có phải chúng ta đang đòi hỏi ở trẻ những chuẩn mực mà chúng ta ao ước có được, nhưng không là cái mà chúng ta thực sự sống và dạy con trẻ sống như thế?

Quý vị sẽ nói câu tích cực nào với trẻ, thay cho những câu quen thuộc như: “Con sai rồi!”, “Con hư quá!”, “Con làm ba thất vọng quá!”?

Khi diễn giả yêu cầu thực hành chuyển đổi những câu nói mang tính tiêu cực với trẻ, sang tích cực, không ít khán giả trong buổi TT chiều thứ 7 vừa qua - những người rất tâm huyết với vấn đề giáo dục - lại tỏ ra khá lúng túng. Điều này gây cho bản thân tôi không ít suy nghĩ. Hình như người lớn chúng ta thường khó nói lời tích cực? Chúng ta coi thường đời sống tâm lý của trẻ, đánh giá thấp và thiếu lòng tôn trọng, cho rằng trẻ con không cảm nhận bị xúc phạm với cách đối xử và những ngôn từ thô bạo? Người lớn thiếu kiên nhẫn, thiếu kiềm chế bản thân, không để tâm suy nghĩ trước khi nói? Có phải chúng ta đang làm hư hại cả một thế hệ trẻ với những thói quen và sự vô tình của mình? Có phải chúng ta dạy trẻ theo nền giáo dục phiến diện mà chúng ta thừa hưởng trước đó, và tạo nên các thế hệ nối tiếp nhau trong một vòng xoay không lối thoát?...

Từ gia đình bước ra thế giới bên ngoài là con đường mà đa số mỗi người chúng ta đều bước đi trong tiến trình trưởng thành và hội nhập vào đời sống xã hội. Dù hiện diện bất kỳ nơi đâu và dù sống với bất cứ ơn gọi nào, sau lưng mỗi người chúng ta đều có bóng dáng một gia đình.

Chúng ta đi vào đời với mớ hành trang tích luỹ, gói ghém và cảm thụ được từ thưở ấu thơ, chúng ta chia sẻ với tha nhân những gì mình có trong trái tim. Kinh qua những trải nghiệm của cuộc sống, không ít lần chúng ta phải bỏ bớt nhiều thứ trong túi hành trang của mình, và cũng không hiếm lần chúng ta học hỏi và thu nhặt những giá trị quý giá, trong tương quan với người khác và với bản thân.

Cuộc sống đương đại ngày nay như cuốn ta vào những cuộc đua đường dài, luôn tăng tốc đuổi theo thời gian và những dự phóng của mình. Ngồi sau tay lái trong những vòng đua như thế, lắm khi ta trở nên hờ hững và vô cảm với người khác.

Áp lực cuộc sống như khiến cho các cuộc giao tiếp giữa người với người trong xã hội ngày nay, co ngắn lại về thời gian, thiếu chiều sâu và luôn mang sắc thái tự vệ. Vì thế, thật sự quý giá khi ta có thể chậm lại, nói nhau những lời nói tử tế, chân thành và tích cực để xây dựng và nâng đỡ nhau. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đôi khi bản thân chúng ta cũng phải liều lĩnh, chấp nhận khả năng bị khước từ và tổn thương.

Muốn nói lời tích cực, cần có tư duy tích cực. Sự thay đổi này là một tiến trình chậm chạp đòi hỏi nhiều cố gắng liên lũy: xuất phát từ thay đổi ý nghĩ, dẫn đến đổi thay về cảm giác, hành vi và kết quả. Để nói lời tích cực, đòi buộc chúng ta phải có tình thương, lòng bác ái và sự khiêm tốn.

Chúng ta không thể cho người khác cái mà mình không có. Vì thế, việc sử dụng ngôn ngữ tích cực với bản thân, là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong việc tái tạo lòng tự tin và xây dựng nền tảng trong tương quan với anh em đồng loại.

Khi chúng ta nghiêm túc với hạnh phúc của mình và của tha nhân, chắc hẳn chúng ta sẽ phải cân nhắc trước khi nói. Một lời nói đúng lúc có thể làm giảm căng thẳng, đem lại hoà khí. Một lời nói yêu thương có thể có tác dụng chữa lành và đem lại sự bình yên.

Lời nói mà chúng ta sử dụng luôn sàng lọc qua tiềm thức, trở thành một phần của tính cách và bản chất. Để xây dựng con người mang tư duy tích cực, cần có sự kết hợp giáo dục từ trong gia đình, học đường và xã hội. Ngược lại, con người phát triển tích cực là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hoà thuận, xã hội lành mạnh và thế giới tốt đẹp.

Trong tiến trình hội nhập, xã hội ngày nay có nhiều hội đoàn, luật lệ, chương trình, dự án…quan tâm, bảo vệ và đề cao trẻ con. Những đứa trẻ trong các gia đình hoàn chỉnh mà còn cần được “giao tiếp bằng ngôn ngữ tích cực” để định hình và phát triển nhân cách. Tôi băn khoăn nghĩ đến những đứa trẻ môi côi khi cha mẹ còn sống, những đứa bé mất một trong hai Đấng Sinh Thành, những đứa con của người di dân nghèo khổ, những đứa bé trong viện mồ côi, những đứa trẻ lang thang đường phố......... Tất cả các em nhận được gì từ việc “giao tiếp bằng ngôn ngữ tích cực với trẻ”?
 
Hạt cát